Chuyến đi thăm Nông trường Bời Lời (Trảng Bàng-Tây Ninh) - 26/03/2011
- Chi tiết
- Viết ngày: 24/03/2017
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 2763
Bài tường thuật chuyến về thăm Nông trường Bời Lời hôm 26/03/2011 đã được đăng lên Trang Web cũ của khóa, không may trang Web đó đã không còn dùng nữa mà bài vở cũng ...mất theo luôn. Để lưu giữ những hình ảnh đẹp cũ, Thông đăng lại vào trang Web mới này, mời các bạn xem.
-----------------------------------------------------
Từ đầu tháng 3 qua thông tin của BLL phổ biến trên email và website bạn bè C16 đã xôn xao chờ đợi chuyến đi “về nguồn” lịch sử này. Số lượng đăng ký đi là cao nhất từ trước đến giờ.
Sáng Thứ Bảy 26/03/2011 mọi người đã tập trung tại trường cũ (279NTP), ngồi quây quần bên quán café cóc vĩa hè. 7g30 lên xe xuất phát với 12 người, ra đến ngã tư An Sương thì nhận tin Bùi Nguyên Khánh (lớp 08) báo đã đi xe riêng cùng với gia đình lên thẳng điểm hẹn, và nghe tin Cao Văn Năm (lớp 06) đang rượt theo đoàn do bận việc công ty không đến 279NTP kịp giờ. Đến Hóc Môn đón Ngọc Tuyết và Ngọc Khoa (lớp 04) ( Khoa từ Bình Dương đi xe máy qua nhà Tuyết từ sáng sớm ); lên đến chân cầu Bông (Quốc Lộ 22) cả đoàn dừng lại ăn sáng thì Cao Văn Năm vừa bắt kịp đoàn.
Buổi ăn sáng bánh canh thật ngon vì hương vị mộc mạc quê hương và vì được “chủ nhà” Phan Ngọc Tuyết (lớp 04) chiêu đãi.
Ăn sáng xong đoàn tiếp tục lên đường, đi độ 45 phút thì đến ngã ba Trảng Bàng, đã thấy chị Hoàng (C15) , Đỗ Quang Còn (lớp 01) và Lê Dũng (lớp 12) cùng gia đình Khánh (lớp 08) đã chờ sẵn ở 1 quán café ven đường. Tay bắt mặt mừng vì đã bắt liên lạc được với “giao liên” dẫn đường. Khánh / Dũng / Còn lên luôn xe của đoàn cùng đi.
Nhìn con đường mang tên Bời Lời bao nhiêu kỷ niệm bổng bồi hồi kéo về, hơn 30 năm đã trôi qua, vật đổi sao dời, mà con đường vẫn còn đó để hôm nay những người tóc xanh non trẻ mấy chục năm xưa trở về thăm, với những mái đầu đã bạc màu phong sương…
Xe chạy quanh co hồi lâu, qua nhiều xóm nhà, xuyên mấy lô cao su, vượt nhánh kênh đông Dầu Tiếng, băng lộ mới mở xuyên Việt…. Cố lục trí óc ra tìm một vài dấu tích cũ nhưng không thể nào nhớ nổi hồi xưa nó như thế nào thì làm sao biết bây giờ nó ở đâu. Phải chi hồi xưa có một toà lâu đài thì bây giờ còn biết mà tìm, chứ còn lúc đó toàn nhà tranh vách lá, đường đất đỏ, rẫy trồng mì, và mọi thứ đã đổi thay, thì bây giờ chỉ còn một nỗi hoài niệm mênh mang rằng đã từng có …một Bời Lời ở đây. Hay là phải chi có Lê Khánh Hiệp (lớp 10-đang ở California-Mỹ), chắc rằng thế nào Hiệp cũng tìm ra mấy dấu vết xưa, bởi vì trên 30 năm sau mà Hiệp mới đây vẫn viết được một bài thơ đầy màu sắc và hương vị Bời Lời!
Nhưng cũng may có Thế (lớp 02) còn nhớ vanh vách là lần đầu lên vùng này có đi với thằng Lộc cùng lớp xuống tắm một con suối kế cái cầu sắt. Ít ra cũng còn có cái để mà nhắc với người địa phương.
