Chuyến đi thăm Nha Trang - 25-28/08/2016

Thông xin gửi các bạn bài tường trình cùng hình ảnh của chuyến đi thăm Nha Trang của một nhóm bạn trong khóa (rời Sài Gòn đêm 25/08, trở về lúc 3g30 sáng 28/08/2016). Do bận nhiều việc nên đến nay Thông mới gửi các bạn được.

Thân mến,
Trần Thông
------------------------------------------------------------------------

C16 THĂM NHA TRANG ( 25-28/08/2016)

Chuyến đi này được lên kế hoạch sớm nhất so với các chuyến đi những năm trước, trước đến 4 tháng Thông đã báo cho một số bạn ở Nha Trang (Hằng -lớp 10, Tâm-lớp 03, Vân-lớp 04) biết sơ khởi dự định và thời gian. Còn 3 tháng nữa mới đến ngày lên đường Thông đã gửi email thông báo cho bạn bè trong khóa biết kế hoạch, ngay ngày đầu tiên 20/05/2016 đã có Phạm Thái (lớp 06) và Cảnh (lớp 01) đăng ký, và vài ngày sau đã có nhóm nữ lớp 04 (Khoa+Giang+Hương+Tuyết) tham gia. Danh sách dần dần tăng lên sau khi Lâm (lớp 09-Phú Yên) giơ tay “cho xin một xuất”, đến cuối tháng 05 đã được 12 người. Ngỡ rằng tạm lắng, không ngờ con số ngày một lên, Tiến (lớp 07), anh Ẩn (Lớp 02-Phú Yên), Khánh (lớp 10), rồi Hồng Huyên (lớp 01), Ngọc Anh (lớp 01) cũng quyết lên đường. Mười (lớp 10), Nhỏ (Lớp 02) thì đăng ký từ năm ngoái! Năm nay Nhỏ đưa cả nhà đi gồm 1 vợ và 2 con gái, hai cháu mới đi học nước ngoài về nghĩ hè thì dễ rồi, nhưng bà xã của Nhỏ rất bận quản lý cửa hàng tạp hóa tại gia mà cũng đóng cửa đi chơi thì tinh thần đã lên rất cao. Lại còn thêm hai cháu gái kêu Tuyết Hóc Môn bằng cô ruột cũng gia nhập. Cuối cùng còn số là 24 gồm 22 đi xe lửa từ Sài Gòn ra và 2 đi ô tô từ Phú Yên vào. Giờ chót chỉ còn 2 ngày nữa khởi hành thì vợ của Sử Văn Minh (lớp 04-Vũng Tàu) quyết định theo chồng tham gia chuyến đi, tưởng đâu chắc chắn nếu mua được vé tàu lửa thì phải ở toa khác, ai ngờ Minh lại mua được đúng ngay vé số 19-Toa 5, là vé của anh Khiêm (Bạn của Khánh lớp 10) lúc đầu đăng ký, sau bận không đi được phải trả vé lại, vậy là vợ chồng Minh được ở chung với cả đoàn trên chuyến tàu lửa Nha Trang-Sài Gòn tối 25/08/2016. Thật là hữu duyên, rất hiếm có.

Tàu khởi hành lúc 20g30 tối, khoảng gần 20g là mọi người đã có mặt đầy đủ ở Ga Sài Gòn, chỉ thiếu Phạm Thái, Thông nóng ruột gọi điện cho hắn:

-        - Alô, Thái hả? Đang ở đâu?
-        - Đang ở nhà
-        - Trời đất ơi! Bữa nay đi Nha Trang mà sao ông còn ở nhà??
-        - Ủa đi bữa nay hả, tao tưởng tối mai mới đi!
-        - Thôi ông ơi, chạy nhanh ra ga đi, hy vọng còn kịp, còn 20 phút nữa tàu mới chạy.
-        - Nhưng tao chưa kịp soạn đồ!
-        - Chụp đại vài thứ chạy nhanh lên cho kịp đi, bắt xe ôm đầu hẻm nhé.

Nhà Thái ở khu Nhà thờ hầm đường Lê Đại Hành (Q.11), loay hoay kiểu gì cũng phải mất 5 phút mới ra khỏi nhà, chỉ còn 15 phút để vượt qua bao nhiêu xe cộ dập dìu, đèn xanh đèn đỏ để đến Ga Sài Gòn (nằm ở cuối đường Nguyễn Thông-Q3). Mọi người đã lên tàu hết rồi, chỉ còn Thông đứng ngoài chờ Thái đến. Sốt ruột quá, loa phóng thanh của ga đã nhắc “chỉ còn 3 phút nữa đoàn tàu SNT2 đi Nha Trang sẽ khởi hành, xin mời quý khách nhanh chóng ổn định chổ ngồi…”. Dáo dác nhìn quanh mà chẳng thấy hắn đâu hết, nín thở nhìn đồng hồ quay thêm 1 phút nữa, vẫn không thấy tăm hơi hắn đâu, thôi chắc là hắn không đi rồi, định chạy vô tàu thì thấy một chiếc xe máy thắng gấp ngoài cổng, và đây rồi ông Phạm Thái nhảy xuống chạy xấp chạy ngữa vô, Thông chỉ vừa kịp đưa vé cho hắn là cùng nhau chạy nhanh vô chổ đoàn tàu. Mà chưa hết “nạn” đâu! Toa số 5 nằm tuốt luốt gần cuối đằng xa kia, hai ông co giò chạy cắm cổ, ông Thái dường như vấp té đâu ở nhà thì phải, nên bây giờ cà nhắc cà nhắc tụt lại đằng sau. Còn 30 giây nữa tàu lăn bánh. Ôi trời, còn đúng 6 giây thì ông Thái lên được tàu, nghẹt thở như phim hình sự Mỹ!

Đúng 20g30 tàu rời ga, bánh sắt nghiến lên đường ray ken két xình xịch, ai nấy đều đã vào chổ của mình, ban tổ chức sắp xếp khá hợp lý: “hội nhậu” ( Thái+Mười+Khánh+Trang) ở chung buồng, Trang lên tàu ở ga Biên Hòa chỉ sau nhóm Sài Gòn chừng không đầy 1 giờ, thế nhưng “hội nhậu” không cần phải chờ cho đủ, Mười chủ hội đã khai mạc cuộc chơi khi tàu mới lăn bánh được 7 phút! Mồi màng đơn giản chỉ là những gì có ở nhà mang theo, nhưng rượu thì phong phú, chỉ riêng rượu chuối hột Phạm Thái mang theo đã 2 lít, lai rai quân tử đưa cay đến Biên Hòa thì Trang (lớp 11) lên tàu gia nhập hội, nghe huyên náo dậy lên, hóa ra anh em lôi từ giỏ của Trang ra vô số mồi ngon, cùng 1 can rượu màu, Trang nói là rượu đặc biệt ngâm với lá rừng, công dụng vô biên! Buổi nhậu đã thăng hoa lên cao khi tiếng cười nói om xòm vang ra ngoài, may là cả toa tàu do nhóm C16 “mua đứt” nên cũng chẳng sợ ai! Chắc là mấy chị nữ ở buồng kế bên dù có nghe ồn ào chút, nhưng cũng đã lượng thứ bỏ qua cho phe nhà!

IMG 5472 
Mấy ông nam đang nhậu trên tàu.
Từ trái sang: Mười_Khánh_Cảnh_Minh_Nhỏ
 
IMG 5478 
Mấy bà nữ trông tươi vui hớn hở trên tàu.
Từ trái sang: Ngọc Anh (01)_Giang (04)_Tuyết (04)_Ngọc Khoa (04)_Thanh Hương (04)_Hồng Huyên (01)_Khoa (Vợ Thông)

Ai nhậu cứ nhậu, ai nằm cứ nằm, giường khá sạch sẽ, mỗi buồng bốn người, có máy lạnh, có mền đắp, có đèn nhỏ đầu nằm để đọc báo, nói chung tiện nghi OK. Cà rịch cà tang hồi lâu là chìm vào giấc ngủ. Mơ thấy hồi xưa ở 279NTP lên lớp ở Giảng Đường A học môn Triết do Thầy Thạch dạy, Thầy nhỏ con, khuôn mặt xương xẩu nhưng mắt sáng và giọng nói to, rõ. Mình ngồi ghi hết dòng nay qua dòng khác “vật chất quyết định ý thức”, “vật chất có trước, ý thức có sau”, “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”…, và rồi cửa nhà ăn dưới sân trường kéo két két, nhìn ra cửa sổ giảng đường cành phượng xanh điểm hoa đỏ đong đưa. Bụng cồn cào, học hết vô rồi, ngó xuống cửa nhà bếp thấy Nguyễn Xuân Tiễn (lớp 07) đang bước vào! Mừng quá, Thầy Thạch đã kết thúc buổi giảng, cho học trò nghĩ. Một bầy ong vỡ tổ lũ lượt bước nhanh về nhà bếp, chen nhau đứng trước ô cửa tò vò lãnh những thau cơm, thau canh bưng về mấy cái bàn đá ngồi ăn, có đứa không cần chén, rút muỗng trong túi quần ra xúc cơm và múc canh húp luôn! Bàn nào khá giả thì ra quán bác Trọng mua thêm hủ chao, còn dường như giống nhau hết, “canh toàn quốc không người lái” ăn với cơm độn bo bo. Bữa cơm đạm bạc rứa mà vui, chừng mươi mười lăm phút là xong, nhà ăn lại vắng tanh yên lặng dưới trưa hè.

Lên phòng nội trú đẩy một giấc trưa lùng bùng mộng mị với “giơ-đờ-rát-vui-che”, “a-gờ-rờ-nôm”, với ” tung 3 con xí ngầu tính xác suất xuất hiện 3 mặt lục”, với “bài toán vận tải và phương án tối ưu”, với “giai cấp công nhân là người đào mồ chôn Chủ nghĩa Tư bản”!

Chiều dậy ra ngồi hàng ghế đá sân trước nghe nhạc Bác Bân mở “ Kẻ Gỗ là đây bao năm đợi tháng chờ, này vùng đá bạc đồi núi lô nhô…Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ, nhớ mùa phượng vĩ anh nhớ những mùa thi, nhớ mùa phượng vĩ anh nhớ những lần đi, lần đi….”.Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta, đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo, đêm trăng sáng bên cầu em giặt áo, nhịp cầu nối những bờ vui…”.

