Chuyến đi thăm Tây Nguyên (Đăk Lăk) - 10-11/10/2015

Tiếp theo Phần I "Thăm Tây Nguyên (Gia Lai & Kon Tum)"

--------------------------------------------------------------------------------------------------------

Rời khu vực núi Hàm Rồng, xe thẳng tiến trên Quốc Lộ 14, đường lên dốc xuống đồi mấy tiếng đồng hồ nhưng êm re không một chút dằn xóc, nghe nói đường mới được nâng cấp 6-7 tháng nay chứ trước đây nhiều chỗ chưa tốt. Tay lái của tài xế cũng thật điêu luyện, lúc cần chạy chậm qua chỗ đông người, lúc cần tăng ga vượt đèo vắng, đều trong vòng kiểm soát. Nhìn ra ngoài, các khu nhà mái ngói đỏ lúc ẩn lúc hiện qua các rừng cây, có vẻ cuộc sống ở các vùng này khá sung túc. Xe đi qua huyện Chư Pưh (cách Pleiku 60 cây số) , huyện Ea Drăng (tiếng Ê-Đê có nghĩa là Sông Phượng Hoàng), rồi huyện Krông Buk (tiếng Ba-Na có nghĩa là Sông Tóc), những cái tên thật dân dã không khác chi người Kinh đặt tên Làng Con Ó, Xóm Tóc Tiên …

Đường xa mà không có tiết mục gì huyên náo e rằng mọi người ngủ gục hết, Thông bàn với Mười bày ra vài cuộc thi với giải thưởng là quà tặng lưu niệm, nào là kể chuyện tiếu lâm, nào là hát hò vv…, nhưng Mười “quậy” gần khan tiếng mà chẳng thấy bà con lay động chút nào, Thông bơm thêm mấy ý nữa cũng không khá gì hơn. Tình thế có vẻ èo uột quá, bổng đâu có một cánh tay giơ lên xung phong “làm nóng” không khí trên xe, á, đó là Giang, để xem hắn có chiêu gì. Thì ra chiêu không mới nhưng hãy đợi đấy!: chơi trò chia hai phe “Bà Ba” và “Bà Bảy”, thay nhau mỗi phe nói 1 câu bằng 5 chữ “B”, không được nói trùng câu đã nói, phe nào bí 10 giây thì phe đó thua.

Mở đầu là “Bà Ba bắn Bà Bảy” được đáp lại dễ dàng “Bà Bảy bộp Bà Ba”; sau đó “Bà Ba bế Bà Bảy” được trả lời “Bà Bảy bưng Bà Ba

Rồi thì  “ Bà Ba bào Bà Bảy
            “ Bà Bảy bửa Bà Ba
            “ Bà Ba bồng Bà Bảy
            “ Bà Bảy bỏ Bà Ba
            “ Bà Ba bực Bà Bảy
            “ Bà Bảy bai (bye) Bà Ba!

Và bí quá:

            “ Bà Ba bạt (tai) Bà Bảy” (Giám khảo chấp nhận!)
            “ Bà Bảy bóp (…) Bà Ba( Giám khảo phê bình!)

Không khí náo nhiệt vô cùng, hai bên ai nấy đều ráng căng đầu óc ra nghĩ cho được câu cho phe mình, nhiều câu được đưa ra hài hước một cách bất ngờ làm mọi người cười vỡ bụng!

Thế là cả xe cười nói um xùm, tươi tắn hẳn lên, Giang Vĩnh Long này lợi hại thật!

 

IMG 2606 
Giang được đặc cách nhận một quà tặng cho thành tích hoạt náo trên xe. 

Sử Văn Minh thấy Giang lấy quà ngon ơ bèn xung phong lên thi bằng cách hát bài “Còn một chút gì để nhớ”. Kết quả: nội dung phù hợp với Tây Nguyên, được trình bày bởi ca sĩ có phong độ, thể hiện ca khúc một cách say đắm và trữ tình, với chất giọng nam thanh những lúc cần trầm, và nam ồ những lúc cần trong; Hội Đồng Giám Khảo sau khi hội ý đã nhất trí tặng ca sĩ đến từ phố biển Vũng Tàu một món quà để tuyên dương thí sinh đã dũng cảm hoàn thành phần thi của mình.

IMG 2610 
Sử Văn Minh nhận quà tặng sau khi hát bài “ Còn một chút gì để nhớ”.

Xe sắp vào Thị Xã Buôn Hồ là biết gần tới Ban Mê Thuột rồi, chỉ còn cách 40 cây số nữa. Buôn Hồ là trung tâm trồng cà phê của tỉnh Đăk Lăk, với tổng diện tích gần 100.000Ha. Hồi xưa nhiều nhà giàu ở Sài Gòn thường hay có đồn điền ở đây, lâu lâu về đổi gió.

MotGocThiXaBuonHo 
Một góc thị xã Buôn Hồ.

Và Ban Mê Thuột đây rồi, xe chạy mất 2 tiếng 40 phút cho khoảng cách 185km từ Pleiku. Cảm giác đầu tiên là phố xá ngăn nắp với các những con đường giao nhau vuông vức. Chương trình của đoàn C16 ở đất này đang hứa hẹn nhiều hấp dẫn, thế nhưng tiếc nuối đầu tiên là thiếu vắng Đặng Xuân Tùng (lớp 10) và Nguyễn Ngọc Tuấn (lớp 09). Cả khóa có mỗi 2 ông này ở Ban Mê Thuột, thế mà giờ đây cất công lặn lội lên tìm thì cả 2 ông đều đã đi xa (Xin nói rõ là đang ở Mỹ chứ không phải là đã...đi xa!)