Khoảng 11g trưa đoàn vô tới văn phòng nông trường Bời Lời, được anh Ba Phi, Phó GĐ nông trường tiếp chuyện, mọi người tranh nhau nhắc hồi xưa thế này, hồi đó thế kia, toàn ký ức của một thời trẻ trung sinh viên, chưa biết yêu là gì, mà bây giờ có người đã làm sui gia và có cháu bồng rồi!
Anh Ba Phi cho người dẫn đoàn ra cái suối mà Thế nhắc tới, quả nhiên có cái cầu sắt Bến Sắn còn nguyên ở đó. Nước trong vẫn trôi lững lờ tưới mát cho những rẫy trồng mì chung quanh. Mọi người nhao nhao đứng vô chụp hình lấy ý “cảnh cũ-người xưa”
Khoảng năm 1840 Bà Huyện Thanh Quan khi từ Thái Bình về thăm lại Hà Nội xa cách nhớ nhung đã viết bài thơ “Thăng Long Thành hoài cổ” như thế này:
Đó là Bà Huyện đã thấm mùi thế thái nhân tình nên những dòng thơ của Bà có màu ưu tư, còn các cựu sinh viên này nhìn nước suối chảy róc rách không thấy gì “cau mặt với tang thương” hết, và “cảnh đấy người đây” cũng đầy vui vẻ hân hoan. Các bạn nữ lội xuống rẫy trồng mì chụp một tấm hình lưu niệm đẹp lung linh, ai nấy cũng rạng ngời, có gì đâu mà “đoạn trường”.
Mới hay rằng cảnh sắc bên ngoài có sầu bi hay đẹp đẻ chẳng qua do lòng người mà ra thôi, bởi vì “ người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Thăm cầu Bến Sắn xong nông trường đưa đoàn ghé thăm nhà nông trường cũ, đó là một dãy nhà gạch đã cũ, xung quanh dây nhợ leo chằng chịt, mọi người cố hình dung lắm nhưng chỉ nhớ mài mại hình như là..., và hình như là….
Chỉ duy nhất có một bụi tre có vẻ quen quen nhờ nó tỏa ra khá rộng chứng tỏ đã già lắm rồi, mà già là quen với C16 chớ còn trẻ chắc chắn mới đẻ gần đây! Thế là mọi người gọi nhau tụ lại chụp mấy tấm hình lưu niệm nữa. Mấy ông nam đa số ông nào đầu cũng bạc, cuời cũng nhăn, nhưng mấy bà nữ bà nào nhìn cũng tươi tắn yêu đời. Phải chăng đó cũng là qui luật bù trừ, nữ vất vả và ít nhậu nhẹt hơn nên trời cho trẻ lâu hơn, thế thôi.
Trở về văn phòng nông trường đã thấy 2 bàn dọn sẵn chờ mọi người “khai cuộc”. Mấy thùng bia nằm ngăn nắp chờ, nhưng tụi mình chọn rượu đế, bởi vì rượu đế đi với mấy món dân dã thì mới hạp. Gà đi bộ luộc chấm muối tiêu chanh, tép xào đu đủ hườm trộn rau thơm, trái điều xắt chấm nước tương, bánh tráng cuốn cà rốt với nấm luộc . Nhiêu đó thôi đủ làm ruợu tuôn như suối chảy dưới cầu Bến Sắn! Đến nỗi Sử Văn Minh lớp 04 đang bịnh (ăn kiêng) cũng phải ực vài ly. Chủ xị Nguyễn Văn Mười kiểm soát phân phối chặt chẻ không ai thoát vòng nào, bắn bổng là bắn bỏ, nguyên tắc của giới đệ tư lưu linh luôn được quán triệt! Đỗ Quang Còn cùng Lê Dũng giữ ngôi “chủ nhà” đúng bài bản, nâng ly nào sắp uống là đều có vài lời phi lộ thân tình. Anh Ba Phi (PGĐ nông trường) uống đứng và đi vòng bàn tiếp khách thể hiện lòng quí trọng khách từ xa đến. Thông tay mặt đoàn tặng cho nông trường một hộp rượu tây để tỏ lòng tri ân sự đón tiếp chân tình và nồng hậu dành cho đoàn. Bàn nữ ngồi kế bên cũng đâu có thua ai, cứ cách vài chục phút là lại nghe hô “ một…hai…ba…zzzzôôôô..”. Trong bàn có vợ và con gái của Bùi Nguyên Khánh (lớp 08). Hẳn là cháu rất ngạc nhiên trước tình cảm vô tư và tấm lòng không quên những kỷ niệm thời trẻ của bạn bè của ba cháu.