Hoàng hôn buông xuống vừa lúc bài tình ca “Ngày mai anh lên đường” vang lên “ hoàng hôn buông trên đường, hàng me lung linh ánh đèn, đêm nay anh xa em vẫn gần thành phố thân thương… Như hoa phong lan chờ đợi, năm tháng không phai tàn, người về nhụy hoa ngát hương, anh ơi em mong đón anh về!”. Anh nào cô đơn thì ngồi quán cây mận rít thuốc đen Hoa Mai, Đà Lạt xem đánh domino, anh nào có bồ thì lên giảng đường hoặc các phòng học ngồi tán tỉnh.

Khuya về khu ký túc xá lặng ngắt, nghe cả tiếng lá phượng rơi nghiêng, trên lầu 2 còn đôi cặp tình nhân đang gù đầu tâm sự, chỉ có trăng hạ tuần chứng kiến bọn họ giờ này sát bên nhau, nhưng biết ra sao ngày sau? Như lời ca của bài nhạc nổi danh một thời “Que sera sera” mà tiếng Anh nhan đề là “Whatever will be will be”

When I grew up and fell in love
I asked my sweetheart, "What lies ahead?
Will we have rainbows day after day?"
Here's what my sweetheart said:

"Que sera, sera
Whatever will be, will be
The future's not ours to see
Que sera, sera
What will be, will be"

Thông xin tạm dịch thoát lời, bám theo giai điệu của bài nhạc như sau:

Ngày nào còn thơ mình yêu, lòng đắm say

Thường hay hỏi bé thương “Biết đâu ngày sau?

Còn luôn mãi vui khi ngày trôi tháng qua?

Và đây bé thương trả lời:

 

“Biết ra sao ngày sau?

Chuyện gì đến đương nhiên, đợi chi!

Chẳng biết tương lai đâu, tìm chi?

Chuyện gì đến đừng lo!

Chuyện gì đi, cho đi!”

Giấc mộng ngắn ngủi về những ngày xưa thân ái 279NTP chợt tan vì tiếng chuông điện thoại réo giữa khuya! Hóa ra là Phan Ngọc Minh (lớp 09) đi tàu lửa từ Tam Kỳ (Quảng Nam) vô, đến Nha Trang mới hơn 4 giờ sáng, hắn gọi điện hỏi đoàn ở khách sạn nào để mò đến ngã lưng, mình làu bàu trả lời hắn xong quay lưng ngủ tiếp! Tiếp tục lắc lư cà rịch cà tang một hồi lâu, bổng loa phóng thanh trên tàu báo đã gần đến ga Nha Trang, nhìn ra ngoài đồi núi, đồng quê trôi ngược trong cảnh mờ mờ sương khói, nhưng xa xa đã thấy lóe lên ánh hừng đông, tàu chạy mười mấy phút nữa thì thưa thớt dần những bụi chuối, những cây thông còn sót lại ở rìa ngoại ô, như đang cố vẫy tay tạm biệt. Tàu giảm dần tốc độ, trườn mình qua xóm nhỏ chui vào ga rồi dừng hẳn, đồng hồ chỉ 5g35 phút sáng.

Người ta lao xao lục tục kéo đồ xuống tàu, sân ga vắng vẻ vì giờ này chỉ có tàu Sài Gòn ra, không thấy những người bán quà vặt hàng rong mời chào inh ỏi như hồi xưa, có lẽ họ không được vô tận tàu như trước vì sẽ gây cảnh nhếch nhác, rồi trộm cắp móc túi nữa.

Vừa tụ tập đủ cả đoàn thì đã thấy Hằng và anh Phan Minh Ba (chồng Hằng) vô tận sân ga đón, không biết nhà Hằng ở đâu, nhưng mới sáng tinh mơ hai vợ chồng đã có mặt thì chắc phải rời nhà hồi trời còn tối, nhiệt tình với bạn bè ngay từ những phút đầu tiên!

IMG 5480 

Cả đoàn chụp chung tại sân ga Nha Trang. Hằng (lớp 10) và anh Phan Minh Ba (C15-Chồng Hằng) đón đoàn từ sáng sớm.

NGÀY THỨ NHẤT (26.08.2016)

Mọi người đi bộ ra con đường trước ga, lên hai xe do Hằng sắp xếp mượn của các cơ quan, và thêm một xe 7 chỗ của gia đình Hằng do anh Ba cầm lái. Thoáng chốc ai nấy đã lên hết trên xe để đi ăn sáng. Nơi ăn sáng là nhà hàng Nha Trang Views ở đường Trần Phú, ngay cạnh bờ biển. Tới nơi thì còn quá sớm, quán chưa dậy, đành đứng loanh quanh kẻ nói chuyện, người chụp hình, chổ này chụp hình lúc sáng sớm thì ăn ảnh khỏi chê, biển xanh, cát trắng, xa xa mấy ngôi nhà cao tầng cùng rặng cây xanh làm phông nền cho các bức ảnh.

Gọi điện liên lạc với Lâm (Lớp 09) đang cùng anh Ẩn (Lớp 02) từ Phú Yên đi xe cơ quan vô thì được biết xe đang gần qua Ninh Hòa, vậy là yên tâm, chừng 1 tiếng đồng hồ nữa sẽ gặp nhau. Mọi người vô quán ngồi vào bàn dài, người nghĩ chân, người lấy quyển thực đơn ra gọi món ăn món uống, nhìn chung thức ăn cũng như nhiều nơi khác, cũng bò kho bánh mì, phở, hủ tiếu vv…, nhưng dường như bún cá là đặc sản, nên nhiều anh chấm ngay món này. Chờ khá lâu món ăn mới được mang ra, thôi thì thông cảm, sớm quá, nhân viên còn ngái ngủ. Vừa ăn vừa nói chuyện huyên thuyên đủ thứ thật vui, rồi thì là uống cafê , sinh tố…cả tiếng đồng hồ hơn mà vẫn chưa thấy bóng dáng anh Ẩn và Lâm đâu, nóng ruột quá điện thoại hỏi thì mấy ảnh cho biết sắp tới Nha Trang rồi, lại chờ, hơn nữa tiếng chẳng thấy đâu hết! Cuối cùng thêm 40 phút nữa mới thấy anh Ẩn bước vô, lúc này nắng đã lên cao, khoảng 9g sáng rồi, hóa ra xe bị Công An Ninh Hòa phạt do dừng ăn sáng đậu xe nửa trên đường, nửa dưới đường, mất mấy chục phút “điều đình”. Thông nói ngay” sao anh không điện cho Thông biết, Thông sẽ điện cho Phạm Văn Viên (lớp 01 làm ở Viện Kiểm Sát Ninh Hòa) ra can thiệp thì có phải là nhanh không!

IMG 5481 

Ảnh mới nhất của P.V.Viên (lớp 01- Ninh Hòa_Khánh Hòa)

 

IMG 5489 

Sáng sớm trên bãi biển, kế quán Nha Trang Views

 

IMG 5490 

Ăn sáng ở quán Nha Trang Views

Ăn sáng xong cả đoàn lên xe đến Khu Du Lịch Trăm Trứng, ở ngoại thành Nha Trang, trên đường vô Cam Ranh. Gọi là Trăm Trứng có lẽ do chỗ này có nhiều tảng đá tròn như quả trứng, mà cũng gợi nhớ truyền thuyết Lạc Long Quân lấy Bà Âu Cơ sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con. 50 con theo cha lên núi, 50 con theo mẹ xuống biển, là nguồn cội con Rồng, cháu Tiên của dân tộc Việt Nam. Nếu đúng như thế thì có lẽ đây là vụ ly dị đầu tiên trên thế giới, và “tài sản” của hai bên được "tòa" xử phân chia rất rõ ràng!

Ngồi chờ ngoài cổng vài phút, sau đó cả đoàn đi vào thưởng thức các hoạt động của khu du lịch này. Đầu tiên là tắm bùn. Từ trước đến nay người ta cứ quảng bá tắm bùn như một loại thần dược chữa được nhiều bệnh và nhất là có tác dụng “trùng tu” nhan sắc của phụ nữ! Nhưng thật ra tác dụng chính của tắm bùn chỉ là giúp cải thiện tình trạng viêm khớp dạng thấp, còn tác dụng dưỡng da cho phụ nữ thì cũng có phần nào, đó là nhờ trong bùn khoáng có nhiều ion, muối khoáng, và các yếu tố vi lượng như Clor, Calci, Magné, Carbon, Lưu Huỳnh…, các chất này giúp kích thích thần kinh dưới da, rồi thông qua các trung khu dưới não và vỏ não tạo nên thay đổi phản ứng toàn thân, nhờ đó có thể giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh viêm khớp dạng thấp. Còn tác dụng làm đẹp của bùn là nhờ vào các hạt do chất khoáng tạo thành, bùn bám chặt vào da, chui vào các chỗ lồi lõm không đều, các rãnh của da, làm cho da phẳng và mịn hơn.

Thay đồ và tắm nước ngọt xong mọi người lần lượt bước vô hồ, bùn non lỏng từ từ dâng lên tới mắt cá chân, rối tới đầu gối và nhanh chóng ngang ngực, chất lỏng này sền sệt nhơn nhớt và hơi nhám, tạo cảm giác lạ, ai nấy đều phấn khích nhưng không dám ngụp đầu xuống vì sợ bùn vô mắt, vậy mà Nhỏ dám! Hắn nói “đã lắm, thử đi” nhưng chẳng anh nào dám làm theo. Bên hồ nữ các chị yên lặng hơn, vừa ngâm bùn vừa nói chuyện rì rào. Khoảng 20 phút thì tắm bùn xong, mấy anh lên tắm lại nước sạnh rồi chuyển qua hồ bơi gần bên. Nước xanh trong vắt phản chiếu bầu trời, quanh hồ là những cây dừa cao vút, che mát cho khách nhàn du nằm nghĩ trên những chiếc ghế gỗ dưới gốc cây. Nhớ hồi năm thứ hai học bơi ở hồ bơi An Đông, chiều hôm đó không rõ anh nào chơi nghịch xô anh Ẩn xuống, chìm tuốt xuống đáy hồ, ảnh đâu có biết bơi nên uống nước tơi bời, may mắn sao ảnh sờ thấy chân cầu thang nên bám vào leo lên chứ không thì xong phim hôm đó rồi còn đâu! Bây giờ thì anh Ẩn lội như rái cá, bơi biển vài trăm mét là thường! Có biết đầu hồi xưa xém chết đuối! Thế mà tới nay hơn 30 năm mới cùng nhau ngâm mình trong nước mát.

