Chuyến đi thăm Tây Nguyên (Gia Lai & Kon Tum) - 09/10/2015
- Chi tiết
- Viết ngày: 02/11/2015
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 1996
Việc đi thăm Tây Nguyên đã từng được đề ra khi bài tường trình chuyến thăm đồng bằng Sông Cửu Long hồi cuối tháng 7/2013 kết thúc bằng câu “Hẹn gặp lại năm sau trong chuyến đi thăm Tây Nguyên!”. Nhưng dự kiến đó đã không thực hiện được trong năm 2014, mà mãi đến hơn 1 năm sau…
Thăm Tây Nguyên từ Sài Gòn trong 3 ngày thì chỉ có thể đi bằng máy bay, chứ đi đường bộ sẽ khá mệt và không đủ thời gian, mặc dù Quốc Lộ 14 vừa mới được nâng cấp phẳng phiu chứ không còn là “con đường gian khổ” như trước. Sử Văn Minh (lớp 04) ở Vũng Tàu đảm nhiệm khâu đăng ký mua vé máy bay, với mục tiêu lấy được càng nhiều vé rẻ càng tốt, tất nhiên phải có người đi chứ nếu “rẻ chợ mà mợ không đi” cũng như không! Trong tuần đầu tháng 9.2015 từ khi Thông thông báo, chỉ có lác đác vài người đăng ký, nhưng qua tuần thứ hai con số tăng lên bất ngờ: trên 10 người, cùng với sự “xuất hiện” của những “nhân vật lạ” trước nay ít đi chơi chung như Bùi Đức Phong (lớp 01), Cao Sĩ Tú (lớp 06)…; rồi tuần thứ ba khép lại với trên 20 người, có cả Nguyễn Thị Giang (lớp 04-Vĩnh Long), Lê Minh Trang (lớp 11-Trảng Bom-Đồng Nai); vợ chồng Dương Xuân Phát (lớp 12)-Đoàn Thị Minh Loan (lớp 10); vợ chồng Đặng Công Triết (lớp 04)-Nguyễn Thị Thu Hà (C17). Thông khóa sổ đăng ký chuyến đi với 24 người để đủ thời gian chuẩn bị lên đường. Con số này là cao nhất từ trước tới nay qua mấy lần đi thăm các vùng trong nước, nếu không khóa sổ sớm chắc còn cao nữa! Tinh thần “làm hết ga, chơi hết mình” của C16 được dịp thể hiện tưng bừng, như hưởng ứng câu danh ngôn của Phạm Thái: “có dịp chơi thì nên chơi, thời gian trôi qua chỉ có thể hồi tưởng chứ không bao giờ lặp lại”.
Trở lại chuyện mua vé máy bay, Sử Văn Minh mai phục mạng VN Airlines hằng ngày, chộp được một số vé giả rẻ, tiết kiệm khá nhiều chi phí cho mọi người, nhưng một sáng đẹp trời Minh gửi email cho Thông than rằng “tai nạn nghề nghiệp Thông ơi!”, hóa ra Minh vấp một sai lầm điếng người: thấy vé chuyến về Ban Mê Thuột-Sài Gòn đang rẻ, nhanh tay “book” liền 2 vé cho Minh và Mười, chừng xem lại té ra 2 vé đó khác giờ bay về của cả nhóm!! Tính đi tính lại nhiều cách để gỡ không xong, cuối cùng phải hủy 2 vé đó mua lại 2 vé khác, tốn mất hơn 1.4 triệu đồng, công lao động vất vả của Minh thành ra công cốc! người tính không bằng trời tính J J! Nhưng tổng kết giá vé đi và về của mỗi người chưa đến 2 triệu đồng, cũng là một thành tích tài chính ban đầu của chuyến đi!
Sân bay Tân Sơn Nhất sáng sớm Thứ Sáu 09/10/2015 bổng náo nhiệt hơn ngày thường do sự xuất hiện của nhóm C16, điện thoại réo inh ỏi, hỏi nhau tới chưa, đứng ở chổ nào, còn thiếu ai? Hình như đủ rồi, ủa sao chưa thấy Giang-Khoa, còn Mary Huệ-Minh Liên nữa vv và vv…Bùi Đức Phong đâu? Không nghe trả lời mà hắn chỉ nhờ Cảnh nhắn số Code (mã số) chuyến bay, nữa giờ sau mọi người đã qua hết khâu kiểm tra an ninh vào phòng chờ lên máy bay thì Phong xuất hiện, hóa ra hắn ngồi trong phòng VIP nãy giờ …uống bia, giờ chót ra xuất trình thẻ VIP là ung dung vô cổng!
