Tường trình chuyến đi thăm Quảng Ngãi-Hội An-Đà Nẵng (27-29/07/2012)

Lên kế hoạch hơn 4 tháng trước, họp hành trao đổi góp ý, email và điện thoại ra vô liên tục về chuyến đi thế mà ngày lên đường vẫn rất hồi hộp.

Nhóm đi xe lửa gồm có vợ chồng Thông, vợ chồng Khoắn (lớp 12), vợ chồng Quý Hoàng (lớp 01), Cha con Tùng (lớp 10), Mười (lớp 10), Nga (lớp 10), Phạm Thái (lớp 06), Thái Thanh (lớp 06), Hà (lớp 09); 18g30 tối 26/07 đã có mặt đầy đủ tại Ga Sài Gòn (cuối đường Nguyễn Thông-Q3) với hành lý lỉnh kỉnh; đúng 19g thì tàu chuyển bánh.

Ngồi chưa yên chổ đã nghe Phạm Thái thông báo phải nhậu sớm vì tàu sẽ tắt đèn cho mọi người đi ngủ lúc 21g, nghe biết ngay là tin vịt thế mà cũng hơi hoang mang nên mấy ông nam kéo nhau dồn qua buồng của cha con Tùng. Mồi màng được trưng dụng gồm đủ thứ thập cẩm lai hi (ai có gì góp nấy), nhưng ngon nhất là các khoanh giò lụa cùng jambon của Tùng mang theo. Rượu thì có rượu chuối hột của Phạm Thái pha với Chivas 18 của Mười, sau đó có rượu nho chẳng biết xuất xứ từ đâu nữa. Mới đưa cay được một vòng thì chuyện trò đã bắt đầu sôi nổi (chả trách gì ông bà đã nói "rượu vào lời ra" !), làm cho một anh Tây tên là Steve ở buồng kế bên thấy lạ lân la qua làm quen. Được Quý Hoàng và Thông trao đổi bằng tiếng Anh anh chàng rất thú vị khi hiểu ra các câu chuyện mọi người đang nói, nên từ chổ ngại ngùng đứng ngoài cửa anh chàng đã ực luôn mấy chung rượu được mời, và nhai ngon lành các miếng mồi được chuyển đến. Steve là người Pháp, làm cho một tổ chức tín dụng phi lợi nhuận, được cử đi công tác nhiều nơi trên thế giới. Chuyến đi này là lần đầu tiên Steve đi xe lửa ở Việt Nam, thấy cảnh sinh hoạt vui vẻ của nhóm C16 anh chàng tỏ ra rất thích, vì nó khác xa bản tánh thiên về cá nhân theo kiểu "nhà ai nấy biết" của người phương tây. Trước khi xin phép rất lịch sự là phải trở về buồng của mình do người bạn gái đang chờ, Steve đã vào ngồi chung với nhóm nhậu chụp tấm hình lưu niệm.

IMG 0273_Saigon_Trenxelua_ngoigiualaSteve_NguoibanPhapmoiquen_800x600

Steve trong buồng xe lửa với nhóm C16

Tàn cuộc nhậu mới khoảng 21g30, có người bàn nên lên căng-tin làm tiếp ít chai nữa nhưng quyết định cuối cùng là: về chổ, ngủ lấy sức để mai còn chiến đấu. Quyết định thật là sáng suốt vì ít nhất cũng phù hợp với nguyện vọng của các bà đi cùng, nhưng cũng cho thấy các bác đã bước vào "tuổi lão" rồi, với tuổi này cẩn thận vẫn hơn, "cẩn tắc là vô áy náy" mà!

Tàu phóng nhanh nghiến ken két trên đường ray, nhìn ra ngoài màn đêm kéo theo cây cỏ bụi bờ chạy lũ lượt, chẳng biết đâu là đâu, nằm ráng dỗ giấc ngủ mà không được, lăn qua bên kia nghe lắc lư xình xịch, trở mình bên này nghe cà rịch cà tang, đành giết thì giờ bằng cách xem báo, xem hết báo rồi đã thấy gần 12g khuya, nhắn tin điện thoại di động cho Lâm (lớp 09- ở Tuy Hòa) xem thử Lâm đã lên tàu chưa, nhận được tin nhắn trả lời là tàu lửa đến muộn nên 1g15 sáng mới lên tàu. Có ai mà 12 giờ khuya ra ga một mình, chờ hơn 1 giờ sáng mới lên tàu như Lâm không? Chỉ có tấm lòng thôi thúc mong hội ngộ cùng bạn bè thân ái mới khiến người ta quên hết vất vả để tìm đến nhau mà thôi. Truyện Kiều trong đoạn Thúy Kiều trong đêm băng qua vườn nhà tìm gặp Kim Trọng, có câu " vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa" , vận vào Hoàng Thanh Lâm (lớp 09C16) quả là khá đúng, xin mở ngoặc thêm: "hoa" đây nghĩa bóng là bạn bè C16, mà cũng là Lệ Hoa (lớp 03) đang có mặt trong chuyến đi!

Càng về gần sáng trời càng lạnh, cuối cùng cũng hòa vào giấc điệp mơ mơ màng màng, nghe như thể có bọn người nào rượt đuổi nhau với binh khí va chạm loảng xoảng, được ít lâu mở mắt ra thì trời đã loe loé sáng. Tàu lắc lư một hồi nữa rồi gồng mình xé gió băng lên, nhà cửa đường sá trôi ngược lại ào ạt...,rồi tàu giảm tốc độ lại, khoan thai trườn mình chầm chậm vào một cung đường nhỏ như một con trăn no mồi tìm chổ nghĩ, à thì ra đã đến Ga Diêu Trì (Quy Nhơn), tàu sẽ dừng 15 phút, mọi người tranh thủ xuống mua đồ ăn sáng. Ga này năm rồi cũng là một kỷ niệm khi một nhóm bạn bè C16 đi thăm Bình Định + Phú Yên đã đi xe lửa từ Sài Gòn ra giống như chuyến này, đã xuống đây, được các bạn C16 ở Bình Định ra đón.

Mười mấy phút trôi qua nhanh, tàu lại tiếp tục chuyển bánh lên đường, bỏ lại những tiếng mời chào inh ỏi " cháo gà, bánh mì thịt, bánh mì không, hủ tiếu, trà đá , cà phê đá ...", những âm thanh đôi khi tưởng như khó chịu, nhưng khi thiếu vắng nó người ta bổng thèm, thậm chí có người thao thức nhớ khôn nguôi. Ở đời thiệt cũng lạ, cái sang trọng phú quý thì chóng quên, mà lại nhớ đôi khi đến khắc khoải những cái đơn sơ chân chất, chẳng hạn như tiếng rao " ai ăn chè đậu ván không" giữa trưa hè trong hẻm vắng, hay gần gũi hơn, tiếng lá khô xào xạc bên đường khi hai kẻ đang yêu lần đầu nắm lấy tay nhau , " cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, nghìn năm chưa dễ đã ai quên!".

***

Được biết Lâm đã đến Quảng Ngãi lúc 7giờ sáng bằng tàu lửa địa phương Tuy Hòa-Huế, Trí đã đón Lâm ăn sáng cà phê xong trở lại Ga chờ cả nhóm đi tàu lửa Sài Gòn ra. Tàu của nhóm Sài Gòn đã đến Ga Quảng Ngãi, nhìn đồng hồ thấy 9g45, chậm so với lịch trình 30 phút. Mọi người trên xe lửa lục tục nối đuôi nhau trong khoảng hành lang hẹp của toa tàu để bước ra cửa nhảy xuống bên ngoài, đã thấy Trí và Lâm chờ sẵn tự bao giờ, hai bạn tươi cười bắt tay từng người, Trí có giọng nói đặt sệt quê hương. Hồi học ở 279 NTP Trí có biệt danh là Trí Mẹn, do hồi đó ăn nước mắm lạt của nhà bếp không ngon , Trí đòi phải có "nước mám mẹn" (nước mắm mặn), cho nên chết tên Trí Mẹn cho tới bây giờ! Trí nhỏ con nhưng lanh lợi, mộc mạc mà chí tình, năm vừa rồi nhóm C16 đi thăm Bình Định-Phú Yên dừng chân trạm đầu tiên tại Quy Nhơn, Trí đã lái xe hơi từ Quảng Ngãi vô, đi ngang phi trường Phù Cát ghé đón Nguyễn Văn Mười mới từ Sài Gòn bay ra, cú đón rất "lịch sử" bởi vì không ai biết mặt ai hết, chỉ nhờ điện thoại di động gọi cho nhau mà nhận ra "mày đó hả?". Trận đó Trí tham gia chơi suốt cho đến khuya hơn 12giờ mới tạm biệt chia tay bạn bè, lái xe ngược về Quảng Ngãi trong đêm. Không chí tình ai chơi được như thế?

Mọi người xuống tàu xong chụp với nhau tấm hình trên sân ga, tiếc rằng thiếu mất hàng chữ Ga Quảng Ngãi để làm phụ đề sống.

Cả đoàn lên xe về khách sạn Hùng Vương không xa ga mấy để nhận phòng thì được biết nhóm đi bằng máy bay đã đến sân bay Đà Nẵng đúng 7giờ sáng, đã ăn sáng uống cà phê với Cường (lớp 02) và đang trên đường vô Quảng Ngãi bằng xe. Nhóm đi máy bay có 9 người gồm có vợ chồng Nhỏ (lớp 02) , vợ chồng Bùi Nguyên Khánh (lớp 08), Ngọc Khoa (lớp 04 ở Bình Dương), Sử Văn Minh (lớp 04 ở Vũng Tàu), Tuyết Sương (lớp 03), Lệ Hoa (lớp 03) và Đặng Xuân Cảnh (lớp 01).

Nhận phòng xong mọi người nhanh chóng lên xe hướng về Dung Quất, điểm hẹn gặp nhóm đi máy bay từ Đà Nẵng vô. Xe rời thành phố Quảng Ngãi chầm chậm đi qua cầu Trà Khúc, mùa này nắng nên lòng sông phơi ra những cồn cát đầy cỏ dại, sông chỉ còn một lạch nước nhỏ, cá bống sông Trà chắc là đang chờ mưa để rủ nhau tung tăng trẩy hội. Một góc không xa dòng sông có ngọn núi thấp Thiên Ấn, mà trong cuốn Non nước xứ Quảng của Phạm Trung Việt (xuất bản năm 1971) địa danh này được phong là "Thiên Ấn niêm hà" (Ấn trời đóng lên sông ), cùng với cảnh đẹp "Thiên Bút phê vân" (Bút trời vẽ lên mây). Hóa ra từ ngữ cũng có sức lôi cuốn riêng, nếu phong cảnh các hòn đá lớn nhỏ trãi dài trên triền sông La Hà (huyện Tư Nghĩa) được miêu tả rằng " đá xếp dọc sông La Hà" nghe không có gì hấp dẫn lắm, nhưng nếu được phong thành " La Hà thạch trận" nghe oai hơn, lôi cuốn người ta tìm hiểu hơn. Cũng như vườn nhà họ Bạch không thể so với "Bạch gia trang" vì gia trang gợi lên hình ảnh một toà nhà quí phái, có đèn lồng treo sáng suốt đêm với lính canh tuần rảo; hoặc cha mẹ của cô dâu và bà con hai họ làm sao trịnh trọng bằng "Song thân của cô dâu" và " quan viên hai họ"? Thế nên ngoài đời họ hay thêm thắt chút chữ nghĩa cho cảnh này món kia, âu cũng hay chứ không phải sính ngoại.

