Tường thuật chuyến đi Tour C16 : An Giang - Campuchia (08/2017)

Thông xin gửi các bạn bài tường thuật và hình ảnh về chuyến đi Tour Hè 2017 đến An Giang và Campuchia.

Thân mến,
Trần Thông
BLL Cựu SV C16

TOUR C16 HÈ 2017 : AN GIANG và CAMPUCHIA

Chuyến Tour hè 2017 đi An Giang-Campuchia được lên kế hoạch từ tháng 12/2016, đến tháng 6/2017 mọi việc khởi động bắt đầu, các việc giấy tờ hành chính rồi cũng xong, ai nấy hân hoan chờ ngày lên đường. Tối trước ngày lên đường, một bữa nhậu hội ngộ chào đón mấy ông bạn ở các tỉnh xa về đi Tour đã diễn ra ở Nhà hàng Hội Ngộ, số 08 Lê Ngô Cát, Q3 (ngã tư Điện Biên Phủ quẹo phải). Buổi nhậu trong phòng kín nên náo nhiệt vô cùng, chỉ hơn 1 giờ đồng hồ mà vỏ bia lăn lóc trên bàn, dưới chân. Minh Bamboo (Tam Kỳ) rút đâu trong ba-lô ra một chai rượu tây định khai hỏa nhưng Mười cản lại, nói là “uống vừa phải thôi, để mai còn dậy sớm tham gia Tour”. Câu này có thể coi là câu nói lạ nhất lâu nay, vì Mười có bao giờ “chê” rượu đâu! Chứng tỏ chơi thì chơi nhưng lúc nào cần dừng thì Mười kiểm soát tốt!

Nhờ vậy khoảng 21g thì tan hàng, ai về nhà nấy. Minh (Tam Kỳ) về nhà Thông cũng ở Q3 nghĩ đêm để mai cùng vợ chồng Thông đến điểm hẹn bắt đầu chuyến du ngoạn hấp dẫn…

 
Quang cảnh tiệc ở NH Cánh Buồm (đường Lê Ngô Cát-Q3)

                                                             ***

Điểm hẹn là văn phòng điều hành xe đường dài Sài Gòn-Phnom Penh của Cty Kumho SAMCO, 239 Phạm Ngũ lão Q1, nơi Cao Văn Năm (lớp 06) làm việc. Ban đầu định hẹn ở 279NTP như lâu nay, nhưng nơi này có sân trước (đường NTP) đang được trường Đại học Kinh tế đập bỏ để xây dựng mới nên không làm điểm tập trung được, phải dời đến Phạm Ngũ Lão, hóa ra nơi này cũng rất hay, thứ nhất là có Năm đang điều hành nên rất “ấm cúng”: bạn bè đến có chỗ ngồi lịch sự, lại có cà phê, nước nôi, sinh tố… Năm chiêu đãi đầy đủ; xe máy có thể gởi trong nhà; xe lớn đến đón khách có thể đậu thoải mái vì là “lãnh địa” của Năm!

Hẹn nhau 5g15 sáng có mặt để 5g30 xe chạy, gần như mọi người có mặt đúng giờ, tinh thần tuân thủ thật là cao!, chỉ trừ Ngọc Khoa (lớp 04) nhà tận Bình Dương nên đến trễ chút xíu, và Thanh Mai (lớp 01) nhà ở Lý Chính Thắng-Bà Huyện Thanh Quan (Q3) nhưng ngủ quên, 5g30 nhận được cuộc gọi của Mai nói rằng “Chờ chút nghe, Mai mới thức dậy!!”. Nhưng chỉ gần 15 phút sau là Mai đã có mặt nhờ phi xe taxi VinaSun thần tốc lúc sáng sớm! Nhờ vậy mà đón Mười ở góc Bánh Bao Cả Cần vừa đúng lúc: do hắn cũng...ngủ quên, hẹn 5g45 có mặt ở ngã tư Nguyễn Tri Phương-Hùng Vương để xe chạy ngang đón, thế mà 6g phone Mười thì hắn nói ” tao ở nhà (Q8) đi, mới qua cầu Nguyễn Tri Phương!!”. May mà đêm qua không uống rượu, chứ không thì sáng nay hắn thẳng giấc ở nhà luôn rồi!

                                                                                         @@@

Sáng nay trời đẹp, hoàn toàn khác với dự báo thời tiết nói rằng có nhiều mưa giông gió lốc trên diện rộng toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long! Xe bon nhanh trên đường cao tốc Trung Lương, mọi người dường như cũng chẳng để ý đường sá thế nào, vì mãi mê nói chuyện trêu đùa nhau . Chẳng mấy chốc đã qua hết cao tốc, rẽ phải một đoạn rồi dừng ở quán Kiều Giang cho mọi người xuống ăn sáng. Đây là quán “quen” vì lần nào đi Miền Tây cũng ghé, nhưng phải nói là thức ăn chẳng ngon gì lắm mà giá không rẻ chút nào.

Ăn sáng xong lên đường tiếp tục, xe qua cầu Mỹ Thuận rẽ phải đi hướng Sa Đéc, ghé quán Tám Ri đón Giang (Vĩnh Long). Mấy năm nay bạn này tham gia Tour Hè C16 liên tục, từ Tây Nguyên năm 2015, Nha Trang năm 2016 và kỳ này An Giang-Campuchia 2017, trong năm dường như thấy Giang đi suốt, khi chỗ này lúc nơi khác; sức khỏe như vậy là…rất khỏe!! Giang vừa lên xe là nghe tiếng nhao nhao “xin chào Tù Trưởng H’Giang”, là nhắc chuyến đi thăm Bản Đôn (Ban Mê Thuột) 2 năm trước!

 
Ở điểm dừng chân gần bến bắc Vàm Cống (Đồng Tháp)
 
 
Mấy ông cũng đứng vô làm tấm hình đầu tiên của chuyến đi.

Xe lên phà Bắc Vàm Cống, phà ngoạm đầy xe và người xong là trôi lững lỡ qua bờ bên kia. Miền Tây đi bao nhiêu lần rồi vậy mà cứ mỗi lần qua sông nhìn đám lục bình trôi trên dòng nước đục phù sa là cứ bồi hồi nhớ những kỷ niệm xa xôi của một thời hoa mộng. Ngày ấy quê em ở vùng thượng nguồn sông Tiền của Đồng Tháp, cũng bềnh bồng sóng nước cùng áo trắng trường quê, đã làm anh ngẩn ngơ viết những vần thơ vụng dại:

            Quê em có dòng sông hiền lắm
            Nước bềnh bồng xuôi chảy giữa bờ cao
            Có con đò mưa nắng thủy chung sao!
            Vẫn đưa em ngày nào đi học
 
            Áo trắng tinh khôi chan hòa trong sắc gió
            Mặt trời lên muôn tia nắng reo cười
            Ánh mặt trời vương hồng trên môi thắm
            Hay môi em hồng thắm ánh mặt trời?
            Ô! Đã có em rực rỡ giữa cuộc đời!
 
            Mơ một ngày về bên quê em đó
            Cho tiếng lòng rộn rã nỗi thân thương
            Ghi kỷ niệm từng bờ lau bụi cỏ
            Làm hành trang mai mốt bước đường trường.

                        (Thơ “Quê em” của Trần Thông – 1982 )

Phà va nhẹ vào bờ kè bên đất An Giang làm dòng miên man chợt tắt để trở về với thực tại. Lấy điện thoại ra gọi Hồng Huyên thì được biết chỉ khoảng 10 phút xe nữa là đến nhà, nhưng đâu có nhanh được, xe phải chờ từng chiếc rời phà mới đến lượt, rồi phải tránh người đi bộ gồng gánh, kẻ đi xe máy chen chân…, hình ảnh nhìn thật vui, nó sinh động hơn nhiều cảnh đường phố vắng lặng chiều đông ở Luân-Đôn hay cảnh nhà hàng sang trọng nhưng lạnh lùng ở Bogota (Colombia) mà mình đã từng trãi qua.

Xe rời phà Vàm Cống, rẽ lên đường Trần Hưng Đạo, con đường khá dài và sung túc của thành phố Long Xuyên, ngang một đoạn có cây xăng, đoán rằng nhà của Lương Văn Dũng (lớp 05) kế bên, Dũng đã an giấc nghìn thu mới tháng trước sau nhiều năm bệnh tật, nhưng chắc là vui vì những ngày còn trên dương gian đã có được tình cảm thân thương của bạn bè C16.

