Người gác ghi
- Chi tiết
- Viết ngày: 11/09/2012
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 2389
Los Angeles
9/9/12.
Kính thầy cùng bạn,
Năm 2007 lúc về thăm quê - ngồi nhậu với với một người bạn thời tiểu học dưới chân cầu Bình Triệu, chợt nghe tiếng còi tàu mà nhớ lại một kỷ niệm nhỏ thời ĐHTC, kể cho bạn ấy nghe.
Không biết sao bạn ấy lại thích câu chuyện lúc trà dư tửu hậu năm năm trước, ghi lại và gửi tặng em. Trân mời các thầy và các bạn đọc.
Chuyện xảy ra vào khoảng mùa thu năm 1979, Trân nhảy tàu ra Phú Khánh thăm người bạn thân là Nguyễn Xuân Sơn (lớp 7/c15). Câu chuyện cũng không có gì đặc biệt , chỉ thấy chút gần gủi vì có ký ức của 279 Nguyễn Tri Phương trong đó.
Sơn học lớp 7/c15 sau đó lưu ban xuống 7/c16, ở trong trường thêm mấy tháng rồi vượt biên. Năm 1979, Sơn có gửi một lá thư về trường thăm bạn bè từ Philippine, rồi từ đó mất liên lạc. Trân có đăng báo tìm bạn, có dáo dát trông tìm mỗi khi xuống phố Bolsa, nhưng hơn 20 năm rồi chưa thấy. Biết đâu bây giờ đã có ban liên lạc khóa (Tiến c15 và Thông c16), Trân lại tìm được bạn. Tiến và Thông cố giúp bạn hiền nhé.
Nhân dịp này Trân cũng xin phép giấy thiệu với các thầy và các bạn Trần Văn Thông là trưởng ban liên lạc c16, Thông rất nhiệt tình trong bạn bè và cũng là một cây bút của lò 279 Nguyễn Tri Phương, Trân sẽ gửi bài của Thông khi website c16 sửa xong.
Trong chuyến về vừa rồi, Long có tìm lại 2 người em gái là Minh (c18) và Tuyết (c19), Minh và Tuyết muốn tham gia sinh hoạt DHTCHN, Trân include trong email nầy.
Thân ái,
Châu Trân.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Người gác ghi
Tặng NCT và những hồi ức của bạn.
Tặng các bạn trong nhóm TL của tôi.
Tôi choàng tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm áo, bên tai vẫn còn nghe tiếng gió ào ào thổi qua rừng cây, tiếng còi tàu đang đi xa dần, và mắt như còn thấy tia lửa nhoáng dưới bánh tàu ở khúc quanh...
Ánh sáng mờ của đèn ngủ, tiếng ì ì của một chiếc xe hơi trước nhà nhắc rằng tôi đang ở đây, tại LA, trong lòng nước Mỹ. Trong một chốc lát, tôi như sống giữa hai thế giới đồng thời. Một chàng trai tuổi hai mươi, giữa khu rừng tối đen, và một người đàn ông bước vào tuổi năm mươi, đang yên ấm trong căn nhà của mình cách đó nửa vòng trái đất.
Từng âm thanh, từng hình ảnh sống động và chi tiết diễn ra như trong một cuốn phim chiếu nhanh. Điều gì đã gợi lại chuyện này? Tôi lục lọi trong trí nhớ của mình. Gần 30 năm nay nó hoàn toàn biến mất, để rồi bây giờ trở lại trong lúc không chờ đợi nhất, với đầy đủ hình hài. Như đứa bạn trẻ chơi trò cút bắt, ký ức trở lại "ú òa" một tiếng làm tôi bàng hoàng. Có phải tôi đang đến một khúc quanh trong cuộc đời?
Vợ tôi đang ngủ say bên cạnh, thở đều đều thật bình an. Em có biết những gì đang diễn ra trong tôi? Có lúc nào em gặp lại những hình ảnh xa xưa như tôi hiện tại?
