- Chi tiết
-
Viết ngày: 21/07/2019
-
Viết bởi: C16
-
Lượt xem: 1551
Xin gửi các bạn bài tường thuật chuyến đi chơi vườn trái cây Long Khánh (Đồng Nai) hôm 29/06/2019.
Thân mến,
Trần Thông
-------------------------------------------------------------------
NHÓM BẠN C16 ĐI CHƠI VƯỜN TRÁI CÂY LONG KHÁNH-29/06/2019
Kế hoạch đi Quảng Bình cuối tháng 6 không thể thực hiện được do phải đi nhiều ngày, đã được thay bằng chuyến đi chơi vườn cây Long Khánh (Đồng Nai) chỉ trong một ngày (Thứ Bảy 29/06/2019). Từ lúc có ý định đến lúc chuyến đi diễn ra chỉ mất có khoảng 10 ngày, đó là nhờ sự sốt sắng của hai bạn Trang và Thăm (Cùng lớp 11) ở Đồng Nai.
Thông tường thuật chuyến đi này sau đây:
Chỉ mới nói sơ qua với Trang về ý định chuyến đi, bạn đã gật đầu ngay nói rằng “OK. Chi tiết như thế nào tôi sẽ tính và báo sau”. Vài ngày sau Trang điện báo “xong rồi. Chương trình như thế này Thông xem được không nhé:
- -Địa điểm: vườn Duy Khánh, ở xã Bình Lộc, gần TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
- -Giá vé vào vườn 50 nghìn đ/người, vào nghỉ ngơi tự do hoặc hái trái cây (chủ yếu là chôm chôm), ăn tại chỗ thì miễn phí, nếu đem về thì tính tiền.
- -Tiệc trưa đã đặt sẵn: chủ lực là gà đồng quê; vừa ăn vừa nghe dàn ca sĩ miệt vườn hát phục vụ; ai thích thì cứ lên tham gia hát hoặc…hét! Bia lon bán tại chỗ hoặc mang thêm rượu vào cũng được.
- -Ai thích câu cá có ao cạnh bên tha hồ buông cần đợi may mắn!
Không thể sung sướng hơn, Thông nhận lời ngay, không quên cảm ơn bạn hiền chu đáo quá!
Còn 2-3 ngày nữa đến ngày đi thì Trang gọi điện nữa báo rằng: tớ cho làm băng-rôn nhé, để bạn bè lên nếu chụp hình sẽ có ý nghĩa ; Trời! Trang hứng chí đón tiếp bạn bè ghê luôn. Bạn lại đề nghị: Thông đi tiền trạm một chuyến thị sát thực địa cho chắc đi!
Cha cha, Thông đã kỹ mà Trang còn kỹ hơn! Nhưng thôi, không cần tiền trạm o bế thêm đâu, bạn tổ chức vậy quá hay rồi, cứ để mọi việc mộc mạc diễn ra sẽ hay hơn.
Thấm thoát thoi đưa, đã đến ngày lên đường.
Hẹn gặp nhau 8g15 sáng Thứ Bảy tại Café Guta – 139 Lý Chính Thắng Q3; chưa 8g đã có Sanh (lớp 04) gọi kêu ra sớm uống café chơi, gọi sau đó vài phút là Đặng Công Triết (cũng lớp 04), người sẽ tiếc nhiều vì giờ chót đã không thể thu xếp tham gia chuyến đi …
Quán nhỏ bên đường đã dần dần đông khách, đó là vợ chồng Mười (10), Phát (12), Minh (04) ở tận Vũng Tàu đã bước vô, Nga (10) lâu nay vắng bóng cũng đã đến, Thanh (06) bên Gò Vấp qua rất sớm, cuối cùng Thanh Mai xuất hiện là đủ nhóm thứ nhất. Bỗng nghe Ngọc Khoa (04) điện báo đã chờ ở ngã tư Hàng Xanh cùng với Hồng Huyên (01-người từ An Giang lên), Ngọc Anh (01-nhà ở đường qua khu Thanh Đa, không xa Hàng Xanh lắm), và Chu (06), người đã quyết tâm “dứt áo ra đi” một trận cho bõ những ngày cuối tuần…giữ con cho vợ đi làm!!
Hơn 9g một chút thì xe đã đón đủ người, vừa khít 15 chỗ, tính tài xế nữa là đúng 16! Xe bon bon chạy trên cao tốc Long Thành- Dầu Giây, hai bên đường những cánh đồng xanh mướt điểm xuyết bởi vài ngôi nhà lá núp dưới mấy chùm cây cau, cây dừa, khung cảnh như trong tranh vẽ. Mong việc đô thị hóa tiến chậm một chút để những bức tranh đồng quê này không bị “bê tông hóa”.
