Tường trình bằng hình: Sài Gòn đón Tết Ất Mùi 2015
- Chi tiết
- Viết ngày: 15/02/2015
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 3110
Hôm nay là 27 Tháng Chạp Giáp Ngọ (15/02/2015), chỉ còn 3 ngày nữa là hết năm Ngựa, chuyển qua năm Dê. Thông lấy xe máy ra đi một vòng, chụp hình ghi lại những sinh hoạt sống động của Sài Gòn trong những ngày giáp Tết Ất Mùi ở Bình Thạnh, Quận 3, Bến Bình Đông (Quận 8), Chợ Kim Biên (Quận 5), Vườn hoa Tao Đàn (Quận 1), Sunrise city+ hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng (Quận 7), và cuối cùng là chợ Bến Thành về đêm.
Những chậu mai lớn bày bán dọc đường Nơ Trang Long, gần khu vực Cầu Đỏ
Dưa hấu được chạm trổ mỹ thuật, bày bán ở đầu công viên Gia Định
Hai công nhân khiêng một chậu quất lên bệ trưng bày. Người miền Nam thích chưng quất trong mấy ngày tết vì cây cho nhiều trái tròn, đẹp, trĩu quả, tượng trưng cho sự sung túc.
Cổng vào công viên Gia Định, nơi năm nào cũng được trưng dụng làm Chợ Hoa Tết, khá hợp lý nhờ công viên này rất rộng với nhiều cây cao bóng mát.
Cơ man nào là mai, lan, cúc, trúc bày bán trên lề đường và trong công viên làm cho cảnh vật vùng này đầy màu sắc
Hoa hướng dương vàng rực rỡ sánh vai cùng những chậu cúc nền nã.
Bà con đi chọn cho mình những chậu hoa ưng ý, nhưng cũng nhiều người chỉ nhẩn nha “cưỡi ngựa xem hoa” như Thông tôi đây!
Những bụi lúa xanh tốt, trĩu bông cũng được bày bán, người ta mua về chưng trước nhà cầu mong cho cả năm no đủ.
Rời công viên Gia Định, quay về quận 3 để vô Bến Bình Đông (quận 8), lên đường Hồ Văn Huê thấy những bình hoa bằng vàng mạ được cắt tĩa công phu, bán ở lề đường, giá 600.000đ một bình. Nhiều người mua về chưng để mong cho “vàng bạc đầy nhà”
Trên đường Hùng Vương thấy 1 xe tải nhỏ chở một cây tùng có dáng khá đẹp. Người chơi cây này phải cỡ phong lưu mới dám mua.
Chạy xe máy gần 30 phút dưới trời nắng hanh mới vào đến Quận 8. Gởi xe ở một quán hủ tíu, thả bộ lên cầu số 7 qua Bến Bình Đông. Trong hình là xe cộ từ Miền Tây đổ về.
Ghe chở hoa từ Miền Tây về đậu san sát dưới sông. Bến Bình Đông rất thuận lợi cho bà con vùng sông nước chở hoa lên bán Tết.
Quang cảnh “trên bến, dưới thuyền” làm cho không khí đón xuân đã rộn ràng càng thêm nô nức
Chùm hoa giấy trên thành cầu như vẫy chào khách thương hồ đang neo sào trước chợ hoa Tết
Những chậu mai gầy phơi nắng phơi sương bên đường chờ người mua mang về để ra lá trổ bông, dâng cho gia chủ một niềm vui may mắn, đắc tài đắc lộc trong năm mới .
Dưa hấu Long An về Sài Gòn cũng mong đem lại mùa xuân như ý.
Panô Hội Hoa Xuân Quận 8
Một người mua đã chọn xong cây mai ưng ý, được cột vào xe máy để chở về nhà. Lát nữa đây nhiều người trong nhà sẽ trầm trồ tán dương, và tỉ mỉ chăm sóc. Mùng một Tết mà mai ra lộc non và nở hoa vàng đầy nhà thì sung sướng không gì bằng! (Lộc và May)
Dưa hấu sọc, ruột vàng được bán khá chạy, chỉ còn vài chục trái.
Thơm đỏ và dừa bán dọc bến Bình Đông, đây là hai loại trái cây người Miền Nam thích chưng lên bàn thờ ngày tết, với mong muốn được Thơm Thảo và Dừa Đủ Xài! (Thật dễ thương phải không?, chỉ muốn “vừa đủ” chớ không cần “dư dả”!)
