Từ em tiếng hát lên trời
- Chi tiết
- Viết ngày: 30/10/2016
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 2093
Nếu sống trong Miền Nam trước 1975, chắc các bạn không quên giọng hát liêu trai của ca sĩ Thanh Thúy qua những bài ca sầu mộng. Mời các bạn xem vài dòng bối cảnh xuất hiện của ca sĩ này trong vườn âm nhạc hồi đó. Bài do Thông sưu tầm từ Báo Thanh Niên tháng 10.2016
PHÒNG TRÀ CA NHẠC SÀI GÒN XƯA
Từ em tiếng hát lên trời
Trong Tình đời, một ca khúc của nhạc sĩ Minh Kỳ vẫn còn phổ biến đến bây giờ, có nhắc đến phòng trà và nỗi niềm cô ca sĩ: ”Khi biết em mang kiếp cầm ca/Đêm đêm phòng trà dâng tiếng hát cho người người/Bỏ tiền mua vui/Hỏi rằng anh ơi/Còn yêu em nữa không”…
Khoảng năm 1954-1956 là thời kỳ vàng son của khiêu vũ trường ở Sài Gòn. Tuy nhiên sau khi nắm quyền, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh đóng cửa các khiêu vũ trường. Thế là các ông chủ quay sang mở phòng trà ca nhạc. Dù có nhiều khó khăn nhưng đầu tư vào phòng trà ca nhạc có lẽ vẫn kiếm được tiền nên không ít nghệ sĩ đã đầu tư làm bầu phòng trà như Khánh Ly, Jo Marcel.
Năm 1954, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ miền Bắc di cư vào Sài Gòn, góp phần làm cho nền tân nhạc ở miền Nam thời kỳ này đa dạng với nhiều dòng nhạc dành cho nhiều tầng lớp khan giả. Thị trường âm nhạc sôi động cùng những ca sĩ nổi tiếng giúp các phòng trà bước vào thời kỳ hoàng kim. Tới phòng trà nghe nhạc là một nét văn hóa của Sài Gòn khi đó. Một nhà báo đã viết: “Ngày là thời gian thành phố làm việc, đêm mới là thành phố sống. Một trong các mảnh sống của đêm Sài Gòn là những tiếng ca hằng đêm réo rắt trên khắp các hí trường phòng trà ca nhạc”.
Trong thời gian này khó xác định là phòng trà nào có trước. Có người cho là phòng trà Anh Vũ của kiến trúc sư Võ Đức Diên. Phòng trà này xuất thân từ một quán ăn do Võ Đức Diên thành lập (theo nhà văn Thế phong, đây là nơi Võ Đức Diên thu thập tin tức cho Ngô Đình Nhu bằng cách có gắn máy thu băng trong các bức tường gỗ?). Tuy là phòng trà nhưng có thiết kế một sân khấu nhỏ vừa cho một ban nhạc bỏ túi đệm đàn cho những ca sĩ nổi tiếng được mời đến trình diễn như Bạch Yến, Mai Hương, Duy Trác, Cao Thái.
Một “Capheteria” khác theo phong cách của Anh Vũ cũng đã mọc lên bên cạnh rạp chiếu bóng Việt Long, đường Cao Thắng với tên phòng trà Đức Quỳnh do Đức Quỳnh đệm Piano với những ca sĩ Minh Hiếu – Thanh Thúy, Phương Dung…Vào tháng 5.1959, phòng trà ca nhạc Văn Cảnh đường Calmette có quảng cáo “Ban hợp ca Thăng Long cùng với 8 nữ sĩ thanh sắc song toàn, giá tiền thật bình dân, 15 đồng trà, cà phê”…Một thời gian sau phòng trà Sài Gòn nở rộ.