Ít phút sau xe đến trước nhà Hồng Huyên (lớp 01), mọi người xuống thăm nhà và nghĩ chân một chút trước khi đi ăn trưa. Hai căn nhà liền kề nhau, rộng, thoáng, có sân trồng cây cao bóng mát, nội thất không thiếu thứ gì! Quả là tư dinh của “quan chức địa phương”(Ông Xã là Giám Đốc Kho Bạc Tỉnh, Huyên là Phó Giám Đốc Sở Tài Chính Tỉnh-đã nghĩ hưu).

Rời nhà Huyên, xe đưa mọi người đến khách sạn Long Xuyên ăn trưa. Xe vừa dừng đã thấy Phan Ngọc Phước (lớp 04) đứng đón trên lề đường, khuôn mặt xương xương và giọng nói to khỏe không thể nhầm với ai khác. Kể cũng đã tám-chín năm chưa gặp lại Phước kể từ hồi một nhóm C16 đi An Giang-Đồng Tháp thăm lại bạn xưa. Phước vồ vập bắt tay từng người và nói tên từng người, nhưng phải chịu…bí vài người vì mấy chục năm từ hồi ra trường mới gặp lại, làm sao nhớ nỗi! Đó là Minh (Tam Kỳ), Lâm (Tuy Hòa), Trang (Trảng Bom), nhưng bạn nữ thì hắn nhớ hết, không quên ai!!

Buổi ăn trưa sôi nỗi hẳn lên khi Phước mở nắp chai rượu ngoại mà hắn mang lại, nói tếu rằng “các anh đến thăm, tôi phải thân chinh ra tiếp, không có gì hơn, chỉ có chai rượu xoàng đãi các anh lấy tình!”. Biết là hắn nói “xạo” ngoại giao nhưng nghe cũng sướng tai. Thật ra ở đời tình người với nhau là quí nhất, còn vật chất đãi nhau có thì hay mà không có cũng chẳng sao. Cụ Nguyễn Khuyến từng tiếp bạn thân là Ông nghè Dương Khuê “không có gì cả” khi ông nghè ghé thăm nhà, thế mà buổi tiếp bạn “không trầu, không rượu-chỉ có ta với ta” đã trở thành một giai thoại trứ danh cho người sau noi theo:

            Đã bấy lâu nay Bác tới nhà
            Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
            Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá
            Vườn rộng, rào thưa khó đuổi gà
            Cải chửa ra cây, cà mới nụ
            Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
            Đầu trò tiếp khách trầu không có
            Bác đến chơi đây, ta với ta!

            (Thơ “Bạn đến chơi nhà” của Tam Nguyên Yên Đỗ-Nguyễn Khuyến – Khoảng năm 1880)

 

 
Ăn trưa tại Nhà Hàng Khách Sạn Long Xuyên
 
DSC 1000 
Bốn bạn 04C16 lâu lắm mới “đoàn tụ”: Giang (Vĩnh Long)_Vân (Nha Trang)_Phước (Long Xuyên)_Khoa (Bình Dương)

Ăn trưa ở KS Long Xuyên xong đã gần 1g chiều, dù còn dùng dằng “chưa đã” với Phước nhưng phải “dứt áo ra đi” vì chương trình buổi chiều của Nhà Tour còn nhiều tiết mục. Phước bắt tay tiễn từng người lên xe, mặt hắn tươi cười nói “chúc khỏe, hẹn gặp lại”! Xe đi rồi mà bóng hắn vẫn còn vẫy tay theo:

                        Đưa người ta không đưa sang sông
                        Sao nghe có sóng ở trong lòng?
                                    (Thơ Thâm Tâm)

Xe rời TP Long Xuyên trong nắng gắt của đầu chiều, không kịp nhìn lại vài nơi hồi năm 1982 lớp 05 và 06 về trú đóng để đi làm sổ bộ thuế nông nghiệp do Bộ Tài Chính huy động , vì chương trình chiều nay dày đặc: đi thăm Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Tây An cổ tự, Miễu Bà Chúa Xứ.

Từ Long Xuyên đi Núi Cấm khoảng gần 100 cây số, đường tốt tuy hơi chật, mọi người lắc lư một hồi là ngủ hết. Đoán chừng sắp đến huyện Tịnh Biên là Thông cho “quậy” một chút để tỉnh ngủ. Đầu tiên là tặng quà lưu niệm cho người nào có đóng góp tốt cho chuyến đi này, không ai khác hơn, đó là Hồng Huyên, người đã lên chương trình ban đầu, làm việc với Cty Tour, lấy các chi tiết Passport của mọi người, thu tiền qua tài khoản nộp cho bên Tour vv.và vv…

Đến chân Núi Cấm rồi. Hồi đọc chương trình thấy tên núi hơi lạ, nghĩ rằng chắc chốn này nghiêm ngặt lắm đây, nhưng thực tế không phải vậy, phong cảnh chung quanh núi rất đẹp mắt với một màu xanh cây lá bao trùm từ đỉnh núi đến chân các cánh đồng lúa. Một nhà ga cáp treo hiện đại mới xây khoảng vài năm, tầng dưới là nơi bán vé, tầng trên bán đồ lưu niệm đủ loại. Giá vé 150 nghìn đồng / người, nếu so với Bà Nà (Đà Nẵng) thì thấp hơn, nhưng so với thu nhập vùng này là khá đắt.

Cứ 4 hoặc 6 người vào một cabin, cáp treo kéo Cabin chênh chếch đi lên, gió bên ngoài thổi ù ù lọt vào cabin mát như máy lạnh, nhìn xuống cũng hơi sợ vì thấy đường đi quanh co nhỏ dần và chen trong các rừng cây rậm rạp. Hồi tháng 5 năm 2012 đã có tai nạn xảy ra, một tảng đá to trên núi đã lăn xuống bất ngờ đè nát một xe du lịch chở người hành hương làm 6 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Thôi thì số mạng hết!

DSC 02897 
Hồng Huyên nhận quà tặng lưu niệm của trưởng đoàn Tour.
 
DSC02905 
Đường vào Khu Du Lịch Núi Cấm
 
DSC 02896 
Nhà ga cáp treo Núi Cấm khang trang và đẹp mắt.
 
DSC02904 
Cabin đưa khách lên Núi Cấm, bên dưới là đường bộ, có thể đi xe máy hoặc ô tô.

 

Rời nhà ga cáp treo là đã ở trên núi, với độ cao 710m so với mặt nước biển. Không khí dịu mát.
Mọi người dừng chân chụp hình chung rồi đi bộ vào viếng Chùa Vạn Linh, Hồ Thủy Liêm, tượng Phật Di Lặc
 
DSC 02909 
Viếng Chùa Vạn Linh, ai nấy đều cầu nguyện rất thành khẩn, không biết là cầu gì, chắc chắn là cầu cho có nhiều sức khỏe, rồi thêm gì nữa chỉ là thứ yếu!!

DSC 02917 

Nguyên băng lớp 01, rất đẹp, khí thế!
Từ trái sang: Ngọc Anh, Hồng Huyên, Lễ, Hạnh, Thúy Ngọc, Thanh Mai, Cảnh
 
DSC 02919 
Tượng Phật Di Lặc đang được trùng tu, cả đoàn đứng chỗ bậc cầu thang.

Phật Di Lặc còn được gọi là “Phật Cười”. Di Lặc là biểu tượng tuyệt đối của tài lộc và hạnh phúc trong phong thủy. Theo truyền thuyết, niềm vui lớn nhất của vị Bồ Tát này là biến những buồn phiền, giận dữ hay căng thẳng của con người thành hạnh phúc.

DSC 02894 
Trong hình: Bốc thăm may mắn trúng quà đã rơi vào Lê Minh Trang (lớp 11) ở Trảng Bom (Đồng Nai), người luôn tham gia các Tour của C16 mấy năm gần đây.