Cũng có năm các ghe hoa này bán ế vì hoa nở bung sớm phải đổ bỏ xuống sông. Mong sao năm nay đừng tái diễn, vì hoa cũng như người đẹp, phải được nâng niu che chở không hết chứ ai nỡ lòng nào ruồng bỏ!
Rời Bến Bình Đông, theo đường Chu Văn An rẽ qua Hải Thượng Lãn Ông, thấy dãy hàng bán bánh mứt Đồng Khánh bên đường. Có lẽ “ăn theo” thương hiệu bánh Trung Thu Đồng Khánh chăng?
Những trái dưa hấu thật to bày trên lề đường. Mua một trái là đủ chiêu đãi khách cả mấy ngày Tết.
Bên hông chợ Kim Biên, một chợ nổi tiếng bán hóa chất và hương liệu thật và dỏm
Xe bán băng đĩa nhạc phát ì xèo nghe thật vui
Từ góc chợ Kim Biên đến vòng xoay Bưu Điện Quận 5 tràn ngập sắc đỏ, hòa với lời ca tiếng Hoa từ máy của các xe bán băng đĩa nhạc, làm không khí đón Tết thật náo nhiệt và đặc trưng của người Hoa.
Tiền vô như nước Sông Đà.
Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin!
Bao lì xì đủ cỡ, có hình các chú dê của năm Mùi.
Một cặp đôi người Hoa đang “đóng vai” để thợ chụp hình.
Rời Chợ Tết Hải Thượng Lãn Ông, theo đường Nguyễn Trãi về Quận 1, chợt thấy một bảng quảng cáo ngồ ngộ trước cổng Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương “Lấy Lộc Đầu Năm”, họ bán tiền “đô” giả dát vàng …giả đó!
Những chú heo đất ngộ nghĩnh tròn mắt nằm chồng lên nhau. Mua heo này về thì chắc chắn “có dư”!
Bông giấy nở rực trước trường trung học Lê Hồng Phong (đường Nguyễn Văn Cừ-Quận 5). Loài bông này càng nắng càng rực rỡ, mua về không biết để trong mát là rụng hết! Bởi vậy ở đời muốn có ăn phải lăn ra nắng, chớ “ngồi mát” mà đòi ăn “bát vàng”sao được!
Tiệm bán tranh trên đường Trần Phú (gần ngã tư Trần Bình Trọng)_Quận 5 treo một bức trướng đỏ, nửa Hán nửa Việt: “ xuân đáo bình ba tài lộc đến”
Dãy tiệm bán tranh như nhiều màu sắc hơn ngày thường.
Thế nào cũng có người mua bức tranh này, vì nó tô lên một mùa xuân đầm ấm với cảnh thiếu nữ cùng hoa trước chợ Bến Thành.
Nhà hàng 3A Trần Phú (gần vòng xoay ngã sáu Nguyễn Văn Cừ) treo bảng “Phục vụ quý khách suốt thời gian tết”. Cũng phải thôi, mấy ngày tết là mấy ngày quý ông nhậu tới bến, dại gì nghĩ bán!
Vô vườn hoa Tao Đàn đã hơn 11giờ 45 trưa. Dưới nắng xuân gặp ngay hai chàng dê “văn nghệ” đang chơi đàn
Thanh niên vui tươi chụp hình trước mái tranh mới dựng
Thiếu nữ làm mẫu cho các ống kính săn hình
Người cầm máy ảnh là bố của một gia đình, người mẹ và hai con gái đang tạo dáng trước mô hình tháp Chăm trong vườn hoa Tao Đàn.
Thiếu nữ và hoa, thường nương tựa nhau mà tôn vinh hương sắc cho nhau.
Hai người nước ngoài cũng viếng cảnh thăm xuân.
Cổng vườn hoa Tao Đàn.
