Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 5
- Chi tiết
- Viết ngày: 04/10/2019
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 1027
Mời các bạn đọc bài 5. Đất Mũi của Nguyễn Châu Trân, kể về mấy ngày ở Cà Mau được vợ chồng Bùi Nguyên Khánh (08) đưa đi thăm thú vùng đất tận cùng của đất nước.
Đất Mũi
05/2019
Từ xa lắc cái thuở đi học trường làng, nhìn ra thấy ruộng đồng ngăn nắp có lần tui hỏi thầy mình: Ruộng sâu có phải tự nhiên mà thành?, thầy đáp: khó lắm mới thành con ạ, bao đời tiền nhân khai hoang mở đất, ông cha mình đi lần về phương nam, riết đến tận Mũi Cà Mau. Từ đó mà ước một lần về nơi tận cùng ấy, và uớc mơ của ngày thơ ấu cũng sắp đạt thành vì tui đã về đến nhà Bùi Nguyên Khánh ở thành phố Cà Mau, đất Mũi cách nhà bạn tui chỉ còn 115 cây số về nam.
Tưởng một mình Khánh, té ra cả dàn lãnh đạo của tổng công ty Seaprimexco hôm nay nghỉ làm đưa bạn đi chơi, Ngọc Ánh sẽ là thuyết trình viên về miền đất cực nam này và phó tổng Bùi Vĩnh Hoàng Chương sẽ làm người tour guide chính. Vậy đó, xe chưa đi mà đã xao xuyến ở trong lòng. Đi qua một dòng sông, chợt nhớ tên mà réo lên “Sông Gành Hào”, nhưng mà không phải, Ánh cho biết đó chỉ là một con kinh tẻ nối liền sông Gành Hào với sông Ông Đốc, sông Gành Hào có chảy qua thành phố còn gọi là sông Cà Mau, còn sông Ông Đốc ở phía tây hôm nay mình không có đi qua.
Ôi những dòng sông Cà Mau. Nhớ mãi bài tập đọc lớp nhì, nói về một người cha đưa con đi trên sông Ông Đốc và ông chỉ con rằng ra hết con sông này sẽ gặp Vịnh Xiêm La. Còn Gành Hào cái tên nghe đến đã yêu, Vũ Đức Sao Biển – người xứ Quảng quê tui không biết lưu lạc nơi đây lúc mô mà dệt lên bài ca “Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang” sao mà da diết. Thế là không tới được hai con sông huyền thoại, may mà còn con sông Trẹm. “Bên dòng Sông Trẹm” – cuốn tiểu thuyết đọc thời đang lớn, có con nước hai đầu chảy qua ấp Thới Bình chắc cũng đâu đó quanh đây . Nghe tui nhắc, Khánh nói Sông Trẹm cũng thuộc Cà Mau nhưng chảy miệt Rạch Giá, hôm nay cũng không đi qua đó. Khánh nói công ty đều có nhà máy chế biến đặt trên cả ba con sông trên, bạn nói lần sau về chơi lâu cả tuần sẽ đưa đi thăm hết sông nước Cà Mau.
Bây giờ thì xe chạy chậm qua một khu phố thị, có nhiều nhà lầu và khu chợ buôn bán tương đối nhộn nhịp. Ngọc Ánh giới thiệu đây là thị trấn Năm Căn, nằm bên bờ sông Cửa Lớn, ngày trước chưa có cầu nên mọi xe cộ phải dừng ở đây để qua phà về vùng đất Mũi. Vùng đất bên kia sông là một hòn đảo hình tam giác, bao quanh bởi hai mặt biển cạnh một mặt sông. Đoán nước sông này chắc có pha nước biển, tui hỏi Ánh xác nhận đúng là như vậy và đó là lý do người ta nuôi tôm nước lợ nhiều hơn là trồng lúa nước.
Nhìn những cánh đồng không lúa, cảm thấy một chút hoang vu nên bỗng tò mò: “Ủa, người đẹp Bình Dương gặp trai Trà Vinh ở đâu, mà sao lại đóng cọc đất này? “, hiểu ra là một mối tình đẹp của cô điều dưỡng viên y tế và chàng tân khoa Tài Chính. Tình yêu, sự chịu khó, và khát vọng vượt lên số phận đã kết họ về đây, bây giờ là cả chục nhà máy đang chế biến tôm xuất khẩu đi toàn thế giới. Những con tôm nước lợ có tình yêu đôi lứa, bền vững trên những vuông đất lập thành, và thật đẹp thế hệ sau có chàng kỹ sư trẻ Hoàng Chương học hành xong cũng giã từ đô thị về với vuông tôm. Thiệt vậy, xã Đất Mũi này kỹ sư Chương là thổ địa.
Xe đã ra đến biển, Chương cho xe quẹo trái chạy dọc theo bờ để chúng tôi ngắm biển từ phía đông. Xe dừng lại ở một bãi bồi, nhìn ra thấy đảo Hòn Khoai – Chương nói nếu có nhiều thì giờ thì ra đó uống cà phê ngắm biển. Nhưng hôm nay ít giờ, chúng tôi chụp một tấm hình lưu niệm để kịp đi về Mũi.