                                                                                          @@@

Thăm xong Núi Cấm khoảng 4 giờ chiều 25/08/207, các cabin cáp treo lại đưa mọi người hạ sơn, lần xuống luôn luôn cảm thấy nhanh hơn lần lên. Điểm đến thăm kế tiếp là rừng tràm Trà Sư. Trang Web của Cty Du Lịch Thời Đại Việt viết về nơi này như sau:

Rừng tràm Trà Sư, hệ sinh thái rừng tràm ngập nước đẹp nhất Đông Nam Á. Hành trình theo hướng Tịnh Biên đi ngang qua dãy Thất Sơn hùng vĩ ngắm cảnh núi Két và các ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo, đến huyện Nhà Bàng, sau đó vào rừng tràm Trà Sư. Quý khách tham quan hệ sinh thái rừng tràm ngập nước tuyêt đẹp vào buổi sáng theo lộ trình. Quý khách tản bộ 500m từ bãi xe vào đến bến đò, sau đó đi tắc-ráng (xuồng máy) khoảng 10 phút chạy dọc bờ kênh trong rừng tràm rợp mát đến trạm dừng đầu tiên, quý khách chuyển sang đi đò chèo, đây là hành trình thú vị nhất, đò nhẹ nhàng rẽ nước đi vào rừng tràm xanh mướt với khung cảnh tuyệt đẹp. Trên mặt nước phủ đầy một màu xanh lơ của những mảng bèo như những tấm thảm khổng lồ. Trong không khí mát mẻ, xuồng lướt đi nhè nhẹ tạo cảm giác lâng lâng khó tả. Quý khách như gạt bỏ hết những phiền muộn của cuộc sống, tận hưởng cảm giác sảng khoái khi đi giữa thiên nhiên hoang dã tuyệt đẹp.

Quả là những lời “có cánh” bốc tận trời mây! Thật ra rừng tràm Trà Sư đẹp, nhưng kiểu gia công thêm mắm dặm muối như các công ty du lịch thường viết như trên thì rõ ràng là hơi quá!

DSC 02933 
Phong cảnh thanh bình của rừng tràm Trà Sư
 
DSC 02934 
Chụp tấm hình trước khi xuống đò vào rừng
 
DSC 02935 
2 chiếc đò này được bao trọn gói cho đoàn Tour C16
 
DSC 02939 
Những nụ cười hân hoan thưởng thức cảnh đẹp đồng quê
 
DSC 02937 
Chuyển sang đò chèo vào tận chân các cây tràm, đã gần 5 giờ chiều, trời rất mát nên ai nấy đều cảm thấy thư thái.
 
DSC 02941 
Ngũ Long Công Chúa Lớp 01 tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên
 
DSC 02940 
Ngũ Phụng Hoàng Tử đang thưởng thức cảnh đẹp trời, mây, nước.

Thăm xong rừng tràm Trà Sư trời đã chiều, sắp tắt nắng, mọi người lại lên các xe Honda ôm trở ra bãi xe để lên xe lớn về Châu Đốc thăm Tây An cổ tự, Miễu Bà Chúa Xứ, sau đó ăn tối và nghĩ đêm tại Châu Đốc.

Trang Web Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia cho biết vài nét về vùng đất này như sau:

Lãnh thổ Châu Đốc nguyên là đất thuộc nước Chân Lạp, gọi là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp nhường cho chúa Nguyễn, chúa Nguyễn giao cho Nguyễn Cư Trinh vào thành lập đạo Châu Đốc cùng với đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc)

Sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1805, niên hiệu Gia Long thứ 3, đã đặt lại địa giới hành chính Châu Đốc thuộc trấn Hà Tiên, lúc này gọi là Châu Đốc Tân Cương. Năm 1808, Châu Đốc thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thuộc Gia Định thành. Đến 1825, Châu Đốc tách riêng thành Châu Đốc trấn.

Thời Pháp thuộc, Châu Đốc là thủ phủ của tỉnh Châu Đốc, 1 trong 21 tỉnh của Nam Kỳ thuộc Pháp lúc bấy giờ. Thời VNCH, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra quyết định sáp nhập tỉnh Châu Đốc với tỉnh Long Xuyên thành tỉnh An Giang. Sau 30/04/1975, Thị xã Châu Đốc được chính quyền quân quản Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đặt thuộc tỉnh Long Châu Hà, sau đó từ tháng 2/1976 thuộc tỉnh An Giang. Năm 2013 Châu Đốc được nâng lên Thành Phố (loại 2) thuộc tỉnh An Giang”

Châu Đốc là quê của 4 sinh viên C16, đó là Phan Thành Hiệp (Lớp 04), Giang Văn Kịp (Lớp 06), Lý Thanh Đan (lớp 08) và Trần Kiêm Tươi (lớp 11). Chuyến đi này đã gặp lại Đan và Tươi. Hiệp thì đã mất năm 2014. Kịp ở Sài Gòn nhưng ít liên lạc với bạn bè.

Danh lam của Châu Đốc thì có Tây An cổ tự, Miếu Bà Chúa Xứ.

Tây An cổ tự nằm sát bên chân núi Sam, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa hai dòng văn hóa Việt-Chăm, do Tổng Đốc An Hà (An Giang-Hà Tiên) Doãn Uẩn cho xây dựng xong năm 1848. Ngôi cổ tự này còn gắn với sự trụ trì của Đức Phật Thầy Đoàn Văn Huyên thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương xuất phát ở Chợ Mới (An Giang).

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc gần Tây An cổ tự, đây là một di tích (lịch sử, kiến trúc, và tâm linh) quan trọng của tỉnh An Giang và của khu vực. Tương truyền 200 năm trước, tượng Bà được dân chúng phát hiện và cho khiêng xuống từ đỉnh núi Sam bằng 9 cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của Bà theo miệng “cô đồng”, nên người dân đã lập miếu tôn thờ. Miếu được xây năm 1870 bằng hồ ô dước, năm 1962 được tu sửa khang trang bằng đá miểng và lợp ngói âm dương, năm 1965 cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào chánh điện, năm 1972 được tái thiết lớn và hoàn thành năm 1976. Từ năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn Hóa và Tổng Cục Du Lịch Việt Nam công nhận là lễ hội cấp Quốc Gia.

DSC 02951 
Mọi người vào viếng thăm, thắp nhang Tây An cổ tự (Châu Đốc)
 
DSC 02955 
Cả đoàn thành khẩn chiêm bái Bà Chúa Xứ
 
DSC 02956 
Điện Bà Chúa Xứ uy nghi, nghiêm cẩn.

DSC 02957 

Viếng Miếu Bà Chúa Xứ xong cả đoàn đi bộ đến ngã ba trước Tây An cổ tự để chờ xe đến đón về ăn tối.
Đi ngang dãy phố bán đặc sản các loại mắm trông thật hấp dẫn.
 
DSC 02966
Buổi ăn tối khá thịnh soạn tại khách sạn Sunrise Palace (Số 02 Lê Lợi – TP Châu Đốc) với các món đặc sản vùng sông nước miền Tây.
 
DSC 02965 
Gặp lại bạn Trần Kiêm Tươi (Lớp 11) quê ở Châu Đốc. Tươi nguyên công tác tại Cty Thủy Sản An Giang (Agifish), hiện đã nghĩ hưu. Trong hình: Lê Minh Trang vui mừng gặp lại bạn cùng lớp.

Ăn tối ở nhà hàng Runsrise Palace xong, về khách sạn Châu Phố nghĩ, mấy ông nam hẹn nhau ra một quán trước khách sạn nhậu tiếp. Tại đây Lý Thanh Đan (lớp 08) đã đến chơi, Đan nhà ở Châu Đốc, hiện đang làm việc tại Cty Xổ Số Kiến Thiết Tỉnh An Giang (Phó Giám Đốc).

Ngồi gần 2 tiếng đồng hồ, nhậu hết 2 chai rượu tây của Mười và Minh mang theo. Đan cao hứng mời anh em ghé về nhà chơi chút cho biết nhà dù lúc đó đã 10g30 khuya. Mấy ông nhanh chóng leo lên vài chiếc xe đạp lôi, phương tiện vận chuyển thô sơ nhưng thích hợp cho việc ngắm phố phường về khuya.

DSC 0107 
Trang, Phát, Minh trên xe. Ông xe lôi nói “ Mấy ông yên chí, cứ ngồi yên tôi sẽ đưa đến nơi!”
 
DSC 02970 
Đến trước nhà của Đan, mấy ông chụp tiếp tấm hình để chứng tỏ “chưa say”!
 
DSC 02971 
Vào nhà Đan gần 11 giờ khuya, làm tiếp hết chai rượu ngâm đông dược mới chịu về nghĩ lấy sức để sáng mai lên đường qua Campuchia.