GIỌNG CA LIÊU TRAI
Bài hát Tình đời của Minh Kỳ đã được nữ ca sĩ Thanh Thúy thể hiện bằng giọng hát hết sức “liêu trai”. Thời ấy, có rất nhiều giọng ca nữ nổi tiếng nhưng giọng ca Thanh Thúy đã khiến nhiều văn nghệ sĩ ái mộ. Trịnh Công Sơn với tác phẩm đấu tay Ướt mi, Tôn Thất Lập với Tiếng hát về khuya, Nguyễn Long với bộ phim Thúy đã đi rồi đều dành cho nữ ca sĩ này.
Vào khoảng cuối năm 1958, Thanh Thúy vừa tập tễnh bước vào nghề ca hát dưới sự dẫn dắt của ca sĩ Kim Chi. Một tài năng mới với nhan sắc sương khói lảng vảng, giọng ca trầm buồn, vừa hát vừa đưa tay vuốt làn tóc buông rơi. Nhà thơ Hoàng Trúc Ly đã tán tụng “Từ em tiếng hát lên trời. Tay xoa dòng tóc, tay vời âm thanh…”
Trong hồi ký, diễn viên Nguyễn Long đã viết: “Tháng 11/59, vào một buổi tối thật buồn, sau khi coi xi nê trên rạp Việt Long, thấy còn sớm tôi lên phòng trà Việt Long ngay trên lầu của rạp hát do anh Đức Quỳnh tổ chức, uống nước trà nghe các bạn ca sĩ hát cho qua giờ, chợt tôi nghe một giọng hát lạ, hơi lạ, tôi nhìn lên sân khấu, còn lạ hơn, một ca sĩ thật nhỏ, ca sĩ không ra ca sĩ, học sinh không ra học sinh, dáng dấp e ấp, ngại ngùng, giọng cô vang lên tưởng chừng như từ xa vọng lại”.
Nguyễn Long quen Thanh Thúy từ đêm đó. Đầu tháng 1.1960, Thanh Thúy được mời hát trong chương trình Sầm Giang đại nhạc hội do Trần Văn Trạch tổ chức tại rạp Đại Nam. Nguyễn Long kể: “Đại nhạc hội rất thành công, nhưng màn được nhắc nhở nhất vẫn là màn trình diễn của Thanh Thúy. Ngay trong tuần lễ đó, phần lớn các trang báo kịch trường của Sài Gòn đều nhắc tới Thanh Thúy, khuôn mặt mới nhưng sáng chói của tân nhạc, giọng ca liêu trai thu hút, lôi cuốn người thưởng thức, giọng ca đặc biệt nhất của tân nhạc VN từ trước tới nay. Mỗi tờ báo viết một kiểu khác nhau, nhưng cùng một lúc rất nhiều tờ, cho nên chỉ trong vòng có một tuần lễ, hiện tượng Thanh Thúy đã trở thành một cơn bão nhỏ trong thành phố, và chỉ một tháng sau đã lan tràn gần hết miền Nam. Một số phòng trà tại Sài Gòn tới mời cô, rất nhiều đại nhạc hội tới mời cô…”
Rất nhiều lời tán tụng giọng ca này, trong đó có một vị giáo sư triết học. Hãy đọc một đoạn văn ngắn của Giáo sư Nguyễn Văn Trung viết trong bài Ảo ảnh Thanh Thúy (Nhận định 4, Nam Sơn 1966): “Thanh Thúy mặc quần áo VN, kín đáo, đứng đắn, không đeo những đồ giả, hiền lành, dè dặt, khi hát chuyên môn ca bài Việt, hơn nữa chỉ ca một loại nhạc buồn…Đứng trước Thanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả cảm thấy như bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt những hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê đồng ruộng, với sông Hương, núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…”
Thanh Thúy là một nữ ca sĩ sống lặng lẽ, không ồn ào dính tới những điều tiếng về sự se sua hay tình ái. Sau này, người ca sĩ có giọng hát liêu trai của mình lặng đi một thời gian dài khi lập gia đình cùng ông Ôn Văn tài. Khi bà định cư ở Mỹ thì không còn nghe bà tham dự vào giới ca nhạc nữa.
@@@
Lê Văn Nghĩa
(Báo Thanh Niên 24.10.2016)