Chương chạy trở lại về hướng tây để đến toạ độ 0 giữa khu công viên Rừng Quốc Gia Cà Mau. Chúng tôi được đến và được đứng bên cột mốc đầu đất Việt, giữa trùng trùng cây mắm giữ bờ, kính cẩn nghiêng mình với những người mở đất, thú dữ và muỗi độc đã không ngại bước chân người, mượn lời nhà văn Sơn Nam “ Thân không làm lính thú/ Sao chưa về cố hương”, như một lòng biết ơn đến các bậc tiền nhân.
Rời cột mốc đi bộ đến một bờ kinh, có chiếc vỏ lãi đã đợi sẵn để đưa chúng tôi đi vào thăm rừng Cà Mau. Chỉ sau dăm phút đã lạc giữa đại ngàn cây và nước, hàng vạn cây đước mang hình dạng của người khổng lồ ốm, rễ vươn lên cao thành chân và thân cao đến 4-5 mét. Cây này đứng cạnh cây kia đưa cành và hoa màu trắng ra mặt nước dọc hai bờ kinh, độc đáo và hồng hoang như chưa dấu chân người. Trên kinh, lâu lâu xuất hiện một ụ đất hay cù lao nhỏ, người lái vỏ không giảm tốc độ mà tài tình đưa chiếc ghe vòng vèo đi sâu vào khu rừng đước, bất ngờ đáp lại một quán ven sông.
Quán nằm cheo leo một mình giữa đại ngàn sông nước như một đồn lính thú thuở xa xưa, có tấm bảng đề: “Du lịch Sinh Thái – Tư Ngãi – Đón chào quí khách.” Chị Tư với nụ cười tươi niềm nở đưa khách vào nhà. Quán là một nhà sàn giàn gỗ đước xây trên một ao nước rộng, có những chiếc võng treo giữa những cột nhà cũng làm bằng cây đước, khách nằm võng ngắm cảnh chờ quán làm cơm. Và bữa cơm trưa giữ rừng Cồn Mũi bọn tui được nhấm cá thòi lòi nướng muối ớt, cá chẽm chưng tương, thêm cá kèo kho tộ. Nếu là diễm phúc, có mấy khách giang hồ có được.
Bữa trưa quá ngon, xong ra nằm võng nghe nhạc tình Bolero chị Tư mở, cơn gió biển hiu hiu sắp vào giấc ngủ thì tỉnh giấc vì tiếng máy đuôi tôm đã nổ lên bành bạch . Cả bọn xuống chiếc vỏ lãi để người rể của nhà Tư Ngãi đưa đi giở cua. Vỏ chạy nhanh trên mặt nước mênh mông giống như trên một con kênh nhưng đó gọi là vuông. Ở Đất Mũi này, vuông nước rộng như một mẫu ruộng, vuông nọ tiếp vuông kia mà nối liền giống như con nước. Đang chạy nhanh trên vuông thì ghe chậm lại, chàng trai nói to “giở đi, giở của đi chỗ phao trắng”, Nhỏ ngồi mũi giở lên thì có một chú cua đang loay hoay trong một chiếc lồng. Vỏ lãi tiếp tục chạy quanh vuông và chúng tôi đã giở thêm nhiều cua nữa, con nhỏ thi bỏ xuống còn con lớn thì lấy về để chị Tư làm cơm cho khách. Mấy tiếng đồng hồ giở cua trên mặt nước, thích qua muốn ở thêm nhưng đã chiều nên phải chia tay, tạm biệt Cồn Mũi.
Vỏ lãi chạy lại con kênh cũ để chúng tôi về công viên Đất Mũi. Nơi đây có một cây cầu xây vòng ra biến hình bán nguyệt rất thích nếu đi bộ hay đi xe đạp. Không biết chiều dài bao nhiêu, tui với Nhỏ đi bộ xa đến một cây số nhưng mỏi chân phải quay về.
Gần cuối ngày, xe theo quốc lộ cũ về lại Cà Mau, Chương cho xe dừng lại một nhà hàng bên bờ nam sông Cửa Lớn ăn cơm tối. Quán tên là “Phố Biển” nhưng quán đứng một mình không thấy nhà thấy phố, tuy vậy quán rất rộng và nhiều xe cộ qua lại. Tui lại được ăn hải sản của vùng nước lợ, tôm sú và cua Năm Căn thiệt lá số dách, thịt chắc và thơm. Từ trong quán nhìn ra sông thấy một chiếc cầu bằng gỗ bắt lồi ra sông dài độ 5 mét, có hàng chữ nhỏ chạy ra đọc là “Bến Giữ Võ”. Thiệt ngộ, giữ xe đạp, giữ xe hơi, giữ du thuyền trên cảng thì thấy chứ giữ vỏ lãi là lần tiên được thấy. Hỏi thăm thì được hiểu là nông dân và học trò ở vùng sâu phải đi vỏ ra ngoài quốc lộ này đặng mần hay đi học, hằng ngày họ gửi vỏ ở đây chiều theo đường sông mà về nhà.
Vậy là ghi thêm một ngày giang hồ đáng nhớ trong đời, mọi sự đã được chu toàn sắp xếp trong tiếp đãi ân cần nống ấm của Chương, Ánh, và Khánh. Giã từ Đất Mũi với bao tình yêu mến, và sẽ nhớ muôn đời những chiếc vỏ lãi gửi ở bến sông Cửa Lớn, những chiếc vỏ của những người nông dân lam lũ sớm chiều trên đất mặn Cà Mau.
Pot (10/c16).