                                                                           @@@

Sau một giấc ngủ ngon ở khách sạn Châu Phố (Châu Đốc) mọi người dậy đúng giờ, thu xếp hành lý gọn gàng mang xuống chỗ Tiếp Tân, rồi vào ăn sáng, thấy khá đông người nước ngoài cũng vào ăn sáng như đoàn mình, họ trông có vẻ là dân có tiền, chứ không phải dạng “Tây ba-lô”. Thực đơn ăn sáng tạm được chứ không hấp dẫn lắm, dằn bụng xong là ra xe lên đường qua thăm xứ Chùa Tháp qua ngã cửa khẩu Xà Xía, thuộc Hà Tiên (Tỉnh Kiên Giang).

Đường từ Châu Đốc lên Hà Tiên dài độ 95 cây số, đường nhỏ nhưng tốt nên xe chạy êm làm mọi người gật gù chuẩn bị mơ màng giấc điệp dù chỉ mới 8-9 giờ sáng và cô bé hướng dẫn viên du lịch lữ hành An Giang vẫn đang thuyết minh!! Thông đành khuấy động không khí bằng cách tặng quà lưu niệm. Đoàn thì đông, phải theo tiêu chí nào để quà được tặng cho đúng diện đây?? Chắc cách đầu tiên này không ai “phản đối”!, đó là tặng cho những người bạn của C16 tham gia Tour, nhưng lại đến 5 người tham gia ( 2 người là bạn của Vân-Nha Trang; 3 người là bạn của Lễ-Quy Nhơn)! Vậy thì bốc thăm cho mỗi nhóm thôi. Kết quả may mắn đã thuộc về chị Bé (Nha Trang) và chị Thanh (Quy Nhơn). Mong rằng đây sẽ là lưu niệm đẹp cho các chị trong lần đầu quen biết nhóm cựu SV C16.

DSC02968 
Xe mấy chục chỗ ngồi, rộng rãi thoáng đãng, tha hồ ngủ gật!
 
DSC02973 
Đi ngang cầu qua sông Giang Thành, thấy Thị Xã Hà Tiên, tiếc rằng không ghé thăm được vì không có trong chương trình Tour
 
DSC02979 
Cửa khẩu qua Campuchia đây rồi. Tranh thủ làm một tấm hình lưu luyến đất Việt Nam!
 
DSC02987
Qua đồn kiểm soát cửa khẩu bên đất Campuchia, trong lúc chờ đóng dấu Passport nhập cảnh tranh thủ chụp hình lưu niệm với các ngôi nhà có kiến trúc đặc trưng văn hóa Phật giáo Ấn Độ của Campuchia.

Sau ngôi nhà mái ngói đỏ có thể thấy ngôi nhà cao tầng có chữ Hà Tiên Casino. Gần như các cửa khẩu lớn giáp Việt Nam đều có sòng bạc, nghe nói dân VN qua chơi bạc rất đông, thắng thì ít mà tán gia bại sản thì nhiều, thế mà người ta vẫn lao vào!

Kiểm tra Passport xong, mọi người lên xe. Lúc này đã có thêm một HDV Du Lịch người Campuchia là anh Oanh Na, đối tác của Cty Du Lịch Lữ Hành An Giang. Na nói tiếng Việt khá sõi, phong cách lễ phép và thuyết minh khá “hữu nghị” khi nhắc đến mối quan hệ VN-CPC. Xe chạy một đoạn đến chỗ đổi tiền, 1 Riel đổi khoảng 5.7 đồng VN, nhưng Na nói rằng không cần đổi nhiều tiền Riel, vì tại Phnom Penh xài tiền đồng VN khá thoải mái!

Na thuyết minh thêm: đất nước Campuchia rộng lớn mà dân số ít (do bị giết hơn 3 triệu người dưới thời Khmer Đỏ những năm 1975-1979). Nói đến Khmer Đỏ bổng giật mình, không thể tưởng tượng nổi một chế độ diệt chủng dã man như vậy. Trong hơn 4 năm chúng đã giết hại rất nhiều người vô tội, chỉ là để xóa bỏ các “tàn dư xấu xa “ của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội với một thế hệ người “trong sạch” hoàn toàn.

Một học giả Trung Quốc viết (Tháng 03/2008) về nạn diệt chủng của Khmer Đỏ như sau:

"Điểm khác biệt với các cuộc đại tàn sát khác trong thế kỷ 20 là cuộc đại tàn sát của Khmer Đỏ không phải để giải quyết xung đột chủng tộc, bộ lạc hay tôn giáo, mà là nhằm triệt để tái cơ cấu xã hội sau khi đã hấp thụ các kinh nghiệm của phong trào cộng sản quốc tế. Họ có ý định ngay khi cách mạng vừa mới thắng lợi, bèn chỉ một lần hành động là giải quyết xong tuốt tất cả các vấn đề hiện thực nảy sinh, để xây dựng một xã hội XHCN thuần túy hơn Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam.

Việc tìm hiểu lịch sử nắm chính quyền hơn 4 năm của Khmer Đỏ là sự thách thức đối với lý trí của nhân loại. Đó không phải là nói có khó khăn gì về học thuật, mà là nói lý trí loài người có năng lực nhận thức được và giải thích được hay không hiện tượng đẫm máu và phi lý chưa từng có ấy, phải chăng nó vượt quá giới hạn cực độ của lý trí nhân loại nhận thức lịch sử của mình? Chúng ta có lý luận chủ nghĩa chủng tộc để cơ bản giải thích chính sách diệt chủng của bọn Đức Quốc xã Hitler, song chúng ta có lý luận nào để giải thích vừa ý một chính quyền trong 4 năm ngắn ngủi đóng cửa đất nước mình, phát minh ra lắm tội danh không hề có, dùng thủ đoạn bạo lực nguyên thủy nhất để tiêu diệt một phần mấy dân tộc mình?"

[ Nguyễn Hải Hoành biên dịch và ghi chú | Bản gốc tiếng Trung: 以革命的名义:红色高棉大屠杀揭秘, 20080304 网 ]

Nhớ hồi C16 đi trồng mì trên nông trường Bời Lời (Trảng Bàng-Tây Ninh), đêm đêm vẫn còn nghe tiếng súng đạn biên giới ầm ì dội về. Ngày 7/1/1979 Phnom Pênh được giải phóng bởi quân đội của Mặt Trận Đoàn Kết Dân Tộc Cứu Nước Campuchia do QĐNDVN giúp sức, đêm hôm đó C16 vẫn còn đang ở nông trường Bời Lời, anh Tân (Lớp trưởng lớp 12) vốn là một bộ đội đã rất vui mừng cầm tờ báo có đăng tin giải phóng Campuchia đến từng căn lán trại báo cho mọi người biết.

Lịch sử đau thương đã lùi vào dĩ vãng, mong rằng chuyện buồn không tái diễn nữa để đất nước Campuchia vươn lên phát triển trong thanh bình và hữu nghị với láng giềng Việt Nam.

                                                            @@@

Qua biên giới Hà Tiên vài chục cây số là đến địa phận Thành Phố Kep của Campuchia. Thành phố nhỏ nhắn, hiền hòa với nhà cửa thưa thớt, không thấy nhà cao tầng, đó đây thỉnh thoảng vài biệt thự mái ngói đỏ kiểu Pháp ẩn hiện trong những tán cây, chắc là để lại từ xưa chứ không phải mới xây dựng.

Kep, nghĩa đen là “yên ngựa”, là tỉnh nhỏ nhất của Campuchia, diện tích chỉ 336 km2, dân số hơn 40 nghìn người. Kep cùng với Pailin, SihanoukVille, Tbong Khmum là những tỉnh mới nhất của Campuchia thành lập theo Sắc lệnh của Hoàng Gia năm 2008. Kep có một thời là nơi nghĩ mát miền biển của Campuchia nhưng sau đã suy tàn vì thiếu tu sửa.

DSC02998 
Dọc con đường nhỏ của Kep thấy các bảng cổ động cho Đảng Nhân Dân Campuchia của Thủ Tướng Hunsen
 
DSC03000 
Trên bờ biển Kep, sau lưng là biểu tượng con cua, đặc sản ngon và là nguồn kinh tết đáng kể của vùng này.
 