Ban Mê Thuột (hay Buôn Mê Thuột hoặc Buôn Ma Thuột) là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "làng Cha của Thuột", nó xuất phát từ tên gọi “buôn của Ama Thuột” (Ama là Cha; Thuột là tên Con; người Ê Đê khi có con trai, thì họ gọi nhau bằng tên của con trai mình, ở đây Ama Thuột nghĩa là Cha của Thuột).

NgaSauTrungTamBMT 

Ngã Sáu trung tâm Ban Mê Thuột

Trong kế hoạch ban đầu, ăn trưa sẽ tại một quán bụi nào đó trên đường vào thành phố, nhưng nhờ đường tốt, lái xe giỏi, nên đã vào đến trung tâm mà đồng hồ chỉ chưa tới 12giờ. Thông nhờ lái xe đưa đoàn tới quán cơm nào cũng được miễn là …ngon và rẻ! Và thế là quẹo vô một con hẽm, số 16/12 đường Hùng Vương, quán cơm A Tỷ, quán có 3 tầng mà dường như tầng nào cũng đông khách. Tên quán có vẻ của người Hoa, nhưng các món cơm Việt được dọn ra ăn khá ngon, hay là cũng do đói bụng ăn gì cũng ngon!

 

IMG 2611 
Gần vào đến chỗ ăn trưa trong phố Hùng Vương (BMT), Ngọc Anh bốc thăm trúng món quà lưu niệm của chuyến đi.

Ăn trưa xong về khách sạn nhận phòng đã gần 1giờ chiều. Khách sạn tên là Xuân Lộc, nằm ở số 48 Lê Hồng Phong, gần phố xá chợ búa. Nghĩ ngơi được một chút, 2giờ chiều mọi người đã xuống để ra xe đi thăm Khu Du Lịch Bản Đôn, rất đúng hẹn.

Dẫn đoàn đi thăm Bản Đôn là cháu Thảo, con gái của anh Trụ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Sinh thái Bản Đôn, đúng giờ hẹn đã thấy cháu Thảo chờ trước cửa khách sạn. Công ty này Thông biết được là qua Internet trong mấy ngày chuẩn bị cho chuyến đi thăm Tây Nguyên cho C16

http://bandontour.com.vn

nhưng may mắn sao, gặp được một nhà làm tour nhiệt tình, chu đáo và dễ mến như Thông sẽ kể tiếp ở đoạn sau.

Cháu Thảo còn rất trẻ, cách dẫn chương trình vui tươi, dí dỏm vừa phải, dù chưa chuyên nghiệp lắm nhưng quí nhất là toát ra nét con nhà học hành đàng hoàng tử tế. Mở đầu Thảo giới thiệu sơ nét về tỉnh Đăk Lăk, sau đó giải thích tại sao có tên Ban Mê Thuột, nhờ đó mọi người trên xe có dịp biết thêm cách gọi tên của đồng bào dân tộc thiểu số vùng này:

-        - Đàn bà độc thân thì được kêu có chữ H’ đằng trước, ví dụ H’ Giang, nhưng nếu đã có con thì được kêu theo tên con đầu cộng thêm chữ Amí đằng trước, ví dụ như H’ Giang có con tên Tú thì được kêu là Amí Tú.

-        - Đàn ông độc thân thì được kêu có chữ Y đằng trước, ví dụ Y Mười, nhưng nếu đã có con thì được kêu theo tên con đầu cộng thêm chữ Ama đằng trước, ví dụ Ama Quân (Cha của Quân). Ban Mê Thuột chính là Buôn Ama Thuột (làng Cha của Thuột).

Thảo nói tiếp về chế độ mẫu hệ của đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên, đàn ông là loại…hai, con đẻ ra mang họ mẹ, phụ nữ đi bắt chồng, đàn ông đi lao động kiếm được đồ gì đem về thì phần ngon nhất phải dành cho phụ nữ vv…tóm lại đàn ông lép về nhiều trước đàn bà. Trong một vùng dân cư lớn thì người đàn bà đức hạnh và uy nghi nhất sẽ được suy tôn lên làm tù trưởng, oai quyền lẫm liệt, hét ra lửa, mửa ra khói, mọi thần dân đều phải tuân lệnh bà. Dẫn từ chuyện này, Thảo đề nghị trên xe bầu ra một nữ tù trưởng để điều hành chuyến thăm Bản Đôn. Mọi người xôn xao lên một lúc rồi đồng thanh đề cử Giang, một tràng pháo tay nữa làm Giang không thể nào thoái thác, đành sung sướng trở thành Tù Trưởng Amí Tú, nhưng mọi người đều kêu bằng Tù Trưởng H’Giang cho nó trẻ!

Nhưng không phải vì mẫu hệ mà đồng bào Tây Nguyên xem thường đàn ông đâu nhé! Nhớ bài hát "Dưới bóng cây Kơnia": anh đàn ông đã được 2 người phụ nữ (người yêu và mẹ) nhớ thương đến không ngủ, đến khóc:

      Buổi sáng em làm rẫy
      Thấy bóng cây Kơ-nia
      Bóng ngã che ngực em
      Về nhớ anh không ngủ
 
      Buổi chiều mẹ lên rẫy
      Thấy bóng cây Kơ-nia                           
       Bóng tròn che lưng mẹ
        Về nhớ anh mẹ khóc
( Dưới bóng cây Kơnia-Thơ: Nguyễn Ngọc Anh-Phổ nhạc: Phan Huỳnh Điểu)
 
Trở lại chuyện thăm khu du lịch Bản Đôn.Nơi đầu tiên đoàn ghé là nhà sàn của Ama Kông.
 