Tắm hồ xong đã gần trưa, mọi người lục tục lên thay đồ, ngồi quanh những chiếc bàn đá hong khô tóc và tán gẫu, sau đó vào nhà hàng của khu du lịch này ăn trưa. Buổi ăn trưa này được Tâm (lớp 03) đài thọ, nhưng hôm nay Tâm kẹt công tác không có mặt. Các món ăn nấu theo kiểu miền Trung được dọn ra, những ly bia lạnh cụng xong cạn 100% thật đã vì trời đang nóng, bàn kế bên thì uống rượu do Phạm Thái làm chủ xị.

IMG 5495 

Chờ vào chơi khu du lịch Trăm Trứng. Ai trông cũng trẻ hơn cả chục tuổi!

 

IMG 5498 

Người mặc đầm sọc là Hằng (lớp 10). Người mặc áo đỏ boọc-đô là Hải (Vợ của Nhỏ)

 

IMG 5503 

Hai anh em vùng vẫy chung một bồn tắm bùn.

Tiến (lớp 07) và anh Ẩn (lớp 02)

 

IMG 5507 

Được ngâm trong bùn lạ anh nào cũng phấn khích.

 

IMG 5509

Ngâm bùn còn là liệu pháp dưỡng da cho các chị.

 

IMG 5510 

Đôi bạn này thích yên lặng hơn. Ngọc Anh + Hồng Huyên (lớp 01)

 

IMG 5513 

Ngâm bùn nâu nham nháp xong, giờ thì lội nước hồ bơi trong vắt.

Từ trái sang: Khánh_Ẩn_Minh (Vũng Tàu)_Trang_Tiến_Lâm_Nhỏ

 

IMG 5517 
Toàn đoàn trước khu Shopping của KDL Trăm Trứng
 
IMG 5518 
Bên chiếc xe giả cổ

Ăn trưa xong đã khoảng 1 giờ, mọi người chờ chút thì xe đến, lên xe về khách sạn nhận phòng ở hai khách sạn: Mường Thanh và Hải Quân. Bên Mường Thanh dù đặt trước hơn 2 tháng mà cũng chỉ được 3 phòng, trong đó có 1 phòng Penthouse của gia đình Hằng mua mấy năm trước, đang cho khách vãng lai thuê, bạn bè ra chơi nên Hằng hỗ trợ cho ở miễn phí. Do vậy phải đặt thêm phòng ở KS Hải Quân kế bên, là cơ sở kinh doanh của quân đội mới cải tạo sửa chữa lại nên phòng ốc và tiện nghi chưa được như ý lắm.

Lấy phòng nghĩ ngơi xong, buổi chiểu tắm biển tự do, chỉ cần mấy bước chân băng qua đường Trần Phú là đụng biển, dưới nước những đầu người nhấp nhô nô giỡn với sóng, đa phần là dân địa phương, còn trên bờ hàng dãy dài ghế và dù đông đúc khách du lịch nằm nghĩ, nhiều người từ Nga đến. Mấy năm gần đây lượng khách Nga chiếm số đông ở thành phố du lịch biển này, đến nỗi các quyển thực đơn ghi món ăn uống ở các nhà hàng ghi nhiều tiếng Nga hơn tiếng Anh! Biển hiệu hàng quán cũng đầy thứ chữ khó học này! Nhớ hồi năm thứ nhất học tiếng Nga ở 279NTP, một tiết học buổi chiều Nguyễn Công Danh (lớp 05) tục gọi là Danh Chợ Gạo ngồi ngủ gà ngủ gật, bị Thầy Tường kêu đứng lên đọc chữ gokmop (có nghĩa là “Bác sĩ”) mà Thầy đã viết trên bảng, Danh hồn nhiên đọc “Góc móp” chớ không đọc là “đóc tơ”! Cả lớp được một phen cười ầm, nhiều người tỉnh cả giấc ngủ gục giác chiều! Sau này Danh may mắn thi đậu lớp Anh Văn nên không học tiếng Nga nữa, chứ nếu không cả lớp chắc lại có dịp nghe hắn đọc tiếng Nga theo kiểu …Việt nhiều phen nữa! Kể ra nước Nga và văn hóa Nga đã ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam những năm sau giải phóng, hồi đó hể cứ 10 bài hát trên sóng phát thanh Tp HCM là hết 4-5 bài của Liên Xô, nhiều bài khá hay, ít nhiều đã truyền cảm xúc cho những đôi lứa yêu nhau đầu thập niên 1980. Đó là các bài “Triệu Đóa Hoa Hồng”, “Đôi Bờ”,”Chiều Matxcơva”, “Cây Thùy Dương”, “Kachiusa”, “Cuộc sống ơi ta mến yêu người”.

Những chàng sinh viên nghèo ở 279NTP chắc không quên những ngày lạnh buốt nằm trên giường nội trú mà tương tư người bạn gái mới quen “người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?” , càng tê tái khi nghe Ái Vân hát bài Đôi Bờ (Nhạc : Grigori Mikhailovich Pozhenyan. Lời: Andrey Yakovlevich Eshpai)

            Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới

            Cây cỏ hoa như nói nên lời, em hạnh phúc nhất đời.

            Một mình em thắm thiết yêu anh, giữa tình đôi lứa ta.

            Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa

 

            Два берега
        музыка — Андрей Эшпай,
        Cлова — Григорий Поженян
        Майя Кристалинская
        ******************************

           Ночь была с ливнями,
           И трава в росе.
           Про меня “счастливая”
           Говорили все.
           И сама я верила,
           Сердцу вопреки:
           Мы с тобой - два берега
           У одной реки.

Và những chiều ngồi bên căn nhà tranh heo hút trên nông trường Bời Lời năm đó, nhiều chàng sinh viên thả hồn mình theo khói bếp trong tiếng nhạc du dương của bài Chiều Matxcơva:

            Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào

            Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu

            Hỡi em thấu chăng tình anh lòng bao trìu mến

            Matxcơva bên chiều vắng thanh bình

                        Kìa em ngước nhìn ai đôi cặp mắt nâu huyền

                        Dường như bao lưu luyến mối tơ duyên

                        Sao không nói nên lời, trong lòng bao trìu mến

                        Matxcơva trong chiều vắng thanh bình

 

Не слышны в саду даже шорохи,
Все здесь замерло до утра;
Если б знали вы, как мне дороги
Подмосковные вечера.
Если б знали вы, как мне дороги
Подмосковные вечера.

Trong thời gian cuộc chiến với Khmer đỏ đang khốc liệt những năm 1978-1980 thì người Việt được xem nhiều phim về thời Thế Chiến II: Nga chống Đức Quốc Xã, được gọi là “cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại”, với Hồng Quân Liên Xô hàng hàng lớp lớp xông lên trong giá rét, những Thống Chế Stalin, Nguyên Soái Kutuzov, những Tập đoàn quân, Phương diện quân ào ạt nổ súng, xe tăng bò lổm ngổm, máy bay lượn đầy trời phản công sau mùa đông Matxcơva, và cuối cùng tháng 4 năm 1945 chiếm được Berlin (Đức), Hitler tự sát, Đức Quốc Xã đầu hàng.

Sách, truyện Liên Xô thì tràn ngập những “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Ostrovsky, với hình tượng người anh hùng Paven Coocsaghin là mẫu mực sống của thanh niên thời đó, cùng câu nói bất hủ Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao để không xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

C16 có mấy năm ngắn ngủi tiếp xúc với văn hóa Nga thế thôi, bài hát may ra còn thuộc, truyện may ra còn nhớ, nhưng tiếng thì đã trả lại hết cho thầy rồi!!

                                                            @@@

Buổi ăn tối đầu tiên trên đất Nha Trang được vợ chồng Hằng tổ chức tại một căn hộ lớn trên tầng 45, tầng cao nhất của khu căn hộ Mường Thanh. Mới 4 giờ chiều, còn đi ra tắm biển đã thấy anh Ba và Hằng đến để chuẩn bị. Và rồi hoàng hôn buông xuống thật nhanh, đã đến giờ hẹn, “nam thanh nữ tú” lần lượt xuất hiện, đi vào phòng khách và xuyên ra sân vườn, nơi đặt các bàn tiệc, hơi chật nhưng có khoảng không gian nhìn xuống bãi biển Nha Trang rất thú vị. Thông cùng bà xã và anh Ẩn đến muộn nhất, do đi nhầm thang máy, lên đến tầng 44 là hết, phải tìm thang bộ lên tầng 45! Vào thì đã thấy đông người, đầu tiên gặp ngay Bùi Tấn Thi (lớp 10), Thi là Trưởng Phòng Tài Chính huyện Diên Khánh rất lâu năm, huyện ở cách Nha Trang hơn 10 cây số, có các địa danh nổi tiếng là Ngã Ba Thành, Cây Dầu Đôi…Và ngồi cạnh Thi là anh Phạm Đình Xuân (C15, nguyên Giám Đốc Cty Du Lịch Khánh Hòa), người có nhiều ứng xử thân tình với các cựu sinh viên C16. Nhưng nếu không kể đến anh Phan Minh Ba (C15, phu quân của Hằng) thì thiếu sót lắm, dù chưa “chơi” với anh Ba nhiều, nhưng chỉ cần thấy anh ấy toàn tâm toàn ý ủng hộ và phụ giúp Hằng tiếp đón nhóm bạn C16 này hai hôm nay đã có thể nói Hằng “tốt số” quá! Thêm bất ngờ nữa: các bạn C16 ở Khánh Hòa đã có mặt đủ tối nay (chỉ thiếu Viên (lớp 01) vắng do bận công việc), đó là Thi (lớp 10), Hằng (lớp 10), Tâm (Lớp 03), Thúy Vân (lớp 04), Sơn (lớp 11), làm cho buổi tiệc vơi đi rất nhiều bia rượu, và không khí chuyện trò phấn khích vô cùng, may mà ngồi ở sân vườn chứ nếu ngồi trong phòng kín e bể phòng mất!

IMG 5540 

Biển Nha Trang nhìn từ Penthouse của Hằng (lớp 10), tầng 45 khu căn hộ Mường Thanh.