Buổi tiệc đã thăng hoa lên cao độ, mọi người nói chuyện rất hăng hái… nhưng cũng phải đến lúc giã từ vì chương trình buổi chiều còn lên Tây Ninh nữa, đành phải nói lời tạm biệt. Ghi số điện thoại của nhau xong mọi người ra cửa chụp tấm hình lưu niệm. Lên xe, những cái vẫy tay nhạt nhòa qua cửa kính của kẻ ở người đi làm cho lòng người bỗng chút bâng khuâng: biết bao giờ mới có dịp trở lại nơi này??
Đỗ Quang Còn chỉ đường đi tắt qua huyện Dương Minh Châu sẽ về Hòa Thành (Tây Ninh) nhanh hơn quay lại Trảng Bảng được vài chục cây số.
Con đường đất đỏ cuốn bụi mờ trôi xa dần, Bời Lời chỉ còn là mấy đường viền sau các vạt rừng cây cao su đang mùa xanh lá. Chị Hoàng C15 đề nghị đoàn ghé dừng chân thăm Hồ Dầu Tiếng. Tại sao không? Dễ gì có dịp đi chơi, tranh thủ luôn. Đi khoảng hơn 1 cây số từ bìa rừng cao su là đến, mùa nước cạn nhưng thấy hồ cũng đã mênh mông. Mọi người xuống xe nghĩ ngơi chốc lát, máy chụp hình lại được lôi ra, hết chụp chung toàn đoàn đến chung 2 người, 3 người, chung lớp, rồi khác lớp, tóc bay trong gió không đeo kiếng, rồi đeo kiếng có hậu cảnh lòng hồ và Núi Bà…, đủ kiểu rồi mới chịu đi…
Xe đến khuôn viên Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh lúc 2giờ chiều. Nội ô Tòa Thánh có diện tích độ 100 mẫu, bao bọc bởi 4000m hàng rào bằng gạch có trang trí hoa văn. Tòa Thánh được khởi công xây dựng năm 1926, trãi qua nhiều khó khăn do chiến tranh tao loạn, mãi đến ngày 01/02/1955 mới được khánh thành bằng một đại lễ rất long trọng.
Đạo Cao Đài quan niệm sự đồng nguyên của Tam Giáo (Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo). Bước lên các bậc thềm là vào Tịnh Tâm Điện, nơi có tượng Tam Thánh, đó là:
- Đức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngài cầm bút lông viết tám chữ Nho “ Thiên Thượng, Thiên Hạ - Bác Ái, Công Bình.”
- Đại văn hào Victor Hugo (Pháp). Ngài cầm bút lông ngỗng viết các chữ Pháp “ Dieu et Humanité – Amour et Justice (Thượng đế và Nhân loại – Bác ái và Công bình)”.
- Nhà cách mạng Trung Hoa Tôn Dật Tiên, người đã lập nên nền dân chủ với chủ nghĩa Tam Dân (Dân tộc độc lập-Dân quyền tự do-Dân sinh hạnh phúc ). Ngài cầm nghiên mực tỏa hào quang, tượng trưng dung hòa văn hóa Đông Tây, đặt trên nền tảng triết lý cổ của Nho giáo.