IMG 2614 
Hình Ama Kông trên tường nhà

Ama Kông (1910-2012) có tên khai sinh là Y Prông Êban, tên Lào là Khăm Proong, vì có con đầu lòng tên Kông nên gọi là Ama Kông có nghĩa là cha thằng Kông. Ama Kông là người dân tộc M’Nông, sinh năm 1910, tại bản Đôn. Ama Kông là người săn được nhiều voi nhất ở Việt Nam (298 con)

Ông là cháu của "vuasăn voi" - Khun Ju Nốp , tên thật là Y Thu Knul (1828-1938), là một trong những người khai phá, sáng lập ra bản Đôn và nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở đây. Khun Ju Nốp săn bắt được khoảng gần 500 con voi.

Ama Kông còn là tay chơi nổi tiếng: tay không bắt bò rừng, biết thổi tù và, chơi giỏi nhiều nhạc cụ, khiến các sơn nữ mê mẩn. Cũng là người mê cờ bạc từng bán voi lấy tiền, đi máy bay từ Buôn Ma Thuột đến Sài Gòn đánh bạc chỉ 3 ngày cúng chiếu bạc hết cả con voi trị giá 40.000 đồng (thời 1959, 60). Số tiền đó đủ làm 10 căn nhà sàn dài bằng gỗ tốt. Theo những người làng mô tả thì thời thanh niên ông cao lớn, vạm vỡ, đẹp trai, giàu có, nổi tiếng sống phóng túng, hoang dã, tài ba, và đào hoa.

Ama Kông có 4 vợ, 21 người con, 118 cháu, chắt. Ông mất năm 2012, thọ 103 tuổi. Ama Kông còn nổi tiếng với bài thuốc gia truyền, tráng dương, bổ thận được nhiều người ca ngợi.

Thăm nhà sàn Ama Kông mà ít thấy anh nào mua thuốc bổ “ông uống bà khen”, chắc tại thấy thuốc bổ được xắt phơi trên sân nhà sàn như phơi khoai lang, chớ không phải tại Tù Trưởng H’Giang cấm mua! Thật ra mà nói, cái khoản sinh lực kia cũng kể là trời cho chứ thuốc men nào mà dậy sóng mãi được. Thiên hạ cứ 1 đồn 5, 5 đồn 10 làm cho “thần dược Ama Kông” thành huyền thoại, nhưng thực hư có ai kiểm chứng được đâu?

IMG 2623 
Trước nhà sàn Ama Kông
Từ trái sang: cháu Thảo (HDV Du lịch Bản Đôn)_Ngọc Anh (01)_Minh Loan(10)_Ngọc Khoa(04)_Hà (C17_Vợ Triết)_Giang(04)_Khoa (C17_Vợ Thông)_Minh Liên(07)_Hồng Huyên (01).
 
 IMG 2628
Các mục ăn và chơi ở khu du lịch Bản Đôn

Xe dừng ở cổng khu du lịch sinh thái Bản Đôn, mọi người xuống chờ một chút để thủ quỹ Minh mua vé cưỡi voi, giá 70.000đ / người. Đây là tiết mục lạ nhất của chuyến đi, đa số đều muốn thử một lần cho biết ngồi trên lưng ông tượng nó hồi hộp ra sao, nhưng cũng nhiều người ngán ngại, nên con số mua vé chỉ là 16. Hai chú voi to lớn, thoạt trông cũng đáng sợ nhưng lại khá hiền hòa tuân theo sự điều khiển của hai anh quản tượng. Lần lượt từng 3 người leo lên thang gỗ trèo lên bành voi, anh quản tượng dùng một roi nhỏ quất vào mình voi, thúc bằng bắp chân mình và nói thêm mấy từ là voi di chuyển đúng ý. Voi đi lắc lư trên con đường đất không bằng phẳng, qua một lạch nước nhỏ, dẫm lên một vườn cỏ gì đó rồi quay về điểm xuất phát, tổng đường đi và về độ chừng 100m, cũng là vừa đủ cho những ai nhát gan.

 

IMG 2638 
Dân làng Ngọc Khoa (04) và Minh Loan (10) ngồi hai bên cười thoải mái, còn Tù Trưởng H’Giang (04) ngồi giữa sợ quá!
 
IMG 2642 
Còn đây là voi chở Ngọc Anh (01)_Hồng Huyên (01) và Trinh (em gái Trang-11)
 
IMG 2647 
Y Cảnh (01) trong lúc chờ cưỡi voi tranh thủ chơi đánh đu với các sơn nữ.
 
IMG 2651 
Y Mười (10), Y Tiến (07) và Y Cảnh (01) hăng hái lên voi xuất phát
 
IMG 2652 
Y Trang (11), Y Hà (09) và Y Minh (04) đang lắc lư trên mình tượng
 
 IMG 2662
Tấm ảnh hiếm có của vợ chồng Triết-Hà, do Thông chụp từ trên mình chú voi đi sau.
 
 IMG 2666
Toàn đoàn trước 2 chú voi

Xong tiết mục cưỡi voi, mọi người được cô bé hướng dẫn viên người dân tộc M’Nông tên là H’Joan đưa đi xem biểu tượng vua săn voi Khun Ju Nốp; biểu tượng hai chú voi Pắc Kú và H’Panh, và Nhà Dài của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê. Vua săn voi Khun Ju Nốp ( 1827-1937) là người khai sinh ra Bản Đôn, có công lớn buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, từng tặng voi cho vua Thái Lan và vua Bảo Đại. Còn hai chú voi H’Panh và Pắc Kú là câu chuyện ly kỳ, chỉ qua lời kể của cô bé H’Joan mới hay, chứ thuật lại không thể nào lột tả hết sự hấp dẫn của câu chuyện.

