Chuyến đi "bụi" về Miền Tây 27-30/04/2013
- Chi tiết
- Viết ngày: 03/05/2013
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 2891
VÀI HÌNH ẢNH CHUYẾN ĐI BỤI "HƯƠNG VỊ MIỀN TÂY" 27-30/04/2013.
Những ngày nghĩ lễ 30/04 – 01/05 vài bạn C16 cùng với anh Hoàng (C14-chồng của Khoắn 12C16) đã đi du lịch "bụi" ở vài tỉnh Miền Tây Nam Bộ, chuyến đi được quyết định vào giờ chót vì trước đó định đi Tour Campuchia nhưng cuối cùng không thực hiện được, cũng là hay vì xem như đi tiền trạm nắm tình hình để BLL tổ chức cuộc họp mặt C16 thăm nhau tại Cần Thơ một vài tháng nữa.
Thông xin gửi đến các bạn vài hình ảnh của chuyến đi "ba-lô"này.
Khởi hành từ bến xe Miền Tây lúc 7g30 sáng 27/04/2013, trên xe đò Mai Linh êm ái, thoải mái, có video Thúy Nga và hài Hoài Linh trên suốt hành trình.
Đến Bạc Liêu 13g30. Hình này nhìn ra từ nhà khách Tỉnh Ủy, Bạc Liêu bây giờ là một thành phố khang trang.
Chiều ngày đầu tiên đi thăm khu nhà của Công tử Bạc Liêu. Lòng đăm chiêu cho dòng họ Trần Trinh ngày xưa nổi tiếng giàu có và xa hoa, thế mà bây giờ tiêu tan hết. Công tử Trần Trinh Huy ăn chơi khét tiếng nhưng đã chết trong nghèo khó, bây giờ còn một người con trai đang sống chật vật túng thiếu ở Bạc Liêu. Cuộc đời sao như một vở bi hài kịch!
Thăm khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), người nổi danh với bản "Dạ cổ hoài lang", là tiền thân của âm nhạc cải lương, dòng nhạc từng ngự trị đời sống tinh thần của người miền Nam, nhưng hình như đang mai một dần...
Hình ảnh mô phỏng một buổi chơi nhạc đờn ca tài tử tại khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Thăm chùa Quán Thế Âm Bồ Tát (gần bãi biển Bạc Liêu), nghe nói chùa đã có từ ngày xưa khi các bãi sình của biển còn lúp xúp tận chân chùa, nhưng nay biển đã lùi xa, quả y như lời người xưa nói "Thương hải biến vi tang điền" (Biển xanh biến thành ruộng dâu)
Ngồi nhậu lai rai bên bờ biển Bạc Liêu. Người ngồi ngoài cùng bên trái là anh Hoàng (C14), chồng của Khoắn (12C16), người ngồi kế là anh Long, người quen của Khánh (08C16), đã giúp anh em đỡ cô quạnh trong một chiều thăm thú Bạc Liêu, kế đó là hai vợ chồng Quý Hoàng (01C16).
Cá Rún, một đặc sản cực ngon của Bạc Liêu mà nhóm được thưởng thức tại quán Hương Mai đường Phan Đăng Lưu -TP Bạc Liêu- do anh Long chỉ dẫn.
Cơm cháy ăn với cá kèo kho tiêu ở quán Hương Mai, tuy đơn sơ nhưng là một tuyệt phẩm của ẩm thực!
Sáng hôm sau đi xe đò Phương Trang từ Bạc Liêu về Cần Thơ, Thông gặp lại Thuấn (12C16) sau 6 năm, Quý Hoàng gặp lại Thuấn sau hơn 30 năm! Bữa ăn trưa tại nhà Thuấn thật tuyệt không những nhờ món ăn bà xã Thuấn nấu ngon mà phần lớn nhờ không khí đầm ấm của tình nghĩa bạn bè.
Một ít bia đã làm cho cuộc hội ngộ thêm phấn khích với những câu chuyện xưa ở 279 NTP và các nụ cười.
4giờ30 chiều đến thăm vườn Mỹ Khánh thuộc huyện Phong Điền, cách trung tâm Cần Thơ độ 10 cây số. Vườn rất rộng, nhiều cây trái, có các căn nhà dạng Bungalow cho du khách ở, có các quán tranh tre bán đồ ăn đặc sản Nam Bộ. Chụp hình lưu niệm bên tượng thầy trò Đường tăng.