Trên xe tiếng cười nói châm chọc nhau bắt đầu rộn ràng, Thông thấy vậy rút ra chai rượu nếp cái hoa vàng mang về từ Hà Tĩnh trong chuyến đi công tác từ thiện cho Cty tháng trước. Rượu gạo chánh gốc, nấu đúng kỹ thuật, và cất dưới hầm mát hơn 100 ngày nên gọi là rượu Bách Nhật; vị hơi ngọt nhưng nồng nàn, mỗi người nửa chung rượu nhỏ mà đã nghe ruột gan phừng phừng! Trên xe biết nhau nhiều qua mấy chuyến đi mỗi năm, chỉ có Nguyễn Ngọc Sanh (lớp 04) là mới, vì vậy ưu tiên cho Sanh cùng chia với anh em thêm vài ly rượu. Hồng Huyên và Ngọc Anh được ưu tiên ngồi hàng đầu kế bên tài xế. Thanh Mai và Ngọc Khoa ngồi cùng với nhóm bạn nam ở sau để có thể nhắp môi một chút “đưa cay”!
Xe chạy vài mươi cây số là hết đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây, đến Quốc Lộ 1A rẽ phải ra hướng đi Phan Thiết, qua đèo Mẹ Bồng Con, nói là đèo chứ thật ra chỉ là một con dốc dài tráng nhựa phẳng lì, hai bên là những cánh rừng cao su già xen lẫn những ngôi nhà ngói dường như là trụ sở của các cơ quan chính quyền hoặc là của công ty cao su Đồng Nai.
Trang điện thoại cho Thông để hướng dẫn đường đi vào vườn cây, Thông tự tin nói “rõ rồi, biết rồi…” vì mấy mươi năm trước (khi còn làm ở VP 2 – Bộ Tài Chính) đã nhiều lần “ăn dầm nằm dề” ở các xã của Long Khánh để kiểm tra thu công tác thu thuế nông nghiệp. Thế mà rồi xe đã rẽ nhầm đến 2 lần!! do vật đổi sao dời, quang cảnh bây giờ khác quá nhìn không ra. Cuối cùng gọi nhau qua lại mới tìm đúng đường đi, đó là một ngã ba gần giáp TP Long Khánh, dẫn vào xã Bình Lộc. Nhớ rồi, hồi khoảng năm 1987-1988 Thông về đây công tác, vào vườn một gia đình người Hoa, vợ chồng chú ấy hiền lắm, luôn miệng khoe vườn cây trĩu quả, đầy những chùm màu xanh đỏ của chôm chôm, màu vàng ươm của sầu riêng. Dường như tình người đã dỗ dành, ôm ấp nâng niu nên cây đã đơm hoa kết trái ngọt ngào như báo đáp. Chú còn cho vài hủ mứt sầu riêng mà vợ chú chế biến, thật đơn giản mà ngon: cơm sầu riêng cho vào chảo gang, đun riu riu bằng lửa cho đến khi sên lại, dùng muỗng múc cho vào hủ là xong thành phẩm. Thông mang về Sài Gòn để dành ăn cả tháng, mỗi lần dích một muỗng chút xíu mà thơm ngào ngạt, bây giờ kể lại vẫn còn thèm!
Gặp Thăm (lớp 11) cũng đang chờ ngay ngã ba rẽ vào xã Bình Lộc, Thăm đi bằng xe ô tô cơ quan, lên đây trước từ sáng chờ đón bạn bè. Thông xuống xe tay bắt mặt mừng, lòng hân hoan phấn chấn vì chuyến đi được bạn bè ở địa phương đón tiếp ban đầu như thế này chắc cuộc chơi sẽ vui lắm đây!
Xe chạy xuyên qua những màu xanh cây lá, dường như vườn tược không thấy rào hay sao mà từng chùm quả chôm chôm, quả mít treo ngay trước mắt. Khoảng 15 -20 phút thì đến nơi, xe rẽ vào cổng nhà vườn “Duy Khánh” đã thấy ngay một khu đất rải sỏi ngay ngắn, che rạp cao ráo, với đầy đủ dụng cụ cho việc ca hát, và bắt mắt nhất là tấm băng-rôn tươi tắn mang dòng chữ “Hội ngộ dã ngoại vườn cây Long Khánh-Nhóm cựu SV C16 (1978-1982)-Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM”. Lúc cho làm băng-rôn Trang phone trao đổi ý kiến, Thông nói có lẽ không cần đâu , nhưng bây giờ mới thấy, thiếu những hàng chữ này thì những tấm ảnh chụp sẽ mất đi giá trị tinh thần to lớn!
