Thăm cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh-Nguyên Chủ nhiệm Khoa Kế toán - 30/11/2019

Cuối tháng 11/2019 một nhóm bạn trong khóa đã đi thăm cô Mỹ Hạnh. Qua các câu chuyện cô kể, Thông phát hiện nhiều điều chưa bao giờ biết. Xin tường thuật trong bài bên dưới để các bạn cùng xem.

Thân mến,
Trần Thông

----------------------------------------------------------

THĂM CÔ MỸ HẠNH (Nguyên Chủ nhiệm Khoa Kế toán)

Hẹn nhau ở Café T78 lúc 9g sáng. Nhỏ (lớp 02), Nga (lớp 10) và Phát (lớp 12) đến, kể Thông (lớp 05) nữa là được 2 người khoa Tài chính + 2 người khoa Kế toán, tạm an ủi là đã đủ “cơ số” đến thăm cô.

Khoảng 10g30 kết thúc café, cả nhóm đón taxi đến nhà cô ở An Phú (Q2). Nhà không quá khó tìm, nhưng khó là không biết ngã nào để rẽ vào từ Xa Lộ Hà Nội, may sao taxi Mai Linh rất rành đường, quanh quẹo một chút là đã đến 530A đường An Phú. Nhà này cô mua từ thời bao cấp, lúc đó khu này toàn ruộng nước, đường vô sình lầy, nhưng bây giờ tấc đất ở đây thật sự là tấc vàng, cực kỳ đắt đỏ, thế mà nhà cô đến hơn 2000m2!!

Xuống xe nhìn vào ngôi nhà kiểu cổ thấp thấp không thấy cô đâu, hơi lo, sợ cô yếu quá phải nằm giường, mình đành lên tiếng lớn lớn một chút Chào cô, tụi em đến thăm cô đây!. Một bóng người thấp thấp, đi chầm chậm ra cửa, giọng nói trong veo “Các em đó hả?”, đúng là giọng của cô giáo mấy mươi năm trước đây rồi!

Chào cô! Cô khỏe không?” Tụi mình đồng thanh hỏi chỉ để mong nghe tiếng cô nói khỏe” vì biết cô bệnh nặng mấy năm gần đây. Tất niên mừng xuân năm rồi của C16 ở nhà hàng Hải Đăng (Q3) cô được mời nhưng không thể đến được vì “nếu đến phải ngồi xe lăn, mấy em phải khiêng lên lầu”. Đó là cô nói với mình qua điện thoại, sau mới biết năm rồi cô bệnh “thập tử nhất sinh”, nằm BV Chợ Rẫy rồi qua Thái Lan điều trị vv…

Có mấy em đây thôi hả?”. Nghe cô hỏi mình chùng lòng thương cô ghê, vì hiểu rằng cô tưởng bữa nay chắc đông học trò đến thăm! Mình giả lả nói cho qua em có báo hết nhưng cuối năm ai cũng bận hết cô à!. Phải chi đông hơn chút nữa thì hay quá, mỗi đứa hỏi một câu, pha trò, rồi cười như ong vỡ tổ, rồi chụp hình, chắc chắn là liều thuốc bổ quí giá giúp cô sống vui những ngày này.

Mấy lời hỏi thăm xong cô trò ngồi vào bàn trong nhà nói chuyện. Cô kể chuyện xưa chuyện nay rất mạch lạc, hấp dẫn người nghe bằng một giọng rõ ràng làm mình nhớ tại những tiết giảng kế toán của cô trên giảng đường những năm 1980. Kế toán khô khan là thế, nhưng cô giảng dễ hiểu, thường xen những ví dụ minh họa ngoài đời nên rất dễ tiếp thu. Mới đây Trân (10C16, ở Mỹ ) viết lời bình trên facebook rằng “vẫn nhớ chiếc xe PC cô dựng trước khoa Kế toán. Cô có một nụ cười rất hiền, một giọng nói rất lôi cuốn”. Mình muốn thêm là “ một giọng nói rất quí phái. Mà đúng vậy, cô thuộc một gia đình khá giả có học ở Bà Rịa, tham gia kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc 1954. Ba cô từng được Pháp mời ra làm Tỉnh trưởng tỉnh Bà Rịa vì ông là người Tây học có uy tín trong vùng, nhưng ông đã từ chối, quyết một lòng vô rừng đi theo kháng chiến. Em trai của cô trong chiến tranh chống Mỹ phụ trách bộ phận nghe điện đài (tiếng Anh) để phát hiện những tin tức tình báo từ phía đối địch, sau 1975 ông làm Chủ tịch UBND Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu rồi về nghỉ hưu.