DSC03009 
Dễ gì mà Thúy Ngọc_Thanh Mai_Hồng Huyên_Hạnh được đứng cạnh nhau duyên dáng như thế này.
 
DSC03017 
Ăn trưa tại nhà hàng Ta Eou, trên đường Riverfront, huyện Teuk Chhou, tỉnh Kampot. Các món cũng gần giống như bên VN. Riêng món tôm luộc là ngon nhất.

Ăn trưa xong, khoảng 1 giờ chiều lên xe leo đèo lên núi Bokor.

Núi Bokor (người Việt gọi là Núi Tà Lơn) cách thị xã Kampot khoảng 10 cây số về hướng Tây Nam. Dãy núi này có đỉnh cao nhất là 1080m so với mặt nước biển. Theo những dấu tích còn lại thì hàng triệu năm trước có thể núi Bokor nắm sâu dưới đáy biển, rồi vì một tác động địa chấn nào nó khiến nó vươn mình ra khỏi biển như ngày nay. Bằng chứng là trên đỉnh núi có vô số khối đá bị nước biển ăn mòn, và cát ở đó cũng thật trắng mịn.

Bắt đầu từ năm 1917, người Pháp đã xây dựng ở đây các công trình như nhà thờ, chùa chiền, nhà nghĩ, sòng bạc… mà ngày nay phần lớn đã trở thành hoang phế. Đối với một số người Việt và người Khmer thì đây là ngọn núi thiêng, gắn liền với rất nhiều truyền thuyết, huyền thoại. Tượng nữ thần Ya Mao (người Việt gọi là Dì Mâu), tượng Ông Địa, chùa Năm Thuyền (Wat Sampo Pram)… đều là những nơi được được đông đảo người Khmer đến cúng bái. Ở thế kỷ 19-20, một số người Việt đã chọn núi Bokor làm nơi tu luyện, trong số đó có Ông Nguyễn Thành Đa (Cử Đa), Đức Huỳnh Phú Sổ (Giáo chủ đạo Hòa Hảo), Ông Ngô Văn Chiêu (khai sáng đạo Cao Đài)

Xe dừng ở chân đồi có tượng Bà Mao khoảng 30 phút cho mọi người thăm viếng, chụp hình

DSC03031 
Ở chân tượng Bà Mao, bên cạnh các tượng mô hình người Campuchia, có các tượng linh vật tượng trưng cho các năm (Ngọ/Mùi/Thân/Dậu/Tuất/Hợi)
 
DSC03027 
Không khí mát mẻ, trong lành, các chị nhanh chóng chớp những tấm ảnh đầu tiên. Đằng sau có tượng Bà linh thiêng, sẽ phò hộ cho các chị được mọi điều toại nguyện.

DSC03033 

Các anh tươi cười đội những chiếc mũ của Cty Du Lịch Lữ Hành An Giang.
Vệt xanh mờ đằng sau là đảo Phú Quốc của VN, chỉ cách bờ biển Campuchia chừng 10 hải lý

DSC03034 

Các tảng đá tự nhiên cạnh tượng Bà Mao khá đẹp, là nền cho các tấm ảnh của du khách.
Trong ảnh: 3 trái tim bằng tay rất đáng yêu!

Thăm xong tượng Bà Mao xe đưa mọi người lên đỉnh núi tham quan sòng bạc Thansur. HDV Du Lịch Oanh Na cho biết, người giàu nhất Campuchia là ông Sáu Cò (Quê Hồng Ngự -VN) đã đầu tư vào Thansur Casino này đây. Ông Sáu Cò được phong tước Oknha (Công tước), tên Campuchia là Sok Kun, Nghị sĩ Thượng viện Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Campuchia, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sokimex.

Trên cao nguyên Bokor, Ông Sáu đã cho xây dựng một khu resort 5 sao với khách sạn, casino, nhà hàng tiệc cưới…đồng thời phục chế các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc còn để lại. Không chỉ thế, Oknha Sok Kun còn có tham vọng xây dựng Bokor thành một thành phố du lịch kiểu như Đà Lạt với một Trung tâm hội nghị quốc gia và 3000 căn biệt thự. Điều này đã được quy hoạch trong dự án lâu dài và quy mô nhất của người giàu nhất Vương quốc Campuchia hiện nay. Ngoài ra, Sok Kun còn đang thực hiện dự án khách sạn 5 sao ở vị trí đắc địa nhất tại trung tâm thủ đô Phnom Penh: quảng trường sông 4 mặt, đối diện khu Hoàng cung.

Ông Sáu Cò sinh ra trong một gia đình Việt kiều Campuchia hồi hương về Việt Nam trước năm 1975, Sau khi đất nước Campuchia chìm trong họa diệt chủng do Pol Pot-Ieng Sary gây ra, Sáu Cò tham gia quân tình nguyện Việt Nam qua giúp Campuchia hồi sinh. Sau chiến tranh, Sáu Cò sang Campuchia lập nghiệp với số vốn ban đầu chỉ có một chỉ rưỡi vàng. Cần cù, chí thú làm ăn, Sáu Cò làm đủ thứ việc từ nhỏ đến lớn, từ mua hóa chất về làm cao su, chế biến sản phẩm cao su, buôn bán quần áo, mua bán xăng lẻ đến nhà nhập khẩu kinh doanh xăng dầu chủ lực của đất nước Campuchia với trên 1000 cây xăng khắp cả nước…

Đặc biệt, với 2 quốc tịch, Sok Kun còn hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Sok Kun nói: tôi từng trãi qua thời gian rất nghèo nên tôi rất thương người nghèo. Thế giới này tôi đi nhiều lắm nhưng chẳng đâu bằng ở Việt Nam và Campuchia. Tôi là người Việt Nam. Tôi vinh dự về điều đó

DSC03035 
Mặt tiền của Thansur Casino
 
DSC03048 
Sau khi lên lầu 2 vào chỗ chơi bài bạc xem thấy vắng vẻ khách, lại thêm không biết chơi và cũng…sợ thua, anh em đi xuống dưới lầu nghĩ ngơi.
 
DSC03050 
Trang và Phát cũng quyết định không thử vận may đỏ đen, chỉ tham quan cho biết sòng bài thế nào.
 
DSC03058 
Giữa đánh bạc và chụp hình các chị luôn chọn “chụp hình” vì không có rủi ro…cháy túi!
 
DSC03061 
Xe này để chở khách bài bạc. Mình không đánh vẫn có quyền leo lên ngồi chứ!
 
DSC03069
Rời Thansur Casino, mọi người lên xe đến thăm Chùa 5 Thuyền gần đó. Ngôi chùa này do vua Monivong xây dựng vào năm 1924 để vua có thể đến đây lễ bái, cầu nguyện mỗi khi lên Bokor. Chùa không lớn, nhưng khuôn viên chùa khá đẹp, đặc biệt là 5 tảng đá lớn có hình dạnh như chiếc thuyền.
 
DSC03070 
Dấu vết lượn sóng trên 5 tảng đá này cho thấy đỉnh núi Bokor hàng triệu năm trước là ở dưới đáy biển!
 
DSC03071 
Người Campuchia hiền hòa, chuộng đạo Phật nên hình ảnh các vị sư rất dễ thấy ở khắp nơi cũng như ở trên núi Bokor này
 
DSC03080 
Trước lúc rời chùa 5 Thuyền, Giang và Khoa dang tay đo thử chiều rộng của chiếc cầu dẫn lên chùa!

Thế là thăm xong Núi Bokor! Trong chương trình Tour ghi là còn xem thác nước Popokvil và nhà thờ công giáo cũ nữa, nhưng do thời gian đã hết mà đường vào mấy chỗ đó khá xa nên đành hủy.

Xe đưa đoàn xuống núi qua những đoạn đèo hẹp trong buổi chiều đầy mây vì sắp mưa. Xuống đến thị xã Kampot lúc hơn 3g30, xe dừng ở một quán café cóc bên đường cho mọi người giải lao. Ly café ở đây giá cũng ngang ngang bên VN (khoảng 15 nghìn đ), chất lượng cũng tàm tạm, cậu phục vụ nói tiếng Việt khá tốt, hình như giao lưu hai dòng máu Miên-Việt khá phổ biến, cũng có thể do người Việt mình lưu lạc qua Campuchia sinh sống khá đông, nhất là vùng Biển Hồ, nơi bà con Việt kiều sống rất nghèo khổ.

