Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 7
- Chi tiết
- Viết ngày: 11/02/2020
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 1013
Kết thúc loạt bài về chuyến thăm Miền Tây, Châu Trân chuyển qua thăm Miền Đông. Đây là bài tường thuật đầu tiên về xứ "tình đất đỏ" của Trân, mời các bạn xem.
(Một Ngày Miền Đông),
Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương cách Bình Triệu 13 cây số, qua Rạch Vĩnh Bình là đến đất Bình Dương. Xe vào Lái Thiêu, Nga dáo dát nhìn hai bên cố tìm những vườn cây ăn trái, có chút thất vọng vì san sát bên nhau chỉ có nhà bê tông hay những cửa hàng thương mại, vườn trái cây mà người ta thường nhắc về có chăng là hoài niệm. Đang loay hoay giữa thị trấn thì Ngọc Khoa gọi, chỉ đường đi đến Cầu Ngang. Đi thêm 5 cây số dọc theo một con rạch, vừa đến một chiếc cầu xinh bắt ngang qua nó thì thấp thoáng có hai phụ nữ đang vẫy những bàn tay.
Tui nhận ra ngay Ngọc Khoa còn nàng gặp tui là biết mặt lần đầu, hồi đi học tui chỉ dám dõi mắt trông theo chứ các nữ sinh trường tài chính sống khép kín như các nữ tu. Ngoài Ngọc Khoa tui còn biết Minh Sen và nhiều bạn nam khác của tỉnh Bình Dương, có lẽ vì phim Người Đẹp Bình Dương đã thấm vào từ bé, và cũng có lẽ bắt đầu từ bạn Đỗ Phi Long (09c16) mà tui sẽ kể sau.
Quay lại câu chuyện Lái Thiêu, gặp nhau tay bắt mặt mừng Ngọc Khoa dẫn chúng tôi vào một khu vườn, Phương cô gái trẻ đi cùng Ngọc Khoa là người quen của chủ ngôi vườn này và chúng tôi đã được thoả mái leo trèo trong ngây ngất hương đồng gió nội. Khu vườn rộng đặc trưng nam bộ, có nhiều cây măng cụt 50 năm cao ngất trời mà giữa những hàng cây là những mương sâu như con suối nhỏ rất là thơ mộng. Do măng cụt đã thu hoạch từ tháng trước nên không còn nhiều trái trên cành, biết trước nên Ngọc Khoa đã chuẩn bị sẵn một bao lớn măng cụt để chúng tôi thưởng ngoạn. Nga như lạc chốn thần tiên, nhảy qua lại giữa những con mương để hái trái cây và ăn tại chỗ. Có những trái dâu mọng nằm ngay sát tầm tay để nàng thoả ước mơ từ bé. Ngồi bệt xuống đất để nghe mùi đất, cùng nhau ăn sầu riêng, mít tố nữ, măng cụt, và bưởi Lái Thiêu, dấu ái nhà ngoại ngày quê như được trở về.
No say cây trái là được đi dùng cơm trưa ở một vùng ngoại ô của Lái Thiêu, Phương dẫn đường đến một ngôi vườn rộng khác, phía sau có một bàn ăn nhỏ xinh xắn dưới những cây bông sứ. Phương là cán bộ thuế ở đây – huyện Thuận An, cô gái với đôi kính cận với khuôn mặt trí thức cũng học ngành tài chính, em tốt nghiệp trường ĐHKT năm 1994 nên tui tính nhẩm là c28 của trường mình, qua Phương được biết thêm về sự đổi thay của vùng đất này, biệt thự đang được xây lên thay thế dần dần những khu vườn măng cụt lâu năm, hiểu được đô thị hoá là không tránh khỏi nhưng tui vẫn ước nó có thể được giữ gìn như một Hội An.