***
...Năm đó tôi tròn 20 tuổi, đang học ĐH Tài Chính ở Sài Gòn. Một chàng trai gầy gò, đen nhẻm, chân đi không bén đất. Tôi bốc đồng, ham chơi, thích la cà, thích kết bạn và thích những cuộc phiêu lưu. Khác với các anh chị trong nhà, tôi có một tính cách khá tự do và nổi loạn. Những lời dạy bảo của ba tôi, một nhà giáo nghiêm khắc, chỉ gặp phải sự phản kháng của tôi. Tôi muốn tự mình tìm học. Cả thế giới hiện ra trước mắt để tôi chiêm nghiệm, với cảm xúc mạnh mẽ của mình. Tôi không chỉ học trong giảng đường, mà còn qua từng con người tôi gặp gỡ. Cuộc sống đa dạng ở SG khác xa với sự bình lặng ở Đà Nẵng. Tâm hồn mới lớn, sôi nổi và khát khao tìm hiểu của tôi phù hợp với vẻ đa dạng này. Sự nhạy cảm của tuổi trẻ đã tôi giúp lưu giữ trọn vẹn những trải nghiệm của mình.
Nhận được tin nhắn từ một thằng bạn ở Cam Ranh rủ ra thăm vì nó sắp đi xa. Không suy nghĩ, tôi ra ga Bình Triệu nhảy chuyến lên tàu đêm, chỉ với bộ đồ trên người, trong túi không có một đồng xu. Vào những năm đó, sinh viên nhảy tàu là chuyện bình thường. Các kiểm soát viên thường thông cảm với những đứa trẻ người non dạ này. Xui lắm là bị đuổi xuống tại một ga nào đó, để rồi lại đón chuyến tàu sau, nên dù đi một mình tôi cũng chẳng ngán. Vả lại Cam Ranh đâu có xa xôi gì, chỉ sáng sớm mai là đến thôi.
Lần này tôi không gặp may như vậy. Khởi hành lúc 9g tối, tàu chạy một mạch không dừng lại làm tôi yên tâm là chuyến đi sẽ trót lọt. Rồi vào khoảng hơn nửa đêm, lúc tôi đang ngủ gà gật thì tàu phanh gấp lại giữa rừng. Chừng năm sáu người đi lậu vé như tôi bị đuổi xuống không thương xót. Dù tôi đã trình bày, năn nỉ hết mức, người soát vé vẫn không lay chuyển. Tôi lăm le định nhảy lên lại một toa khác, nhưng những người nhà tàu có thừa kinh nghiệm để ngăn cản chúng tôi làm việc này.
Bóng tối vây quanh mịt mùng khi con tàu khuất đi ở một khúc quanh. Những người bị đuổi cùng với tôi, hình như cùng một hội, nhanh chóng tản mất vào bóng đêm. Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết họ là ai, và đến đây làm gì. Chỉ tội thân tôi, vì muốn thăm một thằng bạn mà bị lạc giữa rừng khuya, phong phanh, lạnh lẽo và còn chưa tỉnh hẳn khỏi giấc ngủ chập chờn. Tôi không biết mình đang ở đâu, tàu dừng lại giữa đường hay gần một nhà ga. Tôi nhớ đó là một đêm cuối tháng trời nhiều mây. Mắt tôi còn chưa quen với bóng tối, chỉ thấy loáng thoáng hai bên đường tàu những hàng cây cao, rất cao. Một cơn gió nổi lên đột ngột và cả rừng cây chuyển động rào rào, như tiếng một bầy trẻ con rộ lên tiếng cười. Rồi thoáng chốc lại yên tĩnh, âm u. Chúng muốn nhát ma tôi chăng? Nỗi sợ hãi choáng ngập lòng tôi. Dạ dày tôi như thắt lại. Tôi chưa biết sẽ mình phải làm gì. Phản xạ tự nhiên của tôi là bước xa đường tàu, để phòng khỏi bị chuyến tàu kế tiếp cán phải.