Trước nhà đua heo trong vườn Mỹ Khánh (Cần Thơ)
Anh Hoàng C14 (chồng Khoắn 12C16) và Thuấn (12C16). Mấy chục năm trước ở 279 NTP đâu có nghĩ sẽ có ngày gặp tại Cần Thơ như thế này. Bởi vậy mới nói là tùy duyên.
Thưởng thức đặc sản bánh khọt và gà nướng trong quán tranh tre đặc trưng Nam Bộ ở vườn Mỹ Khánh (Cần Thơ)
Kết thúc Cần Thơ đêm 28/04/2013, sáng 29/04/2013 đi xe đò qua Cao Lãnh. Hình ảnh "qua sông nên phải lụy phà" như trên vài năm nữa sẽ không còn vì cầu sẽ được xây bắc sang sông. Kể ra cách trở đò giang một chút cũng hay, chứ cái gì cũng suông sẻ hết thì hết còn thú vị.
Lương Quốc Trung (07C16) nhà ở Cao Lãnh ra tận bến xe đón nhóm giữa trưa nắng hè. Trung tay cầm điếu thuốc, đứng kế bên Thông
Mấy anh em thuê taxi vô khu du lịch sinh thái Gáo Giồng chơi. Gáo Giồng cách Cao Lãnh khoảng 20 cây số, vài năm trước phải đi ca-nô nhưng nay đã có đường bê-tông nhỏ vừa đủ cho xe 7 chổ chạy.
Khu du lịch hoang dã này thu hút khách là nhờ bày biện gần như nguyên si cuộc sống hương đồng cỏ nội của nông dân vùng sông nước, với lều trại, kênh rạch, rau cỏ...
Mấy anh em cụng ly mừng hội ngộ giữa chốn đồng quê. Anh Hoàng "lớn" cao hứng đã hát mấy đoạn cải lương rất mùi và Trung đã ca đáp lại cũng mùi không kém.
Kết thúc ăn trưa mọi người mua vé đi thuyền vào thăm rừng tràm, nhưng nắng quá nên đi được chừng 10 phút đã phải quay ra! Cảnh sông nước Đồng Tháp hiền hòa quá đỗi, vô đây rủ bỏ được cái ồn ào phố thị thật không gì sướng bằng.
Rời Gáo Giồng lên taxi đã 14g30, về thăm nhà Trung ở đừơng Trần Thị Nhượng (Cao Lãnh). Trung chiêu đãi anh em bằng rượu quí "Minh Mạng thang" đã cất 10 năm!
Mồi nhậu là món thịt chuột đồng quay, rất ngon, ai chưa ăn nên cố tìm thử một lần cho biết, không phải chuột cống đâu mà sợ!
Rời Cao Lãnh trời đã chập choạng tối nên ngại đường về Sài Gòn còn xa, mọi người đã bất ngờ dừng chân Mỹ Tho, may sao gặp Thế 02C16 cũng đang có mặt, vậy là hẹn nhau làm một bữa ăn tối cụng ly thật vui.
Sáng hôm sau (30/04/13) còn được Thế dẫn đi ăn sáng ở quán Đập Đá, quán nhỏ nhưng nổi tiếng bán hủ tiếu Mỹ Tho ngon.
Sau đó uống cà phê ở quán sân vườn Bảo Tàng tỉnh Tiền Giang, có anh Huỳnh Tịnh (C14) ghé.
****
Chuyến đi ngắn ngủi 3 ngày thưởng thức hương vị sông nước Miền Tây đã kết thúc. Rút ra được một điều là cái gì không lên kế hoạch kỹ quá thì sẽ vui, chẳng hạn như du lịch ba-lô gặp đâu chơi đó, khá hay so với đi theo Tour có chương trình giờ giấc chặt chẻ, mà "bụi" cũng là phong cách của các "anh hai Nam Bộ" phóng khoáng, tự do:
" Ra đi gặp vịt cũng lùa
Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu"
@@@@@
Trần Thông tường trình
Sài Gòn
03/05/2013