Lan man một hồi mà vẫn chưa thấy Dung Quất đâu, trời nắng như đổ lửa, những cánh đồng hai bên đường như co lại chịu đựng. Miền Trung khắc nghiệt quá, gió táp sấm rền trôi hết tài sản trong mùa mưa bão, còn mùa nắng thì những cánh đồng đã nhỏ bé như những chiếc chiếu lại còn khô hạn nứt nẻ. Mấy câu trong bài nhạc của Phạm Duy mô tả miền quê nghèo này nay vẫn còn xúc động mỗi khi nghe lại: "ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày". Phải chăng thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc con người Miền Trung bền chí và nghị lực vươn đến thành công?

Xe cứ bon bon trên quốc lộ 1A hướng ra Tam Kỳ, bổng rẽ phải vào một ngã ba, đi thêm non mười cây số nữa thì đến. Dung Quất nay là một khu công nghiệp chế biến dầu khí, chứ hồi xưa chỉ là một dãi đất hoang vu ven biển, dầu thô được chở từ bên Nga (Siberia) xa xôi qua đây lọc ra thành phẩm rồi xuất bán, nghe nói hiệu quả kinh tế không cao lắm, chỉ là để vực dậy khu vực nghèo khó triền miên của Miền Trung. Mọi người xuống xe, vội vã chụp chung một tấm hình rồi lên xe ngay vì trời nắng quá. Liên lạc với nhóm từ Đà Nẵng vô thì được biết đang...lạc đường. Mọi người quyết định quay về khách sạn Hoàng Mai gần đó. Khách sạn này của Mai Hữu Thức (C17) đầu tư đón đầu khu công nghiệp Dung Quất khoảng 10-12 năm trước. Thức lúc đó bỏ việc ở OSC Vũng Tàu, trở về quê hương vay mượn đổ tiền vào vùng đất khô cằn cháy nắng này. Một cơ ngơi khang trang đã mọc lên với đủ phương tiện nghĩ ngơi giải trí giữa đồng hoang, đã thu hút kỹ sư, công nhân xây dựng Dung Quất và các chuyên gia nước ngoài đến công tác vào ở. Trời đã không phụ lòng người, Thức đã thu hồi vốn xong (đến vài mươi tỷ đồng), nay thì khách đến lai rai không bằng hồi xưa, nhưng cũng có thu nhập. Có trời nhưng cũng có ta, phải nói rằng Thức đã có tầm nhìn xa rất tốt, và có gan làm chuyện lớn.

Nhóm đi xe lửa vô khách sạn của Thức nghĩ ngơi, uống non một hai lon bia thì nhóm đi máy bay vừa đến. Hội ngộ hai nhánh nhỏ như vậy mà nghe vui rồi, huống hồ gì người ta là bà con ruột thịt nhưng xa cách muôn trùng ở hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, được gặp lại bảo sao không nghẹn ngào ôm nhau khóc. Hay như hai nhóm thợ đào hầm qua eo biển Manche từ Anh và từ Pháp, lúc họ gặp nhau trong đường hầm dưới đáy biển, báo chí châu Âu đã hân hoan đăng tít lớn " những cái bắt tay thiên niên kỷ" có lẽ không có gì quá đáng.

Cả đoàn đã được Thức chiêu đãi ăn trưa ngon miệng với thức ăn địa phương như mực con, cá bống, và bia thì uống thoải mái. Lại có mặt Tiến sĩ Lâm (C21), là trưởng một Khoa của trường Đại học Tài chính Kế toán (Quảng Ngãi). Đến khoảng 1 giờ chiều thì buổi ăn đầu tiên trên đất Quảng kết thúc. Thông thay mặt đoàn tặng Thức món quà kỷ niệm, đó là cái chặn giấy bằng Mica trong suốt, có lộng tấm hình "C16 nghĩa tình và gắn kết", chụp hồi đại hội toàn khoá lần II (tháng 12 / 2007) tại trường Cao đẳng Tài chính Hải quan TPHCM.

IMG 0303_Quang_Ngai_An_trua_tai_KS_Hoang_Mai_cua_Thuc_C17_Dung_Quat_800x600

Ăn trưa tại KS Hoàng Mai của Thức (C17)

Cả đoàn lên xe về lại Quảng Ngãi, ghé thăm trường Đại học Tài chính Kế toán. Cách đây 3 năm trừơng vẫn còn mang tên Cao đẳng Tài chính Kế toán 3, nhờ sự vận động tốt của Ban Giám Hiệu, trường đã được nâng cấp lên Đại học, đặc biệt vẫn còn giữ được cái tên truyền thống "Tài chính Kế toán", có thể nói hiện nay là trường đại học mang tên tài chính kế toán duy nhất trên cả nước. Mấy chữ "tài chính kế toán" đã gợi nhớ một thời học hành trong gian khó năm xưa của C16, cho nên ghé thăm trường cũng là để tìm về kỷ niệm, dù kỷ niệm này có phần gán ghép, nhưng có còn hơn không! Thế mới nói cái gì đã trở thành ký ức một thời thì lãng quên chỉ là tạm, ngọn lửa âm ỉ trong đám tro tàn chỉ chờ cơn gió mạnh là bùng lên. Được tiến sĩ Lâm tiếp ngắn gọn trong mươi phút, cả đoàn ra trước cổng trường chụp tấm hình lưu niệm dưới nắng chói chang của chiều hè miền Trung.

IMG 0313_Quang_Ngai_Truoc_truong_Dai_hoc_TCKT_800x600

Rời trường tài chính kế toán, đoàn đến thăm nhà của Trí. Nhà Trí nằm ngay trên đường lộ lớn của huyện Tư Nghĩa, không xa trung tâm thành phố Quảng Ngãi, cũng vừa là văn phòng của Cty xây dựng Thuận Minh, cơ nghiệp của Trí gầy dựng bấy lâu nay. Bà xã Trí rất hiền hậu, không một lời hoa mỹ nào mà chỉ biết lăng xăng dọn dẹp tiếp đãi bạn của chồng, mấy chục người chứ đâu phải ít, hai bàn tròn lớn đầy người, bia và mồi đã sắp sẵn nên mọi người mở uống và cụng lon với nhau rất tự nhiên, nhưng ấn tượng nhất là giỏ hoa ở góc tường với dòng chữ " Mừng buổi gặp mặt cựu SV ĐH tài chính TP.HCM tại Quảng Ngãi", đủ thấy là Trí đã đón bạn bè đến nhà chơi với sự xúc động như thế nào.

Chuyện trò một hồi cũng đã đến lúc tạm chia tay về khách sạn ngã lưng một chút vì suốt từ sáng đến giờ xông pha thực hiện hành trình, mấy ông nam thì không nói gì, chứ mấy bà nữ đội nắng đi như thế này rất đáng biểu dương!

Mọi người ra đứng trước hiên nhà Trí chụp một tấm hình lưu niệm, đếm thấy 24 người, con số khá đẹp vì tròn 2 tá. Về khách sạn Hùng Vương TP Quảng Ngãi bước vô sảnh đã thấy dịu, chờ thang máy hơi lâu một chút, nhưng lên được lầu rồi bước vô phòng máy lạnh mát rượi, thiệt tình là chẳng muốn đi đâu nữa ! Thế mà đã lỡ hẹn nhau 16g30 tiếp tục lên đường vì Trí nói rằng 17g trời sắp tối, sẽ không đi được các nơi muốn đến. Tinh thần "kỷ luật" của mọi người thật đáng nể: đúng 16g25 đã thấy tập trung đầy đủ dưới chổ tiếp tân khách sạn, đúng 16g30 xe lăn bánh đi thăm núi Thiên Ấn, nhưng "nói đi còn nói lại", xe dừng lại trên núi, bên ngoài khu mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, mọi người xuống xe, điểm danh sơ thấy thiếu Nguyễn Văn Mười và Trần Minh Hà! Điện thoại về thì được biết hai anh đang trên taxi rượt theo đoàn!

Núi Thiên Ấn thật ra là một quả đồi, cao chừng 100 mét , nằm ở Thị trấn Sơn Tịnh, bên dòng sông Trà Khúc, có quốc lộ 24B áp sát chân núi, cách quốc lộ 1A khoảng 3 cây số về phía tây. Nơi đây có di tích mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh là một nhân sĩ lớn, quê tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam), từng làm viện trưởng Viện Dân Biểu Trung Kỳ thời Pháp thuộc, sau thấy cơ quan này không làm nên trò trống gì Cụ đã từ chức ra làm báo Tiếng Dân. Được Cụ Hồ mời tham gia Chính Phủ năm 1945, giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ. Tháng 7/1946 lúc Cụ Hồ đi thăm Pháp và dự hội nghị Fontainebleau thì Cụ Huỳnh được Cụ Hồ tin tưởng giao giữ chức Quyền Chủ Tịch Quốc Hội Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Câu nói nổi tiếng của Cụ Hồ lúc lên đường giao lại trọng trách quốc gia cho Cụ Huỳnh là: " dĩ bất biến ứng vạn biến" (lấy cái không đổi ứng phó với mọi thay đổi); cái bất biến đó là độc lập tự do của đất nước, tức là làm gì thì làm, đối sách với ai thì cứ đối sách, nhưng phải luôn giữ một mực lập trường: đất nước Việt Nam phải được thống nhất, dân tộc Việt Nam phải được tự do. Cụ Hùynh mất tháng 4/1947 tại Thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trên đường đi công tác của Quốc Hội. Dân chúng tiếc thương đưa Cụ lên an táng trên đỉnh Thiên Ấn, mộ phần nhìn xuống dòng sông Trà Khúc trong cảnh thông reo gió thổi thật đẹp.

Từng người vào dâng hương viếng Cụ rồi đứng nghe một Bác cao tuổi thuyết minh rành rẽ về cuộc đời và sự nghiệp của Cụ, sau đó toàn đoàn đã đứng chụp chung một tấm hình lưu niệm trước khi lên xe xuống núi tiếp tục chương trình viếng biển Mỹ Khê.

IMG 0349_Quang_Ngai_Truoc_mo_cu_Huynh_Thuc_Khang_Nui_Thien_An_800x600

Đường từ Quảng Ngãi ra Mỹ Khê độ chừng 15 km, trên con đường 24B ra cửa biển Sa Kỳ, thuộc địa phận thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Thôn Cổ Lũy nổi tiếng đẹp và thanh bình, rợp bóng dừa, bóng dương, vây bọc chung quanh là sông, biển. Phong cảnh như một vùng sương khói lờ mờ, êm đềm, vắng vẻ nên được vịnh là "Cổ Lũy cô thôn". Khi sương thu mờ nhạt, bóng hoàng hôn vây phủ, xa trông thôn Cổ Lũy như phong cảnh bức tranh " ngư thôn tịch chiếu" trong Bát cổ Tiêu Tương đời Tống bên Tàu.

Vùng phong thủy đẹp xinh này cũng là quê hương của thi sĩ tài danh Bích Khê, bạn thơ của Hàn Mặc Tử. Theo nhà phê bình Hoài Thanh thì Bích Khê có những câu thơ hay nhất Việt Nam như:

                       Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

                       Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông...

và:

                        Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?

                        Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?

Lan man một hồi thì xe đã dừng bánh, một vùng biển hiện ra với sóng nhấp nhô vỗ về bãi cát trắng. Trên bờ thì hàng dãy dài quán xá đông đúc, dưới biển người dân đến tắm khá đông. Mọi người đứng hóng gió ngắm biển, ngập ngừng hồi lâu bổng quyết định chia hai: kẻ xuống biển tắm, người lên...nhà hàng nhậu! Nhóm xuống biển có anh Hoàng (chồng Khoắn), Nhỏ, Thông, cha con Tùng, Mười, Quý Hoàng, Nga, Hải (vợ của Nhỏ), Ngọc Khoa, Phước (vợ của Quý Hoàng). Ngụp lặn nhảy sóng thoải mái gần 30 phút mà chưa ai chịu thôi. Đã hơn nữa là: tắm biển được TGĐ Đặng Xuân Cảnh đứng giữ đồ giùm (vì đồ thay ra để trên bãi biển)!.