DSC03015 
Một góc phố của Thị xã Kampot

Xe rời Kampot lên đường đi Phnom Penh lúc hơn 4g chiều, dường dài gần 150 cây số, kế hoạch là 19g ăn tối tại Phnom Penh để sau đó đi tham quan Casino Nagar và đảo Kim Cương.

DSC03081 
Ở ngoại ô thị xã Kampot có vài ngôi nhà kiến trúc mới, phần nhiều là khách sạn.
Trong hình: Kampot View Boutique Hotel vuông vức, xinh xắn.
 
DSC03084 
Chợ búa trông giống bên VN, cũng buôn bán trên lề đường, chiếm lòng đường
 
DSC03090 
Cánh đồng này ở đoạn nữa đường Kampot-Phnom Penh, với những cây thốt nốt vươn cao. Thốt nốt là một tài sản quí vì hái ra tiền, cha mẹ mất đi không cần để lại gì nhiều, chỉ cần chia cho con cái mỗi đứa dăm ba cây thốt nốt là họ mừng lắm rồi
DSC03097 
Trên đường về Phnom Penh, 3 quà lưu niệm đã được Thông tặng cho Phương Thị Hạnh (Sóc Trăng), Phan Thúy Ngọc (Sài Gòn) và Nguyễn Văn Lễ (Quy Nhơn) để động viên những người lần đầu tiên tham gia Tour C16.

DSC03094 

Đây là 5 anh từ Sài Gòn qua Nam Vang trên xe bus của hãng Kumho Samco nơi Năm đang làm việc ( Do các anh bận công việc gia đình không đi cùng nhóm Tour “chính chủ” từ ngày đầu được).
Trong hình: 5 anh (Năm/Chu/Nhỏ/Thái/Thanh) đứng trước khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)

Đoàn Tour từ Kampot về đến Phnom Penh lúc khoảng 20g, do đường từ ngoại ô vào thủ đô kẹt xe khủng khiếp, đường nhỏ mà chứa cơ man nào là xe cộ, đa phần là xe ô tô (vì giá chỉ 7-8 nghìn USD 1 chiếc chạy được!).

 

DSC03095
Trong ảnh: 2 nhóm gặp nhau tại nhà hàng nơi ăn tối

Ăn tối xong xe đưa mọi người đến thăm Naga World Casino, sòng bạc lớn nhất Campuchia. Naga tiếng Campuchia có nghĩa là rồng, loài vật thiêng liêng được tôn kính nhất.

 

DSC0396.jpg
Dọc bờ sông Mekong, NagaWorld Casino sáng đèn như ban ngày. Đó là một tòa nhà 13 tầng, chia ra 4 khu vực tổ hợp sòng bài, khách sạn, nhà hàng. Quang cảnh phía tiền sảnh của sòng bài rất hoành trang với vòi nước phun cao trong ánh điện nhiều màu sắc, người xe ra vào tấp nập như nêm.
 
DSC0397.jpg 
Những máy đánh bạc sáng loáng trên nền gạch sạch bóng, hàng trăm bàn chơi với những cô gái chia bài xinh đẹp và hiếu khách.
 
DSC0398.jpg 
Trong tòa nhà này những vệ sĩ cao to trong bộ veston đen, tay lăm lăm bộ đàm sẽ là hình ảnh mà bạn sẽ thấy khi đến NagaWorld, khiến bạn e dè, nhưng thật ra họ rất lịch sự và thân thiện.

Đoàn Tour C16 xuống xe vào thăm chơi, thấy khách đánh bạc đủ mọi lứa tuổi, nước ngoài có, bản địa có, nhưng cốt yếu nhất vẫn là người Hoa và người Việt.
Ở bàn BlackJack (Xì lát) thấy một cô gái làm nhân viên chia bài, ai chơi phải đổi tiền ra thành phỉnh, mỗi phỉnh trị giá 20 USD, mỗi cửa đặt tối thiểu một phỉnh. Bài Xì-lát ở đây chơi theo kiểu quốc tế, không tính “xì bàn”, không tính “ngũ linh” như kiểu chơi ở Việt Nam. “Nhà con” chỉ cần đủ 12 điểm thì đã xem là “đủ tuổi” (không kéo thêm nữa vẫn được), nhưng “nhà cái” bắt buộc phải 17 điểm trở lên mới được quyền khui bài của những “nhà con”

Ông bà dạy rằng “ Cờ bạc là bác thằng bần. Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm” cho nên hầu như ai có máu đỏ đen mê muội sòng bài là y như rằng chỉ còn cái quần xà lỏn ra về!

DSC03099 
Các chị tìm đâu ra mấy cô người mẫu xinh đẹp, cao ráo chụp được tấm hình kỷ niệm hiếm có!
 
DSC03100 
Còn đây là các đầu bếp to béo nhờ mặc áo rộng thình thổi hơi vô.
 
DSC03108 
Hai chị bạn của Vân (Nha Trang) ngồi trên ngai vàng làm vua vài phút! Đây là nơi các con bạc cháy túi thả người cho quên đi tương lai xám xịt đang chờ.
 
DSC03109 
Thăm NagaWorld Casino xong cả đoàn lên xe dạo một vòng qua đảo Kim Cương ngắm phố phường nhấp nhánh ánh đèn.

Cách đây hơn 7 năm, ngày 22/11/2010, một sự cố náo loạn trong Lễ hội nước Khmer đã dẫn đến một thảm họa giẫm đạp trên chiếc cầu qua đảo này làm 347 người thiệt mạng và 755 người bị thương. Nguyên nhân do có quá nhiều người trên cầu cố xô lấn nhau để thoát ra do sợ cầu sập vì rung lắc và một số người bị điện giật. Quả là các nước chậm phát triển thường hay phải trả giá rất đắt bằng các tai nạn chết nhiều người cho những sự cố phát sinh từ ý thức an toàn kém.

Xe trở về khách sạn Orussey đã gần 21g. Mấy ông nam vẫn sung sức nên hẹn nhau nửa tiếng nữa xuống chổ Tiếp Tân kéo ra quán nhậu tiếp. Cuối cùng chỉ mình Thông xuống, đi rảo hai đầu đường trước khách sạn dõi mắt tìm nhưng có thấy ông nào đâu. Thôi thì mấy ổng ngủ hết để mai còn đi đường dài về VN cũng tốt.

                                                            @@@

Đêm thứ hai và cũng là đêm chót ở đất Campuchia trôi qua êm đềm trong giấc ngủ ngon. 6g sáng là đã có người lục đục dậy rồi, gần 7g là ai nấy đã có mặt ở nhà ăn để ăn sáng. Món ăn cũng tàm tạm, ngồi ở bàn gần cửa kính nhìn ra ngoài thấy phố này nhỏ hẹp, hệt như một phố người Hoa ở Chợ Lớn, khách sạn ba sao (không quá bình dân) nên khách Tây khá khá ra vô đông đúc, xe lớn xe nhỏ đậu chen nhau càng làm cho cửa ra vào dường như nhỏ lại.

Mọi người làm thủ tục trả phòng, không phải đưa đồng nào ra vì tour trọn gói, mọi thứ đã tính hết vô rồi. Vậy cũng tiện, khỏi phải chi ra rồi ghi chép, về nhà tính thừa thiếu chuyển tới chuyển lui cho từng người như mấy kỳ đi chơi các năm trước. Mọi người chất hết hành lý lên xe để sáng nay tham quan vài chỗ nữa là lên đường quay về VN một mạch luôn.

Đầu tiên là ra quảng trường lớn chụp ảnh kỷ niệm. Đường phố ở khu vực này trông tựa như ở đường Nguyễn Huệ ở TPHCM, ngắn hơn nhưng rộng hơn. Ngắn hơn nhưng sức hấp dẫn du khách không hề thua kém, vì có các ngọn tháp đẹp màu tím thẩm, như Đài Độc Lập, nằm ở giao lộ của Phố 268 và đại lộ Norodom Sihanouk. Trong những đại lễ cấp quốc gia, đây là tâm điểm các sinh hoạt mang tính nghi lễ. Quốc Vương Campuchia thường ngự giá đến đây vào những ngày đại lễ để đọc diễn văn và cử hành những nghi lễ quan trọng khác.