 

IMG 5541

Ăn tối ở căn hộ Penhouse.

Ngồi: Khoa_Giang_Vân_Hương (Cùng lớp 04)

Đứng: vợ chồng anh Ba –Hằng_Thông_Anh Xuân (C15)

 

IMG 5543 

Chai rượu của Minh Tam Kỳ (lớp 09) đã vơi gần hết chỉ sau vài vòng.

Từ trái sang: Sơn (lớp 11)_Lâm (lớp 09)_Trang (lớp 11)_Thông (lớp 05)_Mười (lớp 10)_Anh Ba (C15-Chồng Hằng)_Minh Vũng Tàu (lớp 04)

 

IMG 5544 

Gió mát, rượu ngon, bạn hiền.

Từ trái sang

Ngồi: Thi_Minh Tam Kỳ_Khánh_Cảnh_Thái_Tiến_Lâm

Đứng: A Xuân (C15)_Tâm_Nhỏ_Mười

 

IMG 5548 

Nguyên bàn nữ. Người bế cháu là bà xã của Thi. Người ngồi ngoài cùng bên trái là Hải (vợ của Nhỏ). Người đứng giữa Hằng và Hương là Phê (Vợ của Tâm lớp 03). Người đứng giữa Hương và Khoa vợ Thông là Mai (Vợ của Minh Vũng Tàu-lớp 04)

 

IMG 5549 

Tặng quà lưu niệm chuyến đi cho anh Ba và Hằng

 

IMG 5553 

Mô hình quà lưu niệm của chuyến đi

 

IMG 5552 

Tặng quà lưu niệm cho anh Xuân (C15)

 

IMG 5556 

Tặng quà lưu niệm cho Thúy Vân (lớp 04)

NGÀY THỨ HAI (27/08/2016)

Sau buổi ăn tối ở Penhouse của Hằng thịnh soạn và quá mệt vì uống nhiều, mọi người trở về phòng đánh một giấc tới sáng, hình như không có ai dậy sớm tắm biển Nha Trang thì phải? Trong chương trình ghi rõ “ăn sáng tự lo” để cho mọi người có cơ hội khám phá ẩm thực địa phương vốn rất phong phú, nếu kể tên món ra mất cả trang giấy còn chưa đủ, chẳng hạn như : bún cá Diên Khánh, bún mực Vạn Ninh, bò xiên Lạc Cảnh, nem nướng Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, sò huyết Thủy Triều, cá tràu Võ Cạnh vv… Khổ nổi Trần Phú là đường lớn, toàn khách sạn to, nên xung quanh thấy toàn nhà hàng cho Tây, phải cuốc bộ khá xa trên các con đường đằng sau khách sạn mới tìm được chỗ ăn Việt, như gia đình Chung Nghĩa Nhỏ kéo đi xa một hồi rồi rẽ vô 1 hẽm nhỏ, xà đại vô một quán bò kho mởi mở cửa buổi sáng sớm, Nhỏ về khen món bò ngon quá! Còn các chị thì nghe nói kêu taxi đi khá xa, vô các chỗ ăn sáng quen, có các món các chị ưa thích. Trong khi đó Ông Mười, Ông Thái, Ông Khánh, Ông Minh ngồi ghế gỗ thấp, gặm bánh mì thịt bình dân ngay đầu ngõ khách sạn Hải Quân!

8 giờ thì xe của Tour du lịch tới đưa đoàn đi chơi các đảo, rời khách sạn đi chừng 20 phút là đến Cầu Đá, nơi quen thuộc của khách du lịch muốn đi ra các đảo. Xuống xe vào cảng thấy người đâu mà đông đúc dữ vậy không biết, Tây có, Ta có, Trung Quốc có, dưới bến các thuyền chen chúc dập dềnh chờ khách, trên bờ người ta lớp đứng lớp ngồi đông như hội, được cái là khá trật tự, sắp hàng dài chờ tàu của mình chứ không chen lấn hỗn loạn.

Chờ chừng mươi mười lăm phút cả đoàn được phép lên tàu. Đây là chiếc tàu được thuê riêng cho đoàn nên không có khách lạ nào khác. Mọi người lên tàu yên vị xong là mặc áo phao vào ngay, tinh thần an toàn rất cao! Tàu nổ máy lịch xịch lui ra khỏi bến, và rẽ nước phóng đi, chỉ chừng hơn mười phút đã cập đảo Trí Nguyên, đảo đầu tiên trong hành trình hôm nay. Đọc trên báo thấy đảo được nhắc đên nhiều nhờ đã đạt thành tích lớn trong việc chống dịch sốt xuất huyết bằng phương pháp khoa học mới do Bộ Y Tế và Tỉnh Khánh Hòa thực hiện, đó là nuôi muỗi địa phương mang vi khuẩn Wolbachia tại viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trứng muỗi được chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang bằng máy bay. Tại đây trứng được ấp nở thành lăng quăng và nuôi đến giai đoạn trưởng thành (2-3 ngày tuổi), sau đó được mang ra đảo Trí Nguyên thả tại các hộ gia đình. Muỗi mang Wolbachia sẽ bay ra, tìm và cặp đôi với muỗi địa phương, sản sinh ra các thế hệ muỗi địa phương mới mang Wolbachia không có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết, dần dần thay thế quần thể muỗi ì hết, cả một mùa hè 2016 chỉ có vằn Aedes Aegypti địa phương có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết. Thế là muỗi tha hồ cứ chích đốt người dân, chỉ gãi ngứa chứ không việc gì hết, trong hai năm 2014-2016 không có người dân đảo mắc bệnh sốt xuất huyết. Dự án thật hay!

(Xem thêm thông tin tại Website: http://www.eliminatedengue.com)

Trí Nguyên không chỉ có dự án chống sốt xuất huyết, nó còn có Thủy Cung.

IMG 5557 

Thủy Cung Trí Nguyên nằm trong con tàu bằng bê tông ẩn mình bên ngọn đồi thấp ven đảo.

Thủy Cung được Công ty Du lịch Khánh Hòa xây dựng năm 1994 theo thiết kế khá độc đáo, dạng một con tàu cổ hóa thạch dài 60m, cao 30 m nằm trên mặt biển, ven bờ hải đảo, trong đó chia thành các tầng: tầng trệt có hồ nuôi cá, tầng hai bán hàng lưu niệm, tầng ba là nhà hàng ăn uống, trên boong tàu là cột buồm và khẩu súng thần công. Đi luồn vào bụng tàu thấy nhiều hồ nhỏ nuôi cá làm cảnh cho du khách ngắm, nhiều loài cá quý hiếm chưa được thấy bao giờ như cá chim Napoleon, cá Picasso, hay cá chép Nhật Bản nhiều màu sắc và quí phái, lại có cả cá ngựa, loài cá lạ kỳ khi con đực mang trứng và sinh con…, tất cả dường như là một thế giới dưới đại dương thu nhỏ. Thế mà vẫn chưa hấp dẫn hết cả đoàn, vì rất nhiều anh chọn đi uống cafê chứ không vô, chỉ có khoảng 10 người vô xem Thủy Cung.

Hết thời gian Tour qui định cho việc thăm đảo thứ nhất (khoảng 40 phút), mọi người lục tục xuống tàu ra đảo Hòn Mun.

IMG 5584 
Tinh thần an toàn cao: hầu hết ai cũng mặc áo phao trên tàu đi thăm các đảo
 
IMG 5586
Những người vô thăm Thủy Cung trên đảo Trí Nguyên
 
IMG 5589
Nhiều loại cá quí dưới đáy đại dương được trưng bày trong các hồ kính cho du khách thưởng ngoạn
 
IMG 5596
Vợ chồng Nhỏ (lớp 02) trước hồ đồi mồi
 
IMG 5607 
Các con tàu đang neo đậu chờ du khách lên để rời đảo Trí Nguyên đi các đảo khác
 
IMG 5608 
Một góc đảo Hòn Mun nhìn từ trên cao

Hòn Mun có tổng diện tích 160 cây số vuông, trong những hang động đá đen hằng năm có chim yến về làm tổ, hệ sinh thái biển đa dạng với những rặng san hô tuyệt đẹp. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 2000 loài san hô và sinh vật biển thì ở Hòn Mun đã có tới 1500. Với độ sâu 18m dưới mặt nước biển thì không còn cảnh đẹp của san hô, nhưng có rất nhiều hang động với các sinh vật biển chuyên sống trong bóng tối như tôm hùm, mực, cá đuối…Quỹ động vật hoang dã thế giới đánh giá đây là khu vực đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam.

Biển Nha Trang hôm nay đẹp, sóng êm, trời trong xanh ngắt, đó đây lững thững những cụm mây bạc dắt nhau đi, xa xa vài ngọn núi thấp nhô lên trên các đảo, trầm tư nhìn những cánh chim hải âu bận rộn liệng ngang liệng dọc. Con tàu rẽ sóng băng băng, không khí biển trong lành phả vào mát rượi, dường như làm tăng thêm năng lượng cho các du khách đang thả hồn ngắm trời, mây, nước. Tàu đang chạy êm, bất ngờ Khoa (bà xã Thông) bị mệt, đang ngồi bổng nhiên gục xuống, kêu mệt quá khó thở, tay chân tê và lạnh ngắt. Thông điếng hồn vì giữa biển chẳng biết làm sao cấp cứu đây, chỉ mong sao tàu chạy nhanh cập bến vào bờ. Rất may mọi người xúm vào giúp đỡ, kẻ xoa dầu, người động viên, đặc biệt nhờ Thanh Hương đưa cho mấy viên kẹo ngọt, Khoa ngậm vội vào, thế mà đỡ bớt ngay để cố gắng cầm cự chờ lên bờ. Tàu vừa vào đến bến, Thông nhờ chàng trai hướng dẫn viên du lịch tranh thủ phóng lên bờ mua một lon Coca mang xuống, Khoa uống vội ngay lon nước ngọt này và tỉnh hẳn, thật là hơn cả thuốc tiên. Rồi ngồi trong chòi nghĩ, được Mai (bà xã Minh Vũng Tàu) đưa cho mấy chiếc hánh ngọt ăn thêm nên đã khá nhiều. Hóa ra Khoa bị hạ đường huyết do đêm hôm qua tiệc ở Penhouse lo chụp hình lăng xăng, chỉ ăn chút ít, sáng nay lại dậy sớm chạy bộ tập thể dục chỉ ăn một mẫu bánh mì không, sau đó xuống tàu ra khơi! Không khí buổi đi chơi đảo Hòn Mun ít nhiều bị khựng lại vì sự cố sức khỏe bất ngờ này của Khoa. Trời đã nắng trưa khá rát, ngại xuống biển nên mọi người ngồi nghĩ chân, tán chuyện trong các chòi tranh trên đảo, nhưng cũng có mấy bạn quyết định “nắng mặc nắng, cứ chơi để có vài tấm hình kỷ niệm”, thế là lội xuống mép biển, thuê thuyền thúng dập dềnh cùng ngư ông ra khơi, tay giơ lên chào, miệng cười tươi tắn, máy ảnh bấm liên tục…

IMG 5609 
Du khách đông đúc chờ lên tàu rời đảo Hòn Mun đi thăm các đảo khác
 
IMG 5612 
Ngọc Anh_Hồng Huyên_Ngọc Khoa_Cảnh_Thanh Hương_Tiến chuẩn bị rời bến trên thuyền thúng đi câu mực
 
IMG 5612b 
Không câu được con mực nào nhưng được ngắm biển trong xanh màu ngọc bích cũng sướng rồi!
 
