Tản mạn ngày xuân - Châu Trân 10C16

Mới đó mà đã 5 năm kể từ hồi đoản văn “tản mạn ngày xuân” của Châu Trân (10C16-Los Angeles -USA) đến với bạn bè C16.

Còn vài giờ nữa là đến Giao Thừa tiễn Bính Thân đi đón Đinh Dậu về, ngồi đọc lại đoản văn này vẫn còn thích, vì câu chuyện Trân kể chính là những thước phim hồi thơ bé của Thông và chắc là cũng của nhiều người khác.

Bạn xưa rượu cũ, người ta nói vậy. Chai rượu này đã 5 năm mà giờ khui lại vẫn rất nồng nàn. Trong thời khắc sắp giao hòa của đất trời, bài của Trân như một vị hương trầm, thoang thoảng mà say đắm.

Xin mời các bạn thưởng thức.

Chúc các bạn cùng gia đình năm mới sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Thân mến,
Trần Thông
-------------------------------------------------------------

TẢN MẠN NGÀY XUÂN

Los Angeles, Jan-20, 2012,

Tết về tháng Chạp khi mùi gừng cháy mẹ ngào thơm ngát căn nhà, là khi chiếc áo mẹ mua cho mới hơn màu áo mới. Tết cũng về cùng với nhành mai vàng chú Gấm mang từ trong quê ra bán, chú đem lộc cho đời và cũng nhờ đó quê nghèo thêm chút bánh mùa xuân.

Tháng Chạp Tết phải về thôi vì nếu không sẽ không còn chi chờ đợi, đời sống sẽ phai màu vì lạc mất mùa xuân. Nhưng Tết về làm chi nơi xứ người lưu lạc khi ban mai băng đá đông cứng trên từng ngọn cỏ và cảnh vật chung quanh im lặng đến vô tình. Tết về làm chi khi hỏi quanh ai cũng đi làm vì thứ hai trúng vào mùng Một, đợi đến Weekend ư - Tết đã đi rồi. Nhưng Tết là chi mà trong ai cứ bồi hồi sợ mất như sợ tàn đi ngọn lửa trong lòng. Tết là chi biết làm sao để nói là chi, chỉ biết khi nó về lòng ta thêm nhớ mẹ và nơi sâu thẩm của tâm hồn dâng lên nhiều cảm tình khôn tả, những ký ức rõ mờ ẩn hiện lộn xộn đan lác lên nhau – thành dấu ái của đời.

2017 01_27_2_LiXi 

Bạn yêu nhất những gì ngày Tết? Khó nói quá phải không và tôi cũng vậy. Bởi Tết là sự kết hợp tinh tường của con người và cảnh vật trong một mốc đặc biệt của thời gian, mọi sự đan quyện trong nhau mầu nhiệm quá, những gì củaTết linh thiêng quá đâu thể tách rời. Trở về ngày thơ xa lắc có những tờ bạc giấy thơm phức lì xì nhét đầy hai túi, ra đầu hẻm bỏ 10 đồng vào chỗ con cua để dĩa xóc xong mở ra thấy ba cua mà trúng tới 30 đồng, tôi đãi thằng Phong bạn tôi xem phim cao bồi Tay Súng Bá Vàng ở rạp hát Chợ Cồn, xong phim hai đứa làm hai tô phở tái mới về. Ngày mùng Một tôi cũng thường đi so giầy với lũ trẻ hàng xóm, có nhiều đồi giầy trông đẹp và đắt tiền hơn nhưng giầy của tụi nó mua ở Chợ Hàn Đà Nẳng còn đôi sandal của tôi là từ chị Hoa tôi mua sold ở chợ Bến Thành Sài Gòn, đôi giầy Sài Gòn của tôi phải là nhất xóm.