Khoảng năm phút sau thì anh Tâm và một đồng nghiệp trẻ đến, té ra người thương của Ngọc Khoa là Cục trưởng thuế của tỉnh Bình Dương, làm to nhưng anh sao giản dị và gần gủi. Anh Tâm giới thiệu chúng tôi về món gỏi măng cụt là đặc sản, lần đầu tiên được thưởng thức gỏi măng cụt, nó rất lạ và tuyệt vời, nhất là uống với rượu gạo làm ở địa phương này. Đi cùng với anh Phương là một bạn trẻ rất vui tính, anh chàng học khoá 23 là khoá cuối cùng của 279 NTP, chúng tôi nhắc nhau về giảng đường xưa cùng với các quán nghêu sò nằm sát bên trường thương nhớ. Anh chàng hỏi tui ngày xưa đi học thường nhậu với gì, tui nói chỉ có vài xị cây lý và một trái xoài xanh là đủ cho bốn đứa sinh viên. Chàng trai đi đâu một lát rồi trở lại với hai trái xoài xanh vừa hái trên cành cuống còn dính mủ cây, xoài nam bộ anh vừa hái ở nhà bà cô ruột nằm cách đây vài đoạn, thật là xúc động.
Ngọc Khoa giới thiệu bánh xèo Bình Dương, những chiếc bánh to hơn cái đĩa bàn được chiên dòn với thịt ba rọi và tôm sông thật là khoái khẩu cho người xa quê, ở Los Angeles mỗi lần thèm bánh xèo là phải lái xe hai tiếng đến quận Cam mới có, nhưng món ăn việt nơi xứ lạ làm sao sánh bằng với bữa cơm bằng hữu trưa nay. Thiệt ra là được hưởng sái từ Thông-Khoa, hai bạn mình đến nơi đâu cũng được trân trọng và yêu quí.
Các nàng chụp với nhau pô hình dưới giàn bông sứ rồi tiếp tục dọc sông Sài Gòn đến Thủ Dầu Một, anh Tâm đưa đến một quán cà phê lộ thiên từ sân thượng của một khách sạn, một địa điểm lý tưởng ngắm thành phố có cái tên quá dễ thương này, nhìn xuống là sông Sài Gòn thương nhớ, chúng tôi qua đường đi dọc bờ sông nhìn con nước xuôi dòng mà ôn lại những ngày lên thành phố cặm cụi với sách vở học trò.
Chia tay với vợ chồng Ngọc Khoa trong lưu luyến, những giây phút ngắn ngủi ân cần là món quà lớn cho kẻ tha hương. Tiếp tục theo con đường dọc bờ sông, Thông cho xe lên Bến Cát thăm Lành vừa mới qua cơn trọng bệnh.
Khoảng đường một tiếng đồng hồ trên đất Bình Dương để lòng tui bồi hồi để nhớ về “Sông Bé”, tên của con sông và cũng là tên của một tỉnh thuở khăn gói vào trường làm người lớn. Tui chưa từng đến con sông này, nhưng tui biết nhiều bạn Sông Bé từ Long Thiếu Tá, tức Đỗ Phi Long lớp 09c16. Đầu năm nhất được về ở khu nội trú 191 Lý Chính Thắng, nơi đây chỉ có một dãy 4 phòng cho khoá c16, phòng đầu là của bác Mai phòng đời sống, còn lại ba phòng cho sinh viên sáu lớp. Tui được phân công ở một giường trên còn phía dưới là Đỗ Phi Long, chỉ độ vài tuần sau dạt giường tui chỉ còn lại ba thanh, tui chỉ rút một thanh chụm củi còn lại thì không biết ai đã rút, Long mở lượng hải hà cho tui ngủ ké, và hai đứa chia chung một giường từ đó cả khi về lại phòng 5G của 279 NTP, cho đến lúc ra trường.