IMG 5613 
Những phút xả hơi thư thái trong căn lều tranh trên đảo Hòn Mun

Nghĩ ngơi hơn 1 giờ đồng hồ thì mọi người lên tàu tiếp tục hành trình. Vừa lên tàu đã thấy dọn sẵn một bàn ăn dài, khăn trãi trắng muốt, những dĩa đồ ăn nhỏ nhắn sắp hàng chờ khách cùng chén đũa muỗng. Hơn một giờ chiều rồi, đói bụng, nhào vô xực thôi! Bia bọt khui ra bôm bốp, nào nâng lon và ực, tàu cứ chạy, gắp cứ gắp, buổi ăn trưa “dã chiến” diễn ra rôm rả, ngon miệng và cũng kết thúc nhanh chóng, chỉ trong năm sáu phút đồ đạc trên bàn đã được nhà tàu dọn sạch sẽ, chiếc bàn biến mất vì đã được dựng lên thành những hàng ghế dựa như lúc sáng! Mọi người ngồi vào ghế chuẩn bị xem văn nghệ do nhà Tour thực hiện vì đây là một tiết mục có trong chương trình. Nhưng chương trình văn nghệ này không có gì đặc biệt lắm, chỉ là những màn hoạt náo kích động khán giả, trong đó có màn múa lửa hơi sợ, không khéo lửa bắt cháy vào các thuyền đang cột vào nhau thì …đại họa!

Xem gần xong văn nghệ thì tàu nhổ neo quay về bến Cầu Đá. Lượt đi cảm giác lâu, sao lượt về cũng chừng đó khoảng cách, chừng đó thời gian lại cảm thấy nhanh! Rõ là nhanh hay chậm phần nhiều do cảm giác chứ không phải do tốc độ! Bởi vậy người ta mới nói rằng hạnh phúc hay đau khổ trên đời phần nhiều cũng do cảm giác, cho nên kẻ hạnh phúc là kẻ biết dừng lại đúng lúc. Nhà Phật dạy muốn thoát khỏi phiền não thì phải buông bỏ, nhưng cái này khó quá, buông bỏ sao được, thôi thì biết dừng lại cũng tốt rồi, như người xưa nói:

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
 
   Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn!”
 
  “Biết đủ là đủ, đợi đủ biết chừng nào đủ
 
   Biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn biết chừng nào nhàn!
 
IMG 5614 
Dãy ghế dựa được lật ra thành chiếc bàn dài. Ăn trưa trên tàu đơn sơ mà vui.
 
IMG 5617 
Chàng hướng dẫn viên du lịch hóa trang thành thổ dân để tham gia vào một tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn phục vụ du khách.

Tàu sắp cập bờ thì nhận được điện thoại của Thế (lớp 02) nói rằng đã xuống sân bay Cam Ranh cùng với Hà (C19), rất vui có thêm bạn! Thế rất nhiệt tình, bận công việc túi bụi nhưng đã thu xếp giờ chót từ Mỹ Tho lên Sài Gòn đáp chuyến bay trưa để chiều ra gia nhập đoàn. Tối nay anh Ẩn (lớp 02) chiêu đãi cả đoàn ăn tối tại quán nem nướng đặc sản, vì vậy cả đoàn đi chơi đảo về đến khách sạn mới hơn 3g chiều quả là rất hợp, vì có thời gian nghĩ ngơi, chuẩn bị bụng để tối nhậu! Anh Ẩn, tức Ba Ẩn như dân Phú Yên thường gọi, nguyên là Phó Chủ Tịch UBND Tỉnh Phú Yên, do chỉ thiếu mấy ngày tuổi nên không đủ bố trí đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo tỉnh nữa, anh Ba Ẩn chọn xin về hưu sớm trước tuổi luôn, anh về vui thú điền viên ở quê hương Củng Sơn (Sơn Hòa) đã hơn một năm, thấy khỏe ra nhờ bớt bận bịu chốn quan trường, anh buông cây bút ký tên ra để cầm cây cuốc khá thanh thản. Cuộc đời là một sân khấu mà mỗi người đảm nhận một vai diễn do xã hội phân cho, khi còn diễn thì phải diễn hết mình, tròn vai đẹp vế, để không bị đạo diễn phê bình và khán giả chửi bới! Nhưng phải nhớ rằng đó chỉ là vở kịch, sẽ đến hồi kết thúc hạ màn, và lúc đó những kịch sĩ tiểu tốt hay lừng danh đều phải rửa mặt, tẩy trang để trở về cuộc sống đời thường. Còn ai nhớ đến mình không khi đã tháo chiếc mão đóng vai Quan Công uy nghi, hay khi đã tháo bộ râu đóng vai Trương Phi lẫm liệt? Nhớ hay không do mình có biết mình đang đóng kịch trên sân khấu hay không thôi. Nhiều người đang diễn kịch mà cứ tưởng thật, nên quen thói ứng xử "kẻ cả,bề trên", đến khi màn nhung khép lại chẳng ai thèm hỏi đến. Anh Ba Ẩn từ hồi còn thủ vai Phó Chủ Tịch tỉnh đã chơi với anh em C16 gần gũi thân tình, huống chi là bây giờ, cho nên anh Ba Ẩn gia nhập chuyến đi Nha Trang là “với cả tấm lòng”.

Quán nem nướng đó tên là quán Đặng Văn Quyên, ở số 16 A đường Lãn Ông, là quán đặc sản về nem của Nha Trang, tìm trên Googles sẽ thấy quán được Trip Advisor (Tư vấn Du hành) giới thiệu là nơi không nên bỏ qua nếu muốn biết hương vị ẩm thực của đất du lịch biển này. Mới đây một du khách nước ngoài đã nhận xét về quán này như sau:

“After being disappointed about having non authentic Vietnamese food at Lantern, we googled for authentic eats. This is it – I could barely order (and I speak broken Vietnamese). There wasn’t a menu, just get nem nuong and give it a go as a cheap appetizer. Get beef (thịt nuong) too if you want to have a bigger lunch. The triangular wrapped goods they charge you per item you eat – total damage 80k vnd for the nem nuong and the entire platter of triangular things (fermented pork sausage). Cheaper if you don’t eat all of them (we didn’t know), but a big meal for $4usd is a steal”

(Trích trang Web: https://www.tripadvisor.com)

Thông tạm dịch:

“Sau khi khá thất vọng do ăn không đúng món chính hiệu truyền thống Việt Nam tại Nhà Hàng Đèn Lồng, chúng tôi tìm trên Google (Gu-gồ). Và quán Đặng Văn Quyên chính là nơi cần đây rồi – Tôi đã gọi ngay (bằng vài tiếng Việt lỏng bỏng). Chẳng có quyển thực đơn nào cả, chỉ thuần một món nem nướng nên tôi gọi luôn vì thấy rẻ và thèm rồi. Kêu thêm bò (thịt nướng) nếu bạn muốn có bữa ăn trưa thịnh soạn. Còn món bánh lá quấn hình tam giác thì ăn cái nào tính tiền cái đó – tốn khoảng 80 nghìn đồng cho cả nem nướng và trọn dĩa bánh lá quấn (xúc xích thịt lợn chua). Sẽ rẻ hơn nếu bạn không ăn hết các thứ đó (tụi tôi không để ý vụ này), nhưng một bữa ăn tuyệt vời mà chỉ có 4 đô-la Mỹ thì quá hời”

IMG 5618 
Quán ăn nơi cả đoàn nhậu tối ngày thứ hai ở Nha Trang

Đúng hẹn 6g tối đến quán đã thấy anh Ẩn và hai đứa cháu gái rồi, hai cháu là dân địa phương Nha Trang, là con của người em họ. Hai bàn dài trên lầu được dành riêng cho đoàn khách C16, chén, dĩa, muỗng, đũa, ly đã bày sẵn trông chỉnh chu và đẹp mắt. Đầu tiên là món nem nướng ăn với chả giò quấn. Ăn thì nhanh nhưng chế biến món này khá công phu: nhồi thịt heo + mỡ heo + giò sống + nước mắm + muối diêm + muối thường + đường + bột ngọt + tỏi + tiêu + hột điều màu, xong cho vô máy xay nhuyễn, dích ra từng miếng cho vô lò vi sóng, khi chín lấy ra nếm thử xem vừa ăn chưa. Xoa dầu ăn vô tay, cho 1-2 muỗng thịt lên tay, nắn thành miếng dài, xếp từng dĩa vô tủ lạnh khoảng 20 phút trước khi nướng trên lò nướng hoặc trên bếp than. Nướng than nem sẽ thơm ngon hơn. Xếp nem ra dĩa, cuốn rau sống bánh tráng, kèm thêm vỏ chả giò chiên, chấm tương. Vỏ chả giò chiên được làm từ vỏ bánh hoành thánh cuốn chả giò hoặc vỏ bánh tráng dòn cũng được. Cắt vỏ bánh ra làm tư, cuộn gọn lại đem chiên giòn. Khi ăn cuốn kèm chung với cuốn nem nướng, khi cắn miếng gỏi cuốn sẽ rất giòn, ngon miệng.