Cuối cùng lúc mặt trời đã sắp khuất sau dãy núi xa mờ mọi người mới chịu lên. Đi vô chổ tắm nuớc ngọt phải đi ngang qua nhà hàng thì đã thấy nhóm nhậu ngồi nhâm nhi lai rai tự lâu rồi!

Có lẽ do lặn ngụp ngoài biển nhiều mất sức nên ai nấy bụng đói xôn xao, bánh xèo kêu ba chục cái, mới ra có năm, sáu cái có nhằm nhò vào đâu, vì cả mớ đũa đang chấu vào rĩa rói! Bánh xèo thật ngon, màu trắng nhỏ nhắn, dẻo chứ không khô, có hai con tôm nhỏ đính vào cùng mấy miếng hành như thể trang trí mũ áo cho ai. Gắp một miếng nho nhỏ, cuốn vô miếng bánh tráng mong mỏng, chấm vào chén nước mắm cá cơm be bé, nhai cùng cọng rau thơm khe khẻ, mọi thứ tan trong lưỡi tái tê...Cũng phải nhận rằng ngon phần nhiều do đói, chứ nếu no nê rồi có gắp vàng đi nữa nuốt cũng dở. Thế nên người ta mới than rằng " tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời hết vui khi đã vẹn câu thề !".

Trở lại chuyện ăn uống bên bờ Mỹ Khê: sau mấy loạt bánh xèo mở đề thì phần thân bài bắt đầu tuôn ra, đi đầu là mực ống hấp gừng được hỗ trợ bởi sò biển trụng sả ớt, rồi đến tôm gạn hấp bia có rau cải xào tỏi chen ngang, kế là sò điệp nướng đậu phụng sóng đôi cùng tôm sông hấp sả. Bia lon Heineken giao lưu cùng bia Dung Quất, mấy bà nữ thì coca cola lon làm tới. Bia Dung Quất uống nghe vị cũng đã đã, mà đã hơn nữa do mấy nhà tiếu lâm trong bàn kể một câu chuyện có chữ "quất" trong đó! Thực ra vùng này tên gốc là Vũng Quít ( cái vũng quanh đó trồng nhiều quít), dân gian lâu ngày nói trại ra thành Vũng Quất, rồi Dung Quất, chứ không phải là "thằng Dũng nó quất ngựa truy phong"!

Uống không rõ bao nhiêu, chỉ thấy vỏ bia để lủ khủ dưới đất, còn người nào cũng đỏ tươi, ăn nói mạch lạc vui vẻ; nhất là lúc Lệ Hoa cầm ly qua cụng thì anh Mười, anh Phạm Thái, anh Tùng, anh Thái Thanh nhao nhao lên nghinh tiếp rồi ngưng lại một giây hô " một hai ba...dzô !", mấy bàn thực khách gần bên thấy không biết nhóm này ở đâu mà ngồi một dãy dài gần ba chục người (kể luôn mấy ông lái xe và Tour Guide đi theo), chén dĩa thì la liệt. Mấy bà nữ nào có kém ai, thỉnh thoảng cũng đứng lên cụng coca cola và hét "dzô". Từ ngày có đoàn C16 về chơi có lẽ xứ này phải đổi tên từ "Cổ lũy cô thôn" thành " Tân trại náo phường" quá!

IMG 0377_Quang_Ngai_Cung_ly_an_toi_tren_bo_bien_My_Khe_800x600

Từ trái sang : Ngọc Khoa (04) – Khoắn (12) – Phước (vợ Quý Hoàng) – Minh (04) – Tuyết Nga ( 10)

Tuyết Sương (03) – Trí (03) – Kim Khoa (vợ Thông) – Lệ Hoa (03)

Cuối cùng thì tiệc cũng phải đến lúc tàn, tiền bạc thanh toán xong xuôi mọi người lên xe về Quảng Ngãi, dường như chưa đã hay sao đó mà đã nghe có người đánh tiếng rủ " về Quảng Ngãi ai đi ăn cháo gà khuya theo tui nghe!". Nói chơi mà thành thiệt, không phải là vì đói, mà vì còn muốn la cà xem Quảng Ngãi về đêm ra sao. Về đến khách sạn, hơn một nữa đã chọn lên phòng nghĩ ngơi, còn lại vợ chồng Thông / Cảnh / vợ chồng Khánh / Thái / Mười / Thanh / Tùng / Minh / Hà / Nga / Sương / Hoa / Ngọc Khoa rủ nhau đi rảo bộ tìm đến quán cơm gà Nhung, trên đường Phan Đình Phùng, nghe nói là quán nổi tiếng xứ này. Rốt cuộc ngon thì có ngon thiệt, nhưng giá cả khá đắt, đến hơn 600.000đ một chú gà luộc. Phàm đồ ăn ngon phải đi cùng giá cả vừa phải thì mới ngon, thiếu một trong hai thứ đó khó mà ngon trọn vẹn.

Ăn xong mọi người rảo bộ về khách sạn, ngang qua những con đường nhỏ, quán xá bình dân không khác gì một quận ven Sài Gòn, được cái ít xe cộ hơn nên cảnh trí về đêm Quảng Ngãi trông thư thả hơn.

***

Sáng hôm sau theo lịch thì 7giờ xuống nhà hàng ăn sáng, xuống đến nơi đã thấy Mười + Hà đã ăn gần xong! Có lẽ hai anh trằn trọc thâu canh giấc chẳng thành chăng? Khách ở đông mà nhà hàng nhỏ quá, nên đồ ăn ngon miệng nhưng chóng hết, phải tranh thủ chứ không thì không kịp giờ khởi hành đi Hội An. Một lát sau tiến sĩ Lâm (C21) đến chào mọi người và chúc đoàn lên đường vui vẻ. Tiến sĩ Lâm khá dễ thương, đúng như lời "tiến cử" của Chu (lớp 06), Chu không đi chuyến này được nhưng dặn Thông ra Quảng Ngãi nếu có gặp tiến sĩ Lâm thì nên chơi hết mình vì chơi được!

Khoảng 8g30 đoàn rời khách sạn, tưởng là đi Hội An ngay, nhưng không, mọi người còn lưu luyến ghé vô tiệm Cây Gòn, số 13 Quang Trung, để mua đồ đặc sản Quảng Ngãi như đường phổi, kẹo gương, mạch nha, mè xửng, cá bống kho khô...Ui chu cha, nói tới mạch nha sao thèm chảy nước miếng nhớ về những ngày thơ ấu ở Tam Kỳ, Đà Nẵng, cứ chiều chiều trèo lên cái tủ cao của Mẹ, với tay lấy lon mạch nha, lấy đũa quậy vô lon dích ra một cục tròn u, xong trét lên miếng bánh tráng nướng, gấp đôi lại, nhai tới đâu hắn sướng cái lưỡi tới đó, thằng bạn ruột chạy theo xin nèo nẹo "cho tao một miếng, xíu thôi" cũng không cho! Còn đường phổi thì gói trong túi, hồi đó học lớp ba trường tiểu học Đào Duy Từ ( Đà Nẵng), đợi giờ ra chơi lấy ra...liếm cho mềm rồi mới cắn, nhai nghe rụp rụp ngọt lịm. Thằng bạn cùng lớp hỏi "mi ăn cái chi rứa?", lần này thì lịch sự bẻ cho hắn một miếng nhỏ, nhưng không quên sòng phẳng: "mi cho tao mượn quyển truyện tranh Lucky Lucke, mai tao trả!".

Dường như đồ ăn lúc còn ấu thơ ngon hơn bây giờ, có lẽ bây giờ do người ta pha trộn đủ thứ để kiếm lời cho nhiều nên chất lượng giảm sút? Hay do mình lớn rồi, ăn uống tứ phương không thiếu thứ chi, cho nên vị giác hết còn nghe hấp dẫn nữa chăng?

Mấy bà mà sa vô chổ mua đồ thì đừng có mong dứt ra nhanh được, mọi người đã lên xe gần đủ mà mấy bả vẫn còn chèo kéo gói này túi kia, rồi cò kè giá cả bớt một thêm hai. Mua hớ gói bánh năm ngàn đồng tiếc đứt ruột, trong khi một cái áo thời trang mấy triệu bạc mấy bả quơ vô như không! Thành ra mấy anh chưa hiểu hết đàn bà đâu!.

Cuối cùng khi tiệm sắp cạn kho thì mấy bả mới ra xe, ai nấy đều ôm mấy cái túi khệ nệ. Lại thấy Chung Nghĩa Nhỏ vác cả thùng đồ ra chứ đâu phải chỉ có mấy bả không!

Xe lại qua cầu Trà Khúc, nhưng lần này là tạm biệt Quảng Ngãi để đi Hội An, nơi vợ chồng Bình (lớp 06) đang chờ. Trí Mẹn chơi đẹp thuê xe 16 chổ cho cả đoàn đi, lại còn thân chinh đi theo ra Hội An, Bà Nà, Ngầm Đôi, đến tận lúc chia tay ở phi trường Đà Nẵng đêm mai...

Nhưng giờ thì cả đoàn đang hùng hậu đi trên Quốc Lộ 1 hướng ra phía Bắc trên 3 xe: 1 xe 12 chổ do Cường (lớp 02) cũng chơi đẹp thuê cho nhóm đi máy bay sử dụng từ Đà Nẵng vô Quảng Ngãi, rồi từ đây ngược ra; 1 xe 16 chổ Trí thuê, và 1 xe riêng 7 chổ của Trí. Đi qua thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) nổi tiếng với dưa hấu là đến huyện Núi Thành, nơi có căn cứ Chu Lai rầm rộ một thời, qua cầu Kỳ Lý là bắt đầu vô Tam Kỳ. Đã mấy lần về quê vậy mà lần nào đi ngang Tam Kỳ cũng thấy lòng vụt nhớ xa xôi... Đây là nơi Thông được sinh ra và ở đến 5 tuổi trước khi dời ra Đà Nẵng trong những năm binh biến miền Trung 1965-1966. Tam Kỳ hồi đó nhỏ lắm, thuộc tỉnh Quảng Tín, mình cũng nhỏ nữa cho nên có nhớ gì nhiều đâu, chỉ nhớ con đừơng Phan Chu Trinh trước nhà, chùa Tịnh Độ bên kia đường, nhà in Nam Ngãi xéo góc kia, tiệm nem nuớng Bà Ký gần nhà, và làm gì có cơm gà Bà Luận mà nay ở đâu họ cũng khoe là "chánh gốc Tam Kỳ"!

Xe ghé nhà Phan Ngọc Minh (lớp 09) ở đường Huỳnh Thúc Kháng, doanh nghiệp tư nhân Cúc Minh, chuyên kinh doanh sỉ và lẻ rượu bia-nước giải khát. Trừ Thông và Nhỏ ra, mười lăm người C16 còn lại không ai biết mặt Minh hết! Đó là vì Minh "mất tích" khá lâu sau khi ra trường, không thấy liên hệ ai, mà cũng không biết hắn ở đâu mà tìm, mãi đến khoảng năm 2007 mới có số điện thoại của hắn, rủ vô dự đại hội toàn khóa C16 (15/12/2007) thì hắn lại kẹt công chuyện không vô được. Hồi ở nội trú trong trường hắn có biệt danh Minh Bu, là do tóc hắn dựng như rễ tre, mà tre tiếng Anh là Bamboo, Minh Bamboo, gọi riết rồi thành...Minh Bu! Bây giờ tóc hắn mềm xèo, không hiểu sao nữa, chắc là được thuần hóa từ khi cưới được cô vợ hiền đảm đang, đã sẵn sàng trông nom cơ ngơi cho hắn đi theo bạn bè chơi mút chỉ cho đến khuya mai mới về nhà.

