Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 9
- Chi tiết
- Viết ngày: 27/02/2020
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 953
Bời Lời, một địa danh mà không C16 nào có thể quên. Trong loạt bài ký sự thăm Miền Đông Nam bộ năm 2019, Châu Trân nhớ về những kỷ niệm thời đi lao động trồng mì ở đó, trí nhớ tuyệt vời, lời kể dí dỏm cùng những rung động mơ màng...
Mời các bạn xem.
(Tiếp tục ký sự Miền Đông)
Có một Bời Lời,
Buổi sáng Long Tân, uống cà phê quê Thông ngửi hương rừng vùng đất đỏ, giữa màu xanh cây lá nghe tiếng chim ca mà trân trọng khát vọng của con người, thêm yêu gia đình bạn cùng nơi chốn này để hứa một ngày trở lại. Còn bây giờ là lúc chia tay, chụp một tấm hình trong lưu luyến rồi Sương là em rể Thông chở chúng tôi về Phú Hoà Đông, một làng quê đong đầy trong tui miền dấu ái.
Xe chạy về hướng tây đến sông Sài Gòn thì rẽ trái, biết tui tính giang hồ nên Sương giải thích là mình đang đứng ở ngã ba biên giới của ba tỉnh, chỗ này vẫn còn huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương, chạy xuống 10 cây số qua cầu là đất Củ Chi của thành phố, còn bên kia sông là đất Tây Ninh huyện Trảng Bàng. Nghe đến Trảng Bàng tui chợt hỏi: “bên kia sông năm cây số có phải Bời Lời”, Sương gật đầu trong chút ngạc nhiên khi nghe tui nhắc đến địa danh này. Tui đùa với Sương là mình từng đi qua nơi ấy và đã gửi lại một mối tình.
Trước hè năm nhất (1979) được thông báo đi lao động hai tuần ở Nông Trường Bời Lời, nhiều bạn lo lắng không biết nơi ấy nắng gió thế nào nhưng lại là tin vui cho đám học trò làm biếng học. Rộn ràng nhất là Lê Khánh Hiệp, tháng trước khi họp kết nghĩa với lớp 10/c15 có người phỏng vấn cảm tưởng khi học ngành kế toán nông nhiệp, Hiệp cất tiếng Bắc kỳ Khánh Hội mà tâm sự “ Cả đời tôi chưa có dịp thấy cây lúa bao giờ, đây là dịp để xách dép theo mấy nàng c15 mà biết thêm về cây lúa”. Do giọng xấc láo nên mấy em c15 không cho kết nghĩa học nghề nông nghiệp, nên bây chừ nghe đi lao động hắn rạo rực trong lòng, mơ ngày hẹn hò với lúa nông trường.
Chiếc xe đò Reuno chở hơn 20 đứa rời trường đi tuyến Tây Ninh, đến chợ Trảng Bàng thì quẹo phải theo một con đường đất đỏ, mỗi lớp một xe, 12 chiếc nối nhau làm bụi đất tung trời. Chợ búa xa dần và nhà cửa đã bắt đầu thưa thớt, đi khoảng 10 cây số thì đoàn xe dừng lại ở một ngôi làng, một làng quê không trong tưởng tượng vì chẳng thấy ruộng đồng bờ dậu, rải rác có vài chục nóc nhà tranh vách đất với không nhiều bóng dáng con người, không có cây lúa như Hiệp từng mong đợi.
Trời đã về chiều, lớp 10 hơn hai mươi đứa về bốn ngôi nhà nhỏ, nữ ở một nhà còn lại là nam. Nhà của tui ở xa nhất trên một ngọn đồi thấp, hai vợ chồng chủ nhà và em bé nhỏ ngủ sau bếp để nhường lại phía trước cho năm thằng sinh viên, không có giường nên cả chủ và khách đều nằm trên nền đất sét, mùi đất Bời Lời khô lạnh nhưng ấm áp giữa bạn bè.
