Tìm dư địa cho cải cách thể chế

Thông gửi các bạn đọc để biết về tình trạng kinh tế Việt Nam so với các nước chung quanh và những việc có thể làm để cải thiện tốt hơn. Bài của tác giả Anh Thơ đăng trên báo SGGP 29.08.2015.

-----------------------------------------------------------

Ngày 28/08/2015, tại hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035”, Tổng cục Thống kê cho biết, từ năm 2008, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với các nước trong khu vực còn lớn và có nguy cơ nới rộng. Mặc dù qui mô nền kinh tế liên tục được mở rộng, GDP năm 2014 gấp 29 lần GDP năm 1990, nhưng so với một số nước trong khu vực ASEAN thì qui mô kinh tế nước ta vẫn còn nhỏ. Tại thời điểm 2014,

GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam;
Thái Lan gấp 2 lần;
Malaysia gấp 1,8 lần;
Singapore gấp 1,7 lần,
và Philippines gấp 1,5 lần.
 
GDP bình quân đầu người của nước ta năm 2014 đạt 2.052 USD, gấp 21 lần năm 1990,
nhưng chỉ bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan, 1/5 của Malaysia, và khoảng 1/27 của Singapore.

Điều đáng lo ngại là tuy khoảng cách tương đối về năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam với các nước trong khu vực thời gian qua đã được thu hẹp, nhưng vẫn chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối. Tính ra, với tốc độ hiện nay,

phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp NSLĐ của Philippines,
và phải đến năm 2069 mới bắt kịp NSLĐ của Thái Lan;
trong khi khoảng cách với Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục gia tăng đáng kể (cả về khoảng cách tuyệt đối và tương đối).

Trong khi đó chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam lại có xu hướng tăng dần qua các năm. Đơn cử, mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất có xu hướng tăng, hiệu quả sử dụng năng lượng tương đối thấp so với các nước trong khu vực:

để tạo ra một đồng GDP:
năm 1996 cần 0,07 đồng năng lượng;
năm 2000 cần 0,10 đồng,
năm 2007 cần 0,13 đồng.

Nhìn tổng quát, hiệu quả đầu tư còn thấp, thể hiện ở hệ số đầu tư (ICOR) còn ở mức cao và tăng dần:

-        Giai đoạn 2001-2005 là 4,88
-        Giai đoạn 2006-2010 là 6,96
-        Giai đoạn 2001-2013 là 6,99

Đáng ngạc nhiên là:

ICOR của Việt Nam giai đoạn 2011-2013 còn cao hơn cả Lào (2,59);
Indonesia (4,64); Malaysia (5,40); Philippines (4,10); Trung Quốc (6,40).

Quyết liệt khẳng định “cải cách thể chế để phát triển là mệnh lệnh không thể chần chừ", song TS nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đồng thời chỉ ra những điều “không thể” và “có thể” trong giai đoạn trước mắt. Đơn cử, việc quy định tòa án hoàn toàn độc lập xét xử trong điều kiện cụ thể lúc này là chưa thể, nhưng nâng cao năng lực của tòa án và thẩm phán là việc có thể, ở mức độ nhất định. Thay đổi vai trò của kinh tế nhà nước cũng là việc chưa thể, nhưng thay đổi vai trò của doanh nghiệp nhà nước thì có thể và nếu làm được thì đó là bước tiến lớn. Việc đổi mới vai trò, chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; công cụ và năng lực quản lý của chính phủ, bộ ngành và địa phương cũng là có thể, dù cũng có những hạn chế nhất định. Theo chuyên gia này, cần thu hẹp và giảm mạnh biên chế khu vực nhà nước (bao gồm cả bộ máy hành chính của Đảng, các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội); cắt bỏ các chức năng và nhiệm vụ không còn phù hợp, để giảm gánh nặng chi ngân sách. Thu hẹp chức năng quản lý nhà nước để tập trung vào khắc phục khiếm khuyết thị trường. Ngược lại, tuyệt đối không bố trí vốn đầu tư của nhà nước cho những dự án, công trình chưa cần thiết hoặc có thể huy động được các nguồn vốn khác như bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, nhà thi đấu thể thao.

                                                                           @@@

Anh Thư
Báo Sài Gòn Giải Phóng
Thứ Bảy 29.08.2015

(Trần Thông sưu tầm)