Thuế Singapore cũng khắc nghiệt chẳng vừa!

Nếu tưởng rằng chỉ Thuế VN mới nặng nề thì sẽ sai, Thuế Singapore cũng khắc nghiệt không thua kém chút nào. Mời các bạn xem bài báo "Declare sponsored items, bloggers told" đăng trên tờ Straits Time (Singapore) hôm 18/03/2016 mà Thông có được hôm ở bên đó.

Thông dịch ra tiếng Việt cho các bạn xem như bên dưới.

Thân mến,
Trần Thông

------------------------------------------------------------------

CÁC BLOGGER BỊ YÊU CẦU PHẢI KHAI CÁC KHOẢN ĐƯỢC TÀI TRỢ, VÌ CÁC KHOẢN LỢI ÍCH KHÔNG BẰNG TIỀN PHẢI CHỊU THUẾ (SINGAPORE)

Các chuyến đi Hồng Kông Disneyland được tài trợ, lời mời gia đình và bạn bè đi ăn nhẹ hoặc một gói đồ mỹ phẩm mới nhất.

Đây là những thứ sản phẩm , dịch vụ mà các Blogger hay “những người có ảnh hưởng xã hội về truyền thông đại chúng” thường nhận được từ các công ty muốn họ quảng bá sản phẩm của mình.

Nay cơ quan thuế đã gõ cửa nhắc họ rằng những thứ “lợi ích không bằng tiền” đó phải được kê khai như một phần của thu nhập vào tháng sau.

“Việc cho, tặng sản phẩm, dịch vụ để đổi lấy việc viết hay xem lại các sản phẩm của nhà tài trợ có thể phải chịu thuế và phải kê khai”, Tổng Cục Thuế Singapore (TCTS) đã viết như thế trong một thư gửi các Bloggers hồi đầu tháng nay.

Nhưng nhiều người đã phản ứng, cho rằng qui định như thế là quá mơ hồ.

IMG 5034

Wendy Cheng, một Blogger nổi tiếng với tên Xiaxue, nói rằng: ” khó mà biết được giá trị của các món đồ được tặng. Nếu ai đó tặng tôi một thỏi son, chẳng lẽ tôi lại phải đi tìm hiểu xem nó đáng giá bao nhiêu tiền để mà kê khai thuế?

Cô Cheng nói văn phòng mạng xã hội của cô thường nhận được các đồ tặng phẩm mà chẳng bao giờ đòi hỏi cũng như chẳng có nhu cầu, thành ra thật là không công bằng khi phải nộp thuế cho các món đồ đó.

Theo Tổng Cục Thuế Singapore, việc yêu cầu khai thuế như thế cũng tương tự như đối với những người tự thuê mình vốn “cũng luôn được nhiều người biết”.

Cụ thể, nếu gia đình hay bạn bè của một Blogger nổi tiếng được mời đi ăn với tổng số là 4 người, Blogger đó sẽ phải kê khai giá trị bữa ăn đó theo giá thị trường là thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, các Blogger có thể tính các đồ tặng phẩm này vào chi phí tính thuế nếu chúng phát sinh trong quá trình làm ra thu nhập chịu thuế.

Ví dụ, Tổng Cục Thuế Singapore nói rằng thỏi son người bình luận tin trên mạng được tặng sẽ bị đánh thuế nếu nó là khoản thanh toán duy nhất mà người đó nhận được từ bài bình luận do mình viết. Nhưng nếu cô ta được trả tiền cho bài bình luận thì thỏi son được tặng sẽ không bị đánh thuế.

Cô ấy cũng sẽ không thể tính vào chi phí tính thuế cho thỏi son này. Chỉ những khoản chi chẳng hạn như chi phí quản lý , kế toán, quảng cáo mới được xem là chi phí có thể đưa vào tính thuế.

Người phát ngôn của Gushcloud, một công ty tiếp thị và truyền thông đại chúng nổi tiếng nói rằng “Giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ không thể là cơ sở để đánh thuế tất cả các khoản đồ tặng một cách chung chung . Chính xác hơn và ít chủ quan hơn đó là chỉ lấy giá thị trường của các khoản được tặng để tính thuế nếu người có ảnh hưởng được trả bằng những khoản tặng phẩm đó cho các dịch vụ mà mình cung cấp”.

Cô Yang Huiwen, Giám đốc Vùng của công ty truyền thông đại chúng Netcentric, nói rằng cô chẳng hay biết gì cho đến ngày hôm qua. “Đánh thuế dựa trên mức phí được trả của một người nào đó là không hợp lý, vì chẳng hạn như các Blogger có thể tính phí phục vụ cao, nhưng lại sẵn sàng phục vụ mà chỉ cần lấy một sản phẩm nào đó mà mình thích.”

Nhiều Blogger còn nói rằng nếu các lợi ích không bằng tiền bị đánh thuế, thì cũng phải làm tương tự đối với các phóng viên báo chí, các nhà văn hành nghề tự do, các chủ dịch vụ lữ hành và nhiều người khác vốn thường hay nhận được quà tặng miễn phí cho công việc của họ.

Tổng Cục Thuế Singapore nói rằng các chính sách sẽ được áp dụng nhất quán đối với bất cứ ai tự thuê mình. Tuy nhiên, các khoản lợi ích không bằng tiền của các nhân viên làm việc cho các công ty truyền thông đại chúng sẽ không bị đánh thuế nếu họ đại diện cho công ty.

Các kế toán nói rằng giá trị tính thuế của sản phẩm, dịch vụ được xác định bằng cách tính xem chúng được bán bao nhiêu tiền trên thị trường tự do. Nếu các sản phẩm , dịch vụ này không có bán trên thị trường, thì người chịu thuế có thể sử dụng giá của sản phẩm, dịch vụ tương tự, nhưng cách này hơi chủ quan.

Cô Wu Soo Mee, thành viên BGĐ Ernst & Young Solutions LLP, kêu gọi “cần rõ ràng hơn” từ Tổng Cục Thuế Singapore, còn Giám đốc Thuế của Deloitte Singapore Jill Lim thì nói “Tổng Cục Thuế Singapore nên xem xét ban hành ngưỡng miễn thuế cho các khoản lợi ích không bằng tiền mà các Blogger nhận được, nhằm giảm thiểu gánh nặng hành chính cho việc truy tìm giá trị, kê khai tất cả lợi ích nhận được.”

Không kê khai hoặc kê khai không đúng thu nhập là vi phạm. Tổng Cục Thuế Singapore có thể áp dụng phạt ít nhất 200% số thuế khai thiếu, trong trường hợp cố tình trốn thuế hoặc gian lận thuế thì mức phạt là 400% số thuế khai thiếu.

                                                                                          &&&

Trần Thông dịch
07/05/2016

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Sưu tầm Quản lý Thuế Singapore cũng khắc nghiệt chẳng vừa!