Mọi người vô nhà Minh, tay bắt mặt mừng, hỏi han tỉ tê xong tham quan ngắm nghía hàng hóa đang bày bán đầy nhà, phải nói là khá nhiều loại rượu chè bia bọt. Thông mua một chai rượu Hồng Đào ngâm sâm Triều Tiên, mang theo dự định sẽ bồi dưỡng tăng sức cho anh em vào lúc cần...nhậu trong chương trình.

                            Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm

                            Rượu Hồng Đào chưa ngấm đà say.

Kỳ thực đất Quảng Nam không hề có địa danh Hồng Đào, vậy thì rượu Hồng Đào là rượu ở đâu mà nổi danh chưa ngấm đà say? Câu trả lời: chỉ có thể là rượu cưới mới chưa ngấm đà say. Thành hôn được với người thương đã đủ say rồi cần chi đến rượu, cho nên ngày cưới có uống chút ít thôi cũng đã ngà ngà, say tình chớ không phải say rượu, và khung cảnh đêm hợp cẩn đa phần màu hồng ( áo hồng, má hồng, nến hồng, khăn hồng...) cho nên người ta phong luôn "rượu hồng đào", là trọn nghĩa vẹn tình.

Xe rời Tam Kỳ, đi qua Tháp Chiên Đàn, một di tích Chăm ( Chàm) còn lại bên đường. Nhắc đến người Chàm mới nhớ đến quyển khảo luận rất hay "Có 500 năm như thế" của Hồ Trung Tú xuất bản năm 2010, trong đó sau khi đưa ra những bằng chứng rất thuyết phục, tác giả kết luận " người Quảng Nam-Đà Nẵng chính là con cháu của những người Chàm đã ở lại sống cùng người Việt trong lịch sử Nam tiến kể từ năm 1305 khi vua Chàm (Chế Mân) dâng sính lễ là 2 châu Ô-Lý ( vùng đất từ sông Gianh –Quảng Bình đến sông Thu Bồn-Quảng Nam ) để được cưới Công chúa Huyền Trân, con gái của vua Trần Nhân Tông ".

Một kết luận làm nhiều người sửng sốt, vì nó ngược với dòng suy nghĩ xưa nay là người Việt tràn vào đất Chiêm Thành, giết chóc và đuổi đánh hết dân Chàm chạy tuốt dần vào phía Nam. Dòng suy nghĩ này là để khẳng định người Việt luôn là chính thống, là "đẳng cấp", không lai tạp với người bản địa, nhưng công trình khảo cứu công phu của Hồ Trung Tú đã chứng minh điều ngược lại.

Xe đến thị trấn Hà Lam (Huyện Thăng Bình), huyện nổi tiếng với khoai lang Trà Đõa, đi một hồi nữa qua thị trấn Nam Phước, rẽ phải là trực chỉ Hội An. Đến Hội An mà không thăm phố Cổ thì không khác gì người Quảng Nam ăn thịt heo cuốn bánh tráng mà không chấm mắm cái! Cho nên dù trưa nắng nhưng mọi người vẫn xuống xe đi bộ, đầu tiên là ghé Chùa Cầu, ngôi chùa trên chiếc cầu gỗ, một di tích về giao thương của người Nhật hồi thế kỷ 17. Năm 1719 chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An đã đặt tên cầu là "Lai Viễn Kiều" (tức là "cầu đón khách phương xa").

IMG 0386_Hoi_An_Ben_Chua_Cau_800x600

Cả đoàn chụp chung tấm hình lưu niệm dưới nắng trưa Hội An.

Sau đó rảo bước qua Hội quán Quảng Đông kế bên được xây dựng năm 1885, thờ Quan Công và tiền hiền của bang Quảng Đông. Mọi người vào viếng, sau đó chụp hình khá nhiều ở cổng vào.

Chỉ thăm 2 nơi ở Hội An, mọi người lên xe đến điểm hẹn ăn trưa: nhà hàng Thanh Tâm, bên kia cầu Cẩm Nam. Chỉ vài phút xe đã đến nơi, Bình (lớp 06) và vợ vui mừng ra đón. Những cái bắt tay thắm thiết, nhưng chưa chắc gì biết tên nhau! Vì đã hơn 30 năm từ hồi ra trường rồi, hồi đó học chung còn biết tên biết mặt nhau nếu ở nội trú, bây giờ mấy chục năm không gặp, mặt mũi già đi, không nhận ra là phải. Hồi đó Bình có biệt danh là Bình Be nhờ tài ăn nói "nổ" vàng trời mây, chuyện gì được hắn kể cũng đều có những tình tiết bất ngờ siêu đẳng, và một biệt danh nữa cũng được anh em biết, đó là Bình Lép, người ôm ổ bánh mì nội trú đứng trước cổng 279 NTP, cũng là người chỉ đường cho Châu Trân (10C16) có một ổ bánh tương tự trong những ngày cô quạnh xa nhà nhập học tài chính kế toán (1978), ổ bánh mà sau mấy mươi năm nếm đủ mùi vị của đời Trân đã phải trân trọng thốt lên rằng " đó là ổ bánh mì ngon hơn bất cứ ổ bánh mì nào có được trên thế gian này", như đã kể trong bút ký "Thư Los Angeles" gửi về từ Mỹ hồi tháng 02/2009.

Lại nhớ hồi tháng 03/2009 trong lần đi thăm An Giang – Đồng Tháp của C16, Thái Thanh (lớp 06) được Bình nhờ đến thăm giùm cô thôn nữ mà năm xưa Bình quen biết trong dịp C16 về thực tập làm sổ bộ thuế nông nghiệp ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành (An Giang). Thái Thanh thực hiện xong việc Bình ủy thác về kể lại rằng: đường đi vất vả quanh co, tìm mãi mới ra người cần tìm, thì hóa ra đó là một "bà ngoại" đã ngoài 55 và vẫn còn độc thân! Mà đúng thôi, 30 năm trước, lúc Bình gặp ( không biết có thề non hẹn biển gì không) thì nàng mới ngoại 25! Nhưng Ông Tơ Bà Nguyệt đã sắp đặt hết rồi, có chạy trời cũng không thoát, Bình bây giờ đã yên vị bên hiền thê người Quảng Nam, tên là Mỹ, người được hắn phong là " bộ trưởng tài chánh" khi đã duyệt cho hắn tiếp đãi gần 30 chục người, trong buổi ăn trưa rất ngon hôm nay với thức ăn đặc trưng Hội An và bia bọt đầy đủ.

IMG 0414_Hoi_An_Cung_cac_con_dau_cua_C16_An_trua_800x600

Đứng, từ trái sang : Hải (vợ Nhỏ) – Tuyết Sương – Lệ Hoa – Minh (Tam Kỳ) – Lâm (Tuy Hòa) – Kim Khoa (vợ Thông ) – Ngọc Khoa (Bình Dương)

Ngồi, từ trái sang : Mỹ (vợ Bình) – Ánh (vợ Khánh ) – Khoắn – Phước (vợ Quý Hoàng).

Không những đãi ăn trưa thịnh soạn mà Bình còn cùng với Minh (Tam Kỳ) đã tặng cho bạn bè những chiếc bánh ít và những hộp bánh đậu xanh đậm hương vị quê hương

Mà cũng chưa hết, xong ăn trưa vợ chồng Bình mời cả đoàn về ghé nhà chơi, ở đường Trần Cao Vân, một con đường nhỏ im ắng của Hội An.Tưởng rằng ghé qua cho biết nhà, ai dè Bình tiếp tục chiêu đãi bạn bè hai món quý: rượu yến và trứng yến. Rượu yến có thể kiếm được, nhưng trứng yến thì quả là có một không hai trên đời. Bình mang ra một tô nhỏ trong đó sắp đầy các quả trứng nhỏ hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay, mập hơn hạt đậu ván. Lần lượt mỗi anh đều được gia chủ rót cho một chung rượu nhỏ, từ một chai đựng nước suối, màu rượu đục đục, nhưng ực vô một cái nghe rạo rực liền, không rạo rực cũng phải rạo rực bởi vì rượu quí, dành đãi thượng khách chớ đâu có cho nhiều. Ực một chung , gắp một trứng yến cho vô miệng nhắm cái "phụp", hắn ngon làm sao đâu. Từ hồi nào đến giờ con chim yến thì có thấy chứ trứng yến chưa biết bao giờ, cho nên mọi người mê lắm, tán chuyện huyên thuyên. Đông y sĩ Quý Hoàng không ngần ngại phán ngay: "đây là "thập nhứt toàn đại bổ", uống vừa phải thì tốt, uống nhiều quá hại vợ!".Lệ Hoa và Kim Khoa đang đứng chụp hình trong nhà cũng bỏ ngang nhóm "đờn bà", sà vô làm mỗi người một ly!

IMG 0433_Hoi_An_Sau_khi_uong_ruou_yen_va_an_trung_yen_o_Nha_Binh_800x600

Gần 2 giờ chiều mọi người mới chịu chia tay nhà Bình, sau khi hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. Ba chiếc xe lại từ từ lăn bánh chui ra khỏi con đường nhỏ, rẽ trái về phía biển cửa Đại rồi cứ bon bon trên con đường nhựa phẳng phiu song song với biển. Từ Hội An về Đà Nẵng non 30 cây số, hồi xưa, cũng chẳng xưa lắm, độ mười mấy hai chục năm nay, là những dãi đất hoang với những bụi xương rồng quấn cùng kẽm gai quân đội, thế mà nay gần như các dãi đất này đã được người ta mua làm khách sạn và resort hết, thỉnh thoảng mới lộ ra một khoảng trống với vài cây dương quắt queo, không hiểu sao họ không để lại một nhóm rừng dương liễu trang điểm xen kẻ cho các khối bê tông nhà cửa đó, có phải là hợp lý hơn không?

Xe rẽ trái qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, đi Hòa Vang, hướng về dãy núi nâu nâu trong khói chiều. Từ Đà Nẵng đến Bà Nà đi chừng hơn 40 phút xe , sắp tới nơi bổng nhiên Sơn (lớp 05) ở Đà Nẵng gọi báo là Cường kẹt tiếp đoàn khách của Bộ Tài Chính vô ghé đột xuất nên không lên núi vui cùng bạn bè được đêm nay.

Xe đã dừng trước khu bán vé cáp treo, khoảng 5 năm trước còn đường bộ lên núi nhưng nay đã bị cấm vì quá nguy hiểm. Cáp treo đi tiện lợi hơn và có thể vận chuyển một lượng khách lên xuống khá lớn. Cậu Lĩnh, hướng dẫn viên du lịch của Cty Green Tour (đơn vị mà đoàn giao dịch đặt mua vé cáp treo) nhanh nhẹn phát vé cho từng người. Chẳng bao lâu mọi người đã yên vị trong chiếc lồng sắt nhẹ nhàng trượt dần lên cao...

Bà Nà thuộc một khu vực trong dãy Trường Sơn, thuộc xã Hoà Ninh, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 25 cây số. Tiếp nối sự khám phá Đà Lạt, tháng 02/1900 Toàn quyền Paul Doumer cử đại úy De Bay thuộc quân đội Pháp thám sát vùng núi lân cận Đà Nẵng-Huế để tìm thêm điểm xây dựng khu nghĩ dưỡng. Tháng 04/1901 De Bay đã tìm ra núi Chúa, tức Bà Nà, trên một địa hình khá bằng phẳng, cao 1489m so với mặt nước biển. Nhưng mãi đến sau thế chiến thứ nhất (1914-1918) người Pháp mới đẩy mạnh xây dựng Bà Nà, và đến khoảng năm 1925 đã hình thành các khu nhà ở cùng các tiện ích xung quanh vùng. Bà Nà dần trở thành một khu nghĩ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở khu vực Trung Kỳ mà còn toàn Đông Dương, lượng khách đến Bà Nà khi đó ngang ngữa với Le Bokor (Campuchia), Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), Tam Đảo, Sapa...

