Ca dao...nói dóc. Phiếm đàm của Trần Huiền Ân
- Chi tiết
- Viết ngày: 08/06/2014
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 2375
Xin gửi quí bạn bài phiếm đàm để tìm lại vài phút giây thư thả khi nhấn nhá những câu ca dao Việt thăng hoa mà trữ tình, qua góc nhìn của một thi sĩ cao niên.
C A D A O . . . N Ó I D Ó C
Nguyễn Quang Sáng tiên sinh từng trả lời một nhà văn trẻ hỏi chuyện tuổi già: "già rồi thì chơi chớ làm gì nữa mày!". Già rồi thì...chơi. Nhưng, như tôi, lắm lúc không biết đi chơi ở đâu, nói chuyện với ai, đâm ra tự mình hạn chế giao du. Không còn cái thích thú lang thang vào những chiều mưa nhỏ. Buổi bình minh và buổi hoàng hôn ngồi ở quán cà phê thấy không khí nhạt thếch. Lười đọc sách báo văn chương của thiên hạ, tuy bảo rằng hiện đại sao như không dính dáng gì tới ai cả. Thôi thì về tìm trong ca dao thử xem.
Tôi đã điểm qua mấy ngàn câu ca dao. Trước hết là thời gian trong ca dao, coi thử năm này tháng nọ, đêm năm canh ngày sáu khắc thế nào. Rồi động vật trong ca dao, con bò con trâu, thậm chí đến con cua con còng sống chết ra sao. Cây cỏ trong ca dao, từ cổ thụ đại ngàn che chở cho cầm thú hoang dã đến thân bèo tấc cỏ trôi dạt lững lờ. Bây giờ đang nhẩm xem trời đất trong ca dao, nhìn lên những trăng sao mây gió, ngó xuống những sông biển hồ ao. Trong mấy ngàn câu đó...ước có đến cả ngàn câu dở ẹc, từ ý tứ đến chữ nghĩa. Nhưng nhiều câu thật hay, hay theo cảm nhận của cá nhân tôi chứ không phải theo tiêu chuẩn sách vở của các nhà nghiên cứu, các giáo sư giảng dạy. Hay trong cả cái phi lý không thể giải thích tận từ một cách rốt ráo.
Thử không suy nghĩ, không lựa chọn, đọc ngay một câu chợt nhớ:
Anh đi đường ấy xa xa
Để em ôm bóng trăng tà năm canh
Bóng trăng là cái gì mà ôm được? Những vừng sáng chiếu xuống thế gian này ư? Đó là ánh trăng chứ đâu phải bóng trăng. Những vệt mờ, những chổ tối khuất chăng? Đó là bóng cây, bóng núi, bóng mây chứ đâu phải bóng trăng. Vậy bóng trăng là cái không nhìn thấy.
Một câu khác:
Vì sương nên núi bạc đầu
Cây lay vì gió, hoa sầu vì mưa
Nửa sau (chuyện gió mưa) tầm thường, nhưng nửa trước thì hay quá. Vì sương nên núi bạc đầu. Nhớ hôm ở Sa Pa nhìn dãy Hoàng Liên Sơn chạy dài và sương cũng trãi theo phủ dài. Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, núi bao nhiêu tuổi vẫn là núi non? Núi như mỹ nhân trong bài thơ Đái Đức Tuấn tiên sinh: bèo dạt nước trôi em vẫn trẻ. Cái già như sợ cái hồng nhan.
Câu này hay hơn:
Vì mây cho núi lên trời
Vì cơn gió thoảng hoa cười với trăng
Núi lên trời, thật là diễm phúc, nhưng núi đâu muốn, vì mây đó. Cũng như hoa không định cười với trăng, vì gió đó. Gió cũng biết lòng hoa nên chỉ là gió thoảng, chứ dồn dập thổi thì còn gì đời hoa! Cụ Ôn Đình Quân, một thi sĩ thời Vãn Đường bên Tàu đã than thở: Tam xuân nguyệt chiếu thiên sơn lộ. Thập nhật hoa khai nhất dạ phong. Mười ngày hoa nở, chỉ cần một đêm gió (mạnh) là đi đời. (Bùi Khánh Đản tiên sinh dịch: Ba tháng trăng soi ngàn núi hiểm. Mười ngày hoa nở một đêm rơi. Tiếc là thiếu yếu tố gió.
Người ta hay nhìn trời nhìn đất mà nói lên nỗi lòng. Chẳng hạn, anh này tán tỉnh cô nọ:
Ngó lên sao sáng trời hồng
Thương em từ thuở mẹ bồng trên tay
Ôi anh đã thương em sớm lắm, từ buổi ấy...
Anh kia cho thời gian lui về trước một đoạn:
Ngó lên sao máng nằm ngang
Thương em từ thuở mẹ mang trong lòng
Một anh nữa quyết chơi trội:
Tua rua chín cái nằm kề
Thương em từ thuở mẹ về với cha
Chưa có em anh đã thương em rồi, vậy là anh thương ai?
Gẩm lại, những mây núi nhớ thương này tuy là chuyện chẳng phải hoàn toàn thực, nhưng cũng chẳng phải hoàn toàn không, nó chỉ thực một phần nào, một mức độ nào để người nói và người nghe đủ thấy tâm tư lay động và tin tưởng. Mấy ông thầy dạy văn gọi đó là "hư cấu". Lật Hán Việt từ điển của Vệ Thạch tiên sinh: Hư = không thực, không có, không vào đâu cả. Cấu = xây dựng, kết lại, gây ra chuyện, xong việc. Vậy, hư cấu là đem điều không thực, không có mà kết lại xây dựng thành chuyện. Nôm na gọi là "nói láo". Cách gọi mỹ từ pháp này chưa ổn. Nói láo, như cụ Bồ Tùng Linh: Cô vọng ngôn chi cô thính chi (Tản Đà tiên sinh dịch: Nói láo mà chơi, nghe láo chơi). Ở đây không phải là nói láo, chỉ là "nói dóc", nói dóc có nghề, ít xít ra nhiều, thêm thắt râu ria, một đôn lên năm, ba vẽ thành mười, khiến cho ai nghe cũng ưa thích. Không phải nói láo (hư cấu), các tác giả mấy câu ca dao này chỉ nói dóc. Nói dóc như thế mới tuyệt chứ!
Trần Huiền Ân
(Mục Phiếm Đàm-Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần
Số 21 – 08/06/2014)
----
Trần Thông sưu tầm