Trời hôm nay trong và đẹp, máy bay cất cánh lúc 8g10 phút, nhẹ nhàng lướt trên những cụm mây bạc lững lơ, bềnh bồng. Chẳng mấy chốc đã nghe tiếp viên thông báo “máy bay đang giảm độ cao để hạ cánh xuống sân bay Pleiku”, nhìn ra ngoài thấy những vạt rừng xanh tươi chen trong màu đất đỏ bazan. Phố núi xa xa kia rồi, một thời chìm trong chiến tranh lửa đạn của giai đoạn 1972-1975, nơi mà những anh lính đồn xa chỉ còn có hình ảnh người tình mới thoát nỗi cô đơn:
Phố núi cao, phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ, để quên
(Còn một chút gì để nhớ-Thơ Vũ Hữu Định; phổ nhạc: Phạm Duy)
Máy bay đáp lúc hơn 9g một chút, nhưng lấy hành lý hơi lâu, vừa ra cửa sân bay đã thấy Huỳnh Tấn Hùng (lớp 03) đứng chờ, lao tới tay bắt mặt mừng, nhưng trong 24 người hôm nay chỉ khoảng 5-6 người biết Hùng, còn lại là…ráng nhớ! Kể cả với Bùi Đức Phong (lớp 01), là người đã can thiệp với bệnh viện Chợ Rẫy giúp điều trị cho vợ Hùng vài năm trước!
Một chiếc xe 25 chỗ màu da cam chờ sẵn đón mọi người bắt đầu cuộc hành trình trên bộ. Xe này do Long (nhân viên Sài Gòn Petro của Trần Minh Hà) thuê từ Ban Mê Thuột, chạy trống hơn 200km lên Pleiku đón đoàn.
Ra khỏi Pleiku một đoạn xa, rẽ bên trái vài mươi cây số là đến thủy điện Yaly, nhìn đồng hồ chưa đến 1 tiếng đi trên đường. Xuống xe mọi người tranh thủ chụp hình lưu niệm cá nhân, xong tập trung trước cổng chụp tấm hình toàn đoàn. Một tấm băng-rôn Thông mang theo được mọi người giăng ngang làm nền cho tấm hình, giữa trưa nắng chói chang nhưng ai nấy đều tươi cười.
Mọi người lên xe đi vào khu nhà máy trên con đập chính, được anh Bộ (nhân viên Cty thủy điện Yaly) thuyết minh nhiều chi tiết, nhưng giờ chỉ nhớ loáng thoáng mấy điểm chính: Yaly là thủy điện lớn thứ ba của Việt Nam sau Hòa Bình, Sơn La. Công trình được đào sâu xuống đất gần 300m giữa các vách đá lớn, ngăn sông Sê San với cột áp suất nước cao 190m. Tổng công suất 720MW với 4 tổ máy, xây dựng trong 9 năm (1993-2001) với sự hỗ trợ máy móc thiết bị từ Nga. Có 21km đường ống các loại, đập ngăn dài 4km, hồ chứa nước sâu 75m, dài 75km, rộng 45km. Nhờ độ cao ngăn nước tốt nên chỉ cần 2m3 nước chảy là sản xuất được 1kw điện, so với mức bình quân 7m3 hoặc 8m3 nước mới sản xuất ra 1kw điện của thủy điện Hòa Bình. Trong 9 năm xây dựng thủy điện Yaly đã có 27 kỹ sư, công nhân thiệt mạng vì tai nạn, con số này là nhỏ nếu so với thủy điện Hòa Bình ( 118 người ).
Thăm xong các tổ máy điện dưới hầm sâu, mọi người lên xe quay về văn phòng chính của công ty, lên sân thượng (lầu 5) ngắm toàn cảnh sông nước, trời mây của đập thủy điện, thật đẹp!
Đến lúc này cũng đã vừa trưa, nhờ anh Bộ gọi điện đặt ăn ở một quán ngoài đường lộ, cách nhà máy độ vài cây số.
Quán bình dân nên phục vụ cũng…bình dân, mọi người nhào vô phụ bếp, kẻ mang ly lên bàn, đập nước đá, người khui bia, bưng đĩa lên…chẳng mấy chốc bàn đã tươm tất đồ ăn cùng bia bọt, ngồi chật, chen chúc nhau vậy mà vui. Các món khá ngon miệng, nhất là cá lăng, đúng là chính hiệu cá sông, thịt mềm, thơm; mà chẳng ngon gì bằng ăn lúc đang đói bụng, vì nhiều người sáng nay lo chạy ra sân bay cho kịp, đã ăn uống gì đâu!