Rồi trong cơn mê mụ ấy, tôi thấy một ánh sáng chập chờn nhảy múa, tiếng bước chân đi về phía tôi và tiếng hỏi "nhảy tàu bị đuổi hả?". Câu hỏi không đầu không đuôi, nhưng chắc chắn là hướng đến tôi. Đây là tiếng người. Tiếp theo là "đi theo anh". Có lẽ cái áo sơ mi màu trắng của tôi đã được anh Đức nhìn thấy trong bóng đêm. Chắc là do quen làm việc trong bóng tối nên mắt anh rất tinh. Vâng, tôi đã gặp anh Đức trong tình cảnh như vậy.
Anh Đức dắt tôi về nơi ở của anh, đó là một cái trạm gác nhỏ xíu, cũ kỹ nằm bên đường tàu. Cái trạm làm bằng xi măng, hình vuông, mỗi cạnh khoảng chừng 2 mét này có lẽ được xây từ thời Pháp thuộc. Tôi chỉ thấy nó khi đến gần, qua ánh sáng chập chờn của ngọn đèn bão anh xách trên tay. Cánh cửa gỗ đang mở sẵn, tôi theo anh bước vào. Vừa đói vừa lạnh, răng tôi gõ nhịp. Anh Đức như đoán biết, bảo "uống nước đi, ăn cơm nguội nhé". Cách nói của anh thật tự nhiên, như của một người anh lớn với đứa em trai. Tôi chỉ biết gật đầu và cám ơn lí nhí trong miệng. Anh lui cui thổi lửa để hâm lại nồi cá cho tôi ăn. Cái đèn bão để trên chiếc bàn kê sát cửa soi ánh sáng lên các đồ vật trong phòng. Lúc đó đã tỉnh táo hơn nhờ ly nước ấm anh đưa, tôi bắt đầu quan sát chung quanh. Bên ngoài thỉnh thoảng lại nổi lên một cơn gió. Cả cánh rừng khua động, từ xa, đến gần, ào ào, rồi đi xa dần, như đàn trẻ nhỏ xôn xao chạy qua. Nhưng giờ đây tôi không còn thấy sợ nữa.
Cái trạm nhỏ chỉ vừa đủ chỗ kê một cái bàn làm việc cũ kỹ, một chiếc giường gỗ thấp ọp ẹp và cái bếp. Tất cả đồ vật đều im lìm trừ cái bếp, nơi duy nhất có ánh lửa mang đến sự ấm áp cho trạm. Trên bàn có một cái điện thoại, chiếc đèn bão, một đèn hiệu có kính màu xanh, một số cờ hiệu và một cuốn sổ ghi chép. Đây là những dụng cụ làm việc của anh, người gác ghi. Trên tường có một kệ nhỏ, có vài hộp thuốc, bông băng, mấy cuốn sách giáo khoa toán, lý hóa lớp 12, nhìn là biết ngay. Ngoài ra còn mấy quyển sách dày nữa, được bọc bằng giấy bao ximăng màu vàng nhạt. Tôi mê sách từ nhỏ, nên tò mò lôi một cuốn ra kê gần đèn để xem, đó là Anna Karênina, truyện của Lev Tolstoi. Cuốn truyện cũ lắm, chắc anh đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Trong đầu tôi thoáng qua một hình dung về cuộc sống và những ước vọng của người đàn ông cô độc này.
Tôi nhớ đến người thắp đèn cần mẫn và bận rộn trong truyện Hoàng Tử Bé. Anh Đức cũng giống người này. Nhiệm vụ của anh là chuyển đổi làn đường sắt khi cần, để một chiếc tàu chậm vào đường tránh để nhường chỗ cho một chuyến tàu nhanh. Ngày hay đêm, mưa hay nắng, những chuyến tàu đi qua cần phải được hướng dẫn. Làn đường phải được bẻ đúng. Một chút lơ là, một cục đá kẹt giữa 2 đường ray có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc. Một nghề nghiệp cần lương tâm và sự tỉnh táo cao độ. Có lẽ anh không bao giờ có được một giấc ngủ trọn vẹn. Có lẽ anh ngủ mà tai vẫn phải lắng nghe. Ngoài những lúc làm việc, khi đó sự giao tiếp của anh với loài người chỉ gói trong vài câu trao đổi ngắn gọn hay thông qua những tín hiệu ánh sáng, còn lại anh ở một mình, với rừng cây. Khi đó anh nghĩ gì?