Chuyện cô kể nghe không biết chán, đặc biệt luôn có những từ vui tếu kể cả chuyện về những lúc khó khăn, đau ốm, như hồi bệnh nặng vài năm trước đây, vào BV Chợ Rẫy nằm điều trị buổi chiều thì sáng hôm sau bệnh nhân cùng phòng đã chết, người khác chắc sợ phát khiếp vậy mà cô kể tỉnh queo “thằng cha nằm giường kế bên mắc bệnh cúm H5N1 gì đó chết thẳng cẳng!”. Cúm lây lan nhanh, làm kiệt sức dễ theo ông bà như chơi nên tức tốc cô được “di tản”, dây nhợ quấn đầy người mà vẫn cười nói lạc quan, ôm đồ về nhà chờ yên ổn vô điều trị tiếp. Dè đâu bác sĩ bắt phải đi Thái Lan ngay mới xử lý được. Ừ đi thì đi, cô nói vậy trong lúc sức khỏe yếu, không biết có chịu nỗi mấy tiếng đồng hồ máy bay hành khách không?, rồi thủ tục hàng không dài dòng nữa!. Con trai cô từ Canada về quyết định thuê máy bay riêng đưa cô đi. Sẵn sàng mọi thứ hết thì cô lại khỏe khoắn hơn, tối ra Tân Sơn Nhất leo lên máy bay hành khách phóng một lèo tới Bangkok, không thèm đi chuyên cơ! Ở Thái Lan 3 tháng toàn khách sạn 5 sao do con trai bao sân hết!, chỉ nghỉ ngơi chứ không phải thuốc thang gì nhiều thế mà cô khỏe hẳn, trở về VN ngon lành! Được vậy là nhờ bác sĩ nước ngoài tay nghề giỏi và con cái hiếu thảo lo cho mẹ tận tình.

Cô có 2 con, con trai là Cường, đang ở Canada sống khỏe vậy mà bỏ, về Sài Gòn mở công chuyện làm ăn khác để được gần nhà chăm sóc mẹ. Con gái là Ngọc định cư ở Úc, tết Canh Tý này sẽ về thăm mẹ. Hai con đều đã phương trưởng, cô đã có cháu nội, cháu ngoại đầy đủ, thế mà dù đang bệnh cô vẫn lọ mọ làm mấy món mứt ngon đón con về ăn tết sắp đến. Tấm lòng người mẹ quả là không thể nào đo đếm được, con cái dù có già đến đâu vẫn là đứa con nhỏ bé ngày nào mà mẹ chẳng bao giờ hết yêu thương. Có câu châm ngôn thật hay: “Trên thế giới có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan vĩ đại nhất đó là Trái Tim Người Mẹ”.

Cô kể về chú Nhơn, người chồng vắn số đã rời dương thế hơn 15 năm trước. Ngày đó chú là Tổng Giám đốc Saigon Petro (thuộc Thành Ủy TPHCM), lèo lái đơn vị từ chỗ tay trắng thành một Cty chế biến xăng dầu kinh doanh rất thành công. Phát (là cựu nhân viên Saigon Petro) cho biết thêm: chú Nhơn là người nhìn xa trông rộng, chỉ đạo những việc ai mới nghe dễ cho là gàn dở nhưng sau mới thấy tầm nhìn của chú quá tài. Phải chăng chữ tài liền với chữ tai một vần mà chú bị người ta ghen tức phải “mắc nạn” nhiều năm. Sau đó chú mất vì bệnh ở nhà chứ không vướng bất cứ một vấn đề gì hay một án gì cả.

Đọc bài thơ “Giao thừa” cô viết năm Mậu Tuất 2008 trong quyển “Tâm tư”, ôi chao, da diết làm sao nỗi nhớ thương người chồng quá cố trong cảnh đất trời về khuya đang chuyển tiếp giao mùa. Thơ cô hay quá, phải đủ “tài và tình” thì mới viết được những vần thơ xúc động thế này:

                                      Đêm giao thừa bàn thờ thiên cháy đượm
                                      Nén nhang thơm tỏa ấm đất trời
                                      Mâm ngũ quả và bình bông vạn thọ
                                      Xuân đã về và Tết đến Tết ơi

                                      Đêm giao thừa trên bàn thờ anh đó

                                      Hương và hoa tưởng nhớ đến người xưa
                                      Bao cái Tết một mình em lặng lẽ
                                      Về đi anh để cùng em đón giao thừa  

Cô kể một vài kỷ niệm với ngôi trường Đại học Tài chính Kế toán (279 Nguyễn Tri Phương Q10) những năm 1980, cũng lắm vui buồn. Năm đó có vụ “loại bỏ” cán bộ nhân viên có gốc Hoa kiều, cô họ Nguyễn, rành rành sanh đẻ gốc gác ở VN thế mà có người mách với Thầy Tấn (Bí thư Đảng ủy nhà trường) rằng cô là người Việt gốc Hoa, tại một buổi họp ở trường cô giận quá nói thẳng với Thầy Tấn “ Em là người Việt gốc Heo đó! Chuyện rồi cũng tan như mây khói thoảng qua.