Ăn trưa xong là hơn 1 giờ chiều, lại lên xe hướng về Kontum, không còn xa mấy, chỉ độ 1 giờ đồng hồ nữa là đến. Con đường quốc lộ nối Pleiku-Kontum yên bình vắng vẻ, hai bên là những ngọn núi thấp, đầy một màu xanh nương rẫy, thế mà hồi mùa hè đỏ lửa 1972 nơi đây là chiến trường đẩm máu giữa 2 bên. Hùynh Tấn Hùng ngồi trên xe nghiêm nghị suy tư, kể lại những kỷ niệm thời niên thiếu hắn ở vùng đất đỏ lửa này, khiến người nghe không khỏi rùng mình trước sự kinh hoàng của chiến tranh hồi đó.
TP.Kon Tum hiền hòa nằm nên bờ sông Đăk Bla, cách Sài Gòn 600km, cách Quy Nhơn 215km, phố xá nhỏ nhắn trên các con đường nhiều cây xanh, có cảm tưởng như cơ quan nhà nước nhiều hơn nhà tư. Điểm đến thăm đầu tiên là Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum chính là Nhà thờ Chính tòa Kon Tum, được xây dựng từ năm 1913, nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Công trình này là sản phẩm kết hợp giữa lối kiến trúc Roman và kiểu nhà sàn của người Ba Na với vật liệu gần gũi là gỗ khiến đây trở thành một công trình tôn giáo nhưng mang đậm chất Tây Nguyên. Kiến trúc bên trong nhà thờ khá ấn tượng, mang dáng vẻ uy nghiêm vốn có của các nhà thờ phong cách Châu Âu. Cảnh ở đây khá cân đối, bắt mắt, nhờ khoảng sân rộng với hai thảm cỏ xanh, điểm xuyết bởi một vài tượng thánh, sau lưng là hai tòa nhà ngang cũng đẹp không kém. Mọi người say sưa chụp hình.
Rời nhà thờ gỗ, qua thăm nhà rông Kon Klor gần đó. Đến nơi thì cửa đóng then cài, mà người thì biền biệt nơi mô! Nhìn vô sân, nhà rông màu nâu, mái cao vút in hình lên nền trời xanh, đẹp thì có đẹp, nhưng dường như vẫn có cái gì đó hoang sơ pha chút ngậm ngùi, vì người đẹp ngồi đó mà qua đường bao người có ai hỏi tới đâu, cho tới khi có nhóm lữ khách phương xa nghe tiếng tìm thăm thì vườn hoang cửa khóa lặng im.
Hùng chạy đi tìm ông già làng gần đó, may sao ổng đưa chìa khóa cho Hùng mở cửa khu nhà rông. Mọi người nhanh chân vô thăm ngắm, nghĩ chân chút.
Nhà Rông được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu của chính núi rừng Tây Nguyên như cỏ tranh, tre, gỗ, lồ ô... và được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn. Nhà Rông là ngôi nhà to hơn nhiều so với nhà bình thường, có kiến trúc cao. Có những ngôi nhà cao tới 18 m, với đặc điểm là mái nhọn xuôi dốc hình lưỡi búa vươn lên bầu trời với một dáng vẻ mạnh mẽ. Nhà được dựng trên những cột cây to, thường là tám cột bằng cây đại thụ, thẳng, chắc, mái nhọn lợp bằng lá cỏ tranh, phơi kỹ cho đến khi khô vàng
Nhà Rông là nơi thực thi các luật tục, nơi tiếp khách, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của buôn làng, nơi già làng tập hợp dân làng để bàn luận những việc quan trọng của buôn làng, của đất nước. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội tâm linh cộng đồng và là nơi các thế hệ nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống...
Ngoài ra nhà Rông còn là nơi lưu giữ các hiện vật truyền thống: cồng, chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong các ngày lễ.
Thăm xong Nhà Rông, mọi người lên xe đến điểm cuối cùng của chương trình thăm Kon Tum, đó là Tòa Giám Mục Kon Tum. Tòa Giám Mục Kon Tum được các giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris xây dựng năm 1935, nhằm mục đích đào tạo các linh mục Thiên Chúa Giáo cho vùng Tây Nguyên. Được xây dựng rất kiên cố, gồm một toà nhà dài 100m, hoàn toàn bằng gỗ cà chít, loại danh mộc có thể đương đầu với mối mọt, người Pháp gọi là “Bois de fer” (gỗ sắt), gồm 2 tầng lầu và 1 tầng trệt. Các cột nhà được đặt trên bệ xây xi măng cao 2 mét. Theo thiết kế, chính giữa là Nhà nguyện, hai cánh hai bên là nhà ở và các lớp học. Qua trên 80 năm, tòa nhà vẫn còn vững chãi với dáng hình thanh thoát.