Rời vườn hoa Tao Đàn chạy xích lên một chút, vừa qua ngã tư Trương Định thì gặp cảnh ông Đồ đang viết câu đối cho thiếu nữ. Trông cảnh thật hữu tình, chứ không buồn như hình ảnh ông Đồ trong thơ của Vũ Đình Liên những năm 1930-1940 ở Hà Nội, thời đó ông Đồ tượng trưng cho phái học cổ lổ, phải suy tàn đi nhường chổ cho trường phái Âu học mới mẻ:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”
“Phố ông Đồ” trước cửa Câu Lạc Bộ Lao Động đường Nguyễn Thị Minh Khai tấp nập câu đối, tranh ảnh
Chiều trời vừa dịu nắng, Thông phóng xe máy qua Quận 7, dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, trước khu chung cư cao cấp Sunrise City có một khu đất rộng bày bán các loại hoa tết. Bên đường nhiều xe bán cá cảnh trông lạ mắt với nhiều loại cá to nhỏ khác nhau, đủ màu. Bây giờ mới dám kêu là “cá cảnh”, chứ hồi thời triều Nguyễn (hơn 200 năm trước) phải kêu trại ra là “cá kiểng” vì sợ phạm húy của hoàng tử Cảnh (con của Vua Gia Long)
Qua khu phố xá sang trọng đường Nguyễn Văn Linh, rẽ phải đường Nguyễn Đức Cảnh, chạy khá xa, qua Cầu Thầy Tiêu là đến khu Hội Chợ Hoa Xuân Phú Mỹ Hưng.
Một gian hàng hoa vải. Người ta nói hoa giả thì chỉ có ong giả buớm giả đến ve vãn mà thôi!
Người dân dạo chơi ở một góc hội hoa.
Mô hình máy xay lúa và vài dụng cụ nông nghiệp thô sơ được dựng cho bà con ngắm nghía.
Các thiếu nữ chụp hình khi nắng chiều đã nhạt mà trông vẫn xinh xắn, phải chăng tuổi trẻ luôn là mùa xuân?
Mô hình Hà Nội (Văn Miếu)_Huế (Chùa Thiên Mụ)_Sài Gòn (Chợ Bến Thành) được dựng trên nhánh sông ở khu vực Crescent Mall.
Hội Hoa Xuân Phú Mỹ Hưng được bố trí dọc nhánh sông nên khá mát mẻ, thuận tiện cho dân chúng đi dạo ngắm cảnh.
Cổng phía Tây vào khu Hội Hoa Xuân Phú Mỹ Hưng
Thêm thiếu nữ trước hoa.
Hãng VietJetAir không quên tranh thủ quảng cáo ngay góc phố đông người.
Khu ẩm thực tràn ngập đồ ăn đủ các loại.
Dãy bắp nướng dân dã nằm cạnh bên thau mỡ hành, chỉ cần than hồng nổi lên là hai thứ này quyện vào nhau thơm phức.
Bánh tráng trộn là món ăn chơi phổ thông của người Sài Gòn.
Hàng Bún Quê Tôi không rõ là quê xứ nào, nhưng nếu nhìn hình quảng cáo cô gái đội nón lá thì nghĩ là Quảng Bình (hình cô này quảng cáo cho Du Lịch Việt Nam mấy năm trước với slogan “Vietnam-a hidden charm” (Việt Nam-một vẻ đẹp tiềm ẩn).
Còn đây là dãy đồ ăn Việt-Singapore
Tây Tàu ngon mấy cũng khó qua “ao nhà”: hàng bánh tráng nướng Đà Lạt đầy hấp dẫn!
Hàng bán kiểng nấm Linh Chi
Hai cháu bé làm dáng trước cổng sau khu Hội Chơ Hoa Phú Mỹ Hưng.
Rời Phú Mỹ Hưng về nhà trời đã tối, chạy ngang chợ Bến Thành thấy dập dìu người ta đi chơi tết, đông như trẫy hội.
Rẽ qua đường Trương Định xuyên ngang Tao Đàn thấy đèn điện hội hoa xuân sáng cã dãy.
Đến đây Thông kết thúc bản tường trình bằng hình ảnh “Sài Gòn đón Tết Ất Mùi” gửi các bạn xem cho vui. 66 tấm hình tất cả, có vẻ là “hên” vì 66 tiếng Hoa đọc là Lộc Lộc (lục lục), thế thì năm Ất Mùi C16 mình sẽ Đại Lộc!
Thông xin “chắp nối” hai câu thơ Kiều để tạm biệt các bạn:
“Ảnh quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài phút giây”.
Chúc các bạn và gia đình năm mới Nhiều Sức Khỏe-Hạnh Phúc-Vạn Sự Như Ý.
Trần Thông
Sài Gòn 15/02/2015