Tiệc mở màn khoảng gần 12giờ trưa mà đến hơn 16g30 chiều mới kết thúc trong lưu luyến, nhưng chưa hết, xong vườn cây trái là kéo nhau về Biên Hòa tiếp tục “giao lưu” tại nhà hàng đặc sản Năm Ri do 2 bạn Thăm và Trang chiêu đãi, đến tối mới về đến Sài Gòn.
Mời các bạn xem những tấm hình của chuyến đi này:
Trang phát biểu mở đầu buổi hội ngộ với những lời đầy xúc động, “không ngờ có ngày bạn bè biết nhau hơn 40 năm đã có dịp gặp ngay tại Đồng Nai, nơi mà Trang/Thăm đang sinh sống và công tác. Trang/Thăm rất vui được góp phần tổ chức buổi hội ngộ này ở một nơi dân dã nhằm đem lại cho các bạn những phút giây vui vẻ thư giãn nhất”
Gà chiên, gà luộc kèm rau ăn với bánh mì chấm nước mắm chanh ớt. Rồi vài món hải sản, xôi phồng vv…thật ngon, đã làm vơi nhanh những chai rượu vang do 2 bạn Thăm / Trang mang đến để xen kẻ những đợt nâng ly bia lon Tiger. Bữa ăn ngon phải hội đủ 3 yếu tố: Đồ ăn ngon, bạn ăn thân, phong cảnh đẹp. 3 yếu tố này đã có đủ trong ngày hôm nay
Các bạn nữ bên bàn đầy thức ăn, nhưng thích chụp hình hơn! Nữ lớp 01 tham gia đông nhất, không những kỳ này mà mấy kỳ du ngoạn trước đây cũng vậy!
Từ trái sang:
Ngồi: Ngọc Anh (01)_Hồng Huyên (01)_Thanh Mai (01)_Bà Xã của Mười (10)_Tuyết Nga (10).
Đứng: Khoa (Bà xã Thông)_Ngọc Khoa (04)
Bàn của mấy ông đây, mấy chục năm trước cơ hàn ở 279NTP, giờ đây được ngồi bên nhau nhậu tưng bừng. Dân Cuba tuy thu nhập thấp nhưng lại sống thọ cao hơn các nước khác, nghiên cứu cho thấy họ trọng cuộc sống có gia đình và bạn bè, thường hay tụ tập quan tâm đến nhau. Hóa ra tình cảm đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống con người. C16 gặp nhau vui thế này bằng 10 thang thuốc bổ!!
Từ trái sang: Phát (12)_Thăm (11)_Trang (11)_Thanh (06)_Minh (04)_Thái (06)_Chu (06)_Sanh (04)_Mười (10)_Thông (05)
Tranh thủ lên chụp tấm hình chung toàn đoàn trước khi nhậu! Tấm hình đẹp và nhiều ý nghĩa nhờ có băng-rôn mà Trang đã cho làm. Tấm hình đã được Thông đưa vào hình Trang Chủ của Facebook C16 vì nó tượng trưng cho kết nối và thân ái của C16.
Ngoài băng-rôn, lo đặt đồ ăn thức uống, Trang còn mời một đội văn nghệ “miệt vườn” gồm 1 ông bầu ghánh, 3 nữ ca sĩ, 1 nhạc công cùng đầy đủ “máy móc thiết bị”. Các ca sĩ hát rất được, đã khuấy động không khí buổi giao lưu lên cao, nhiều người không thể ngồi yên, đã lên tham gia hát cùng (như Thông trong hình này!)
Trong lúc mấy ông đang còn hào hứng nâng ly “dzô, dzô…” thì mấy bà lội vào vườn cây thăm chơi và hái trái. Những trái chôm chôm bao lâu nay chỉ thấy bán ngoài chợ hoặc trên xe đẩy bán dạo góc phố, thì nay căng tròn đung đưa ngay tầm tay
Còn đây, cây mít, thân có chút xíu mà trái nào trái nấy bự chảng móc dính vào cành bằng cái cuống chắc nịch. Dường như cây cũng biết tạo thế cho Ngọc Anh (lớp 01) dễ leo lên để làm dáng chụp hình!
Ở một cây khác cạnh bên, hai trái mít tròn u chờ hai người đẹp lớp 01 ghi hình. Loại cây mít này có lẽ được người ta lai tạo, chọn lọc để hình thành giống mới, thân nhỏ nhưng sai quả, khác hẳn cây mít “truyền thống” nếu ra trái cỡ này thì thân phải rất to. Về thời gian cho trái chắc loại cây mới này cũng cho trái sớm hơn, không phải đợi đến mấy năm như loại cây mít “truyền thống”
Chôm chôm thì đầy vườn, màu xanh xanh- đỏ đỏ- vàng vàng của loại trái cây này nhìn vui mắt ghê. Đây là loại trái cây dễ ăn, nhiều dưỡng chất. Thích nhất được ăn loại chôm chôm “tróc”, tức là thịt không bị dính vào thành trái, bóc vỏ dễ dàng, cho vào miệng nhai rồi nhả hạt ra! Bây giờ chôm chôm khá phổ biến nên không còn quí mấy, chớ hồi nhỏ (trước 1975) nhà nào có người đi Sài Gòn mua về được một vài ký chôm chôm bỏ tủ lạnh lâu lâu lấy một trái ra ăn là tụi nhỏ trong xóm thèm và nể nhà đó lắm!!