Sau cách mạng tháng tám 1945, Bà Nà bị triệt phá tiêu điều theo chủ trương "tiêu thổ kháng chiến" và dần rơi vào hoang phế , bị cây rừng che phủ trong quên lãng gần nửa thế kỷ.

Đầu năm 1998 TP Đà Nẵng quyết định xây dựng lại Bà Nà thành khu du lịch sinh thái lớn với hệ thống nhà nghĩ, nhà hàng. Và sau năm 2000, nàng công chúa Bà Nà đã được đánh thức, cải tạo, chỉnh trang, tô điểm diễm lệ, tái lập vị thế một khu du lịch nổi tiếng hàng đầu của Đà Nẵng.

Cáp treo Bà Nà được khánh thành tháng 03/2009, giữ 2 kỷ lục Guiness, đó là:

- Cáp treo một dây dài nhất ( 5.042,62m)

- Cáp treo có độ chênh giữa ga đầu và ga cuối cao nhất ( 1.291,81m)

Ngồi trong lồng di chuyển lửng lơ trên triền núi, nhiều người hứng thú nhìn cảnh trí xung quanh nhỏ dần khi càng lên cao, nhưng đa số hơi sợ dù giấu trong lòng không nói ra, đó là vì cáp treo cao quá, nói dại, nó mà rớt chắc...đau lắm!

Sau mấy chục phút trên không các chiếc lồng lần lượt đỗ vào ga cuối, mọi người bước ra đến chổ chờ xe đưa lên khu khách sạn, đã thấy khá đông khách chờ sẵn ở đó. Người đông mà xe ít quá, dân Việt mình lại không có thói quen kiên nhẫn sắp hàng thứ tự, cho nên cứ hễ xe tới là lao ra giành. Nhưng rồi cũng xong vì lúc sau các loạt xe xuống kịp đã giải quyết hết lượng khách lớn. Lên đến sân của khách sạn Le Jardin, chờ các cô quản lý phân phối chìa khóa phòng cho các cặp. Vợ chồng thì chung 1 phòng, độc thân thì "bắt cặp". Tính trước và đặt phòng trước rồi, vậy mà phát sinh giờ chót thêm người (lái xe của Trí và Sơn – lớp 05), thuê thêm phòng không có, nên đành "nhét" mỗi anh vô phòng nam thành 3 người, OK hết vì "nhậu nhiều chớ ngủ bao nhiêu"!

Về phòng tắm rửa, thay đổi xiêm y một lúc sau bước ra các chị ai nấy trông rạng rỡ hẳn, cộng với khí hậu mát mẻ và cây cối xanh tươi làm ai cũng phấn chấn. Sơn (lớp 05) ở Đà Nẵng đi một mình lên cũng đã bắt kịp đoàn. Mọi người tập trung đứng trước cửa hầm rượu chụp hình lưu niệm.

Hầm rượu De Bay được người Pháp làm khoảng những năm 1920, được đào sâu vào lòng núi nên hầm thường xuyên mát lạnh ở 16 đến 20 độ C, rất lý tưởng cho việc cất trữ rượu vang phục vụ cho giới thượng lưu Pháp nghĩ dưỡng ở Bà Nà. Tổng chiều dài độ 80m, hầm được xây theo kiểm vòm, rộng khoảng 2m, cao 2.5m. Mọi người theo nhau đi vào hầm tối mờ mờ, chỉ có đèn ở các góc quẹo, đi qua các nơi lưu trữ rượu, chưng cất rượu, đến quầy phục vụ mỗi người được tặng một ly rượu vang tùy chọn, cầm trên tay tiếp tục vừa đi vừa nhấm nháp, có không ngon cũng nghe ngon vì dễ gì có chuyến đi tụ họp bạn bè tứ xứ về chốn du lịch đẹp "bồng lai tiên cảnh" như chổ này.

Ra khỏi hầm rượu, tiếp tục di chuyển xuống dưới sảnh, cảnh đẹp cầm lòng không đậu nên các chị các anh lại kéo nhau chụp hình.

IMG 0451_Ba_Na_Hoa_la_canh_tuoi_tan_Ben_ngoai_ham_ruou_De_Bay_800x600

Tuyết Nga (10) – Tuyết Sương (03) - Kim Khoa (C17-vợ Thông) – Lệ Hoa (03)

IMG 0442_Ba_Na_Truoc_ham_ruou_De_Bay_800x600

Trước hầm rượu De Bay.

Tiếp tục men theo các lối đi bằng đá với dốc khá đứng, quanh co theo triền núi mọi người đến viếng chùa Linh Ứng. Pho tượng Phật trắng lớn tọa lạc trước chánh điện thật uy nghi, từ xa dưới chân núi cũng có thể thấy ngôi tượng này thánh thoát in hình lên màu núi xẩm nâu. Ngôi chùa im lặng với mùi hương thoang thoảng vương nhẹ vào các chậu cây cảnh chung quanh. Một vài chú tiểu quét lá rụng quanh sân. Khung cảnh yên bình làm lòng người chợt lắng đọng ít phút giây.

Khi cùng nhau đứng trên bậc thang chụp hình có cảnh tượng Phật đằng sau mới thấy cảm giác con người nhỏ bé trước vũ trụ.Nhưng con người và vũ trụ có mối liên hệ, tương quan mật thiết với nhau, phụ thuộc vào nhau. Điều đó được đạo Phật nêu trong nguyên lý duyên khởi:" Khi cái này có thì cái kia có, cái này hiện thì cái kia hiện. Cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt" (theo Trung Bộ Kinh). Nhờ những phát hiện của vật lý vũ trụ, người ta có thể khẳng định rằng nguồn gốc con người chỉ là những hạt bụi của những ngôi sao xuất hiện cách đây khoảng 14 tỷ năm. Sau những biến chuyển không ngừng, từ những trạng thái đơn bào cách đây 3 tỷ năm, rồi tới các cơ thể đa bào, qua những loài cá, loài bò sát, loài chim, rồi các động vật có vú, các loài khỉ, con người đã xuất hiện trên trái đất này từ 2 triệu năm, cho tới chúng ta ngày hôm nay. Trãi qua bao nhiêu đổi thay, phân hoá, đấu tranh, thích ứng, loài người đã đạt tới vị trí tột đỉnh nhờ khối óc của mình, nhưng con người cũng không thể quên được rằng mình chính là anh em bà con với thú rừng, chim cá, sâu bọ, cỏ cây và ngay cả sỏi đá. Con người tưởng mình đơn độc giữa hàng triệu loài sinh vật, hàng tỷ tỷ ngôi sao, nhưng thật ra có những sợi dây vô hình nối liền mình với vô số hiện hữu trong vũ trụ.

Mình là một phần của vũ trụ, vũ trụ là một phần của mình, mãi mãi sinh –diệt mà không sinh - không diệt, cho nên mình cứ thanh thản mà vui sống trong cuộc đời hữu hạn này.

IMG 0476_Ba_Na_Truoc_tuong_Phat_tu_bi_o_Chua_Linh_Ung_800x600

Rời chùa Linh Ứng, băng qua một đoạn sân rộng là đến khu vui chơi Fantazy Park với nhiều trò chơi cho trẻ em không khác mấy với khu Wonder Land ở Vinpearl Resort (Nha Trang), nhưng các tòa lâu đài, cùng bao nhiêu hạng mục khác được làm ở trên núi cao như Bà Nà đây thì công sức khó nhọc phải nói rằng đáng kinh ngạc.

Vợ chồng Thông, vợ chồng Nhỏ, Vợ chồng Khánh, Trí, đi lòng vòng Fantazy Park tham quan chơi, thấy có chiếu phim 4D nên mua vé vào xem thử cho biết thế nào là cảm giác mạnh. Mỗi người ngồi vô ghế, cài dây an toàn ngang người, đeo kính chuyên dùng vào, màn hình bật lên, phim xe bay, tự nhiên cảm thấy như là mình đang trên chuyến xe bay đó, với tốc độ khủng khiếp, tông tan nát các vật bất ngờ xuất hiện, lách qua các vật cản là các vách đá lởm chởm, các cây to bất chợt lăn đùng ra ngáng đường, dù biết là giả nhưng cảm giác như thật làm ai nấy đều xanh mặt, la hét lớn tiếng như thể phấn khích lắm nhưng kỳ thật là đang mong cho hết phim nhanh, chứ kéo dài ít phút nữa là đứt dây thần kinh chịu đựng! Nhưng xe bay chẳng chịu dừng, tiếp tục lao ra một hang động ngoài biển sâu, tránh một núi đá dựng đứng, lách qua một lỗ trống, tưởng thoát ai dè xe va vào một tảng đá lao kinh hoàng xuống thác nước, ghế ngồi chao lắc mạnh, một tia nuớc thật xịt ra ướt hông làm mọi người hét lên sảng sốt, tưởng đâu...té đái vì sợ, và đèn bật sáng, hết phim! Sung sướng quá, đó là cảm giác của những người vừa từ cõi chết trở về! Bước ra khỏi khán phòng thấy rạp bên cạnh đề chữ : chiếu phim 5D, lòng bổng nhủ thầm: đố dám bước vào 4D lần nữa , nói chi tới 5D!

Trời cũng đã tối và gió khá lạnh, mọi người tập trung chổ sảnh bên ngoài ga cáp treo, chờ xe đưa về nhà hàng ăn tối. Buổi ăn tối được Phạm Thái lo đặt trước với các nhân viên nhà hàng Le Jardin, nhưng ngôn ngữ bất đồng sao đó mà khi mọi người vô nhà hàng thì họ bảo đâu có đặt trước, kiểm tra lại thì hóa ra có đặt, nhưng đó là một nhà hàng khác, phải leo lên một đoạn đồi nữa mới tới! May sao đã điều đình được, nhà hàng này đồng ý phục vụ bữa ăn tối với giá cả như đã đặt trước với nhà hàng kia. Nói là ăn tối nhưng có ăn mấy đâu, may ra mấy chị thì ăn, còn mấy anh chủ yếu là nhậu. Chai đầu tiên là Chivas của Phan Ngọc Minh mang theo, chỉ một thoáng là đã cạn và không khí náo nhiệt lên ngay. Đồ ăn nhà hàng chưa kịp làm, thì đã có bánh ít của Bình và Minh tặng ở Hội An mang theo, mỗi người một cái tranh thủ ăn "đổ bê tông". Để tạo cớ uống cho vui Thông thỉnh thoảng đứng lên giới thiệu vài khuôn mặt ấn tượng trong đoàn, đầu tiên là Nguyễn Văn Mười, người "ham chơi" nhất, đợt đi năm nào cũng tham gia; tiếp theo là Đặng Xuân Cảnh, kẻ uống cà phê Cổ Đa thì nhiều, nhưng lần đầu tiên đi chơi xa; kế đến là Bùi Nguyên Khánh, người rất bận với công việc hằng ngày của một công ty thủy sản xuất khẩu, nhưng rất ít khi bận với những cuộc sinh hoạt của C16; rồi đến Nguyễn Quý Hoàng, mới tham gia các sinh hoạt gần đây nhưng rất nhiệt tình, nhất là chổ nào có...nhậu! Kỳ này Quý Hoàng đi có cả cô vợ trẻ nữa; rồi Hoàng Thanh Lâm, nhân vật Tuy Hoà (Phú Yên) chịu chơi hết mình, có năm một mình vô Sài Gòn tham gia đi Bến Tre, năm nay cũng một mình rời nhà lên tàu lửa giữa khuya đi Quảng Ngãi.

Hết chai rượu thứ nhất, Chung Nghĩa Nhỏ cao hứng gọi "bồi đâu, mang ra chai Chivas 18 xem!", sau khi hỏi giá được biết 2.4 triệu đ một chai, Nhỏ quyết "chơi luôn"! Những Lâm ngăn lại "để mình về phòng lấy chai rượu ra đã". Một lát sau Lâm trở lại với chai Chivas 18 còn nguyên trong vỏ vuông vức. Rượu lại tiếp tục được tuôn chảy, may là mỗi người có một chung nhỏ để trên bàn trước mặt, uống bao nhiêu thì uống , tùy sức chớ không ép, mà đã ép thì cấm từ. Lê Đình Sơn cũng "bị" ép vài chung, hắn hoàn thành nhiệm vụ ngay, nhưng hình như tửu lượng hắn không phải hạng cao thủ. Tửu lượng lúc này chưa biết ai cao thủ, có thể là Nguyễn Văn Mười, mà cũng có thể là Thượng Văn Trí, Đặng Xuân Tùng..., chỉ có thể biết chính xác lúc sân khấu đã về khuya, khi các diễn viên của đoàn cải lương Sống Giang đã có một hai người diễn tuồng "Tiếng hò Sông Hậu"!

Rượu vừa hết chai thì đã đến lúc phải chuyển qua màn hai cảnh hai, đó là cuộc thi kể chuyện tiếu lâm. Mọi người cả nam lẫn nữ dồn qua một bàn mới trong tâm trạng phấn khích bước vào cuộc chơi. Cuộc thi này phát kiến từ anh Hoàng (C14-chồng của Khoắn) tại buổi uống cà phê Cổ Đa (Sài Gòn) chuẩn bị cho chuyến đi, nhằm làm cho chuyến đi thêm nhiều tiếng cười. Vợ Quý Hoàng lúc đó góp ý thêm là nên cho các lá phiếu đề tên người thi vào trong bong bóng, thổi to lên, nhờ một người chọn ra một bong bóng để bóp cho nổ văng lá phiếu ra. Chi tiết này đã được đưa vào thực hiện, các bong bóng đủ màu có chứa các lá phiếu đề tên người thi đã được bơm căng. Một ban giám khảo đã được cử ra gồm: anh Hoàng , Sơn và Ngọc Khoa.

IMG 0524_Ba_Na_Chuan_bi_chuong_trinh_Thi_ke_Chuyen_Tieu_Lam_800x600

Bơm bong bóng chuẩn bị cho cuộc thi kể chuyện tiếu lâm

Để tạo không khí thân mật giải toả căng thẳng trước cuộc thi, Tùng đã sáng kiến yêu cầu Mười và Lệ Hoa hát chung bài "Hoa mười giờ" ( tên bài hát có 2 chữ Hoa và Mười !). Mười lóng ngóng hát cho có chiếu lệ vì hình như bài hát không hợp "rơ", nên chưa hết bài ca sĩ đã bỏ ngang và giơ tay xin hát bài khác, được khán giả đồng lòng, và Ban Giám Khảo OK, Mười lập tức giới thiệu tên bài hát là " Chuyện tình Cầu Bông", Lệ Hoa ngồi kế bên biết bài tủ này của Mười nên cười ngặt nghẽo! Ca sĩ không để lâu hơn nữa, cất giọng lên cùng với nhịp đánh tay dằn xuống cuối mỗi câu:

                     Ai đang đi trên Cầu Bông

                     Rớt xuống sông ướt cái quần ny-lông

                     Vô đây em, đợi quần khô, mặc quần zô

                     Dù trời khuya anh cũng đưa em zìa.

                     Dù trời khuya anh cũng đưa em zìa!

Bài hát thiệt là bình dân với câu chuyện ngắn gọn mà tếu, được ca sĩ đầu hai thứ tóc Nguyễn Văn Mười trình bày trong bộ dạng rất hài hước đã làm cho khán giả cười chảy nước mắt, các nhân viên phục vụ nhà hàng cũng tròn xoe nhìn mấy cô mấy chú chơi cái chi mà vui rứa!!

Mở đầu cuộc thi kể chuyện tiếu lâm, Tuyết Sương (lớp 03) được MC mời bóp nổ quả bong bóng đầu tiên, kết quả là tên của anh Hoàng (chồng Khoắn) nằm trên lá phiếu văng ra sau tiếng nổ. Mặc dù là thành viên ban giám khảo, anh Hòang vẫn được dự thi với tư cách thí sinh. Thí sinh rút ra trong bụng một tờ giấy A4 chi chít chữ đã soạn sẵn, ngâm một bài thơ diễu vợ lên xuống theo giọng Huế, có tựa đề "Lỡ đời trai"

                     Người ấy thường hay móc bóp tôi

                     Khảo tiền những lúc bóp tôi vơi!

                     Bảo rằng tui móc còn hơn để...

                     "Ghệ" móc tiền ông mới khổ đời.

                      Thuở ấy nào tôi đã biết gì:

                      Trẻ người, non dạ...quá ngu si

                      Bao nhiêu tiền bạc, tôi dâng hết

                      Chẳng giữ cho mình được...tí ti!

Khán giả vỗ tay cổ động hồi lâu làm cho thí sinh kiêm thành viên Ban Giám Khảo phấn khởi ra mặt, nhưng cũng phải nhường chỗ cho thí sinh thứ hai: Nguyễn Quý Hoàng. Sau bốn giây lấy lại bình tĩnh Quý Hoàng đã tham gia cuộc thi ngay bằng cách kể câu chuyện " sự khác nhau giữa con chim bị nhốt trong lồng và con chim... kia!". Một tràng pháo tay vang lên và những lời bình luận xôn xao khi thí sinh kể xong câu chuyện. Ban giám khảo đánh muỗng vào chén ăn cơm báo hiệu trật tự, nhắc khán giả được quyền bình luận, nhưng ý kiến của ban giám khảo là bất khả đảo ngược, và còn nhiều thí sinh tài năng khác nữa, hãy đợi đấy! Một chiếc bong bóng nữa được bóp nổ và Hoàng Thanh Lâm là thí sinh thứ ba, xin phép ban giám khảo được kể câu chuyện " cơm và phở" đã kể nhiều lần rồi, ban giám khảo đồng ý . Lâm vào đề ngay:

                   Cơm là muôn thuở, phở là tạm thời

                   Em ơi chớ có lắm lời!

                   Có cơm có phở cho đời thêm vui!

Rất chân lý, cánh đàn ông nhao nhao lên cổ vũ thí sinh nhưng ban giám khảo đã kịp thời vãn hồi trật tự.

Một quả bong bóng nữa nổ vang lên, Đặng Xuân Tùng là thí sinh thứ tư. "Nhà tiếu lâm" không cần phải đợi lâu, trình làng ngay câu chuyện "con chim", thuộc loại tiếu lâm mặn, làm khán giả và cả ban giám khảo vỗ tay quá chừng.

Thí sinh thứ năm: Đặng Xuân Cảnh, "nhà mô phạm" ngập ngừng giây lát tìm đề tài vì biết nói gì đây, rồi cất giọng hùng hồn kể câu chuyện một anh kia ép xác mía ra một giọt nước mía đã tưởng hay, ai ngờ có một anh khác biểu diễn ép xác mía ra cả ly nước mía, hỏi anh làm nghề gì mà ép hay vậy? anh ta thản nhiên trả lời "thuế vụ"! Tức là thuế vụ không từ nan chổ nào hết, dân có khó mấy cũng ép cho ra thuế! Cảnh dũng cảm thiệt, nói không sợ bà xã mích lòng (Lệ Nga-lớp 02, một chuyên gia của Cục Thuế TPHCM). Trong số khán giả đang nghe cũng có hai thuế vụ là Ngọc Khoa (Cục Thuế Bình Dương) và Sơn (Cục Thuế Đà Nẵng), nhưng thấy đúng quá nên cũng cười tham gia. Ngọc Khoa đúng dậy chữa cháy chút ít: Thuế Dụ (tiếng miền Nam đọc chữ Thuế Vụ) có nghĩa là dụ người ta nộp chớ đâu có ép!

Lại một quả bóng nữa đã nổ, tên ai đây? Mong cho tên mình văng mất luôn để khỏi kể vì mình không có khiếu kể chuyện tiếu lâm. Vậy mà lá phiếu văng ra thấy ngay tên:Thông! Đành tham gia câu chuyện tiếu lâm " ga ra và xe hơi", thấy khán giả vỗ tay nhưng có thể đoán ngay là thí sinh này khó vô tốp đầu.

Còn quả bóng cuối cùng trên bàn, bóp nổ văng ra: họ và tên Bùi Nguyên Khánh. Thí sinh này hằng ngày là một xếp cao nhất trong công ty, họp hành chỉ đạo kinh doanh dõng dạc, thế mà rừng nào cọp đó, thí sinh tham gia cuộc thi kể chuyện tiếu lâm này rất hồi hộp, kể mãi mới xong câu chuyện " cái mền ở đâu?" "rớt dưới đất rồi chớ ở đâu!"

Ban Giám Khảo dời qua bàn riêng hội ý chấm điểm. Năm phút sau BGK trở lại chuẩn bị công bố kết quả. Để trấn an dư luận , BGK một lần nữa nói rằng mình đã làm việc rất mẫn cán với tinh thần công minh cao độ, mặc dù quyết định có thể khác với nhận xét của khán giả nhưng quyết định của BGK là cuối cùng, bất khả thay đổi! và đó là quyết định thí sinh Nguyễn Quý Hoàng với câu chuyện "sự khác nhau của hai con chim", đã đoạt Giải Nhất duy nhất của cuộc thi C16 kể chuyện tiếu lâm, tổ chức vào đêm 28/07/2012 tại Resort Le Jardin của khu du lịch năm sao Bà Nà – Đà Nẵng. Hàng tràng pháo tay vang lên hòa cùng mấy tiếng la ồ ồ vừa nhất trí vừa phản đối! Nhưng MC nhanh trí lập lại trật tự bằng cách mời mọi người nâng ly rượu lên " một hai ba...zô" mừng cuộc thi kết thúc thành công. Anh Hoàng thay mặt BGK đã trao tặng phần thưởng cho thí sinh đoạt giải, đó là chiếc chặn giấy bằng mica có lộng hình "C16-nghĩa tình và gắn kết", cùng hàng chữ " Lưu niệm chuyến đi Quảng Ngãi-Đà Nẵng 27-29/07/2012"

IMG 0547_Ba_Na_BGK_trao_Giai_Nhat_thi_ke_chueyn_TL_cho_Quy_Hoang_800x600

Quý Hoàng đoạt giải nhất cuộc thi kể chuyện tiếu lâm.

Trong khi chờ đợi tính tiền, màn bốc thăm chọn ra một người duy nhất may mắn đã được tiến hành, 23 phiếu đã được đưa ra cho mọi người lần lượt bốc, phiếu nào cũng có hàng chữ dài nên ai cũng tưởng mình trúng, cuối cùng chỉ có một người trúng, đó lại là Nguyễn Văn Mười, ca sĩ nổi tiếng và đã thành danh trên sân khấu với bài "Chuyện tình Cầu Bông". Kế đó Thông thay mặt bạn bè tặng cho Minh (Tam Kỳ) và Sơn (Đà Nẵng) mỗi bạn một quà lưu niệm chuyến đi , cũng để cảm ơn tấm tình của 2 bạn dành cho bạn bè mấy ngày nay.

Đã hơn 22giờ30 , nhà hàng phải đóng cửa cho nhân viên phục vụ về nghĩ, các chị lục tục trở về phòng, nhưng các anh chưa chịu hết ngang như vậy, rủ nhau ra mấy bàn ngoài sân làm tiếp một chặp nữa, uống thêm mười mấy chai heineken, tiếp tục kể chuyện tiếu lâm , lúc này là tiếu lậm mặn chát nên các anh cụng ly và cười vang trời khuya tĩnh mịch. Đến gần 0g30 khuya, những người cuối cùng mới tan hàng dìu nhau về phòng ngã lăn ra tới sáng!