Đêm đầu tiên là đêm không ngủ, năm thằng kéo tấm bạt ra ngoài sân phi thuốc lào và hát nhạc tình ca. Hiệp Khánh Hội là dân thuốc lào chuyên nghiệp, khi hút nó nhắm mắt rồi mở ra rít hơi chót tạo nên một tiếng kêu nghe rất đã. Đức Phêro dân Tân Bình điệu nghệ với ngón guitar hát sai cỡ nào nó cũng đệm được theo. Thành Đội của Mỹ Tho chỉ chơi vọng cổ, nó nói thuốc lào làm cho nó ngân được hơi dài. Mười Long An thì không hát mà chỉ kể chuyện cười, nó có thể nói 100 tiếng ĐM một hơi như tụi trẻ hát rap bây giờ. Tui, Pot là dân gốc rạ Điện Bàn, hát dở nhưng la to trong hạnh phúc của đêm thâu bên bếp củi bập bùng. Năm thằng thường xuyên trốn học của lớp 10 vô tình được ở một nhà, và đêm ồn ào không ngủ đã làm náo động một góc trời. Đến một giờ đêm thì bí thư Đào xuất hiện, chị yêu cầu chấm dứt tiếng ồn và đi ngủ để ngày mai lao động, chúng tui tuân thủ nhưng vui quá hét hò trở lại, chị trở lại lần sau tụi nó mới chịu vô nhà.
Lớp 10 tụi tui sợ nhất là bí thư Đào, dân chơi Hiệp Khánh Hội gặp ai cũng gọi bằng em ngọt sớt nhưng riêng Phùng Vương Anh Đào thì hắn khép nép gọi bằng chị, và tui cũng vậy chưa bao giờ dám gọi bằng tên. Chị Đào từ Vĩnh Long là bí thư chi đoàn của lớp, chị có giọng nói miền Nam rất mềm nhưng cương quyết, tui nhắc lại đây như một lòng biết ơn đến chị cũng như biết ơn đến lớp trưởng Dược Mộc Hoá của tui, có lần tui và Thành Đội bị kêu lên khoa và cô Sâm cho biết là “ Đào với Dược che chở cho tụi em chứ khoa biết tụi em đến lớp mỗi tuần chỉ có một lần”.
Buổi sáng hôm sau cả lớp đi bộ lên rẫy trồng khoai mì, chia làm ba nhóm, một nhóm đào lỗ, một nhóm thả cây, và một nhóm lấp đất. Trong tình vui hăng hái tuổi đôi mươi, một ngày lớp tui trồng cũng được trên ngàn khóm. Buổi trưa tui được phân công về gánh cơm lên rẫy, bếp trưởng Mười là một tay nấu ăn chuyên nghiệp, cũng chừng ấy nguyên liệu nhưng món ăn hắn chế và trưng bày ngon và đẹp hơn nhà bếp rất nhiều. Phụ bếp cho Mười là Lâm Thị Mỹ Nguyệt, người đẹp Gò Vấp lớp tui với chiếc yamaha xanh mà mỗi khi đến trường khói toả rất kiêu sa. Tui hồi nhỏ ở quê làm nông nên gánh nặng không là chuyện khó, chỉ là gánh lên rẫy đi cả gần cây số rất oải nên tui xin lớp phó Mười cho Nguyệt đi theo phụ, và tui đã được đi cùng nàng trên con đường mòn đất đỏ Bời Lời mê diệu ấy. Nàng là dân sè ghềnh nên đi nhanh đau gót, tui mê giọng sè ghềnh nên đi càng chậm càng phê. Nguyệt rời trường sớm để hơn 10 năm sau tui vô tình gặp lại nàng trên đất Mỹ, kể lại tâm tình tui chuyện gánh cơm nàng nói “lúc đó nhìn ông bặm trợn thấy mồ đâu có dám đi gần”, và tui đã tiếc cho vóc dáng đen đúa giống Pôn Pốt của mình.
Do đi gánh cơm quá lâu tốn thì giờ nên ngày hôm sau lớp trưởng cho cả lớp đi về ăn cơm trưa rồi đi làm lại, chúng tôi ăn cơm ở ngôi nhà lớn của ông Tư. Ngôi nhà tuy lớn nhất vùng nhưng chỉ có mái tranh không có vách, thấy ông Tư nằm chái sau hút thuốc rê tui hỏi ổng đã ăn cơm chưa. Hiểu ra ổng chưa ăn, tui chạy đến Mười và hắn đã vét hết nồi mang cho ổng một tô cơm. Ông Tư ăn xong, nằm bệt xuống đất vỗ bụng mĩm cười một mình thỏ thẻ “ Phủ cơm xong bụng to dễ gãi, dễ ngủ”, nói xong ổng ngáy to chỉ sau vài phút. Sau này gặp nhau cà phê, Lê Khánh Hiệp một lần bâng khuâng không biết Ông Tư Phủ có còn ở nơi căn nhà không vách ấy không.
Làng Bời Lời tối ngày hôm sau mọc lên một quán chè ở đầu cầu Bến Sắn, Sơn Lưu (Nguyễn Xuân Sơn, người Cam Ranh lớp 07/c16) phát hiện và rủ tui đi tới xem thử. Quán chè có vài cái bàn lộ thiên và chỉ bán một loại chè là chè đậu phộng đường đen, sinh viên nam nữ c16 ngồi kín bàn, hai thằng không có tiền nên ra cầu ngắm trăng lên dù đang rất thèm chè. Tối hôm sau Sơn Lưu lại đến rủ tui đi ăn chè, hắn nói: ”Đêm qua, lúc quán đóng cửa tao quay lại dọn bàn giúp và đã làm quen với con gái bà chủ chè và nàng kết tao rồi”. Tin lời hắn tui đi theo đến quán, hai ly chè hắn kêu được cô gái múc rất đầy và tui đã ăn ly chè đậu phộng ngon nhất đời mình. Ăn xong tưởng Sơn có tiền té ra hắn vào ký sổ thiếu nợ với cô gái nghèo bán chè bên cầu Bến Sắn. Ly chè ký sổ ngày ấy đôi khi áy náy hiện về trong tui mỗi lúc thấy chè, tui nhớ quán nghèo và cũng nhớ đến Sơn Lưu, hắn qua Phi có gửi về một bức thư thăm bạn bè rồi mất liên lạc, nếu có duyên gặp lại tui sẽ bắt hắn quay lại Bời Lời gửi lại tiền chè cho người con gái.
Chủ nhà năm thằng tui ở đối xử tụi tui ân cần và nhã nhặn, mỗi ngày hai vợ chồng rời nhà lúc bình minh rồi chạng vạng mới về, không biết ăn uống ở đâu mà cái bếp lúc nào cũng lạnh tanh. Một đêm tò mò tui hỏi thăm thì mới biết hai vợ chồng đi hái điều (đào lộn hột) ở khu vườn gần sát sông Sài Gòn, ngày hôm sau tui trốn lao động để theo họ đi hái điều, đi bộ hai tiếng đồng hồ mới đến và tui đã ăn đào lộn hột cả ngày để ngán đến bây chừ.
Chiều cuối cùng được miễn lao động, năm đứa phụ chủ nhà đào khoai mì cũng như làm cỏ sau vườn, làm xong ông chủ dặn tối nay ở nhà ăn chè đãi sinh viên về thành phố. Chúng tôi ngồi vòng quanh và chị chủ nhà bưng lên một nồi chè long tu, là cây giống xương rồng mọc hoang ở sau nhà, tội nghiệp nồi chè to nhưng chỉ có nhúm đường nên muốn ngọt nữa cũng đành thôi.
Đó là đêm tiễn biệt, lũ sinh viên trở lại Sài Gòn tiếp tục tung tăng với tuổi đôi mươi, Bời Lời bỏ lại đằng sau giống như một trong trăm ngàn thôm xóm khác đã đi qua, ký ức về trưa nay khi vô tình đứng bên này sông Sài Gòn mà chợt nhớ bên kia đã từng có khu vườn đào lộn hột, gần đó có đất nghèo và kỷ niệm. Chợt nghĩ đến kiếp sau nếu đi học cũng sẽ xin đi trường Đại Học Tài Chính, khi quay lại Bời Lời sẽ hỏi thăm ông Tử Phủ đã phủ cơm chiều nay chưa, rồi ra quán chè thăm người em gái của Sơn Lưu bên cầu Bến Sắn.
Chỉ là phút mơ qua, của một mối tình Bời Lời quá đẹp.