DuongVaoQuangTruongHoangGia 
Quảng Trường Hoàng Gia thanh bình với đông đúc người dân đến tham quan
 
DSC03120 
Thanh Mai_Hạnh_Thúy Ngọc_Kim Khoa
 
DSC03126 
Toàn đoàn trước Tháp Vàng, Quảng Trường Đài Độc Lập

DSC03128 

Thái_Thanh_Chu_Nhỏ_Năm
5 người qua Phnom Penh sau 1 ngày so với cả đoàn, đi bằng xe của Hãng Kumho_Samco, nơi Năm làm việc.
 
DSC03130 
Quảng trường Đài Độc Lập

Thăm xong Đài Độc Lập, đoàn lên xe đến viếng Hoàng Cung, là một quần thể kiến trúc do người Pháp xây dựng từ những năm 1886, rất may mắn là nó vẫn còn nguyên vẹn trong thời Khmer Đỏ nắm chính quyền tháng 4 năm 1975. Hoàng Cung chia làm 2 phần: Dinh Ngai Vàng, nơi đặt ngai vàng kiểu Pháp, sau nó là cây lọng 9 tầng tượng trưng cho thiên giới. Ngôi nhà này chỉ dùng cho sự kiện nhà Vua (Quốc Vương) lên ngôi hoặc tiếp kiến các vị sứ thần. Còn ngôi nhà nhỏ hơn, nằm ở bên tay phải nhìn từ cổng vào là nhà ở của Vua. Nếu Vua có trong nhà thì một lá cờ riêng của ngài sẽ được treo lên. Quốc Vương hiện nay là Norodom Sihamoni, độc thân, 66 tuổi (sinh năm 1951), là con của cựu Quốc Vương Norodom Sihanouk.

Mọi người trêu Thanh Mai là nên vào gặp Quốc Vương đi, biết đâu lọt mắt xanh của Ngài thì sẽ trở thành Hoàng Hậu Campuchia! Nhưng Thanh Mai chê, nói rằng “ổng già quá”. Trời ơi, người ta ngon cơm như zậy mà chê!

sihamoni 
Quốc Vương Norodom Sihamoni, lên ngôi năm 2004.
 
DSC03135 
Toàn đoàn trước Hoàng Cung. Một tấm ảnh đẹp!

Rời Hoàng Cung, qua một cổng nhỏ bên trái sẽ gặp ngôi chùa đẹp cả về kiến trúc lẫn về nghệ thuật, tên là “Chùa Vàng” hay cũng gọi là “Chùa Bạc”. Đây là nơi nhà Vua và quan viên triều thần tổ chức những lễ nghi Phật giáo nên chùa không có sư trụ trì. Nền chùa lát bằng 5239 tấm bạc, mỗi tấm nặng 1.25kg, nên khách Tây gọi là “Chùa Bạc”, trong khi khách châu Á lại thích gọi “Chùa Vàng” do có một trượng Phật bằng vàng ròng có kích thước lớn như người thật, được vua Preah Sisowath cho đúc năm 1904, nặng 90 kg, gắn 2086 viên kim cương.

Phía sau chánh điện là khu tháp mộ của quốc vương Norodom Suramarit và hoàng hậu, được xây dựng trong những năm 1955-1960, và khu lăng mộ của quốc vương Norodom Sihanouk, được hoàn thành năm 2004 khi quốc vương băng hà.

ChuaVangChuaBac 
Chùa Vàng_Chùa Bạc
 
VoiTrangcuaNhaVua
Tượng voi trắng của nhà vua, có cả thang lên voi của vua.
DSC03153
HDV Du lịch Oanh Na (người Campuchia) pha trò làm chuyến đi luôn vui nhộn.
 
DSC03162 
Lăng mộ của cựu Quốc Vương Norodom Sihanouk
 
DSC03164 
Đường đi ra khỏi khu tham quan, thấy một bản đồ lớn vẽ Empire Khmer (Đế Quốc Khmer).

Đế Quốc Khmer hay Đế Quốc Angkor tồn tại trãi dài trên một lãnh thổ rộng lớn ở Đông Nam Á (gồm cả Lào, Thái Lan, nam Việt Nam) từ năm 802 đến 1401, hơn 600 năm cường thịnh để rồi biến mất đột ngột. Tạp chí nghiên cứu Livescience khẳng định đây là một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Trong nhiều thập kỷ, giới sử học đã đưa ra vô số lời giải thích về sự diệt vong của Đế Quốc Khmer, một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân là các cuộc xung đột với các quốc gia khác, nhiều chuyên gia khác khẳng định đế chế này bị sụp đổ do đất đai thoái hóa, nhưng một chuyên gia về khí hậu của Đại học Columbia (Mỹ) đã tìm ra bằng chứng đáng tin cậy về việc Đế quốc Khmer suy vong do thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong đợt hạn hán khủng khiếp kéo dài hơn 30 năm (từ 1330 đến 1360), tiếp theo đó là đợt hạn thứ hai kéo dài 20 năm (từ 1400 đến 1420), rồi sau đó mất nước do quân Xiêm (Thái Lan) đánh năm 1431.

Thăm xong Hoàng Cùng, Chùa Vàng Chùa Bạc chỉ mới ngoài 9g sáng, cả đoàn lên xe đến Chợ Thum Thmei (Chợ Mới) thăm viếng, mua sắm chút đỉnh. Đây là chợ mới được tu bổ tôn tạo 5-6 năm nay từ nguồn viện trợ của Pháp. Đồ đạc hàng hóa bán khá đa dạng, nhưng nhìn chung cũng giống giống các chợ bên VN, cũng hoa quả đầu chợ, lối vào thì bày hàng lưu niệm, trong chợ thì đồng hồ, máy tính, mỹ phẩm, giày dép, thượng vàng hạ cám có hết, tiền gì cũng xài, Riel Campuchia, Đồng VN, Nhân Dân Tệ, Đô La Mỹ vv…

Thời gian thăm chợ là 1 tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng mới nữa tiếng mấy ông nam đã trồi đầu ra vì nói là “có gì đâu mà mua!”, đành kéo nhau đi kiếm quán ngồi uống cafê, nhưng đi mãi không thấy quán nào!!

Còn các bà nữ, đến hết 1 tiếng rưỡi rồi, xe đến đón nhưng kiểm lại vẫn còn thiếu vài bà! Càu nhàu một hồi thì mấy bả xuất hiện, cười toe toét vì trên tay một mớ đồ lỉnh kỉnh. Haizza, dường như phụ nữ dính vào chợ búa sóp-pinh là không thể dễ dàng dứt ra!!

DSC03166 
Mặt tiền chợ Thum Thmei xe cộ dập dìu, đôi khi kẹt cứng.
 
DSC03167 
Đồ lưu niệm bày bán dọc lối vào chợ, giá khá mềm, rẻ khoảng gần nữa so với các cửa tiệm.
 
DSC03169 
Bảng Lưu Niệm ghi lại ngôi chợ này được cải tạo làm mới năm 2011 do CP Pháp viện trợ.

Tiết mục cuối cùng trên đất Campuchia là…ăn trưa, để tạm biệt đất nước Chùa Tháp này!

Xe đưa đoàn đến Nhà Hàng SouSou nằm trên đường số 290, được các nhà Tour quảng cáo là nhà hàng lẫu tự chọn lớn nhất Phnom Penh. Trang Web “TripAdvisor” (TưVấnLữ Hành) của Anh cho điểm đến 4.5 với 67% đánh gía "Xuất Sắc", 33% đánh giá "Rất Tốt", không % nào đánh giá “Trung Bình” hay “Tệ” hết! Đủ biết nhà hàng này nổi tiếng cỡ nào!

Kể ra đánh giá không sai lắm. Nhà hàng khá rộng, với một khối lượng thức ăn đồ sộ và đa dạng, dù khách rất đông vẫn đáp ứng đủ, chứ không phải bị “sạch bách” như một số nhà hàng buffet ở VN. Đặc biệt các “nguyên liệu” cho nồi lẫu được đặt trên các đĩa nhỏ, ung dung chạy từ từ qua các bàn ăn, thực khách thích món nào cứ việc lấy đĩa đó cho vào nồi lẫu. Cái vụ này mới đã làm sao, anh Trang , anh Phạm Thái, anh Mười tham gia xử lý nhanh liền, chẳng mấy chốc nồi lẫu hải sản đã sôi lên sung sục, nhận thêm mớ rau nữa , đập thêm mấy quả trứng vịt lộn vô nữa, ôi chao là thập toàn đại bổ! mấy ngày nay di chuyển nhiều và toàn nhậu, nên có chút thực phẩm bổ dưỡng vô nó bừng bừng sức khỏe, ông nào ông nấy ăn uống khí thế cọp vồ rồng múa, rất đã . Thông có vác nữa thùng bia Heineken của Cao Văn Năm tặng vô nhà hàng, định “thanh toán” luôn cho gọn, nhưng nhân viên nhà hàng nói phải đóng tiền mới được uống bia mang vô, cứ 3 USD một lon!! Chỉ nghe qua là nữa thùng bia được nằm yên một góc ngay, không ai dám khui lon nào cả!