Tôi ở lại cho đến chiều hôm sau rồi được anh gửi tàu để đi tiếp đến Cam Ranh. Từ sáng đến chiều, tôi có dịp quan sát công việc của anh và cảm nhận cuộc đời của người gác ghi này. Đây nguyên là một nhà ga xép, nhưng đã từ lâu biến thành nơi tránh tàu vì không có ai lên xuống cả. Ga vắng và buồn, có con tàu chạy qua thật nhanh - có con tàu rề rề rất chậm, có người lái tàu hét lại vài câu – có người để lại một nụ cười, có khi tiếng còi dài lê thê, có khi chỉ là một tiếng cụt ngủn như tức giận. Cả ngày anh chạy đi chạy lại giữa những cái khóa ghi, có lúc anh chạy xuống cái hố bom gần đó để gánh một đôi nước đổ vào cái ảng đặt bên ngoài trạm.
Anh ít nói, và khi nói thì dùng những câu ngắn gọn. Có lẽ đó là do thói quen nghề nghiệp thôi, vì tôi không cảm thấy sự xa cách khi anh tiếp xúc với tôi. Nhưng vì anh bận rộn quá nên tôi cũng không dám hỏi han nhiều, chỉ quan sát và suy đoán. Có một bịch thuốc rê to trong phòng, tôi tha hồ hút. Có lẽ đây là quà tặng của những đồng nghiệp thường xuyên di chuyển của anh gửi cho. Vào thời gian đó, gói thuốc rê là một món quà rất quí giá. Anh Đức vào khoảng trên dưới 30 tuổi, người cao gầy (lúc đó ai mà không gầy?). Anh luôn mặc bộ đồng phục màu xanh của nhân viên đường tàu, ngay cả lúc ngủ. Không thể khác được, nghề nghiệp buộc anh lúc nào cũng phải sẵn sàng. Dù có một lịch trình tàu chạy, nhưng trên con đường bắc nam dài dằng dặc, biết bao nhiêu chuyện có thể xảy ra cho mỗi chiếc tàu. Và khi đó mọi giờ giấc đều thay đổi. Có vẻ như anh Đức rất quen thuộc với công việc của mình. Anh làm việc chính xác, thoải mái và đôi lúc có thời gian để cười đáp trả một đồng nghiệp. Có vẻ như anh hoàn toàn hài lòng với công việc và hoàn cảnh hiện tại của mình. Đối với tôi, đó là một điều lạ lùng. Tôi quen với cuộc sống phố xá, với người vây quanh. Nhu cầu tình cảm giới tính rộn ràng trong tôi. Tôi khao khát những chân trời xa, những thay đổi chưa ngờ tới và không thể chịu được nếu phải giam mình
đây. Đó gần như là cuộc đời của một tu sĩ. Lẽ nào một người còn trẻ như anh có thể sống như thế? Những cuốn sách giáo khoa chắc là của anh, để giải khuây hay cho một cuộc đổi đời? Anh có vợ hay chưa? Cuộc đời bi thảm của nàng Anna Karênina có làm anh thổn thức? Trí tưởng tượng phong phú của tuổi trẻ cho phép tôi vẽ ra một vài duyên cơ đã đưa đẩy anh đến vị trí này, nhưng tôi không dám hỏi để kiểm chứng lại chúng.
Sau khi gửi gắm cẩn thận cho một đồng nghiệp, lúc chia tay, anh nhét vào tay tôi một gói nhỏ bằng lá chuối. Tàu chạy rồi, tôi dở gói ra thì thấy một nắm cơm, một con cá khô và tờ bạc hai đồng. Gói cơm và con khô tôi ăn trong chốc lát. Còn tờ giấy bạc hai đồng đó, tôi và thằng bạn chia nhau xị rượu tại biển Cam Hòa, Cam Ranh trong lần chia tay.
Chuyến về lại Saigon vào ngày sau đó, tàu không dừng lại mà chỉ tu một tiếng dài rồi từ từ vượt qua trạm gác nhỏ. Trời vẫn tối đen như trong lần gặp anh đầu tiên, nhưng nhờ nằm trên mui nên tôi nhận ra được cái đèn tín hiệu của người gác ghi. Tôi chỉ kịp hét lên: "Anh Đức ơi, em đây". Tôi nghe trong tiếng gió ào ào tiếng anh nhắn lại "Ráng học nghe". Ba tiếng đó, tôi quên đã lâu, nhưng bây giờ hiện lại rõ ràng trong tôi, hòa với ánh đèn đung đưa, tiếng gió rừng và tiếng còi tàu tu tu buồn bã.
Sau này tôi mới tiếc tại sao mình đã không tâm sự nhiều với anh. Tôi cũng thấy ân hận vì đã không tìm gặp lại anh. Tuổi trẻ mau quên, cứ nghĩ thời gian còn nhiều lắm, trì hoãn đôi chút cũng không sao. Rồi cuộc sống nhanh chóng cuốn tôi theo với những ảo vọng lấp lánh của tuổi trẻ. Kỷ niệm về lần gặp gỡ với anh ngày càng bị lấp sâu dưới những điều ghi nhận mới mẻ khác. Dần dần nó như đã biến mất trong tôi. Nhưng nay nó đã trở lại bất ngờ, không hề có một dấu hiệu gì báo trước.
Thật là kỳ lạ cái ký ức của con người. Một quyển sách nào đó đã viết rằng tất sự kiện mình đã trải qua đều được lưu trữ đầy đủ và chi tiết trong trí nhớ, chỉ có điều mình không biết cách để đem chúng ra thôi. Nhưng dường như trí nhớ không chỉ là một cái nhà kho im lìm, đóng kín. Dường như kỷ niệm không chỉ biết nằm im mà còn nẩy mầm theo cách riêng của chúng. Dường như hằng đêm mình vẫn ra vào đó, lục lọi tìm kiếm, sắp xếp, tưới tẩm. Rồi một ngày kia, khi cơ duyên đến, như cơn mưa rào trên sa mạc, kỷ niệm đồng loạt nở hoa, lung linh và đẹp đẽ để ý thức nhận ra. Dường như điều đó đang xảy ra với tôi. Nhưng cơ duyên đó là gì vậy, tôi không tìm được câu trả lời.
Tôi đang dần rời tuổi "bất hoặc" để sang tuổi "tri thiên mệnh", mà sao còn nhiều điều nghi hoặc vậy?
Nếu lần đó không gặp anh thì hôm nay tôi đã không thức dậy nửa đêm thế này. Không những thế, có lẽ (hay chắc chắn?) dòng đời của tôi đã khác. Tôi nghĩ đến tính ngẫu nhiên của cuộc đời. Một cuộc gặp gỡ, hay chỉ một ánh mắt thoáng nhìn có khi đủ để làm thay đổi quĩ đạo của cuộc hành trình không bao giờ đoán trước được của con người. Tôi ngày hôm nay là kết quả của tất cả những yếu tố ngẫu nhiên đó, trùng trùng lớp lớp chồng chất lên nhau. Vì vậy có lẽ không có cuộc đời nào giống cuộc đời nào cả. Mỗi cuộc đời đều có sắc thái riêng của nó. Mỗi giây phút trong cuộc đời đều là duy nhất và đáng để quí trọng.
Một ngày nào đó, nếu đang đi cùng em, mà tôi chợt dừng lại, nhìn dáo dác rồi rẽ vào một con hẻm nào, thì mong em thông cảm. Chắc là ký ức đang nhắc nhở tôi điều gì đó thôi.
Saigon, 18/8/2012