Sống một đời người bình an là được
- Chi tiết
- Viết ngày: 28/04/2015
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 3423
Tối 31/01/2015 Thông dự cuộc họp mặt tất niên của nhóm bạn hồi học trung học phổ thông, gặp lại cô giáo chủ nhiệm lớp 12C3 năm xưa, ôi chao là mừng.
Cô khoẻ, hỏi chuyện học trò, và tặng cho học trò mỗi người một bài thơ in trên giấy màu hồng nhạt. Lúc đó và cả mấy tháng nay bận bịu nên không xem, đến bây giờ nhờ nghĩ một loạt mấy ngày liền nhân dịp lễ Vua Hùng, lễ 30/04 và 01/05, Thông thảnh thơi ngồi đọc. Ô! một bài thơ hay về nhân sinh quan, lời lẽ giản dị mà đúng như chân lý, bao nhiêu phù ảo trên đời bổng nhẹ tênh...
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Sống một đời người, bình an là được
2 bánh, 4 bánh, đi được là được
Tiền ít, tiền nhiều, đủ ăn là được
Người xấu, người đẹp, dễ coi là được
Người già, người trẻ, miễn khoẻ là được
Nhà giàu, nhà nghèo, hòa thuận là được
Ông xã về trễ, miễn về là được
Bà xã càu nhàu, chăm lo là được
Khi con còn nhỏ, dạy dỗ thật nghiêm
Khi con trưởng thành, biết xử là được
Tiến sĩ cũng được, bán rau cũng xong
Sống một đời người, bình an là được
Nhà to, nhà bé, có chỗ là được
Hàng hiệu hay không, mặc được là được
U sầu phiền não, biết xả là được
Bảo thủ cố chấp, biết buông là được
Không phải có tiền muốn gì cũng được
Tâm tốt việc tốt, mệnh số đổi được
Ai đúng ai sai, trời biết là được
Dưỡng phúc, tu thân, mỗi ngày thêm tốt
Trong đời nhiều việc, nhìn xa thấy rộng
Thiên địa vạn vật, tùy duyên là tốt
Mọi người đều tốt, ngày ngày đều tốt
Anh tốt, tôi tốt, thế giới sẽ tốt
Nói nhiều như vậy, hiểu được là tốt
Vẫn còn chưa hiểu, xem lại cũng tốt
Xem xong rồi làm, làm sao cũng được
Miễn làm rồi học, học rồi sẽ tốt
&&
Trần Thông (05C16) sưu tầm 28/04/2015
từ bài thơ tặng của cô giáo Châu Thị Nguyệt
(Nguyên chủ nhiệm lớp 12C3
Trường phổ thông trung học Lê Hồng Phong
TP.HCM - Niên khóa 1977-1978)
-----
Tiếp theo đây là cái nhìn của một bác sĩ về hạnh phúc ở đời.
AN VUI “VÔ ĐẮC” CHÍNH LÀ NIẾT BÀN.
Đắc là đỉnh tháp. Lòng mơ ước của cả kiếp nguời để tìm kiếm hạnh phúc với hết thành công này đến thành công khác, rồi khổ đau, rồi tuyệt vọng, rồi hy vọng…và cứ xây đắp mãi, cao lên mãi, để rồi càng bám víu, càng lo âu, càng sợ hãi. Không phải vô cớ mà ông vua nào cũng muốn “vạn tuế, vạn vạn tuế!”. Không phải vô cớ mà ông vua nào cũng muốn tìm thuốc trường sinh bất tử. Có được một thái tử như Tất Đạt Đa không dễ. Có được một vị vua như Trần Nhân Tông không dễ. Họ không lấy “đắc” làm cứu cánh mà chọn lấy sự an vui, an lạc, an nhàn ngay trong cuộc đời này, cho mình và cho người. Vậy nếu không mong cầu, không chờ đợi, không ước muốn “đắc” cái này cái nọ nữa thì con người sẽ đạt tới tự do, bay nhảy như chim trên trời cao, như mây qua đỉnh núi. Những nhà minh triết không hề xa lạ nhau. Dù là Thích Ca, Socrate, hay Lão tử, Trang tử…họ đều giống nhau. Họ thoát khỏi những ràng buộc, vướng mắc, những “quái ngại” đầy dẫy trong cuộc sống. Một khi họ không còn bị quái ngại ràng buộc nữa thì còn có điều chi làm cho họ sợ hãi nữa chứ. Ai “khủng bố” họ được nữa, một khi chính họ đã không tự khủng bố họ nữa rồi, họ không muốn “đắc” một cái gì nữa rồi! Và họ sẽ rời xa (viễn ly) những điều mơ mộng hão huyền, ngược xuôi điên đảo, nào vương nào tướng, nào trường sanh bất tử. Họ ăn biết ngon, ngủ biết yên…Họ ngao du ngày tháng, hòa mình với mọi người, với cỏ cây hoa lá. Cái gì đến với họ cũng đẹp tuyệt vời, một hạt cát, một giọt sương, ngôi sao, dinh thự, dòng sông, con người, vạn vật…Họ biết họ ở trong tất cả và tất cả ở trong họ. Họ sống một mình nhưng là tất cả. Tất cả nhưng lại là một mình. Cuộc sống an vui đó chính là thiên đàng, là niết bàn, không cần tìm kiếm đâu xa. Niết bàn là sự an lạc trong giây phút “vô đắc”.
&&&
Trần Thông sưu tầm
( 03/05/2015)
Trích từ tác phẩm
“Nghĩ từ trái tim” (trang 108-110)
Của Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM
(Quí 4 / 2013)