Nhìn quanh không thấy mấy bà đâu hết? Tưởng chê thức ăn nhiều tôm cá, thịt thà (sợ mập) ai dè mấy bả cũng đang “tập trung chuyên môn” sau một góc khuất, âm thầm không náo động nhưng vẫn là những nhà nhập khẩu hàng đầu về số lượng và chất lượng!!

 
DSC03174 
Thức ăn chạy ra trên băng chuyền, thực khách chỉ cần với tay ụp vô nồi lẫu là xong!
 
DSC03176 
Thức ăn rất phong phú, chỉ có cái ướp đá chứ không được tươi rói như ở biển miền Trung VN
 
DSC03178 
Giá khá dễ chịu: khoảng 19 Riel, tương đương khoảng 120 nghìn đồng VN cho 1 khách!
 
DSC03183 
Dù có tăng cân chút đỉnh sau buổi ăn trưa thịnh soạn, các Lady (Quý Bà) vẫn chinh phục khuôn hình bằng những vóc dáng chuẩn cùng khuôn mặt vui tươi!

Ăn trưa xong lên xe lúc khoảng 1giờ chiều, tạm biệt Nam Vang, hướng về Tây Ninh! Đường xa khoảng hơn 150 cây số. Trên đường rời thủ đô thấy nhiều cơ quan trụ sở công quyền, nhưng hay một cái là các trụ sở này không to lớn đồ sộ như ở Việt Nam hay Trung Quốc, một phần do Campuchia còn nghèo, phần lớn khác do người ta không có thói quen làm trụ sở “vĩ đại”. Campuchia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, nghiêng nhiều về thần linh huyền bí, Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc với học thuyết Nho Giáo của Khổng Tử, coi vua như con trời (Thiên Tử), coi quan như cha mẹ (Phụ Mẫu), nên vua phải ở trong cung vàng điện ngọc, quan phải ngồi ở chốn “thiên quan trủng tể” mới đáng mặt cho dân kính phục!! Hại thay cho cái lối ứng xử bề trên này.

DSC03184 
Trụ sở của Bưu Điện Campuchia chỉ khiêm tốn thế này thôi
 
DSC03186 
Trụ sở của Bộ Các Vấn Đề Xã Hội, Cựu Chiến Binh và Phục Hồi Chức Năng Trẻ cũng chỉ nhỏ bé khiêm nhường như trong hình
 
DSC03187 
Xe còn trên đất Campuchia, mấy ông Nam ngồi cuối xe phát động phong trào “không say không về” khí thế hừng hực, lôi cuốn sự tham gia của Thúy Ngọc, Thanh Mai, Ngọc Khoa và Giang.
 
DSC03190 
Xe dừng chân ở một Siêu Thị Minni gần Bavet, chủ siêu thị còn khá trẻ nhưng đã là một sĩ quan cấp cao Campuchia, lên tận xe mời bằng được Cao Văn Năm ở lại vài giờ chơi, vì hãng Kumho Samco nơi Năm làm việc hằng ngày có hàng chục chuyến xe qua lại Campuchia-VN, chỉ cần các chuyến xe này xe dừng ở siêu thị mini này là ông chủ vui rồi!
 
DSC03188 
Cổng chào Tỉnh Svay Riêng, còn vài chục cây số nữa là đến cửa khẩu Bavet, bên kia là Mộc bài (Tây Ninh). Bây giờ Say Riêng đẹp và hiền hòa như thế, có ai tưởng tượng được 40 năm trước vùng này là nơi xuất phát của những cuộc tấn công tàn bạo của bọn lính Khmer Đỏ qua biên giới vào vùng đất Bến Cầu (Tây Ninh)?
 
DSC03194 
Cửa khẩu Bavet bên đất Campuchia sừng sửng một tòa nhà lộng lẫy, đó là Sòng Bạc Bavet, nơi lột không biết bao nhiêu tài sản của người VN mê bài bạc.

                                                            @@@

Xe đã qua cửa khẩu Mộc Bài, lăn bánh trên đất Việt Nam, đi đâu cũng mong về nhà, đó là cái cảm giác ai cũng có khi xa quê hương, dù chỉ có 2 ngày! Chỉ 2 ngày mà đi một vòng xa lắc, tận biên giới dưới An Giang qua đất Chùa Tháp, rồi vòng về Nam Vang trở lại Tây Ninh.

Trên xe hồi còn bên đất Campuchia, Trang rỉ tai nói nhỏ Thông: để Trang mời mọi người ăn tối ở Trảng Bàng nhân dịp sinh nhật Trang sớm 1 tuần. Ý kiến hay nên Thông gật đầu ngay. Để giữ “bí mật”, Thông chỉ bàn riêng với 1, 2 người: Lúc xe dừng để kiểm tra nhập cảnh Việt Nam, Thông sẽ cùng vài người ghé cửa hàng miễn thuế Mộc Bài mua món quà gì đó tặng Trang. Nhờ “ảnh hưởng” của Cao Văn Năm khá mạnh, nên Năm đã nhờ được người quen là nhân viên cửa khẩu dắt vài người chạy vô cửa hàng miễn thuế mua vội được vài thứ, chủ yếu là một chai rượu ngoại tặng Trang làm quà sinh nhật.

Buổi ăn tối đặc sản bánh tráng Trảng Bàng cuốn thịt heo và rau rừng đã diễn ra ở một quán ven đường, rất vui nhờ có sinh nhật của Trang làm nền. Chai rượu Chivas 18 của Mười mang đi được khui ra, lần lượt từng người chuyền tay uống chúc mừng ngày vui của Trang. Món ăn dân dã đã ngon, lại còn thêm không khí bạn hiền làm cho buổi dừng chân càng tăng phần hứng khởi, chỉ có ông Mười không còn uống nổi rượu nữa vì đã tận tình hết mức cho cuộc nhậu trên xe dài 150 cây số từ Nam Vang về Việt Nam!

DSC03201 
Trang nói vài lời xúc động trước tình cảm của bạn bè.
 
DSC03202 
Trang mở đầu tour rượu với sự hỗ trợ của Phát (người mặc áo trắng, đang đi đến bàn nữ mời từng người)
 
DSC03203 
Thông thay mặt bạn bè của chuyến đi gửi tặng Trang chai rượu mua ở cửa khẩu Mộc Bài làm qua sinh nhật bạn hiền.
 
image-0-02-06-83b325e9 
Tấm hình chót của chuyến đi: Thông tặng Minh (Tam Kỳ) một quà lưu niệm chuyến Tour An Giang_Campuchia sau khi lấy ý kiến mọi người: nên tặng quà cho ai? Mọi người đều đồng thanh “nên tặng cho Minh, vì hắn là người ở xa nhất, đã không ngại vất vả và …tiền bạc để vô Sài Gòn cùng anh em tham gia chuyến Tour lần đầu tiên ra nước ngoài này!!

                                                              @@@

Xe đưa mọi người về tận nơi xuất phát hôm đi, đó là văn phòng của hãng xe Kumho-Samco, số 139 Phạm Ngũ Lão, Q1. Nhìn đồng hồ đã hơn 20g tối, những cái bắt tay siết chặt tạm biệt nhau cùng những lời thân mến “hẹn gặp lại” đã kết thúc chuyến tour ngắn ngủi này.

Một chuyến đi chơi cùng bạn bè trôi qua nhanh về thời gian nhưng đã thu hoạch nhiều hình ảnh và kỷ niệm đẹp. Hẹn gặp nhau kỳ Tour năm sau, chưa biết đi đâu, nhưng chắc chắn sẽ lại vang lên những tiếng cười vui vẻ.

                                                            #####

Trần Thông tường thuật
Sài Gòn 09/10/2017