Thư Xuân của Ba
- Chi tiết
- Viết ngày: 09/02/2015
- Viết bởi: C16
- Lượt xem: 2085
"Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa", lời ca văng vẳng đâu đây vào dịp xuân về làm tôi chợt nhớ đến một mùa xuân năm ấy khi quang cảnh chung quanh còn nhiều khó khăn, tâm hồn nhạy cảm của tôi đã không khỏi buồn lòng viết ra những dòng thơ tư lự, nhưng may thay, tôi đã nhận được Thư Xuân Của Ba.
Xin chia sẻ cùng quí bạn.
Trần Thông
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
THƯ XUÂN CỦA BA
Cũng như nhiều gia đình khác, sau ngày 30/04/1975 độ hơn một năm thì gia đình tôi rời Quận 5-TPHCM lên lập nghiệp tại vùng kinh tế mới Long Tân, huyện Bến Cát-Tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), còn lại hai anh em tôi cố trụ lại ở Sài Gòn để đi học ở trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong (trước 30/04/1975 là trường trung học Petrus Ký).
Xa phố xá thị thành để tập quen với một cuộc sống hoàn toàn khác, những ngày đầu tiên trên vùng đất mới lòng ai cũng khắc khoải ngổn ngang, nhưng dần rồi cũng quen. Những trận mưa rừng mù mịt rồi cũng tạnh, để lại những giọt mát lành trên đám lúa rẫy lao xao trong nắng sớm, những vạt đất hoang cằn đã bắt đầu phủ màu xanh khoai sắn, và những mái tranh nâu bên cánh rừng thâm u đã bắt đầu điểm vàng bông bầu, bông bí. Cuộc sống vẫn còn rất khó khăn …
Vào dịp cuối năm, hai anh em tôi thường từ Sài Gòn về thăm nhà để cùng vui tết với gia đình. Tôi nhớ tết Mậu Ngọ (1978) tôi mới 18 tuổi, nhìn ba ngày tết nghèo xơ xác trên vùng kinh tế mới, tôi không khỏi chạnh lòng lấy giấy bút viết ra mấy dòng thơ buồn bã:
BA năm mới đó mà mau
NGÀY xuân lại đến một màu hoang sơ
TẾT về gió cũng ngẩn ngơ
BUỒN len lén thổi lượn lờ trảng tranh
Ở đây hạnh phúc vô hình
LONG lanh giọt nước, mong manh nắng chiều
TÂN xuân sao lại buồn hiu!
Viết xong tôi cất trong ngăn kéo bàn, sau đó rời nhà về lại Sài Gòn tiếp tục đi học năm lớp 12 và thi đại học. Ba tôi đã tình cờ đọc được bài thơ đó, đã viết một lá thư gửi tôi. Đã hơn 35 năm, lá thư của Ba đã nhoè nét mực nhưng tôi vẫn còn giữ, còn Ba thì nay đã 83 tuổi, yếu nhiều rồi…
“Thông thân yêu,
Tình cờ trưa Mùng Bốn Tết Ba đọc được mấy vần thơ của con, bài thơ làm cho Ba bàng hoàng xúc động, lời thơ nhẹ nhàng nhưng ý thơ vô cùng thấm thía! Bài thơ như một bức tranh thủy mặc của các họa sĩ Trung Hoa, những nét đơn sơ giản dị nhưng gói ghém cả một vũ trụ tâm hồn. Bài thơ như một bản đàn của Chopin, bản nhạc đã ngừng mà âm thanh còn man mác thao thức trong lòng người. Bút pháp thơ lục bát của bài thơ ấy đã thành công một cách tuyệt diệu! Qua văn chương, tâm hồn con đã gần Ba hơn nữa, và Ba càng yêu mến con hơn bao giờ hết.
Ngày trước, cái hoài bão của Ba là đem hết sức mình để tạo cho các con những mùa xuân vui tươi đầm ấm, vì tuổi trẻ của Ba đã trãi qua nhiều đau khổ, do đó Ba không muốn những ngày hoa niên tươi đẹp của các con bị vướng những áng mây u hoài, tư lự. Nhưng qua cuộc bể dâu Ba đành bất lực, đành để những mùa xuân tươi của các con không được như ý.
Xuân năm ngoái Ba có làm bài thơ xuân. Ba cố viết những lời trong sáng lạc quan để có nghị lực mà vật lộn với cuộc đời. Bài thơ ấy như sau:
Vô rừng hái lộc đầu xuân
Hái bông hoa dại đón mừng xuân tuơi
Xuân ta riêng một khung trời
Tiếng chim hót, tiếng gió cười trên cao
Cây đùa bóng nắng lao xao
Đôi chim én lượn bay vào hội xuân
Ô! Thiên nhiên đẹp vô ngần
Cây khoe búp mạnh, nhựa dâng lá chồi
Xuân trời đất mãi tinh khôi
Thiên nhiên bất tận, xuân rồi lại xuân
Bên rừng suối hát, ve ngân
Còn con tim mộng, còn xuân ta chờ
Năm nay vì sức khoẻ chưa được bình phục, Ba không chuyện trò nhiều được với các con, và cũng không làm thơ xuân, vì cái hoang sơ của miền thôn dã cộng với quang cảnh nghèo nàn chung quanh làm cho tâm hồn nghệ sĩ dù có cố gắng lạc quan cũng không thể viết ra những câu thơ hoan lạc được.
Năm ngoái Ba cũng có làm bài thơ “Xuân biên cương”
Xuân này ăn tết biên cương
Con chim bạt gió còn thương nhớ bầy
Tiếng rừng lá động ngàn cây
Đón xuân bên cội mai gầy trầm ngâm.
Đường về phố thị xa xăm
Cho ta gởi tiếng lòng thăm xuân về!
Dù sao tuổi trẻ vẫn là tuổi lạc quan, con hãy xua đuổi những u hoài tư lự để nhìn về tương lai. Chúng ta có ý chí và nghị lực để khắc phục những khó khăn trở ngại ở đời, nhưng ta cũng có một trái tim biết rung động và một tâm hồn nhạy cảm để ghi lại trung thực những buồn vui trong cuộc sống, đó là điều chân chính của tấm lòng nghệ sĩ vậy.
Thân yêu,
@@@