Ca sĩ hát xong được khán thính giả tặng chôm chôm thay cho hoa hồng!
Đây là ba cô ca sĩ miệt vườn của ghánh hát đồng quê góp vui cho buổi hội ngộ
Ca sĩ Sử Văn Minh của phố biển Vũng Tàu kết thúc bài hát đầy truyền cảm, được khán giả Tuyết Nga tặng chôm chôm
Thanh Mai qua cụng ly với bàn nam. Nữ nhơn này tửu lượng cũng đáng gờm lắm! Tửu đâu chưa nói, nhưng Thanh Mai qua làm tấm hình này sáng lên hẳn! Ông Mười và Ông Thăm kẹp hai đầu, chạy đâu cho thoát!
Ca sĩ Phát nào giờ ít hát, nay sung quá không ngồi yên được, lên làm một bài tới bến, làm khán giả Mười phải chạy lên tặng bông. Cũng may ông Mười không đăng ký hát, chớ mà ông chơi bài “Em đang đi trên Cầu Bông. Rớt xuống sông ướt cái quần ny lông. Dzô đây em, đợi quần khô, mặc quần dzô anh sẽ đưa em zìa” thì vô địch!
Thêm người ái mộ lên tặng bông chứng tỏ ca sĩ thành phố này có tay nghề rất cao!
Chương trình văn nghệ tạm ngưng ít phút giải lao, nhân lúc này Thông thay mặt bạn bè gửi tặng Trang bức tranh sơn dầu. Bức tranh vẽ hai tách café cạnh giỏ hoa, kế đó là một xô nước, như ngầm nói rằng chúc Trang thư giãn, tươi tắn và luôn mát mẻ!
Mặt sau của bức tranh có chữ ký của bạn bè, quý là chỗ này đây!
Nơi tổ chức hội ngộ nhìn ra: một bên vườn cây trái xanh um điểm xuyết bằng những chùm chôm chôm xanh đó tím vàng như đèn treo ngày hội, một bên là ao nước phẳng lặng, chỉ thoảng lăn tăn khi chạm những giọt mưa đầu mùa. Khung cảnh đồng quê dân dã thật đúng với ý định của chuyến đi dã ngoại.
Thông mới đi Singapore thăm cháu nội về, có ít quà nho nhỏ (chai dầu nóng) thân tặng các bạn nữ, sử dụng bóp chân cẳng cho khỏe để tiếp tục đi chơi nữa!
Nguyễn Ngọc Sanh (lớp 04) lần đầu tiên tham gia du ngoạn với nhóm bạn C16, đã được Thông ưu ái tặng 1 chai dầu cù là, cũng để sức giò cho bảnh sẵn sàng chơi tiếp!
Thăm vườn cây trái Long Khánh xong đã khoảng 4g30 chiều, cả đoàn kéo về quán Năm Ri (Biên Hòa) tiếp tục ăn uống nói chuyện hàn huyên đến hơn 18g30 mới kết thúc. Quán này chuyên đặc sản lẫu tôm, chi phí bữa ăn uống được Thăm & Trang đãi hết. Có bạn cũ chí tình thật sướng, đi tới đâu đều được “lo” đầy đủ.
Thông thay mặt bạn bè tặng Thăm bức tranh nhỏ kỷ niệm chuyến đi. Bức tranh có hình ngộ nghĩnh: một trái chuối chín vàng ươm treo trên đầu cậu bé. Phải chăng muốn nói lên ý rằng cậu bé đừng ăn ngay, chuối treo nó còn hoài. Tức là cái gì ngon ngọt hãy biết để dành. Tình bạn cũng ngon ngọt, vậy phải để dành ăn từ từ!
(Đoán mò vậy thôi chứ bức tranh vui là chính!)
Cũng như bức tranh tặng Trang, bức tranh tặng Thăm “đặc biệt quí giá” ở chỗ có đầy đủ chữ ký của bạn bè có mặt trong chuyến đi thăm vườn Long Khánh và lẫu tôm Năm Ri (Biên Hòa).
Mong sẽ có những chuyến đi vui vẻ như thế này trong những dịp tới để bạn bè thêm thân ái, gừng càng già càng cay!
@@@
Trần Thông tường thuật
Sài Gòn – 19/07/2019
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!