Hơn nữa giờ tham quan và chụp hình lưu niệm, đoàn lên xe rời Tòa Thánh đến điểm hẹn giao lưu với các cựu sinh viên các khóa khác. Nơi đến là một địa danh nổi tiếng ẩm thực của đất Tây Ninh, quán Vũng Rau Muống, có lẽ để nhắc hồi trước đây có một vũng rau muống chăng? Nhờ Còn và Dũng đã sắp xếp trước nên vừa ngồi vào bàn là các món đã được dọn lên ào ạt, Còn cho biết đã đặt món Thằn lằn núi cho biết đặc sản Tây Ninh nhưng đã hết hàng. Bia vừa mang lên đã kịp thấy Hoàng (C19-Cty Xây dựng Phát triển Đô thị Tây Ninh) và Trung (C19-Kho Bạc Nhà nước tỉnh). Lát sau có thêm Hậu và Đức (C18- đều làm ở Quỹ Đầu Tư Phát Triển Tây Ninh) và Dũng (C20-Bảo hiểm Viễn Đông). Đặc biệt có sự xuất hiện của chồng của chị Hoàng C15 (là anh Dũng). Đồ ăn đặt quá nhiều , sắp ra đầy bàn, hơn 25 người dù đã tăng sức gắp lên nhưng vẫn không hết!! Bia bọt cụng ly lách cách cùng tiếng nói chuyện ồn ào cả một góc quán. Các thực khách ở các bàn kế bên chắc hẳn rất ngạc nhiên vì thấy một lực lượng hùng hậu như thế. Nếu kể cả Khoa (C17-vợ Thông) thì hôm nay có mặt đến 6 khóa ( 15/16/17/18/19/20) của trường Đại học Tài chính Kế toán năm nào. Trong cảnh phấn khích như thế Thông cũng đã kịp cho mỗi người ghi lại danh sách cùng số điện thoại để sau này có gì còn liên lạc. Mà cũng lạ, các khoá khác (trừ chị Hoàng C15 ) đâu có quen C16 mấy, thế mà nghe báo có đoàn C16 lên thăm các bạn đã đến tham dự gần như đông đủ, đó là điều làm cho mọi người rất cảm kích và trân trọng. Phải chăng nhờ chúng ta cùng xuất thân từ một mái trường chung 279 NTP trong những ngày gian khó năm xưa?
Sau 2 tiếng đồng hồ chinh chiến, đến khoảng 5 giờ dù lưu luyến nhưng đoàn cũng phải nói lời tạm biệt vì đường về còn xa mà trời đã sắp tối. Còn và Dũng nhứt quyết không cho đoàn trả tiền cuộc nhậu hôm nay vì Tây Ninh muốn “ giành” quyền được chiêu đãi các bạn C16 từ xa đến thăm. Trước thịnh tình của chủ nhà, Thông sau khi hội ý nội bộ đành phải “nhường”, và xin được nói lời cảm ơn các bạn Tây Ninh rất nhiều, mong sẽ có dịp các bạn đi Sài Gòn chơi cho C16 được tiếp đón. Thông cũng đã thay mặt đoàn gởi tặng các món quà lưu niệm cho chị Hoàng C15 và các bạn khóa khác. Đã nói nhiều rồi nhưng Thông phải nói nữa là đoàn rất cảm ơn chị Hoàng đã dành sự ưu ái giúp đỡ rất nhiệt tình cho chuyến đi này, và không thể không nhắc lại Còn và Dũng, hai bạn hiền của C16 đã “quên mình” cho một ngày thăm lại hoài niệm xưa Bời Lời và đoàn tụ bạn bè ở Tây Ninh đẹp như trong tranh.
Cả đoàn đã ra trước quán chụp chung tấm hình lưu niệm trước lúc chia tay. Đây sẽ là một tư liệu qúi hiếm, một “tấm thông hành” cho những ai có nó trong tay khi đi các địa phương có dịp gặp các cựu sinh viên các khóa khác của trường.
Lên xe rồi mọi người còn chưa hết dư âm gặp gỡ, vẫn nói chuyện với nhau mãi về chuyến đi, và đã phải kết luận một câu là : “những ai không đi chuyến này chắn chắn là sẽ rất tiếc!!!
Xe gần đến Hóc Môn , Ngọc Tuyết (lớp 04) mời mọi người ghé vô uông café dừng chân, nhưng mọi người do đường xa và giao lưu uống khá nhiều nên đã mệt, đành hẹn lại : “buổi uống café C16 cuối tháng tư 2011 sẽ lên”.
Xe về đến trường cũ 279 NTP đã gần 8giờ tối, mọi người chia nhau mấy củ khoai mì của nông trường Bời Lời cho, còn bao nhiêu mang tặng hết bảo vệ trường. Thông / Muời / Thái Thanh / Cao Văn Năm dường như hồi sức sau mấy giờ đi xe, nên đã ngồi thêm mấy chục phút, làm thêm mấy lon bia nữa ở quán Phụng Vỹ kế trước cổng trường rồi mới chia tay.
Bời Lời, nơi đong đầy kỷ niệm đầu đời thuở sinh viên. Những bông hoa đầu mùa bao giờ cũng ngát hương.
Thân mến,