2017 01_27_3_LacBauCua 

Những năm Tết ấu thơ thần thoại ấy dần đần qua mau để lớn lên thời đang lớn, nhà bỗng chốc nghèo đi để Tết về không còn mang giầy mới, tôi không tiếc vì mình đã có một thời chỉ tội nghiệp hai đứa em ngày xuân không áo mới. Nhà cũng thưa dần và tôi cũng bắt đầu bên cạnh mẹ tôi dọn dẹp bàn thờ lo cúng kiếng ông bà ngày Tết. Mỗi năm trước giao thừa tôi khiêng bàn ra sân, mẹ tôi chuẩn bị một mâm cơm cúng có con gà trống luộc với xôi chè và một dĩa trái cây. Đúng 12 giờ mẹ đốt nhang cúng vái đất trời, vì nói thầm nên không biết được bà đang cầu nguyện những gì, tôi đoán bà cầu với ông thần năm mới phù hộ gia đình thêm được bằng an.

Cúng giao thừa với mẹ riết rồi tôi trở nên quen với mùi trầm tỏa ra từ chiếc lư hương, khói hương cùng với mùa trầm giữa đêm 30 tĩnh mịch có lẽ góp phần tạo nên tinh thần cho đêm trừ tịch, cho cũ mới giao hòa. Đây là lúc duy nhất của năm tôi thấy mình nghe được thời gian, thấy màu không gian bắt đầu sáng dần từ đêm tối, đếm được sự chuyển dịch của thời khắc, cảm được sự kết thúc và bắt đầu của một năm. Tôi như lạc vào một mê giới thần tiên, thấy mình như hiểu được mùa xuân, và tâm hồn mình đang đắm say cho Tết.

2017 01_27_4_Mamcocunggiaothua_1 

Tết năm nay không có ngày 30 và 29 sẽ là ngày cuối cùng, tôi nhớ Tết năm 1979 cũng như vậy - thiếu mất ngày 30. Năm ấy vé xe khan hiếm quá nên sáng 28 mới lên được chuyến xe đò tốc hành, chuyến xe cuối cùng chở lũ học trò về trung ăn Tết. Tôi ngồi bên thằng Bình Lép để say sưa nghe kể chuyện ngày xuân Điện Bàn quê hắn, Bình cho tôi biết con gái quê rất khoái con trai đi học Sài Gòn và dặn tôi mùng Ba ráng vào, hắn hứa sẽ kiếm sẳn một em cho tôi chở đi ăn chè Vĩnh Điện. Tôi biết Bình nói dóc, nhưng lòng hắn đang rộn ràng trong Tết thì mơ mòng một chút đâu có tội tình chi.

Tôi gõ cửa nhà 3 giờ sáng của ngày cuối năm, cả nhà thức dậy mừng vui vì tưởng tôi không về kịp Tết - lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được ý nghĩa của Xuân Đoàn Tụ cho dù tôi thấy ba chữ ấy đâu đó nhiều lần trên những cánh thiệp xuân. Tôi lại được tiếp tục giúp mẹ tôi dọn bàn ra sân cúng giao thừa và lòng hân hoan đắm chìm trong tình yêu của Tết. Cứ hạnh phúc như vậy mười mấy năm nữa rồi tôi lại đi xa, lần này xa hơn Sài Gòn nên không leo được chuyến xe đò cuối năm mà về quê cho kịp giao thừa. Tôi đã lỡ chuyến xe về nhà đã hai mươi lần và chuyến ngày mai là hai mươi mốt. Tối mai hai vợ chồng tôi cũng dọn bàn ra sân, cũng cúng xôi chè với trời đất như mẹ tôi đã làm. Giao thừa năm nào chúng tôi cũng cúng trong lòng trân trọng, tuy cố gắng rất nhiều nhưng tôi không còn nghe được sự chuyển động của thời gian, tôi không cảm được phút giao thời cũ mới, có lẽ vì thiếu mùi trầm hương hay tại nơi đây đi chậm 15 tiếng đồng hồ . Tôi nghĩ đến chuyện cúng 9 giờ sáng Cali để được trùng giờ với mẹ, nhưng ánh sáng ban ngày sẽ lấy cái thần của đêm trừ tịch cho nên không thể khả thi..

Đành thôi, hình như mùa xuân có lạc mất nơi đây, nhưng tôi sẽ cúng giao thừa với tất cả lòng thành, tôi làm mà nhớ đến mẹ tôi.

                                                                            @@@

Nguyễn Châu Trân
Trước giờ trừ tịch - xuân Nhâm Thìn 2012