***

Một ngày mới vừa bắt đầu, những tia nắng hừng đông chiếu xuyên qua kẻ lá, những hàng cây mát bao quanh khu nhà ở Le Jardin khẻ rung mình đánh rớt những hạt sương đêm. Chưa ai thức giấc ngoại trừ Nguyễn văn Mười đã chỉnh tề quần áo, rủ rê đánh động các phòng gần bên. Một lát sau mọi người đã lần lượt dậy, các chị nữ xiêm y mới, mặt mày mới, sáng sủa thả gót lên nhà hàng ăn sáng, cũng chính là nhà hàng đêm qua đây mà. Ăn sáng kiểu buffet, cũng không mấy đông khách ở lại đêm nên buổi ăn sáng cũng khoan thai, nhưng đồ ăn không được ngon lắm, tệ nhất là món phở: nước đi đằng nước, cái đi đằng cái, hỗn hợp không ra mùi vị gì cả, may là còn bánh xèo đã cứu lại được phần nào.

Ăn sáng xong còn nguyên mấy tiếng đồng hồ trên núi, làm gì đây? Chơi các trò chơi thì con nít hợp hơn, lội bộ thăm thú chỗ này chỗ kia thì "oải" rồi không đi nổi nữa, tốt nhất kiếm chỗ uống cà phê tán dóc. Gần một năm trước còn quán café mà ngồi ở lan can có thể nhìn về thành phố Đà Nẵng nhỏ xíu tuốt dưới kia, nhưng nay quán đã bị dẹp để làm con đường xuyên qua hai mỏm đồi, thành ra mọi người đành lên một quán trên tầng lửng, gần chổ sảnh ra của hầm rượu De Bay, ngồi khá lâu chẳng thấy ai hỏi han uống gì cả, nên cũng...chẳng cần uống gì luôn, nói chuyện chơi cũng vui rồi. Dù về trưa trời đổ tràn nắng lên bàn nhưng vẫn nghe mát vì khí hậu trên cao. Sáng Chủ Nhật, rảnh rỗi hoàn toàn ngồi tán chuyện trên núi Bà Nà, quả là sướng và không dễ có. Hằng tuần được nghĩ hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, phải tận dụng sao cho thư giãn tối đa, chứ hai ngày này mà còn phải đi làm nữa thì đúng là vất vả thực sự.

Ngồi một lát thế mà nhanh quá, gần 9giờ rồi, đã đến giờ hẹn tập trung xuống núi. Cũng vẫn những chiếc lồng treo lơ lửng giữa không trung, nhưng đi xuống cảm giác bớt sợ hơn, những tòa lâu đài nhỏ dần phía sau, những vách đá và các con suối rõ dần lên, đến khi nhìn thấy tượng Phật chùa Linh Ứng chỉ còn cao hơn một lóng tay là sắp đến ga mặt đất. Xuống đến chổ phòng vé cáp treo đã thấy Cường (lớp 02) đứng đón, dáng cao gầy cùng với cặp mắt kiếng dày không lẫn với ai được. Chương trình trưa nay là sẽ đi vào khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi nhậu heo rừng do chính Cường thiết kế dàn dựng. Đây là điểm du lịch mới nên ngay cả khi hỏi taxi cũng không biết chổ nớ hắn ở mô.

Tạm biệt Bà Nà, hẹn ngày tái ngộ, nhưng có lẽ tái ngộ cá nhân chớ còn đi đông cả đoàn như thế này thì khó, vì còn phải dành chổ cho các nơi khác, nhưng biết đâu hữu duyên thiên lý năng tương ngộ!

IMG 0602_Ba_Na_Duoi_chan_nui_chuan_bi_di_khu_du_lich_Ngam_Doi_800x600

Tạm biệt Bà Nà để đi Ngầm Đôi

Ngầm Đôi thuộc xã Phú Túc, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng hơn 30 cây số, cũng trong dãy núi có Bà Nà, nhưng đi vòng vèo khá xa, trên đường đi thấy biển đề " căn cứ huyện ủy Hòa Vang" đủ biết đây là vùng hẻo lánh cỡ nào trước giải phóng. Cái tên Ngầm Đôi là để chỉ hai dòng suối chảy nhập vào một trước khi đổ ra sông, xung quanh là núi rừng trùng điệp, dọc hai bên suối là các tảng đá lớn du khách có thể ngả lưng ngắm những cây trang rừng, nước suối trong vắt và mát lạnh. Sau khi xe dừng, cả đoàn đi bộ một đoạn ngắn là đến suối, nơi có quán và lều trại phục vụ ăn uống, chủ quán là một anh trung niên vui tính. Trong khi chờ đợi mồi màng lên , mọi người nằm nghĩ trên các chiếc chiếu trong căn chòi bát giác nghe tiếng suối róc rách đâu đây. Gió mát thiu thiu nằm ru mình vào giấc mộng Nam Kha, mơ màng hình như văng vẳng lời bài hát " Cô hái mơ" của Phạm Duy:

                         Hay cô ở lại về cùng ta.

                        Nhà ta ở dưới gốc cây dương

                        Cách động Hương Sơn nửa dặm đường

                        Có suối nước trong tuôn róc rách, có hoa ven suối ngát đưa hương.

                        Cô hái mơ ơi! Không trả lời tôi đến một lời

                        Cứ lặng mà đi rồi khuất bóng

                        Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi!

Các anh thấm mệt nằm nghĩ nhưng các chị thì không, cảnh đẹp như thế này không tranh thủ chụp hình thì chừng nào mới chụp? Lệ Hoa, Ngọc Khoa, Tuyết Nga, Tuyết Sương, Kim Khoa..., những cái tên như tài tử điện ảnh đang dìu nhau nhảy qua các tảng đá, rồi tạo dáng nghiêng bên này, ngó bên kia, máy ảnh bấm lách cách, nửa người rồi nguyên người, hậu cảnh có suối rồi tiền cảnh có cây, tốn không biết bao nhiêu là film, quên mất, tốn không biết bao nhiêu là bộ nhớ (vì thời các cuộn film dùng cho máy ảnh cơ đã qua rồi). Dường như ai cũng trẻ lại. Khoa học đã chứng minh: sống vui tươi và vô tư sẽ làm phụ nữ đẹp hơn.

Gần 11 giờ trưa thì các dĩa thịt heo rừng đã được bưng lên trên các rổ tre lót lá chuối, món đầu là heo luộc chấm mắm cái và ruột heo dồn sả quấn rau thơm. Ăn heo rừng là ăn động vật quí hiếm đang được bảo tồn, nhà nước cấm đấy, nhưng có Cường "bảo kê" rồi, không sợ! Chai rượu sâm được trao cho anh trưởng lão Hoàng khui khai tiệc. Các chung rượu nhỏ lấy của nhà Minh (Tam Kỳ) được phát cho từng người.Tùng được bầu làm chủ xị, có nhiệm vụ kiểm soát đảm bảo lưu chuyển rượu chè không bị tắc nghẽn, đoạn nào bắn bổng bắn bỏ, đoạn nào vòng tua, rất thứ tự. Một lát sau chuyện trò đã bắt đầu tăng âm thanh, mồi màng đã được tiêu thụ nhanh chóng. Món kế tiếp được mang ra là tiết canh vắt chanh và dồi trường chấm muối ớt. Chiếu nhậu của nữ kế bến cũng không kém cạnh, cứ cách đôi ba phút lại nghe hô "một hai ba...zzzôô!" vang trời. Khí thế cao ngất mây xanh nên chiếu nhậu nam cảm thấy lép vế, cử Quý Hoàng mang rượu qua nghênh tiếp. Đặc sứ Quý Hoàng bê hủ rượu sâm sang, mới nói được vài lời phi lộ đã bị các tiên nữ động Bàng Tơ hớp hồn, quất cho mấy ly xiểng niểng.

IMG 0659_Ngam_Doi_Nhau_heo_rung_800x600

Quang cảnh buổi nhậu heo rừng trưa Chủ Nhật 29/07/12 tại Ngầm Đôi (Đà Nẵng)

Thông cao hứng xuất ra hai câu lục bát vịnh cảnh sum họp có một không hai của bạn bè nơi chốn núi cao suối mát:

                     Rượu sâm nhậu với heo rừng

                     Tình xưa bạn cũ chưa từng vui hơn

Anh Hoàng (chồng Khoắn) tiếp liền:

                     Đường xa gian khó không sờn

                     Hội An, Đà Nẵng, cao sơn Bà Nà

Khoắn cũng liều mình ra thơ luôn:

                     Tứ phương sum họp một nhà

                     Tài chính kế toán, đều là người quen

Không biết từ đâu ra xuất hiện anh bạn tên là Hóa, bà con của Châu Trân, cũng được mời cụng ly vui vẻ. Người ta nói rằng nhậu nhiều không tốt cho cơ thể, nhưng có người nói nhậu tốt cho tinh thần, là vì dân nhậu rất hào phóng, dễ hội nhập, lạ quen gì không biết, đều được mời uống đầy đủ, lại còn đưa mồi cho gắp nữa, khi đã cao hứng rồi thì rất nhanh thân thiết.

IMG 0650_Ngam_Doi_Cuong_Canh_Quy_Hoang_Ben_chieu_nhau_800x600

Quý Hoàng (01) - Cảnh (01) – Cường (02)

Trong lúc mọi người chén chú chén anh thì Sử Văn Minh âm thầm lò dò xuống suối tắm, cho mát mẻ mà cũng để trãi nghiệm cái lạ của nước suối rừng so với nước biển Vũng Tàu. Còn một số anh khác thì tranh thủ rút thuốc lá ra đốt, thả khói vương vấn lên các tàng cây. Nghiện thuốc lá do có chất Nicotine đã đành, nhưng phần nhiều là nghiện cái phong thái ung dung và bản lĩnh đàn ông khi châm lửa, rít, và nhả khói. Nhạc sĩ Hồ Dzếnh đã có một câu kết tuyệt vời cho bài hát "Chiều":

               Nhớ nhà châm điếu thuốc

              Khói huyền bay lên cây

sau khi đã cho gã lữ thứ cô đơn trong nỗi độc hành:

              Trên đường về nhớ đầy

              Chiều chậm đưa chân ngày

              Tiếng buồn vang trong mây

              Tiếng buồn vang trong mây...

Bữa tiệc "Lâm Trư Bát Bửu" (heo rừng tám món) do đạo diễn Vũ Mạnh Cường thiết kế công phu và tốn kém, được dàn diễn viên lừng danh của đoàn Tống Giôi (tối dông) thực hiện hoàn hảo, đã kết thúc lúc 1 giờ chiều tại sân khấu rừng Ngầm Đôi (Đà Nẵng), để lại trong lòng khán giả mộ điệu nhiều nỗi xúc động.

Mọi người lục tục đi bộ ra xe, ghé qua nhà của anh trung niên chủ quán uống cà phê, được dẫn ra thăm dàn máy thủy điện mini tại gia chạy bằng sức nước suối trong núi đổ ra từ trên cao theo 2 đường ống. Như vậy dù sống giữa rừng nhưng điện đóm vẫn đầy đủ, lại còn bán điện cho các hộ dân quanh vùng thu tiền nữa. Anh chủ quán này quả là giỏi.

Cường điều thêm một xe 16 chổ nữa của cơ quan, nên chiếc xe mà cả đoàn thuê của Cty du lịch Green Tour bị thừa, phải trả lại, thương thảo một hồi đành đồng ý trả tiền cho họ 1.2 triệu đồng dù không dùng xe. Thôi cũng còn "lời" 800 ngàn đồng, dù hơi tiếc vì thấy chiếc xe hiệu Mercedez mới mà không được đi!

Đường về phố thị Đà Nẵng rộng thênh thang, nhà cửa đường sá thông thoáng, đẹp. Theo chương trình thì còn viếng chùa Linh Ứng, đi chợ Hàn, rồi mới đến ăn tối chia tay.