Chuyện voi H’Panh ( voi cái có thai) không sống động lắm, chuyện voi Pắc Kú tình tiết hơn, mà chuyện này lại là chuyện buồn: chú voi Pắc Kú bị người ta ám hại, bị thương nặng đau đớn mấy mươi ngày rồi chết, chẳng lâu lắm, mới năm 2011 đây thôi. Hôm đó sau một ngày làm việc đưa khách đi chơi, voi được cột như thường lệ vào một cây rừng cách không xa chòi của bảo vệ khu du lịch. Thế mà không biết làm sao bọn trộm gỡ được dây xích dắt voi vào bìa rừng tìm cách giết chết để lấy cặp ngà. Bọn trộm xích voi vào một cây to, sau đó lấy vỏ xe hơi đốt lên dí vào mông, voi nóng quá, đau đớn chạy vòng quanh, càng chạy dây xích càng quấn chặt voi vào thân cây, bọn trộm chỉ chờ khi voi không cựa nổi nữa sẽ đâm cho chết và lấy cặp ngà. Nhưng không ngờ trong giây phút thập tử nhất sinh, voi rống lên, gồng mạnh đứt hết xích, làm bọn trộm hoảng sợ bỏ chạy trối chết…Voi mệt quá gục tại chổ, sáng hôm sau phát hiện mất voi, người làng túa nhau đi tìm, và thấy voi còn sống, được đưa về buôn làng chữa trị vết thương cháy lở loét ở mông trông rất tội nghiệp, voi suy yếu dần rồi chết sau 82 ngày cầm cự.

H’Joan cho biết: voi là con vật được đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên rất quí trọng và yêu mến. Khi mang voi rừng về buôn làng phải cúng kiến rất long trọng, voi có mặt trong buôn làng tạo nên sự đầm ấm thân thiết giữa người với thiên nhiên, được tin rằng mang lại sung túc vui tươi cho dân làng. Cuộc sống của voi còn là mẫu mực của tình cảm: voi đực dù có sống gần bên nhiều voi cái khác nhưng chỉ giao phối với 1 voi cái duy nhất để sanh con đẻ cái, và “mối tình” này được giữ chung thủy suốt một đời voi 6-7 chục năm! Không biết có phải do vậy không mà voi đực không ưa người đàn ông ngoại tình, người đàn ông ngoại tình mà leo lên lưng voi, trước sau gì cũng bị voi hất xuống hoặc quật ngã!

IMG 2676 
Thông đứng bên cô bé hướng dẫn viên du lịch H’Joan, trước tượng vua săn voi Khun Ju Nốp
 

IMG 2684
Phát (lớp 12) đứng bên tượng voi Pắc Kú được đắp bằng đất.

IMG 2681 
Mọi người chăm chú nghe cô bé H’Joan kể chuyện.

Mà cũng lạ, voi thì có gì mới lắm đâu, sao cô bé kể lôi cuốn quá! Có lẽ do cô đã để hết hồn mình trong câu chuyện, nên kể lại với tâm trạng đầy thương cảm, chứ không phải kể cho xong chuyện như nhiều cô thuyết minh du lịch nơi khác, cộng với khiếu kể chuyện rất lưu loát và khuôn mặt mộc mạc thiện cảm, nên đã làm du khách lắng nghe và chùng lòng.

Xong chuyện 2 chú voi, H’Joan dẫn đoàn qua thăm Nhà Dài.

IMG 2692 
Đã gần 5g30 chiều rồi mà mọi người vẫn đứng nghiêm túc trước Nhà Dài nghe H’Joan dẫn chuyện.

Đây là kiểu nhà đặc trưng của đồng bào M’ Nông, phải là nhà khá giả hoặc giàu có mới có thể làm Nhà Dài cho cả gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống. Đặc trưng mẫu hệ (quí nữ, không quí nam) thấy rõ ở tổng thể của Nhà Dài, đó là nhà có bao nhiêu cửa sổ là có bấy nhiêu con gái, có bao nhiêu cửa sổ mở là có bấy nhiêu con gái chưa chồng.

Đưa mọi người vào trong nhà, H’Joan tiếp tục giải thích cặn kẽ các đồ đạc bài trí ở đây, quả là nhiều! nào là trống đực, trống cái, đàn Kapi 8 giây làm bằng tre lồ ồ, nào là cồng có núm, chỉ được đánh lên khi có chuyện vui, chiêng phẳng phiu, chỉ được đánh lên khi có chuyện tang ma.

IMG 2701 
H’Joan say sưa giới thiệu các đồ vật trong Nhà Dài

Y Cảnh, rồi H’ Giang lấy dùi đánh thử vào trống nhưng nghe nhỏ, H’Joan đánh thì nghe rõ to, đúng là cờ tay ai nấy phất, đồ của họ nên họ cầm đến trông vững chải thuần thục, còn mình cầm sao nó lóng ngóng, đánh sao kêu to được!

Mọi người nghe H’Joan nói tiếng Việt nhiều rồi nên đề nghị cô bé nói tiếng của dân tộc mình. H’Joan xin hát tặng mọi người một bài hát dân dã của quê hương cô, “Bài Ca Giao Duyên”, bằng cả hai thứ tiếng, lời ca trong sáng dễ thương, chất chứa những ước mơ muôn đời của con người cho tình yêu và hạnh phúc.

Quả là có đi và nghe, mới thấy rằng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên có đời sống văn hóa rất riêng, với nhiều qui ước, thủ tục và niềm tin tâm linh nối truyền nhiều đời. Mặc dù điều kiện sống về vật chất còn khó khăn, nhưng cuộc sống tinh thần như thế rất đáng nể phục.