Món thứ hai là bún chả cá, món này ăn lúc đói bụng thật hết chê, hương thơm, vị ngọt, lấy muỗng chan đã rồi bưng luôn tô húp sùm sụp! Nấu món này cũng công phu chẳng kém nấu món nem nướng, như sau:

Nấu nước dùng:

Cứ 1 kg đầu cá thu (hoặc cá mối, cá rựa) nấu thành khoảng 2,5 lít nước dùng là vừa. Chặt đầu cá thành miếng nhỏ, nấu với nước vừa đủ ngập, cho thêm phần da, xương sụn vào nồi đầu cá (có được sau khi lấy nạc), hầm lửa nhỏ cho đến khi đầu cá mềm rục. Nấu xong lược bỏ xác xương da qua một túi vải thưa cho nước sạch, trong, rồi mới thêm nước sôi vào vừa đủ. Hành tím nướng sơ cho thơm, rửa sạch bụi than thả vào nồi. Giữ nóng nước dùng trên bếp. Tùy ý nêm lại nước dùng với chút muối cho vừa đủ đậm đà chứ không mặn.

Trình bày món ăn:

Chia bún vào tô, trãi vài miếng chả hấp lẫn chả chiên lên mặt bún, châm nước dùng cá thật nóng vào, rãi hành ngò, rắc thêm tiêu. Món bún chả cá thường chỉ ăn kèm hành lá, hành củ tươi chứ không kèm rau thơm các loại; nêm nước mắm nguyên chất chanh, ớt tươi cắt lát.

IMG 5619 
Những tô bún cá ngon lành và bắt mắt làm sao!

Khoảng nữa giờ sau thì bạn bè kéo đến đông đủ, chỉ thiếu Trang (lớp 11) bận công chuyện và đau chân quá nên đã theo xe cơ quan trở về Trảng Bom từ chiều, và vợ chồng Minh Vũng Tàu bận thăm người thân. Món ăn ngon bày đầy trên bàn và bạn hiền đông đúc vây quanh, làm sao không cụng ly! Mấy két bia Henekein cùng hai chai rượu vang thoáng chốc đã bay vèo. Tiếng nói chuyện, tiếng hô nâng ly huyên náo cả một căn lầu của quán, thực khách những bàn gần bên hẳn là khó chịu lắm, mà quả nhiên, chừng nữa giờ sau là họ biến hết! Càng hay, chỉ còn mình nhóm bạn già này độc chiếm diễn đàn, uống cái gì mà vỏ chai bia lăn lóc dưới đất lủ khủ rồi mà chưa chịu dừng, ông nào ông nấy mặt đỏ ké mà vẫn dzô dzô! Ai nói đàn bà nhiều chuyện? Chính là đàn ông mới chuyện nhiều, hơn 3 giờ đồng hồ rồi mấy ổng nói cái gì mà dường như vẫn chưa đã cơn, lắng nghe thì thấy nói toàn chuyện…hồi xưa, đó là hồi học hành, sinh sống, bồ bịch trong cảnh khó khăn những năm ở 279 NTP. Những chuyện này chỉ có người trong cuộc nghe mới sướng chứ người ngoài nghe như tra tấn lỗ tai!

Các chị đã xong bữa ăn từ sớm, rủ nhau đi uống cà phê hay la cà đâu đó rồi. Các anh chỉ chịu dừng cuộc nhậu lúc hơn 9g tối, còn mấy anh trụ đến giờ chót tiếp tục rủ nhau đi uống cà phê (Ẩn, Nhỏ, Thế, Cảnh, Thông, Thái, Tiến, Lâm, Mười, Minh Tam Kỳ). Đi bộ một đoạn ngắn là đến, quán vắng vẻ thấy cả đoàn ập vô nên mừng quá, kéo ghế, dọn bàn, khiêng dù lăng xăng. Không hiểu từ đâu ra mà vẫn còn chai rượu thuốc của Trang mang đi trên tàu lửa hôm nọ, Mười xin quán ly nhỏ, rót rượu ra “xây dần” từng người, không ai được thoát, chỉ trừ Thông được phép nhấp môi vì đang viêm họng. Nhấm nháp rượu thuốc, chữa cháy bằng những ly cà phê, những ly sinh tố! Câu chuyện xoáy vào việc động viên anh Ẩn ở lại chơi tiếp ngày mai “cho trọn cuộc tình”, vì anh Ẩn báo là sáng mai phải trở ra Tuy Hòa sớm có việc nhà. Lâm rất mong sự động viên này thành công vì nếu không, Lâm phải theo anh Ẩn về quê giữa chừng xuân, mà chiều mai mới là bữa chơi lạ, theo kiểu hương đồng gió nội, do Bùi Tấn Thi (lớp 10) thiết kế và thi công tại trang trại nhà ở Diên Khánh. Tiếc thay, anh Ẩn không thay đổi kế hoạch được, phải về sớm sáng mai, kéo theo Lâm Vũng Rô!

Kết thúc cà phê đã hơn 10g tối, mọi người đi ra đường lớn đón taxi về khách sạn, xe đi ngang con đường dọc biển vẫn thấy còn đông đúc người ta chen chân xem lễ hội bia Tiger, các siêu thị đèn điện sáng trưng với nhiều kẻ ra người vô, và các hàng quán nhộn nhịp tây, ta. Nha Trang về đêm là một trong các thế mạnh du lịch của thành phố biển này.

IMG 5623 
Thế (lớp 02) và Hà (C19) mới bay từ Sài Gòn ra chiều nay, có mặt tại quán ngay từ sớm.
 (Thế đứng ngoài cùng bên phải. Hà ngồi, áo trắng, đeo mắt kiếng)
 
IMG 5624 
Thông qua chào bàn nữ
 
IMG 5624b 
Món chủ lực của quán Đặng Văn Quyên là nem nướng quấn bánh tráng, và nem chua
 
IMG 5627 
Sau hơn 1 giờ nhậu, cuộc vui đã lên cao điểm!
Đầu bạc, mặc áo xanh là Sơn (lớp 11-ở Nha Trang), sau lưng Sơn là Minh (lớp 09 ở Tam Kỳ)
Đứng đầu hàng từ bên trái là Tâm (lớp 03-Phó GĐ Sở Tài Chính Khánh Hòa!)
 
IMG 5631 
Tâm và Lâm hình như đang la “tụi tui chịu thua rồi” vì các chị đòi 2 anh phải cụng hết 100%!
 
IMG 5638 
Mồi sạch, rượu cũng cạn luôn!
 
IMG 5643
Anh Ba Ẩn được tặng món quà lưu niệm của chuyến đi
 
IMG 5645 
Món quà nhỏ cảm ơn Tâm (lớp 03) đã hỗ trợ đoàn trong thời gian thăm Nha Trang
 
IMG 5646 
Lâm sáng mai về Tuy Hòa sớm được ưu tiên nhận quà lưu niệm của chuyến đi.

Ngày Thứ Ba (28/08/2016)

Ngày cuối cùng ở Nha Trang. Kế hoạch sáng nay đi thăm Tháp Bà Po Nagar, sau đó đi huyện Diện Khánh viếng ngôi chùa lớn mới xây xong, và trưa ghé nhà Bùi Tấn Thi nhậu. Như hôm qua, mọi người tự túc kiếm chổ ăn sáng và cà phê cà pháo xong là trả phòng khách sạn, đồ đạc mang xuống sảnh tiếp tân của khách sạn Mường Thanh ngồi chờ. Khoảng hơn 8giờ, hai xe 16 chổ do Hằng mượn của các cơ quan quen biết lần lượt đến, mọi người chất hết đồ đạc lên xe và lên đường.

Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Êđê, Jarai có nghĩa là giống Cái) là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái , cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Ngôi đền này được Hoàn Vương Quốc Harivarman I xây dựng lại trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh, khoảng thế kỷ thứ 7 (năm 813-817), đã từng bị quân Nam Đảo (Java, Indonesia) vào cướp phá. Trãi qua mưa nắng của thời gian và giặc giã chiến tranh, nhiều tháp bị hư hại. Thời Pháp thuộc, trường Viễn Đông Bác Cổ đã tổ chức tu sửa bằng gạch và đắp một số tượng lên thân tháp. Những bia ký còn sót lại ở Tháp Bà Po Nagar cho người ta thấy dấu vết của một quốc gia hùng mạnh đã từng tồn tại trong quá khứ quanh vùng này.

Hằng thật là chu đáo, không những lo xe cho mọi người đi, mà khi đến Tháp Bà còn sắp xếp cho đoàn có hướng dẫn viên du lịch do chị lãnh đạo trung tâm bảo tồn bảo tàng Nha Trang bố trí. Một số người ngồi nghĩ chân trước cổng Tháp Bà, còn đa số đi theo HDV nghe thuyết minh. Cô thuyết minh đeo micro nhỏ quanh cổ, nói giọng hơi lai nữa Trung nữa Bắc, nhưng lắng nghe thì cũng rõ: Tháp chính thờ thần Umar, vợ của thần Siva. Tháp Bà xây 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở 4 góc có 4 tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần, cao 2.6m, tạc bằng đá hoa cương màu đen, ngồi trên bệ đá uy nghiêm. Đây là một kiệt tác điêu khắc Chămpa, kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi bò thần Nandin và các tượng linh vật như chi, thiên nga, dê, voi vv…

Khi dẫn đoàn vào trong phòng trưng bày cổ vật, cô HDV dẫn chuyện thêm về truyền thuyết Nữ vương Po Ina Nagar hay Bà Đen mà người Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana, là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh ra gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai, còn được thờ phụng cho tới ngày nay, đó là:

-             - Po Nagar Dara: Nữ thần Kauthara (Khánh Hòa)
 -            - Po Rarai Anaih: Nữ thần Panduranga (Ninh Thuận)
 -            - Po Bia Tikuk: Nữ thần Manthit (Phan Thiết)
 