Rồi cũng năm đó, thời bao cấp, mọi thứ nhu yếu phẩm đều do nhà nước quản lý bán theo kiểm soát, một sinh viên C14 xin giấy giới thiệu của trường đến nhà máy mua 5-6 can bia về liên hoan liên lớp, nhưng đã bán bớt vài can ra thị trường kiếm chút chênh lệch giá. Trường biết được, đã họp Hội đồng Kỷ luật tính ra quyết định đuổi học SV đó, cô là người duy nhất vận động thuyết phục hội đồng giảm kỷ luật xuống mức cảnh cáo. Cô nói cô rất hiểu và thương học trò, không thể để mặc học trò tắt ngấm tương lai chỉ vì một lỗi lầm như thế, vẫn còn đường để học trò thấy ra lỗi mà vẫn không hụt hẫng đau khổ khi đang còn trẻ với mọi thứ đang ở phía trước. Sau này đọc quyển thơ “Tâm tư” cô tặng, thấy bài “nghịch ngợm” cô làm năm 1957 ở Khu học xá Nam Ninh –TQ mới biết cô đã từng trãi dường nào. Bài thơ kể về một lỗi lầm thời học sinh niên thiếu, cô đã cùng nhóm bạn nữ bới khoai lang trường trồng mang về tính nấu ăn cho vui nhân dịp lễ Cách Mạng Tháng Mười, dè đâu bị bảo vệ bắt được đưa lên phòng hiệu trưởng kiểm thảo một trận nhớ đời! Bài thơ chân chất, thật tình và lỗi lầm đã được nhận ra:

                                      Gầm giường cất giấu cho mau
                                      Mười chậu khoai chẳng đứa nào vứt đi
                                      Thản nhiên cười nói khì khì
                                      Khi thầy hiệu trưởng hỏi thì chết trân
                                      Phải đâu là chuyện thiếu ăn
                                      Thấy khoai thì bới về “mần” cho vui
   Hôm nay Cách Mạng Tháng Mười
   Được nồi khoai luộc cho tươi cuộc đời
   Hạnh ơi! Bài học nhớ đời nghe em!

Vừa nghe kể chuyện vừa được ăn những món ngon cô kêu người giúp việc nấu để cô đãi học trò, không khí ấm áp thân tình không dễ gì có. Đứa nào cũng muốn được chụp hình với cô, máy ảnh bấm lách cách đủ kiểu mới chịu ngưng. Khuôn mặt cô toát lên vẻ tươi vui dù không tránh khỏi những nét của thời gian, chỉ tay vào mấy tấm hình để trong tủ kiếng phòng khách cô cho biết đó là những hình chụp chỉ vài năm trước. Ôi! Cô đẹp quá, thanh tú và quí phái.

Đã gần một tiếng rưỡi đồng hồ học trò cũ ngồi với cô, chuyện trò còn rôm rả lắm nhưng sợ cô mệt tụi mình nhắc cô vào phòng trong nghỉ. Nói cô cứ nằm đi-văng cho khỏe nhưng vừa ngã lưng là cô ngồi dậy ngay, lấy quyển thơ “Tâm Tư” ra viết mấy dòng tặng học trò, ký tên “cô xưa”, thật là cảm động.

Mấy dòng khai đề của quyển thơ đã thấy hay, mình bỗng một chút chùng lòng cảm nhận nỗi niềm man mác mà người viết gửi gấm:

                                      Thơ cùng ta suốt cuộc đời
                                      Buồn vui trăn trở theo thời gian đi
                                      Đôi dòng nhớ lại ta ghi
                                      Hồn thơ ơi sẽ còn gì mai sau…

Mình đọc thoáng qua mấy bài đã cảm nhận cô là người đa cảm, những sự việc, sự vật diễn ra có thể đối với người khác không là gì nhưng với cô thì cảm xúc tuôn trào cho những dòng thơ bồi hồi đơm hoa kết trái. Cảm xúc không chưa đủ nếu không có tài làm thơ, vì nếu thiếu tài câu cú sẽ lủng củng đọc mất hứng ngay. Đằng này các bài thơ của cô vần luật nghiêm chỉnh, âm sắc trầm bổng hài hòa, bài nào cũng trao gửi chút tình sâu thẳm của người viết. Mình rất ngạc nhiên hỏi :chắc cô hồi đó giỏi văn lắm phải không, vì giảng dạy kế toán toàn con số mà sao thơ cô hay quá?”. Cô cho biết không chỉ giỏi văn mà còn giỏi nhiều môn khác như toán, thống kê, ngoại ngữ, lịch sử vv…Vậy mà đâu có biết, thôi giờ biết cũng sướng rồi vì được là học trò của cô.