Chùa Linh Ứng (Bãi Bụt) sau 6 năm xây dựng đã được khánh thành ngày 30/07/2010. Chùa được xem là "cõi Phật giữa chốn trần gian", mặt nhìn ra biển Đông bao la, bên trái là ngọn Hải Vân che dòng Hàn giang hiền hòa, bên phải là Cù lao Chàm án ngữ. Đặc biệt có pho tượng Phật Bà Quan Âm lớn nhất Việt Nam ( cao 67 m, đường kính toà sen 35m, tương đương tòa nhà 30 tầng). Trong lòng tượng có 17 tầng, từ tầng cao nhất có thể nhìn thấy toàn bộ TP Đà Nẵng, núi rừng và biển đảo Sơn Trà

Tham quan chùa Linh Ứng xong mới khoảng 3giờ chiều, định đi chợ Hàn thì có ý kiến nên đi biển Mỹ Khê vì chợ Hàn không có gì đặc sắc lắm. Đành chia 2 chọn lựa: ai đi chợ Hàn lên 1 xe, ai đi Mỹ Khê lên xe còn lại, miễn sao 5 giờ gặp nhau tại nơi ăn tối là được. Cường và Sơn , dân "bản xứ" Đà Nẵng đã không quản ngại nắng nôi, bỏ nhà từ chiều hôm qua lên núi Bà Nà, cho tới bây giờ vẫn hộ tống bạn bè đi Mỹ Khê. Thông có việc cần gửi email về công ty nên nhờ Trí đưa xe đi tìm một tiệm Internet trong phố, đi lòng vòng gần 20 phút tìm không ra tiệm nào hết, có lẽ nhà ở phố lớn thuê đắt tiền quá nên dịch vụ chơi game / internet vv..không dám mướn, nhưng sao tiệm ăn, quán nhậu thì nhiều? Cuối cùng Thông / Trí / Minh (Tam Kỳ) đành kiếm chổ uống cà phê giết thì giờ. Thoáng một lát đã sắp đến giờ hẹn ăn tối chia tay Đà nẵng.

Quán Hai Lúa nằm trên đường 30 tháng 04 đúng tên là Hai Lúa 1, để phân biệt với quán Hai Lúa 2 nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Quận Hải Châu), không biết có cùng chủ với 4 quán sau đây không:

- Hai Lúa Chợ Lớn – 648 Nguyễn Trãi – P11-Q5 – TP HCM

- Hai Lúa Gò Vấp – 18 bis Phan Văn Trị - P7 –Q.Gò Vấp – TPHCM

- Hai Lúa Sài Gòn – 10 Ngô Văn Năm –P.Bến Nghé – Q1 – TPHCM

- Hai Lúa Sa Đéc – 35A Nguyễn Tất Thành – Sa Đéc – Đồng Tháp

Thì ra anh Hai Lúa quê mùa đã có mặt ở nhiều thị thành, trở thành một thương hiệu trong làng ẩm thực, khá thu hút thực khách và các đệ tử lưu linh. Cái tên mộc mạc đánh đúng vào tâm lý dân Nam bộ, vốn chuộng những gì bình dân, gần gũi với quê nhà. Thực ra các quán này không "lúa" chút nào, vì từ bàn ghế, trang trí, dàn nhân viên phục vụ, cho đến món ăn đều "tân kỳ", nhưng cái tên vẫn luôn quan trọng để thu hút khách bốn phương. Thử so sánh xem: giữa quán Hai Lúa với Đại Thiên Vương Tửu Quán bạn sẽ bước vô quán nào? Vậy cái danh xưng đâu phải không cần thiết? Đi xa hơn một chút: ở đời người ta nói "danh chánh ngôn thuận", "chính danh quân tử", chính là để khẳng định cái danh ngay thẳng. Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm rất thích những người có tên đẹp, đọc lên nghe quang minh chính đại, ví dụ như Trần Chánh Thành, Nguyễn Thành Phương, Bùi Kiến Tín, Phạm Ngọc Thảo. Học giả Vương Hồng Sển đã kể lại trong quyển tự truyện "hơn nửa đời hư" rằng Ông Diệm không thích mình bởi vì cái tển Sển nghe nó xa với cái hay ho mà lại gần với cái thứ "chểnh mãng"...! Phải chi hồi làm khai sanh người đánh máy chữ của hội đồng xã đánh đúng tên ông là Vương Hồng Thạnh thì đời ông đã rẽ sang lối khác rồi ( Ông Sển người gốc Hoa, Thạnh được phát âm là "sển" nên đã bị làm khai sanh sai tên từ hồi nhỏ).

Trở lại chuyện quán Hai Lúa 1 ở Đà Nẵng, nhóm Thông / Trí / Minh (Tam Kỳ) đi tìm quán một hồi mới ra, đến nơi mới 16g40, tưởng rằng sớm, ai dè vô quán đã thấy nhóm đi Mỹ Khê đã có mặt đầy đủ, đã làm trước mấy lon bia rồi, nên nhanh chóng "hội nhập" vào liền. Buổi ăn tối chia tay bạn bè miền Trung trước khi cả đoàn lên máy bay về Sài Gòn và Lâm lên xe lửa về Tuy Hòa cũng là một dịp giao lưu thân thiện với những ai từng học ở 279 NTP, nên có nhờ Cường và Sơn mời thêm một số anh chị cựu sinh viên tài chính kế toán các khóa khác đang sinh sống ở Đà Nẵng, nhưng do mùa này cuối tuần rơi vào "ngày lành tháng tốt", đám cưới nhiều, nên ai cũng kẹt hết, chỉ được có mỗi Quí (cựu sinh viên C19), là Viện phó Viện Qui hoạch Đà Nẵng đến. Mọi người nâng ly mời nhau ì xèo, ly ở ngoài này nhỏ chưa bằng một nữa ly ở Sài gòn, vừa cho một hớp, nên cụng rất thoải mái, chứ cụng theo kiểu ly cối Sài Gòn rất nhanh "tiêu tán đường".

Gần cuối bữa tiệc Thông xin mấy phút được nói lời cảm ơn đến Cường, dù rất bận với cương vị Giám đốc Kho Bạc Nhà Nước Đà Nẵng , đã bỏ nhiều thời gian bàn bạc sắp xếp chương trình, lo xe cộ, và tặng cho đoàn một bữa nhậu heo rừng "lịch sử" ở một địa danh chưa mấy người biết đến (Ngầm Đôi), Thông thay mặt bạn bè gửi Cường một quà lưu niệm của chuyến đi.

Kế đó Thông cũng xin có vài lời cảm ơn "những người trong nhà", đó là những bạn đã đóng góp công sức sắp xếp tổ chức cho chuyến đi kể như thành công trọn vẹn đến giờ phút này, đó là:

- Lệ Hoa, người lo việc đăng ký mua vé máy bay cho 9 người bay ra và 22 người bay vào , là một nhân tố tích cực góp phần làm cho chuyến đi đông người nhất ( do người đi đã lỡ mua vé máy bay rồi không dám trả lại, sợ bị trừ tiền rất nặng J !)

- Tuyết Nga, người một mình ra ga Sài Gòn mua vé xe lửa cho 13 người đi Quảng Ngãi. Nga không thích số 13 nên chỉ nhận tạm ứng tiền 12 triệu đồng từ Thông. Nhưng chuyến đi 13 người vẫn đi đến nơi về đến chốn an toàn, có "số" hết nên không lo chi.

- Phạm Thái, người phụ trách đăng ký khách sạn ở Bà Nà, cho mọi người có dịp thưởng thức một đêm trên núi nhớ đời.

- Khoắn và Kim Khoa, hai người lo khâu thu-chi, quản lý tài chánh cho chuyến đi, đã thanh toán tiền bạc, lui cui ghi chép đầy đủ để khi về còn quyết toán công minh.

Mỗi người đã được Thông tặng một món quà tượng trưng cho công việc các bạn đã làm ( Lệ Hoa được tặng chiếc máy bay đồ chơi, Tuyết Nga được chiếc xe lửa, Phạm Thái được tấm khung ảnh hình cái nhà, trên đó có vẽ Hotel De Le Jardine và dòng chữ " merci beaucoup ", Khoắn được tấm khung ảnh có hình một ông bự xách bao đựng tiền, Kim Khoa được một con lật đật, rất đúng ý, vì mấy ngày nay Khoa rất tất bật, lớp lo thu-chi tiền bạc ghi chép sổ sách, lớp lo chụp hình cho chuyến đi, lớp hỗ trợ cho Thông các việc quà cáp linh tinh ...).

Trần Minh Hà, đại diện Ban Liên Lạc C16 trao tặng một quà lưu niệm cho anh Hoàng (C14-chồng Khoắn), người "trưởng lão" của chuyến đi, và cũng là nhân tố không thể thiếu cho những tiếng cười vui tươi mấy ngày nay. Chung Nghĩa Nhỏ cũng đại diện BLL C16 tặng quà lưu niệm cho Quí (C21) đã nhiệt tình tham dự buổi tiệc giao lưu này

Giờ chót mà vẫn còn 4 quà lưu niệm, ban tổ chức quyết định cho bốc thăm may mắn, chấp nhận cho tất cả mọi người đều được tham gia, có nghĩa là những người đã được quà lưu niệm rồi vẫn có khả năng được nữa nếu bốc đúng thăm trúng giải. Kết quả rơi vào 4 bạn : Phạm Thái , Ngọc Khoa, Tuyết Sương và Lệ Hoa. Ông trời rất " có mắt", ngoài Phạm Thái và Lệ Hoa đã có thành tích đóng góp như nói trên nên được "ổng" thuởng thêm, Tuyết Sương (lớp 03) lần đầu tiên tham gia đi chơi với nhóm nên đã được "ổng" khuyến mãi ngay một quà may mắn. Ngọc Khoa (lớp 04-ở Bình Dương) 4 giờ sáng Thứ Sáu 27/07 đã dậy, 4giờ 30 bắt ông xã đưa xuống sân bay Tân Sơn Nhất cho kịp giờ bay đi Đà Nẵng chuyến sớm nhất, nhiệt tình như thế nên "ổng" cũng thương tình ngó lại cho một giải may mắn luôn!

IMG 0708_Da_Nang_4_nguoi_trung_qua_Boc_Tham_May_Man_800x600

Bốn quà may mắn rơi vào Hoa / Sương / Khoa / Thái

21 giờ máy bay mới cất cánh, bây giờ mới 19giờ, Thông định nói mọi người cứ cà kê dê ngỗng một lát nữa đi cũng được, nhưng có người khuyên rằng nên đi sớm vô sân bay làm thủ tục sớm lúc nào hay lúc đó, đề phòng đông người quá mà đến sát giờ sẽ hấp tấp vất vả. Vậy thì đã đến lúc phải chia tay, mọi người lần lượt bắt tay, ôm vai Cường (Đà Nẵng), Sơn (Đà Nẵng) , Minh (Tam Kỳ), Trí (Quảng Ngãi), nói lời tạm biệt và hẹn gặp lại. Các bạn đã đưa cả đoàn ra tận sân bay, bắt tay từng người rồi mới trở về. Trí sẽ đưa Lâm ra ga Đà Nẵng để lên tàu lửa lúc 21giờ để về lại Tuy Hòa, sau đó sẽ về Quảng Ngãi trong đêm , trên xe chở Minh, về ngang Tam Kỳ Minh sẽ xuống.

Máy bay Hàng Không Việt Nam đúng giờ đã cất cánh bay lên, bỏ lại màn đêm lấp lánh ánh đèn của thành phố Đà Nẵng. Ba ngày ngắn ngủi trôi qua, nhưng đã kịp để lại dấu ấn trong lòng người, vì tình cảm bạn bè xưa đẹp và trong sáng quá.

HẾT

Trần Thông tường trình

Sài Gòn - 18/08/2012