Thăm xong Nhà Dài là 6 giờ chiều, ánh nắng chỉ còn le lói chút hoàng hôn cuối rặng núi đằng xa, đã đến giờ ăn cơm tối, cũng tại đây, do khu du lịch sinh thái Bản Đôn nấu. Thực đơn đặt từ Sài Gòn qua email theo kiểu “thôi đành nhắm mắt đưa chân”, vì hoàn toàn không quen biết Cty Du Lịch này chút nào, nhưng không ngờ bữa cơm giữa vùng cao nguyên tươm tất quá, hương vị dân tộc hấp dẫn lạ miệng đã đành, mà phong cách tiếp khách cũng rất chân tình, đích thân chị Hà (Phó Giám Đốc Cty DL Sinh thái Bản Đôn), vợ của anh Trụ (Chủ Tịch HĐQT Cty) đến từng bàn nâng ly mời khách. Chổ bày các bàn ăn cũng hay, nhìn ra sát bên là một rặng cây thấp, có thể thấy chút trăng sao thi vị trên trời, lại trước một tiệm bán đồ lưu niệm nên sáng sủa vui mắt với màu sắc của thổ cẩm và đồ đạc treo trước quán. Các em phục vụ bàn đều là người dân tộc thiểu số, hiền lành chân chất.

Thực đơn tối nay dọn cho đoàn như sau:

-        Cơm lam muối sả
-        Gà nướng lá bưởi
-        Nem Bản Đôn
-        Rau rừng xào tỏi
-        Heo rừng hấp gừng
-        Cà đắng giã chua
-        Canh cá lăng măng chua, lá giang
-        Cơm trắng, trái cây, trà đá.

Và có 2 thực đơn chay cho Triết và Huệ.

Trong không khí của ngày cuối tuần thư giãn (thiên thời), tại vùng đất hoang sơ kỳ thú (địa lợi), bạn bè xưa gặp nhau thân mật và được sự đón tiếp trọng thị của chủ quán (nhân hoà), hỏi làm sao mà không mở bia ra nâng ly chúc mừng!

                    Còn gặp nhau thì hãy cứ say
                    Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
                    Say thơ, say nhạc, say bè bạn
                    Quên cả không gian lẫn tháng ngày
 ( Trích "Còn gặp nhau" của Tôn Nữ Hỷ Khương 1993 - Nhà thơ thuộc dòng hoàng tộc-Vua Minh Mạng)
 
IMG 2708 
Trang (11)_Phát (12)_Thông(05)_Cảnh (01)_Phong (01)_Mười (10)_Hà (09)

IMG 2709 

Ngồi: Minh (04)_Tiến (07)_Giang (04)_Khoa (04)
Đứng: Thông (05)_Khánh (08)_Ánh (vợ Khánh)

IMG 2710 

Ngồi: Minh Loan (10)_Hồng Huyên (01)_Ngọc Anh (01)_Minh Liên (07)_Hà (vợ Triết).
Đứng: Thông (05)_Huệ (07)_..._Triết (04)

Lẽ ra đoàn còn qua tham gia giao lưu lửa trại với các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số, nhưng vì thấy đã có nhóm khách khác đang chơi, e rằng không tiện nên mọi người đồng ý ăn xong ra xe về lại Ban Mê Thuột, vẩy tay lưu luyến chào khung cảnh yên bình của khu du lịch sinh thái Bản Đôn (Buôn Nđrếch – Xã Ea Huar – Huyện Buôn Đôn – Tỉnh Đăk Lăk). Mong sao cho anh Trụ, chị Hà điều hành kinh doanh công ty mình thành công, ăn nên làm ra, để điểm du lịch Bản Đôn này được duy trì và phát triển thêm nữa.

Tạm biệt Bản Đôn, hẹn ngày gặp lại!

                                                                 ---------------------------------------

Xe đi một đoạn, Tù Trưởng H’Giang định ra một lệnh gì đó, nhưng Thông nhìn ra ngoài thấy cột cây số đã chỉ rõ là hết địa phận Bản Đôn, do vậy chức Tù Trưởng của H'Giang được tuyên bố là đương nhiên hết hiệu lực! Và các thần dân H’Khoa, H’Liên, H’Huệ , Y Minh, Y Mười, Y Tiến vv… cũng đương nhiên bị xóa các chữ H', chữ Y để trở thành người Kinh như cũ!

Về tới trung tâm Ban Mê Thuột khoảng 8g30 tối, tự nhiên chia làm 2 phe: Nam đi nhậu tiếp, nữ đi dạo chợ. Nhờ Long (nhân viên Sài Gòn Petro ) chỉ đường, mấy ông nam lên taxi đến một quán ở ngã tư Trần Bình Trọng – Phan Bội Châu, không xa chổ khách sạn của đoàn mấy. Quán sáng trưng, bàn ghế bày cả ra lề đường, khách nhậu cụng ly cười nói vô tư. Chơi đến khuya gần 11 giờ, hết 2 thùng bia thì mấy ông tàn cuộc, dắt nhau đi bộ về khách sạn, đường vắng nghêu ngao nói chuyện nên nghe to lắm. Khánh Cà Mau ghé quán bên đường mua một bánh bao, hỏi chi vậy? Hắn nói để tặng bà xã, và tiết lộ đây là chiêu độc của hắn mỗi lúc về khuya: bà xã hắn có quà sẽ đánh giá cao tinh thần “luôn nhớ tới hậu phương”, và thế là bả sẵn lòng tha hết bất cứ tội gì hắn đã phạm phải!

Đêm thứ hai trên cao nguyên trôi qua yên bình, thẳng giấc.

                                                            &&&

Chủ Nhật 11/10/2015: sáng 7 giờ mọi người xuống xe đi ăn sáng, quán không xa khách sạn, ở một góc phố yên tĩnh, bán phở Bắc và các món khác, tên quán là Nguyên, số 29 Trần Hữu Dực. Các nhân viên phục vụ trẻ măng, hỏi khách ăn gì, không cần ghi mà nhớ không sai chút nào, lại còn chạy lên chạy xuống cầu thang bưng mâm đồ ăn rất nhanh chóng, không chạm, không vấp. Hồi trẻ mấy cô mấy chú cũng nhớ giỏi, cũng làm nhanh như vậy đó, nhưng giờ lớn tuổi rồi, nhớ giảm đi, làm cũng bớt lại, dành thời gian thư thả nhiều hơn với gia đình, với bạn bè.