Long là một thanh niên chính cống Củ Chi nhưng thích mặc quần jean áo sơ mi trắng bỏ trong thùng, hắn thích thời trang và sinh hoạt rất gọn gàng ngăn nắp, tuần nào cũng về quê cho mẹ giặt đồ và ủi láng. Nhà Long ở Bình Mỹ, huyện Củ Chi sát sông Sài Gòn, chỉ qua chuyến đò ngang là đến bến xe Thủ Dầu Một, từ đây hắn đi xe về trường mỗi chiều chủ nhật, đó là duyên nợ để Long đi cùng chuyến xe với nhiều bạn Sông Bé khoá c16. Qua Long, tui được biết đến Khoa, Sen, Vân và một số bạn nam Sông Bé như Tuấn, Ngọc, Hùng, và một số bạn khác. Bởi khoá có nhiều Hùng nên Ngô Phi Hùng lớp 02 có biệt danh là Hùng Sông Bé. Hùng chơi bạn rất tốt và tính tình điển hình của người nam bộ, không biết hắn có nằm mơ không mà lúc đi học dám nói là đám con gái trường mình nhiều đứa thích hắn, nhất là mấy em Sông Bé. (Mình Sen/Ngọc Khoa nhớ lại giùm xem Hùng nói có đúng không?)
Hùng ăn to nói lớn và dễ bị dụ, mỗi buổi sáng nơi quán cà phê chị Ba tui uống cà phê miễn phí vì Hùng phải chung độ thua cờ tướng, trong trường hắn chơi cờ chỉ thua Đỗ Quang Còn (01) và Nguyễn Hữu Thăm (11) nhưng không có hơn tui, vậy mà lúc nào cũng chấp tui con mã cho nên hắn cứ tiếp tục chung đều, nhiều lúc tui thấy tội đề nghị đánh đồng nhưng hắn không chịu, khí phách trai Sông Bé là phải chấp người khác. Xa trường mỗi đứa một nơi, Hùng về Sông Bé còn tui về Đà Nẵng, cho đến đêm giáng sinh 1994 ở một nhà thờ tại Los Angeles, lúc tan lễ đi ra thì tui nghe tiếng ai gọi nhỏ “ Châu Trân phải không?”, tui quay lại thì nhận ngay ra Ngô Phi Hùng, đó là người bạn c16 đầu tiên tui gặp trên đất Mỹ. Hùng giới thiệu vợ với tui và vợ hắn xinh thiệt nên tui đã tin lời hắn nói mấy em trong trường mê hắn là sự thật. Cũng một giọng kể của người Sông Bé “ Tao ở Sở Tài chính Sông Bé nghe nói công ty xổ số có một em mới vào rất đẹp, tao chạy xuống nhìn thử và em đã mê tao và sau đó muốn tao làm chồng, tao thấy cũng được nên chịu”. Chỉ tội nói dóc chứ Hùng lúc nào cũng nhiệt tình với bạn bè, có ai qua tui hú đi thăm thì hắn liền có mặt. Nhớ lại câu chuyên của 11 năm trước khi Hùng Đà Lạt qua định cư ở Mỹ, Hùng ĐL điện Hùng SB hỏi là Cali có vui không? Hùng SB trả lời “ Nói cho dễ hiểu, thì Texas của mày giống như Buôn Mê Thuột còn Cali của tao giống như Sài Gòn vậy đó”. Hùng ĐL tức mình điện thoại kể tui nghe, tui nói thôi bữa nào bạn qua Cali rồi mới phân xử được. Cách đây vài năm Hùng ĐL qua Cali, hai đứa tui đi đón ở phi trường, Hùng SB chở xuống phố Bolsa rồi hỏi “ông có thấy giống Sài Gòn không?”, và Hùng ĐL gục đầu không còn tức nữa.
Trở về chuyến đi, chúng đến thăm Lành (08) ở ngay chợ Bến Cát, sức khoẻ bạn đã phục hồi, chúng tôi rất mừng rồi chia tay bạn tiếp tục lên đường, đi về một vùng kinh tế mới, nơi mà Thông và gia đình đã trải những năm tháng của mình.
(Sẽ tiếp tục)
Hình đi theo bài: