Những bài học từ ông Lý Quang Diệu

Xin gửi đến các bạn một bài báo hay, nói về những ý tưởng và chỉ đạo xuất sắc của ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ Tướng Singapore, người đã đưa đảo quốc này từ nghèo nàn thuộc "thế giới thứ ba" lên hàng "thế giới thứ nhất" chỉ trong hơn 3 thập kỷ. Ông LQD đã từ trần hôm 23/03/2015, thọ 91 tuổi, đã được quốc táng trọng thể ngày 29/03/2015

Trần Thông

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Phải thấy rằng quan niệm Singapore “không có gì” để rồi từ “thế giới thứ ba” tiến lên “thế giới thứ nhất” là không hoàn toàn chính xác.

     Singapore cũng có những điều kiện đặc biệt riêng. Ở thời điểm độc lập, Singapore là một thương cảng lớn nằm trên tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Vấn đề là cố thủ tướng Lý Quang Diệu, với tầm nhìn xa, trông rộng, đã tận dụng lợi thế đó để phát triển đất nước một cách vũ bão.

     Singapore chỉ là một thành phố quốc gia (city-state) trong khi Việt Nam là một quốc gia với diện tích và dân số lớn gấp bội. Do đó bài toán của Việt Nam sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Dù vậy Việt Nam có rất nhiều điều có thể học hỏi và áp dụng từ mô hình quản trị và phát triển của Chính phủ Singapore do cố thủ tướng Lý Quang Diệu đề ra.

   Ba nguyên tắc cơ bản

   Chính phủ Singapore được xây dựng từ ba nguyên tắc cơ bản. Đó là trọng dụng nhân tài, thực dụng và trung thực.

   Trước hết hãy nói về sự trọng dụng nhân tài. Một trong những vấn đề của Việt Nam hiện nay là bộ máy hành chính cồng kềnh và chất lượng đầu vào không cao. Ngược lại, Chính phủ Singapore rất tinh giản, gọn nhẹ với bộ máy nhân sự hoạt động hết sức hiệu quả. Quy trình tuyển chọn công chức của Chính phủ Singapore hết sức gắt gao.

   Mỗi năm Chính phủ Singapore cấp học bổng cho các học sinh tốt nghiệp trung học ưu tú, nổi trội nhất để họ du học ở các trường đại học hàng đầu thế giới và chuẩn bị chương trình cụ thể đón họ về nước, đưa vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Đối với các sinh viên học tập tại Singapore, chính phủ chỉ tuyển dụng những người ở top 10-20%. Quy trình tuyển dụng hết sức minh bạch. Do đó, đối với người Singapore, được làm việc cho chính phủ là một niềm vinh dự lớn.

   Ở Singapore hoàn toàn không có vấn nạn con ông cháu cha. Nhiều người có thể thắc mắc về chuyện ông Lý Hiển Long, con trai ông Lý Quang Diệu, lên nắm quyền lãnh đạo. Tuy nhiên trên thực tế ông Lý Hiển Long học rất giỏi từ nhỏ, được cấp học bổng sang Anh du học, rồi trãi qua hàng loạt thách thức, rèn luyện, mới được giao chức vụ thủ tướng. Thành tích thuyết phục của ông Lý Hiển Long trong vai trò thủ tướng đã xóa tan mọi nghi ngờ.

   Về sự thực dụng, ông Lý Quang Diệu làm gì cũng nghĩ đến lợi ích lâu dài của đất nước. Các dự án phát triển hạ tầng, xã hội của Chính phủ Singapore đều mang tính chất đi tắt, đón đầu, không chỉ thỏa mãn nhu cầu hiện tại mà còn tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Sự thực dụng còn thể hiện ở việc ông Lý Quang Diệu đề ra chính sách nâng lương công chức. Theo ông, để thu hút người tài vào chính phủ cần phải đảm bảo mức lương cạnh tranh so với khu vực tư nhân. Trong vấn đề này, ông Lý Quang Diệu nói rất rõ ràng:”Mức lương thấp chỉ thu hút những kẻ đạo đức giả, miệng hô to khẩu hiệu muốn phục vụ nhân dân, nhưng khi lên nắm quyền thì lập tức thể hiện rõ bản chất và phá hoại đất nước”. Ngược lại, các thành viên bộ máy chính trị có thu nhập thỏa đáng sẽ đem lại những giá trị cần thiết. Mức lương của thủ tướng và nội các Singapore thuộc vào loại cao nhất thế giới.

   Vấn đề thiết yếu

   Chính quyền Singapore cũng cho thấy sự thực dụng khi ngày càng trở nên linh hoạt và cởi mở hơn. Trong quá khứ, Chính phủ Singapore là nơi tập trung những người giỏi nhất, nên luôn chủ động lập và thực hiện các chính sách một cách mạnh mẽ, quyết liệt.

   Tuy nhiên do xã hội ngày càng phát triển, dân trí được nâng cao nên Chính Phủ Singapore bắt đầu thay đổi tư duy, tham vấn ý kiến của người dân ngay, tạo không gian cho họ phản biện từ giai đoạn hoạch định chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

   Về sự trung thực, Chính phủ Singapore nổi tiếng minh bạch và trong sạch, luôn xếp tốp đầu trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Trong chiến dịch chống tham nhũng của Singapore hoàn toàn không có vùng cấm. Singapore không phải là một thể chế dân chủ nhưng là một nhà nước pháp quyền. Đứng trước pháp luật, quan chức chính phủ hay dân đen cũng đều bình đẳng như nhau.

   Đã có trường hợp bộ trưởng nội các Singapore bị phát hiện tham nhũng và bị xử tù. Hoàn toàn không có sự bao che từ phía chính phủ. Thủ tướng Lý Hiển Long từng có lần tuyên bố mức lương cao ở Chính phủ Singapore đồng nghĩa với các yêu cầu cực kỳ khắt khe. Trong chống tham nhũng, điều quan trọng nhất là ý chí chính trị…

                                                                                                &&&

   Trích báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 29/03/2015

   Bài của Đặng Tấn Đức

   (Thạc sĩ chính sách công

   Trường chính sách công Lý Quang Diệu)

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Tư liệu Tư liệu khác Những bài học từ ông Lý Quang Diệu