Một trong những điểm nhấn tại Tòa Giám mục Kon Tum đó là một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn. Các hiện vật, bản đồ trưng bày trong chủng viện đều rất giá trị, được chạm khắc bằng gỗ tỉ mỉ.
Rời Tòa Giám Mục Kon Tum chỉ mới hơn 5giờ chiều, nhưng mọi người quyết định kiếm chổ ăn chiều sớm để dành thời gian cho đường về khách sạn nghĩ đêm ở Pleiku. Ai cũng đều lạ chỗ đối với thành phố nhỏ bé này, Hùng ở Pleiku cũng ít về đây nên cũng không biết quán nào quen. May sao anh lái xe chở đến một quán quen.
Trong chương trình, Thông đã có hẹn trước với anh Đào Xuân Quí (C15 – Chủ tịch UBND Tỉnh Kon Tum) là anh ấy sẽ ra dự buổi cơm tối này để mọi người có dịp giao lưu gặp gỡ, mừng gặp nhau ở phố núi trong tinh thần “bạn cũ, trường xưa”. Tiếc là anh Quí bận việc nhà đột xuất không ra được, anh đã cử anh Hùng (khóa K13- Đại học Kinh tế), chuyên viên Sở Giáo Dục Tỉnh ra dự với đoàn; và có nhắn cho Thông số điện thoại của anh Sơn C15 (hồi ở trường hay được gọi là “Sơn Bô”), nhưng gọi thì anh Sơn lại kẹt tiếp đoàn công tác của Tổng Cục Thuế.
Đường từ Kon Tum xuôi về Pleiku trong đêm như huyền ảo, với bầu trời nạm ngọc những vì sao nhỏ lấp lánh, hai bên cây rừng thưa thớt nắm tay rì rào, tối đen, chỉ con đường xe đang chạy mới có vài cột điện sáng vàng vàng. Một hồi khá lâu anh em đòi xuống xe “xả nước cứu thân”! (thay vì “xả thân cứu nước”!). Xe nhẹ hẳn, tiếp tục bon bon lăn bánh, mọi người đã mơ màng ngủ gục…Xa xa thấy những đốm đèn xanh đỏ nhấp nháy, viền hai bên con đường dốc ngược lên trời. Hùng nói “sắp tới rồi đó!”. Chuông điện thoại reo, khách sạn Thiên Đường Xanh hỏi mấy giờ đoàn tới? Thông nói khoảng 30 phút nữa, và dặn khách sạn để sẵn chìa khóa phòng vào bì thư, ghi tên từng cặp vào phòng nào. Trước khi đi, từ Sài Gòn Thông đã gửi email cho khách sạn danh sách của đoàn C16, ai ở phòng nào và yêu cầu khách sạn “sẵn sàng mọi việc”, khi người ta đến là lấy chìa khóa vào phòng ngay chứ không phải chờ đợi. Cũng may là họ nghe mình, chứ họ không nghe thì …làm gì nhau?
Khách Sạn Thiên Đường Xanh do Hùng đặt giùm, nằm ở vị trí khá đẹp (khu công viên hồ Diên Hồng) không xa trung tâm thành phố Pleiku mấy, các nhà nghĩ được bố trí quanh bờ hồ, vườn hoa cây cảnh rất thơ mộng. Tiếc rằng đến tối quá (hơn 20g) nên chẳng nhìn thấy cảnh gì ngoài khu trung tâm khách sạn. Nhận phòng tắm rửa xong cỡ khoảng chưa tới 21g, mấy anh hăng hái gọi nhau lên lầu trên hát Karaoke và nhậu tiếp, nhưng nhân viên khách sạn bảo “đóng cửa rồi anh!”. Không hát hò thì uống cafê vậy, hỏi thăm quanh đây có chổ nào cafê không, lại được trả lời” vừa đóng cửa anh ạ!”. Giờ này ở Sài Gòn người ta mới bắt đầu đi chơi, còn phố núi đã đi ngủ! “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”, anh em bàn đi tìm chỗ nhậu chắc là có. Quả nhiên ra khỏi cổng khách sạn, lội bộ lên dốc một chút thì thấy quán “Vịt các món”. Lại móc điện thoại di động ra, bấm bấm nói nói một hồi gom gần đủ các nam nhi trong đoàn. Phát minh của thời đại kỹ thuật phục vụ con người sâu xa chỗ nào không biết, chứ trước mắt thấy ngay tiện ích của điện thoại di động trong việc liên lạc chiến hữu để gầy độ!
Mồi màng ngon, nào cánh vịt nấu cháo, mình vịt xáo măng, nhưng tiết canh vịt thì ngại không dám ăn, vì ám ảnh bệnh dịch “liên cầu lợn” mà báo chí đăng nhiều tháng trước. Cụng ly lai rai hơn 1 tiếng 30 phút thì xong hai thùng bia Heineken, anh em bắt tay chào Hùng về ngủ để mai còn lên đường sớm qua Ban Mê Thuột.
Về đến khách sạn thì cổng đã khóa rồi! Phải kêu bảo vệ và chờ một hồi mới vô được.
Đêm thứ nhất trên cao nguyên trôi qua bình yên, ngon giấc.
&&&
Thứ Bảy 10/11/2015, 6 giờ sáng, sương còn la đà trên mặt hồ mọi người đã trả phòng xong gần hết, kỷ luật giờ giấc thật là nghiêm túc đáng khen! (vì tối hôm qua Thông nhắn tin cho từng người rằng sáng mai trả phòng lúc 6g để kịp đi Ban mê Thuột), chỉ trừ Bùi Đức Phong đang còn chạy bộ tập thể ở quanh quanh đâu đó!
Hùng dẫn đoàn đi ăn sáng tại quán phở gà Ngọc Linh, 46 Phan Bội Châu Pleiku, với món khá lạ là “phở khô”. Ăn xong một số người lưu luyến phố núi này đã kéo qua quán kế bên thưởng thức cafê đen nóng, ngon dở chưa nói, nhưng Bùi Đức phong nhận xét là “nặng hơn cafê Ban Mê Thuột”.
Liên lạc hẹn được với chị Hoa (Học viện Bóng Đá Hoàng Anh Gia Lai) là 8g00 đoàn sẽ có mặt ở học viện. Xe chầm chậm lăn bánh rời Pleiku xuôi về đường đi núi Hàm Rồng, khoảng 17-18 cây số là sẽ tới nơi. Tiện đường đi Ban Mê Thuột mà không ghé thăm địa điểm này cũng uổng, vì bấy lâu nay ở Việt Nam, nói tới bóng đá chuyên nghiệp không thể không nhắc tới câu lạc bộ bóng đá HAGL, còn nói tới những chuyện “điên” nổi sóng, bất ngờ trong gầy dựng và điều hành bóng đá, không thể không nhắc tới Đoàn Nguyên Đức, ông chủ HAGL.
Điểm đầu tiên đập vào mắt là cơ ngơi học viện bóng đá HAGL rất khang trang, nghe nói mười mấy năm trước ông Đức đã cho ủi hơn 15 mẫu cao su đang thu hoạch để lấy đất làm bản doanh học viện. Lúc đó người ta nói ổng khùng, nhưng ông Đức mặc kệ ai nói gì thì nói, việc ổng ổng cứ làm, ổng kinh doanh bóng đá kiếm lời chứ không làm từ thiện bóng đá. Ổng tuyển lựa các em có năng khiếu đá bóng từ khắp nơi trong nước, đem về Pleiku nuôi nấng tử tế, dạy văn hóa, ngoại ngữ, luyện nghề đá bóng, tốt nghiệp sau khoảng 7 năm thì các em sẽ bung ra ngoài đá cho các đội bóng lớn, tất nhiên là đội bóng phải trả cho CLB HAGL với giá nào đó chứ không phải cho không. Hai cầu thủ Công Phượng và Tuấn Anh xuất xứ từ lò đào tạo này vừa được đưa sang Nhật để ký hợp đồng đá cho 2 CLB bóng đá Mito Hollyhock và Yokohama FC, rất nhiều khả năng 2 cầu thủ này sẽ được đá J-League 2 (Giải Vô Địch Bóng Đá Nhật 2) mùa tới.
Trong thư viện
Vừa thăm xong học viện bóng đá HAGL thì trời đổ mưa lất phất, nhưng cũng kịp lên xe. Đường qua Ban Mê Thuột còn xa, khoảng gần 200 cây số, nhưng đi chơi, tâm trạng háo hức, phong cảnh rạng rỡ, và chung quanh bạn cũ thân tình nên không ngán chút nào. Nghĩ mà thương nàng Kiều, bán mình chuộc cha, rời nhà theo người ta về một nơi xa xôi, tương lai mờ mịt, họa nhiều hơn phúc, ngày ra đi chiếc cầu bạc phau vì giá lạnh, trên đầu mây đen vần vũ rầm rầm, thật là khiếp hãi!