Ăn sáng xong bước qua đường là quán cafê Tân Uyên Phương, số 26 Trần Hữu Dực, tiếp tục la cà thư giãn. Sướng như thế này nghĩ cho cùng cỡ Bill Gates cũng chỉ đến thế mà thôi!

IMG 2712 
Bàn cafê 1: mấy ông ngồi ở góc gần cổng lớn của quán
 
IMG 2718 
Bàn cafê 2: các bà chọn gần cây xanh.
 
IMG 2720 
Bàn cafê 3: mấy ông ngồi gần các hòn non bộ

Bạn hữu thân tình, cơ duyên nào mà giờ đây được ngồi trên phố núi nhâm nhi những giọt cà phê mát lành, còn gì thú vị hơn? Bổng nhiên nhớ tiếng ca đầy mãnh lực núi rừng của Siu Black với bài "Ly cà phê Ban Mê":

                     Ánh mắt, ánh mắt em xanh hay mùa xuân đang về?
                     Khói thuốc bâng khuâng ly cà phê
                     Tiếng hát, tiếng hát cao nguyên như ngàn xưa vọng về
                     Ánh mắt soi trong ly cà phê Ban Mê

                     Mai anh đi theo câu hát nỗi buồn dâng xa gần
                     Ly cà phê như lưu luyến rót vào đêm rượu cần
                     Hương cao nguyên còn đó thắm đượm trên đôi môi
                     Hương cao nguyên còn mãi phía trời mây xa xôi
                           ......

                     (Nhạc:Nguyễn Cường)

Uống cafê xong khoảng 8g30 cả đoàn lên đường thăm thác Dray Nur, cách Ban Mê Thuột khoảng 30 cây số về phía Nam, thuộc huyện Krông Ana. Thác lấy nước của sông Sêrêpôk, Dray Nur nghĩa là Thác Vợ, còn gần đó có Dray Sap, nghĩa là Thác Chồng. Khu thác này được tổ chức tham quan du lịch khá tốt. Xe dừng ngoài cổng có khu nhà vệ sinh cho khách sử dụng, mua vé vô cổng xong đi bộ một đoạn trong khu vực, thấy bố trí phong cảnh, cây lá khá đẹp. Leo qua một đường dốc nhỏ là nghe tiếng thác đổ ầm ầm bên dưới, men theo con đường nhỏ lát xi măng đi xuống, nghe hơi nước mát lạnh vương vào cổ vào tay dễ chịu, rẽ ngang một lối mòn chợt thấy thác nuớc đổ tung hoành trắng xóa ở phía bên kia, đẹp quá! Ai đó chợt thốt lên. Thế rồi ai cũng lăng xăng tìm góc cạnh sao cho chụp được hình đẹp nhất với chiếc thác trắng. Cũng tiện là chổ đứng chụp hình không bị nước văng tới, và có các mỏm đá rộng vừa đủ để vài người có thể đứng tạo dáng, nhưng phải cẩn thận vì bước trên các mảnh đá nhọn tai mèo rất dễ bị trợt ngã. Lớp điện thoại di động, lớp máy tính bảng, lớp máy chụp hình…, chen chúc giương lên chụp rất nhiều hình có cảnh thác chảy sau lưng người, rồi cặp đôi này, cặp đôi khác, ba người, bốn người, kiểu này kiểu nọ…, mỏi hết tay cầm máy, bấm nút, bấm nút…mà mọi người dường như vẫn chưa “đã”!

 

IMG 2724 
Trên đường đến thác Dray Nur, Huệ và Minh Liên bốc thăm may mắn trúng quà tặng lưu niệm của chuyến đi Tây Nguyên
 
IMG 2738
Mọi người say sưa dựng cảnh chụp hình ở bên các mỏm đá nhìn qua thác.
 
IMG 2735 
Khoa và Minh Loan có tấm hình đẹp nhờ có dòng thác chảy tung khói nước trắng xóa phía sau.
 
IMG 2743 
Tấm hình toàn đoàn khá đẹp, nhưng đếm chỉ có 23 người! Thiếu 1 người, đó là Tú (lớp 06), ở lại khách sạn nghĩ ngơi do hôm qua gặp người quen ở Ban Mê Thuột nên nhậu quá nhiều!
 
IMG 2753 
Các chị khó mà đứng cho yên, thế nào cũng phải tạo kiểu này dáng kia, phải “quậy” mới chịu!
Từ trái sang: Hà (vợ Triết)_Khoa (vợ Thông)_Ánh (vợ Khánh)_Hồng Huyên (01-Long Xuyên)_Ngọc Anh (01)_Minh Liên (07)_Trinh (em của Trang 11-Trảng Bom)_Huệ (07)_Ngọc Khoa (04-Bình Dương)_Minh Loan (10)_Giang (04-Vĩnh Long)
 
Nói đến thác thì nhớ mấy mươi năm trước có ban nhạc ABBA của Thụy Điển hát bài " I have a dream" trứ danh, giai điệu du dương tha thiết mà lời ca sâu sắc, động viên người ta vươn lên vì đường còn xa, vì còn bao ghềnh thác, nhưng cuộc đời cần phải có mộng mơ:
 
I have a dream, a fantasy                                     Mộng mơ vừa đến, tình huy hoàng lên
To help me through reality                                    Vượt qua thực tế cùng bao buồn vui
And my destination makes it worth the while           Phận ra sao cứ an lòng, cười vang lên thảnh thơi
Pushing through the darkness still another mile       Dù vượt qua những đêm dài, đường còn xa rất xa
I believe in angels                                                Và tôi tin có thiên thần
Something good in everything I see                      
Đẹp tươi sao khắp nơi trên đường đi qua
I believe in angels                                                Và tôi tin có thiên thần
When I know the time is right for me                     Giờ đây tôi sẽ đi, lên đường ngay thôi
I'll cross the stream - I have a dream                     Vượt qua ghềnh thác, đời luôn mộng mơ
I'll cross the stream - I have a dream                    
Vượt qua ghềnh thác, đời luôn mộng mơ

                            (Nhạc ABBA 1979-Lời việt: Trần Thông 2014)
                                                            -------
 
IMG 2758 
Trên xe trên đường về Ban Mê Thuột từ thác Dray Nur, Tiến (lớp 07) và Triết (lớp 04) đã bốc thăm may mắn trúng 2 gói quà lưu niệm, nâng tổng số người may mắn trúng quà lên 12 người.

Khi xe sắp về đến Ban Mê Thuột, Thông xin mọi người giúp cho một hoàn cảnh thương tâm, đó là vợ của anh Khiêm (C15), chị ấy làm công nhân quét dọn vệ sinh trên đường, một đêm cách đây gần 2 năm, trong lúc đang làm việc ở một con đường tối vắng vẻ, chị đã bị một xe tải tông vào người, bị thương nặng giập nát 2 chân, đưa xuống bệnh viện Chợ Rẫy chữa chạy, tình cảnh lúc đó tưởng chết rồi, mà có lẽ chết ít đau khổ hơn. Nhưng chị đã sống, cụt 2 chân, giờ ngồi xe lăn, đi lại sinh hoạt khó khăn. Anh Khiêm hồi xưa học toán rất giỏi, tính tình hiền lành ít nói, thường hay ngồi một mình ở ghế đá sân trường 279NTP. Mấy năm trước Thông có nghe anh Tiến (Ban Liên Lạc C15) cho biết về tai nạn này, nhưng chưa tiện kêu gọi bạn bè giúp đỡ, nay đang ở thăm Ban Mê Thuột, là dịp tốt góp chút tình cảm giúp người hoạn nạn. Thông chỉ xin một người trên xe góp 50 nghìn đồng là đủ có trên 1 triệu đồng, nhưng không ngờ mọi người quá tốt, đã đề nghị rằng hãy để tự do tùy sức, ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít. Chỉ trong vòng mấy phút quyên góp tại chổ trên xe, số tiền đã được 5 triệu đồng! Thông gọi điện cho anh Khiêm, anh cho biết là đang kẹt dự đám cưới ở một huyện, và trách sao Thông không báo trước sớm để anh ấy hủy dự tiệc cưới, ở nhà đón đoàn C16. Xe đi xuyên qua thành phố khá xa, rẽ vào một con đường nhỏ, được con của anh Khiêm chạy xe máy dẫn đường nên đoàn đã tìm đến ngay nhà. Vợ anh Khiêm ngồi xe lăn nói chuyện với mọi người, gương mặt hiền hòa, dường như chấp nhận số phận. Thông thay mặt đoàn C16 gửi số tiền vừa quyên góp tặng chị gọi là chút tình cảm của bạn bè học cùng trường với chồng của chị mấy mươi năm trước, hỗ trợ chị thêm chút thuốc men, đường sữa bồi dưỡng, và chúc chị sức khỏe.

                                        Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
                                        Tình người muôn thuở vẫn còn vương
                                        Chắt chiu một chút tình thương ấy
                                        Gửi khắp muôn phương, vạn nẻo đường
                                    (Trích "Còn gặp nhau" của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương 1983)

                                       

IMG 2727
Bì thư 5 triệu đồng gửi tặng vợ anh Khiêm

 

IMG 2777
Vợ anh Khiêm nhận quà và cảm ơn đoàn C16 không những đã ghé thăm mà còn tặng quà với số tiền khá lớn.

Rời nhà anh Khiêm đã gần 12giờ trưa. Xe chạy một mạch vô trung tâm Ban Mê Thuột, đến quán Sài Gòn, cũng gần quán A Tỷ ăn trưa hôm qua. Đây là bữa ăn cuối trên đất Tây Nguyên vì chiều nay ra sân bay về Sài Gòn rồi, cho nên mọi người kêu đồ ăn thoải mái, mà cụng bia cũng vô tư!

IMG 2789 
Bùi Đức Phong (01-đứng) qua bàn của Sử Văn Minh (04)_Bùi Nguyên Khánh (08) và Lê Minh Trang (11), cụng ly. Trong hình thì Nguyễn Hữu Tiến (07) bị khuất, chỉ có cánh tay đưa ra.

Kết thúc ăn trưa là khoảng 1 giờ chiều, mọi người lên xe về khách sạn, thu dọn trả phòng. Theo kế hoạch sẽ đến một Shop mua sắm đồ đặc sản Đăk Lăk, sau đó ghé khu du lịch Cà Phê Trung Nguyên nghĩ ngơi, uống cà phê, dạo cảnh, trước khi ra sân bay, vì đến 5 giờ 15 chiều máy bay mới cất cánh. Shop mua sắm đó là Shop Phượng, số 20 Phan Bội Châu, bán đủ thứ đồ, từ cà phê, các ngũ cốc khác, đến quần áo thổ cẩm, đồ lưu niệm Tây Nguyên vv. Shop nhỏ bày kín hàng trên các kệ, muốn mua gì cứ đi rảo lựa, mang ra tính tiền, có bàn cà phê miễn phí giữa Shop phục vụ khách mua. Cà phê hạt đã rang, ướp hương liệu sẵn, mua bao nhiêu là cân, xay thành bột đóng thành gói tại chổ. Đến Ban Mê Thuột mà không mua cà phê thì uổng lắm, vì cà phê ở đây nổi tiếng ngon, mua uống thì ít, mà mua làm quà thì nhiều, nên ông phụ việc bán cà phê luôn lăng xăng xay, gói, trả lời thắc mắc. Cà phê loại uống ngon có giá trung bình 300-800 nghìn đồng 1 kg; còn cà phê chồn thì đắt nhất, đến 5 -6 triệu đồng 1 kg, đắt là vì khá cầu kỳ: chồn ăn hạt cà phê, trong ruột chồn có chất xạ hương, đã vô tình ướp hương cho hạt cà phê khi còn trong bụng, khi chồn thải phân ra, người ta đi nhặt hạt cà phê trong số phân đó, mang về xử lý thêm để ra hạt cà phê chồn.

Thời gian dành cho việc mua sắm ở shop này là 1 tiếng đồng hồ, nhưng hơn 1 tiếng 30 phút rồi mà thấy chủ shop vẫn đang tất bật tính tiền, và trong các gian hàng nhiều người vẫn còn đang lựa đồ, cho nên Thông hội ý với vài bạn, sau đó báo mọi người cứ mua sắm thoải mái, chừng nào chán thì lên xe ra thẳng sân bay chứ không ghé điểm du lịch Cafê Trung Nguyên nữa. Kết quả là thùng xe chất thêm nào thùng này gói kia, do mấy bà mua hàng nhiều lắm. Bởi vậy mới có câu châm ngôn “ đàn ông phải làm ra tiền, cho đàn bà tiêu tiền!!

IMG 2799 

Giang đang thử cây gãi lưng, còn Hồng Huyên đang còn hỏi mua thêm đồ.

 
IMG 2801
Các bà mua đồ xong ngồi chờ, tranh thủ lấy mũ cao bồi của Shop đội vô kiếm một tấm hình lạ mắt!
 
IMG 2804 
Các ông ở sảnh làm thủ tục của sân bay Ban Mê Thuột, chờ chuyến bay 17g15 về Sài Gòn.

Nhờ đã có kinh nghiệm 2 ngày trước ở sân bay Tân Sơn Nhất, chuyến về từ Ban Mê Thuột Sử Văn Minh gom đầy đủ các vé máy bay của cả đoàn, cùng với CMND đưa vô làm thủ tục một lần, phòng khi nhân viên hàng không có hỏi gì thì giải quyết gọn, nhờ vậy thủ tục check-in được làm khá nhanh chóng, không gặp trở ngại gì đáng kể.

Lên lầu ngồi tán chuyện gẫu và xem máy bay lên xuống một lúc là đến lượt được gọi vào phòng chờ lên máy bay. Đến lúc cửa mở cho khách đi bộ khoảng 50 m để đến máy bay thì trời kéo mây đen vần vũ, gió vù vù và xa xa lóe lên mấy ánh chớp. Máy bay loại nhỏ (ATR 72) chở khoảng trên 60 người, thân bé tí với mỗi bên 2 hàng ghế, từ từ lăn bánh nhắm hướng mây đen mà chạy, nhưng đến cuối đường băng nó quay đầu lại, tăng tốc nhấc mình lên khỏi mặt đất rồi xông xáo bay lên xuyên thẳng vào mấy đám mây. Mới đầu nó trông khá hùng dũng, nhưng độ mươi phút sau thì thấy rõ nó đang khá chật vật đấu với mấy đám mây dày đặc, nó rung lên và lắc bần bật, rồi đột nhiên tuột thẳng xuống một đoạn làm nhiều người la lên hoảng hốt, lúc này nhìn cảnh im lìm trong máy bay thì biết nhiều người đang quá sợ, hình như môi của mấy bà ngồi ghế xéo phía trước mấp máy, mà mắt nhắm nghiền, chắc là đang Nam Mô niệm Phật ! Dũng sĩ ATR 72 gồng mình bay lên cao hơn, tiếp tục chiến đấu ngoan cường để tìm đường ra chổ trống, độ lắc lư đã bớt dần, đâu chừng chục phút thì trở về bình thường, bầu trời sáng hơn, lộ rõ ánh hoàng hôn màu đỏ tía cuối chân trời, lúc bấy giờ Đặng Xuân Cảnh mới tin rằng …sống rồi!

Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất khoảng 18g15, chạy trên đường băng một đoạn xa rồi dừng lại chớ chưa được vô bến đậu, không hiểu sao nữa, nhìn ra ngoài thấy vài xe cứu hỏa gắn vòi rồng, với đôi ba anh lính xăm soi nghiêng ngó. Thật ra họ làm nhiệm vụ chung cho các chuyến bay đáp tối ở đường băng này, chứ không có chuyện gì đặc biệt xảy ra với chuyến bay mà đoàn C16 mới từ Ban Mê Thuột về. Lấy hành lý xong thì tạm biệt, bắt tay nhau hẹn ngày tái ngộ. Giang về Vĩnh Long, Minh về Vũng Tàu, Khoa về Bình Dương, Trang về Biên Hòa … ngay trong đêm.

Chuyến đi Tây Nguyên 3 ngày 2 đêm kết thúc vui vẻ, an toàn, là dịp cho nhiều người lần đầu tiên thăm vùng đất cao nguyên tìm hiểu sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực lạ, và trên hết, chuyến đi đã làm cho tình bằng hữu của C16 vốn đã được gìn giữ nhiều chục năm nay trở nên bền vững và thân thiết hơn.

Hẹn gặp lại trong chuyến đi năm sau!

                                                                        @@@

 

Trần Thông
Tường trình
Sài Gòn 31/10/2015

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Hình ảnh Hình ảnh về khóa Chuyến đi thăm Tây Nguyên (Đăk Lăk) - 10-11/10/2015