Mang quyển thơ “Tâm tư” cô tặng về nhà đọc suốt một đêm, càng khâm phục cuộc đời cô, bảy-tám tuổi đã theo kháng chiến, làm những việc hậu cần nho nhỏ như dán tem cho thư, dọn văn phòng vv…, mười bốn-mười lăm tuổi đã rời quê hương lên tàu ra Bắc (1954), mang theo niềm tin về một ngày chiến thắng. Trãi qua bao gian khó, chịu đựng nỗi nhớ quê “ngày Bắc đêm Nam” cô vẫn một lòng một dạ hướng về đại cuộc. 56 bài thơ, bài đầu làm tháng 7 /1954 khi mới 14 tuổi, bài cuối làm năm 2018 khi đã 78 tuổi, là những viên gạch đánh dấu trưởng thành mà cũng là những chứng tích lịch sử cho một người đã theo đuổi đến cùng lý tưởng của mình, ra đi khi đất nước còn chia cắt và trở về khi non sông đã thu về một mối.

Cô Mỹ Hòa (em ruột của cô) viết lời mở đầu cho quyển thơ có đoạn thật hay:

Con đường chị đi là con đường đất nước đang đi. Trãi bao sóng gió, đau thương, đất nước giờ đây đã hòa bình thống nhất. Niềm vui reo lên trong lòng của những đứa con Miền Nam cũng chính là niềm vui của non sông. Một thế hệ mới tiếp bước cha anh, mang trong mình một tri thức ngời sáng, một trái tim nồng ấm, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi tổ quốc cần”.

Chia tay tạm biệt cô lúc nắng chiều đã xiên qua những hàng trúc sau nhà.

Kính chúc cô khỏe, chiến đấu kiên cường với bệnh tật. Ánh bình minh mỗi sáng ơi, hãy thay cho lũ học trò ngày xưa reo vui chào cô ngày mới.

Hẹn sớm gặp lại cô!

                                                               @@@

Trần Thông tường thuật
Mùa Giáng Sinh 2019

Hình ảnh đi cùng bài viết:

20191130 101121 
Hẹn gặp nhau ở Cafe T78 (Q3)
 
20191130 114729
Cô trò bên nhau ấm cúng thân mật.
Từ trái sang: Thông_Phát_Khoa (vợ Thông)_Nga_Nhỏ cùng cô (ngồi giữa).
 
20191130 120004 
Trên bàn đầy đủ món ngon, đám học trò xưa như lũ con được về nhà mẹ
 
20191130 120118 
Cô trò gần 40 năm trước, giờ bên nhau ôn chuyện thăng trầm
 
20191130 120649 
Ba anh học trò xưa cụng ly bia vui vẻ
 
20191130 131143 
Đây là đi văng cô thường đọc sách và nằm nghỉ khi mệt
 
20191130 131217 
Phát (lớp 12), ra trường làm ở quê Vĩnh Long một thời gian, sau mới lên Sài Gòn làm ở Saigon Petro nơi chồng cô (Chú Nhơn) là Tổng Giám Đốc.
 
20191130 131231 
Nhỏ (lớp 02) tốt nghiệp xong công tác ở trường mãi cho tới ngày về hưu
 
20191130 131251 
Tuyết Nga (lớp 10), học trò Khoa kế toán của cô
 
20191130 131550 
Bức tranh C16 thăm tặng cô 27/05/2012 treo trên tường vẫn còn tươi thắm, thế mà đã hơn 7 năm!
 
20191130 131754 
Viết mấy lời đề tặng học trò xưa trên quyển thơ mà cô là tác giả
 
20191130 131755 
Bìa quyển thơ 56 bài của cô. Dòng sông xanh trong hiền hòa thủy chung viền quanh ngọn núi chính là hình ảnh một lòng kiên trung của cô trong cuộc trường chinh của đất nước.
 
20191130 131853 
Thủ bút của cô đề tặng học trò trên quyển thơ.
 
20191130 131859 
Thông nhận quyển thơ được cô tặng
 
20191130 133717 
Cả nhóm quây quần bên cô trước lúc tạm biệt.
 
20191130 133804 
Đứa nào cũng muốn có thêm tấm hình với cô. 
 
20191130 133833 
Thêm tấm nữa!
 
20191130 134239 
Chưa chịu về, còn lẩn quẩn ra vườn ngồi bên hồ bơi
 
20191130 134609 
Trên sân vườn trước khi lên taxi về điểm hẹn cũ (Café T78-Q3)
                                                                                    
                                                                                     @@@
Hình ảnh của Trần Thông
Mùa Giáng Sinh 2019

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Hình ảnh Hình ảnh về khóa Thăm cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh-Nguyên Chủ nhiệm Khoa Kế toán - 30/11/2019