IMG 5647 
Tháp Bà đẹp uy nghi trong nắng sớm
 
IMG 5654 
Nghe thuyết minh về huyền tích Tháp Bà
 
IMG 5665 
Chụp chung tấm hình lưu niệm trước một tháp chính
 
IMG 5679_HH 
Hồng Huyên_Ngọc Khoa_Thanh Hương_Giang bên chân tháp cổ

Thoáng chốc đã tham quan xong di tích Tháp Bà, nắng đã lên cao, bắt đầu cảm thấy cái nóng của mùa hè khi mồ hôi mồ kê rịn ra. Mọi người ra xe đi thăm chùa lớn. Gọi là chùa lớn vì Thúy Vân (lớp 04 ở Nha Trang) nói là nó lớn lắm, có thể nói là lớn nhất Khánh Hòa! Thật ra tham quan nơi này là vì Thông cũng muốn có một điểm thăm tâm linh cho mọi người sau khi đã thăm nhiều nơi "trần tục". Xe từ từ len lỏi qua các phố phường đông đúc, ra ngoại ô, khoảng mười cây số là đến ngã ba Thành rồi phóng bon bon trên quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Diên Khánh. Nơi đây từng là trung tâm của phủ Diên Khánh xưa kia, sau năm 1945 tỉnh lỵ của Khánh Hòa mới chuyển về thành phố Nha Trang

IMG 5667 
Bản đồ huyện Diên Khánh-Tỉnh Khánh Hòa

Địa hình vùng này núi sông hùng vĩ, đặc biệt có sông Cái là sông lớn nhất tỉnh và các chi lưu của nó chảy qua. Có nhiều danh sơn như Hòn Ông, Hòn Bà, Hòn Cô, Hòn Cậu (đủ thế Tứ Linh), trong đó Hòn Bà cao đến 1574m. Có nhiều kỳ quan thiên nhiên như Đại An, Am Chúa, suối Ngỗ, suối Tiên, núi Trường Tiên, và nhiều chứng tích lịch sử như khu lưu niệm Yersin, bia Võ Cạnh, miếu thờ Huỳnh Thúc Kháng, miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp, Văn Miếu…

Huyện này là quê hương của 5 anh C16: Lương Văn Dũng (lớp 05), Sử Văn Minh (lớp 04), Huỳnh Tồn Sỹ (lớp 08), Nguyễn Ngọc Tâm (lớp 03), Bùi Tấn Thi (lớp 10), Tâm và Thi ở quê nhà, còn 3 anh lưu lạc phương xa (Dũng ở Long Xuyên, Minh ở Vũng Tàu, Sỹ ở Bảo Lộc). Một huyện mà có tới 5 …cử nhân thì chắc chắn đây phải là đất học hành! Mà quả vậy, trên đường xe qua dù ở góc phố hay trên con đường làng, đều thấy bóng dáng các trường học lớn nhỏ, với đông đúc học trò đạp xe đạp và đi bộ đến trường. Sự học không những giúp cho con người ta có tri thức, có đạo đức, mà còn giúp thay đổi số phận, sẽ không làm sao bước ra khỏi hẽm núi, bìa rừng cơ cực nếu không học hành đỗ đạt.

Xe đi vào một hương lộ, tức là một đường làng, thế mà tráng nhựa đàng hoàng, dài tít tắp, đầu này chợ búa đông đúc và tuốt đằng xa kia là ngọn núi gì đó mờ mờ ảo ảo. Tên xã là Diên Sơn, hóa ra đây là quê quán của Sử Văn Minh, thảo nào anh ta ngồi trên xe mà bồn chồn chỉ trỏ liên hồi: chỗ này hồi xưa mình đi học, chỗ kia nhà ông bác, cánh đồng này ông già mình từng trồng tỉa…Và Minh nói khi xe đến nhà Thi sẽ tranh thủ mượn xe hai bánh chạy về thăm nhà cũ cái đã, rồi mới quay lại nhậu. Hỏi nhà cũ còn ai thì Minh cho biết chẳng còn ai! Ông bà già mất lâu rồi, anh chị em lập nghiệp mỗi người một nơi, chỉ còn ông anh ruột đang ở căn nhà cũ đó, nhưng mà phải về vì nhớ quá. Ai cũng có một quê hương để mà thương nhớ, có khi quê đó rất nghèo, rất thiếu nhưng nhắc đến nó là tình cảm ùa về, vì ở đó có củ khoai mẹ nấu, có ngày mưa ôm cặp lội đường sình đi học, và có mối tình thơ dại dưới trăng khuya. Nhiều người thành danh, giàu có ở phương xa nhưng vẫn khắc khoải:

                                     “Ra đi anh nhớ quê nhà
                        Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”

Thúy Vân (lớp 04) cùng vài cháu gái chạy xe máy trên đường nhựa nắng như đổ lửa, Vân nói là để dẫn đường cho hai xe lớn của đoàn, vì vùng này đường xá quanh co rất dễ đi lạc. Mà đúng như vậy, mấy lần xe phải dừng ở các ngã ba a-lô cho Vân để đi cho đúng đường ngay nẻo chánh! Cuối cùng thì mọi người đã đến được ngôi chùa lớn, giờ mới biết chùa tên đầy đủ là Pháp viện Thánh Sơn. Chùa nằm trên một ngọn đồi của núi Đế Dài thuộc xã Diên Lâm, bao bọc xung quanh là những cánh đồng xanh ngát. Chùa do Đại đức Giác Khoan khởi công xây dựng năm 2006, đến nay hơn chục năm vẫn chưa hoàn toàn xong. Chùa mang dáng dấp kiến trúc Ấn Độ và Myanmar vì Đại Đức Giác Khoan đã có một thời gian tu học ở đó. Đá, hoa, cỏ và tượng Phật được bố trí đan xen nhau hài hòa, tạo nên một không gian tâm linh trầm mặc làm lòng du khách chợt lắng đọng, thanh thản.

Một vài người ngồi nghĩ dưới chân chùa, những người còn lại đi lên cao trên con đường trãi nhiều đá sỏi, tràn ngập cây xanh bóng mát, thỉnh thoảng có những hồ nước nhỏ, cá tung tăng bơi lội. Vào chùa thấy chánh điện bài trí các tượng Phật màu ngọc bích từ bi mà uy nghiêm, các lễ vật dâng cúng an hòa, cung kính. Mọi người thắp hương cầu khấn trong tiếng tụng kinh khe khẽ phát ra từ loa máy, khung cảnh và không khí thật thanh tịnh. Các bà nữ kinh kệ chỉ vài phút, còn thì dành nhiều thời gian cho việc chụp ảnh kỷ niệm, thôi thì đủ các kiểu, mà cũng đúng, đi chơi xa về nói chi cho nhiều, chỉ cần đưa một mớ hình là đủ thay lời muốn nói, chưa kể phương tiện truyền thông bây giờ hiện đại quá, chỉ nhấp nháy vài phút là hình ảnh đã hiện trên Facebook, xa vạn dặm vẫn thấy, tha hồ bình luận, còm-men. Mấy ông đã xuống núi ngồi chờ nhưng chưa thấy mấy bà xuống, Thông phải lấy điện thoại di động ra nhắn tin hối xuống nhanh đi, bảo đảm đứng xó nào cũng nhận được tin!. Thời buổi công nghệ thông tin này nhiều cái giúp mình đắc lực thật, chớ nếu không phải leo lên mấy trăm bậc đi kiếm từng bà có mà hết cả buổi!

IMG 5668 
Chùa ẩn mình dưới chân núi Diên Lâm
 
IMG 5669 
Đường đi lên Chánh Điện qua những hồ nhỏ được bài trí rất trang nhã.
 
IMG 5681 
Cả đoàn chụp hình trước cổng Pháp Viện trước khi leo dốc lên chùa chính.
 
IMG 5686 
Đây chỉ mới là những bậc thang đầu tiên, chùa còn trên cao nữa.
 
IMG 5689 
Mái chùa trông ra đồng ruộng, núi non, mây trời…Cảnh trí của non bồng nước nhược.
 
IMG 5690 
Tượng Phật màu ngọc bích trang nghiêm trên chánh điện. Hoa quả dâng cúng chung quanh rất cung kính.
 
IMG 5697 
Các chị nam mô niệm Phật, cầu an lạc thôi chứ lòng trần còn nặng nợ!

Mọi người đã xuống núi, điểm mặt thấy đủ là cho xe chạy. Hai xe nối đuôi nhau theo đường liên xã, qua nhiều thôn ấp nhà cửa bình dị như vẫn thường thấy ở mọi nơi, khoảng hơn nửa giờ thì quẹo vào con đường nhỏ, a-lô cho Thi thì được dặn chạy thẳng chút nữa, thấy UBND Xã Diên Lạc thì dừng lại chờ. Không phải đợi lâu, Thi đã xuất hiện trên chiếc xe hai bánh từ nhà chạy ra dẫn đường, hai xe theo Thi rẽ vào một đường làng, thấy bảng hiệu ghi “nơi sản xuất nước khoáng Đảnh Thạnh”, lại rẽ vào một con đường nhỏ lát xi măng, nhà Thi hiện ra đằng kia, có dáng dấp một trang trại, chung quanh có hàng rào bằng cây xanh bao bọc, cây cối trong vườn mọc vươn cao xanh um dễ chịu. Ở nơi nắng nôi mà có được khu vườn rộng lớn xanh tốt như thế này thì phải nói đầu tư rất kỳ công và phải tốn khá tiền. Hai cánh cửa lớn được mở ra, xe vào sân nhẹ nhàng dừng lại. Mọi người xuống xe, ai nấy đều ồ lên “vườn rộng quá”, rồi kẻ đi ra vườn, người xuống nhà bếp trầm trồ khen tặng…

Mấy chiếc bàn tròn đã dọn sẵn chén đũa, đồ ăn thức uống đầy ắp, đang lúc đói bụng vì đã quá trưa mà gặp cảnh này thiệt là “buồn ngủ gặp chiếu manh”, xáp vô liền! Thi đã chuẩn bị mấy thùng bia Heineken nằm xếp lớp ngay hàng ba, và cả nhóm lại bưng ra hai thùng bia nữa (mua lúc đi trên đường từ Pháp Viện Thánh Sơn về đây). Chừng mươi phút là không khí “nóng” lên ngay, tiếng mở bia hộp lóc bóc như điểm thêm cho tiếng nói chuyện ồn ào hưng phấn vì bạn cũ lâu ngày không gặp. Bùi Tấn Thi học lớp 10, chung với Nguyễn Văn Mười và Nguyễn Ngọc Khánh, hai người có mặt trong buổi gặp hôm nay. Hồi đó Thi rất ít nói, học hành, sinh hoạt im lìm, bồ bịch cũng chẳng nghe nói gì, tối ngày thấy ngồi ở cà phê cây mận, vậy chứ đường công danh lên rất sớm, chỉ vài năm sau khi ra trường đã được đề bạt lên giữ chức Trưởng phòng Tài chính huyện, mà hồi thời bao cấp Trưởng phòng Tài chính to lắm, là ông quan huyện đó. Thi giữ chức vụ này mãi cho đến nay đã trên 25 năm không suy suyễn, không lên cũng không xuống! Chỉ mấy năm nữa là nghĩ hưu kể như trọn 3 thập kỷ 1 ghế. Một sự ổn định và an bình hiếm thấy!

