Vài hình ảnh đón mừng Lễ Phật Đản bên kênh Nhiêu Lộc (Sài Gòn)
- Chi tiết
- Viết ngày: 31/05/2015
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 2874
Thông xin gửi đến các bạn một số hình chụp cảnh mừng Lễ Phật Đản bên một đoạn của dòng kênh Nhiêu Lộc, từ khu vực Cầu Bông - Phường Tân Định (Quận 1) đến cầu Lê Văn Sỹ - Phường 7 và Phường 14 (Quận 3), Sài Gòn.
(Phật Lịch 2559 - Dương Lịch 31/05/2015 - Âm Lịch: rằm Tháng Tư năm Ất Mùi).
Thời gian quá nhanh, nhớ hồi 7-8 tuổi ở Đà Nẵng đi xem xe hoa mừng lễ Phật Đản diễu hành sáng trưng đường phố, không hiểu sao Thông nhớ mãi năm đó là Phật Lịch 2514, thế mà nay là Phật Lịch 2559, đã 45 năm trôi qua!
--------------------------------------------------------------------------------
Thuyền Bát Nhã neo cạnh một tòa sen, khu vực Chùa Vạn Thọ, thuộc Phường Tân Định , Quận 1. Hình chụp lúc sáng sớm
Bảy tòa sen hồng rãi đều trên mặt kênh, xa xa là 2 tháp của chùa Hải Đức thuộc Phường 2- Q.Phú Nhuận (bên tay phải) và chùa Vạn Thọ thuộc Phường Tân Định, Quận 1 (bên tay trái)
Trước chùa Vạn Thọ có cặp chó bằng đá. Người Việt tin rằng chó trung thành với chủ và sủa xua đuổi ma!
Một vài hình ảnh kể về việc xuất gia tầm đạo của Đức Phật. Ngài là Thái tử Tất Đạt Đa, con của Vua Tịnh Phạn, sinh khoảng năm 654 trước Công nguyên ở thành Kapilastu (Ca-tì-la-vệ) thuộc nước Nepal ngày nay. Dù sống trong nhung lụa quyền quí nhưng thấu hiểu các cảnh khổ của đời người (sanh, lão, bệnh, tử) nên một đêm kia Ngài đã rời bỏ cung điện đi tìm đường giác ngộ chúng sanh.
Tòa sen hồng càng đẹp thêm khi chen với cảnh hoa lá ven bờ
Cờ Phật Giáo tung bay trong nắng sớm. Các nóc của ngôi chùa Khmer soi bóng xuống dòng kênh
Chùa Khmer Chăng-ta-răng-xây tọa lạc trrên đường Hoàng Sa, thuộc Phưòng 7, Quận 3, gần cầu Lê Văn Sĩ.
Chùa Khmer có cổng vào và cách trang trí cổng khác với chùa Việt. Đặc biệt có cặp tượng sư tử trắng với miệng,mắt được cách điệu trông khá giống người ta.
Hàng rào chùa được bao bọc bởi dãy tượng các thần, trang nghiêm và mạnh mẽ.
Các tòa sen dẫn đến nơi Phật ngồi tham thiền nhập định
Còn đây là chùa Pháp Hoa, một ngôi chùa lớn và đẹp, nằm kế cầu Lê Văn Sỹ, gần Viện Đại học Vạn Hạnh cũ (nay là Trường Đại học Sư phạm), thuộc Phường 14, Quận 3
Hai bên thành cầu Lê Văn Sỹ là dãy cờ Phật Giáo tung bay trong gió. Nghe người ta nói bên Mỹ không có thoải mái treo cờ tôn giáo kiểu này đâu. Treo trong nhà riêng hay trong các hội đoàn thì không ai cấm, nhưng treo tự do ngoài chổ công cộng như thế này là không bao giờ có!
Gần chùa, phía đường Trường Sa là các cổng mới được dựng vài tuần nay, trang hoàng sơn son thếp vàng khá vui mắt, hóa ra ngoại cảnh cũng cần cho việc "tải đạo" lắm chứ.
Góc thờ Phật Bà Quan Âm luôn có người vào lễ, bất kể ngày rằm, mùng một, hay ngày thường.
Phật Thích Ca lúc mới ra đời, đi bảy bước trên bảy tòa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói:
Thêm một cổng chào gần cổng chính của chùa Pháp Hoa, gần cầu Lê Văn Sỹ
Cổng chào có dáng hoa sen, dẫn vào chùa Pháp Hoa (bên đường Trường Sa, gần Đại học Sư phạm)
Thêm một mô hình Đức Phật Đản Sanh, xa xa là khu chung cư đầu cầu Lê Văn Sỹ
Hơn 7g sáng một chút. Chùa Pháp Hoa uy nghiêm sau hàng cờ Phật Giáo nhẹ bay trong gió sớm.
Còn đây là chùa Minh Đạo, trong con hẻm đường Kỳ Đồng, thông ra bờ kênh Nhiêu Lộc, thuộc Phường 6, Quận 3
Tối 14 Tháng Tư Âm Lịch (31/05/2015) , đông đảo dân chúng đi viếng chùa Pháp Hoa bên kênh Nhiêu Lộc. Các cổng chào sáng lung linh dịu mắt càng cuốn hút thiện nam tín nữ tụ hội.
Các đóa sen ban ngày tô điểm cho cỏ hoa thì ban đêm làm cho không khí quanh chùa thêm huyền ảo.
Bà con lên lầu 3 chùa Pháp Hoa thắp nhang khấn vái, kính lạy Đức Phật
Dường như ở một cõi trời mây thoát tục nào đó, chứ không phải chốn hồng trần.
Các đạo hữu mặc áo dài lam đứng chụp hình kỷ niệm trước cổng có hình Phật nằm
Hoa đăng do người đi chùa lễ Phật thả xuống kênh Nhiêu Lộc gặp gió thổi dạt tụm vào chân bờ kênh.
Theo dòng nước và bị gió cuốn, các hoa đăng xếp thành nhiều hình ngộ nghĩnh
Hình này giống như một con ngựa đang chồm lên
Hơn 9g tối, chùa đã vơi bớt nhiều người, trả lại cảnh tĩnh lặng cho màn đêm
Panô cổ động cho Lễ Hội Hoa Đăng
Ra về bằng cửa sau chùa, đường Trường Sa, Phường 14, Quận 3.
Một mùa Lễ Phật Đản trôi qua trong an bình.