Lát sau có Chu đến, quá nhiệt tình!, một người một xe máy chạy từ nhà ở trung tâm Nha Trang lên đến đây dưới trời nắng và còn bị lạc vì đâu có biết nhà Thi chỗ nào. Thi và Thông phải cỡi xe ra tìm và dẫn đường Chu mới vô đúng nhà! Đến nơi Chu còn khệ nệ bưng vô một thùng bia Heineken nữa. Nhậu hơn hai giờ đồng hồ với bia bọt cùng mồi màng dân dã thật vui, nào chim mía rô ti, heo mọi nướng chấm mắm nêm, gà đồng luộc quấn hành hương, và còn nhiều món nữa nhớ không hết, chỉ biết là căng bụng mà miệng vẫn còn thèm. Giàn máy Karaoke đã được nhà chuẩn bị sẵn, anh sui của Thi từ miền Bắc vô thăm là người đầu tiên cầm micro khởi động chương trình “hát cho nhau nghe”. Giàn máy dường như lâu ngày không sử dụng nên âm thanh rọt rẹt, bài hát chạy chữ chưa như ý, nhưng không sao, vui là chính. Anh nào cũng có hơi men rồi nên hăng hái lắm, không sợ hát dở chút nào. Tỉnh táo nhất là Cảnh, lời ca nghe còn tròn vành rõ chữ, lên xuống theo điệu nhạc, hay! Khánh dù xỉn hát nghe cũng khá, còn đến Nhỏ, Tâm, Thông vv… thì dường như đã trở thành “hét cho nhau nghe”! Đến Bùi Tấn Thi cũng cầm micro tham gia văn nghệ, từ hồi nào đến giờ nghe hắn nói cũng đã hiếm, thế mà bây giờ được nghe hắn ca, quả là chỉ có tình cảm bạn hữu thân thiết mới khai khẩu hắn được. Bổng nhiên có bài ca vọng cổ nổi lên làm không khí yên lặng ngay, ai hát đây? Chính là Tú, cháu gái của Tuyết (lớp 04), kêu Tuyết bằng cô ruột. Giọng ca của Tú trong vắt, dường như thấm đẫm tấm tình của bài hát nên từng lời tuôn ra trầm bổng thiết tha, và rồi kết thúc ở một đoạn cao trào trong tiếng vỗ tay tán thưởng và ngạc nhiên của người nghe. Trong tấm hình chụp ở trước cổng trường gần 35 năm trước, Tú là đứa bé nhỏ xíu đứng trước cô Tuyết, thế mà nay Tú đã là mẹ của hai con, mới thấy thời gian không kể thì thôi, kể thì nó nhanh vô cùng!

Thế (lớp 02) và Hà (C19) phải bay về Sài Gòn chuyến chiều hôm nay nên phải tạm biệt cả nhà sớm, và Minh Vũng Tàu lại muốn tranh thủ ghé về nhà ở xã Diên Sơn cách đây vài cây số, nên mọi người đã thu xếp một xe đưa cả 3 anh đi. Sau đó mọi người tiếp tục nhậu và hát Karaoke đến gần 5 giờ chiều mới kết thúc.

IMG 5698 
Cháu Tú là cháu bé xíu đứng trước Tuyết (lớp 04). Tấm hình chụp khoảng năm 1982.
 
IMG 5706 
Ăn trưa tại trang trại nhà Bùi Tấn Thi. Mồi nhậu bạt ngàn, lòng người hân hoan, cho nên chén thù chén tạc tưng bừng!
 
IMG 5710 
Bàn nữ yên lặng hơn, không nhậu nhẹt nên có điều kiện “tập trung chuyên môn“ tốt hơn.
 
IMG 5714 
Bàn này sao thức ăn còn nhiều thế này? Chắc là mới tăng cường!
 
IMG 5715 
Bàn này chỉ toàn dân địa phương Khánh Hòa. Các anh chị đã giúp đỡ tinh thần và vật chất cho chuyến đi này diễn ra rất vui.
 
Từ trái sang: Tâm (03)_Phê (vợ Tâm)_Vợ Thi_Thi (10)_Minh Vũng Tàu (04)_Mai (vợ Minh)_Hằng(10)_Anh Ba (Chồng Hằng)_Chu (06)
 
IMG 5720 
Tâm và Thông cộng tác với chương trình “Hét với nhau”, phục vụ bàn nhậu trong sân nhà Thi
 
IMG 5721 
Nhỏ cũng xông lên cầm micro cùng với Khoa (vợ Thông) song ca phục vụ thính giả
 
IMG 5722_HH 
Cuộc vui dường như không muốn dứt, nhưng làm sao được vì phải về Sài Gòn đêm nay trên chuyến tàu rời ga Nha Trang lúc 19g. Cho nên khoảng 17g Thông đành nói mấy lời tạm biệt Thi và cảm ơn sự tiếp đón hết sức nồng hậu thân tình của gia đình. Mọi người ra sân chụp tấm hình kỷ niệm dưới nắng chiều, gương mặt ai nấy đều rạng rỡ niềm vui và hạnh phúc.

Xe đưa cả đoàn rời nhà Thi, đến ga mới 17g30, còn đến 1 tiếng 30 phút nữa, biết làm gì cho hết giờ đây? Không phải lo nhiều, Mười đã rút chai rượu thuốc còn dang dở ra, rót ngay cho Phạm Thái một chung, rồi một chung cho Khánh, chung nữa cho Nhỏ; một lát sau thì Khánh gật gù trên băng ghế ngồi chờ tàu mà Mười vẫn còn làm chủ xị hăng hái lắm. Minh (lớp 09) thì lặng lẽ chuồn qua bên phòng vé kế bên, mua vé tàu ngược ra Bắc để về nhà (Tam Kỳ-Quảng Nam), hỏi hắn về chỉ một mình có buồn không, hắn trả lời “méc chi mà bùn, được chơi dới boạn bè thân tình thủa mứa như ri có cho dòang cũng không bèng”! Bổng vợ chồng Tâm (lớp 03) bước vô, khệ nệ mang mấy chục hộp cơm gà do Phê (Vợ Tâm) nấu chuẩn bị cả buổi chiều nay ở nhà, lo cho mọi người lên tàu tối nay được ăn ngon, sạch sẽ, không phải mua thức ăn trên tàu kém vệ sinh. Tình cảm này thật khó quên, chỉ có bạn bè thân thương mới đối xử thế này chứ tiền bạc nào mà mua được?

Nhưng chưa hết, một lát sau lại thấy Thúy Vân (lớp 04) vác vô một bao bánh mì thịt, nói là để bạn bè ăn thêm vì sợ khuya trên tàu đói bụng. Chắc chắn rằng những ổ bánh mì này ngon hơn bánh mì Sandwich, Mac Donald hay gà chiên Popeyes, vì sao? Đơn giản là vì có chứa tình bạn lâu năm trong đó, một loại gia vị quí hiếm không có bán trên thị trường!

IMG 5723_Th_MB
Mười_Phê (vợ Tâm)_Khoa (vợ Thông)_Tâm trước bao đựng những hộp cơm gà.
 
IMG 5724_Th_MB 
Mười nâng niu cả Thúy Vân và những ổ bánh mì.

Tàu chuyển bánh rời Nha Trang đúng 19 giờ. Hồi nãy đứng dưới sân ga Mười lăng xăng sắp xếp “mồi màng mới được tiếp tế hùng hậu quá, lên tàu qua buồng tao nhậu tiếp!”, nhưng tàu lắc lư khoảng 15-20 phút thì buồng gồm các giường số 9,10 và 11 của 3 ông Mười, Thái, Khánh êm re, lặng như tờ, đều đều tiếng ngáy không biết của ông nào, hóa ra cả 3 ông đều thẳng cẳng, thăng hết rồi! Bao nhiêu là bia rượu cả ngày nay, chịu sao nổi?

Nhìn ra ngoài, màn đêm điểm xuyết bởi những ngọn đèn dầu xa xa trong những ngôi nhà quê, tàu lao đi vùn vụt, bánh sắt nghiến vào đường ray ken két, sầm sập. Ai nấy sau bữa ăn tối thịnh soạn do bạn tặng (cơm gà hộp+bánh mì thịt) đều nhanh chóng thu dọn để ngã mình trên nệm êm tìm giấc ngủ...

Đêm trôi qua nhanh như tốc độ của tàu, trời còn tối om đã nghe loa phóng thanh báo “xin quý khách lưu ý, tàu sắp vào ga Sài Gòn”, nhìn đồng hồ: mới 3g30 sáng.

Chuyến thăm Nha Trang năm nay đầy những ngày vui, nhật ký những chuyến đi thăm bạn bè C16 năm xưa đã thêm một trang khó quên. Xin cảm ơn các bạn C16 ở Khánh Hòa lần nữa, không có lòng nhiệt tình và quí bạn của anh Ba, Hằng, Tâm, Phê, Vân, vợ chồng Thi, Sơn thì những ngày thăm Nha Trang vừa rồi không thể vui như thế.

Hẹn gặp lại các bạn trong chuyến đi năm sau.

Thân mến,

 

Trần Thông tường trình
Sài Gòn 09/10/2016

 

Ghi chú: những chuyến đi thăm bạn bè ở các tỉnh do BLL C16 tổ chức những năm qua:

            2009: An Giang+Đồng Tháp
          2010: Tiền Giang+Bến Tre
          2011: Nông trường Bời Lời (Tây Ninh) + Bình Định + Phú Yên  
          2012: Quảng Ngãi+Hội An+Đà Nẵng
          2013: Cà Mau+Cần Thơ+Long An
          2015: Pleiku+Kontum+Ban Mê Thuột
2016: Nha Trang
 

 

 

 

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Hình ảnh Hình ảnh về khóa Chuyến đi thăm Nha Trang - 25-28/08/2016