Thư Los Angeles - Châu Trân 10C16

Bài này của Châu Trân (10C16) đã đăng trên Web của khóa năm 2009, nhưng rất tiếc trang Web cũ đã được thay mới và bài vở cũ cũng không còn. May sao Thông còn lưu bản Word nên giờ đây đăng lại. Mời các bạn xem để thả hồn trở về thăm kỷ niệm trường cũ 279 NTP qua nét bút tài hoa của Châu Trân.

Thân mến,
Trần Thông
------------------------------------------------------------

THƯ LOS ANGELES

Thông thân mến,

Sáng nay có chút thì giờ mình vào trang web của khóa c16 mà Thông gửi hôm trước, kỷ niệm tìm về nườm nượp làm thức dậy miền ký ức mãnh liệt mà mình tưởng nó đã yên ắng lãng quên như bao năm tháng khác đi qua của một đời người. Đang đọc bài viết của thầy Thạch từ trang web mà văng vẳng trong tim giọng trầm đều Quảng Ngãi của người thầy cũ quyện với tiếng me tây rơi rụng ngoài cửa sổ giảng đường. Thông ơi, cho mình hôm nay ghi lại tâm tình này như ghi lại một phần đời rất quí tuổi sinh viên.

Giờ Kinh Tế Chính Trị XHCN của thầy Thạch mình thường có mặt, Dơi Đãng lớp 09/c16 bảo mình thầy giảng hay vì ổng có giọng nói  của người làng Thu Xà - huyện Tư Nghĩa,  đó là cửa sông Trà Khúc cũng là nơi nhà thơ lớn Tế Hanh đã sinh ra. Trái với dáng dấp đạo mạo ít cười của thầy Thạch, thầy Kỳ dạy TBCN có khuôn mặt rất hiền và giọng nói Hà Tĩnh rất là duyên, có phải vì vậy mà  bài hát " Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh " thường phát ra vào bửa cơm chiều lúc đó còn theo mình đến tận bây chừ. Ký ức lại tìm  về sân trường có hàng ghế đá, nơi cô Hạ và đám con gái tập múa mỗi ngày. Riêng chữ viết đẹp không ai bằng thầy Thọ dạy giãi tích,  cũng như mê con gái đẹp thì không ai bằng thầy Khôi dạy xác xuất thống kê. Lòng bình an hơn mỗi khi vào cổng trường gặp khuôn mặt nhân từ của bác Như Gái, ấm bụng hơn mỗi khi thấy chị Năm với nụ cười từ bi hỷ xả mở cửa nhà ăn. 

Giờ ăn là giây phút hoàng đạo của sinh viên nội trú. Đãng thường bảo hôm nào mà ăn được món "tương hôi quá ngày bác Trọng bán rẻ trộn với canh rau muống có tép mỡ do chị Năm nấu" thì nó đạt niết bàn - đạt rồi thì chuột kêu ở Gò Vấp cũng nghe. Võ Văn Đãng cũng là  người Quảng Ngãi, tự gọi mình là " Dơi Đãng " vì trót mang kiếp thức đêm ngủ ngày như một loài dơi. Đãng thuộc rất nhiều thơ và  hay đọc thơ mỗi khi thức dậy từ góc giảng đường. Nó thường đi giang hồ và ít khi lên lớp, hôm thi môn Địa Lý Kinh Tế bạn bè đưa tủ cho nó nhưng nó bảo có bùa rồi. Chẳng may nó  làm không đươc bài thi vì quyển sách " Sử Địa Lớp 12 " thời trước năm 1975 mà nó lén mang vào phòng thi đâu có ăn nhập gì đến môn Địa Lý Kinh Tế của trường Đại học Tài chính mà nó đang thi. Rớt môn này,  lưu ban xuống c17 mà chẳng thấy Đãng buồn. Một hôm chị Ba bán cà phê bên kia đường hỏi  " Em học năm mấy rồi? Đãng", nó trả  lời "năm mấy không rõ nhưng ăn cơm thì đã được ba năm".  Chỉ đươc ba năm rồi chấm dứt  chứ nó có học hành chi đâu mà đòi ăn cơm mãi mãi, nghe nói sau đó rời trường Đãng không về quê mà tản cư ở một ngôi chùa nào đó tận Thủ Đức, không biết bây giờ nó trôi  dạt về đâu. 

May mắn hơn Đãng là mình ăn cơm được bốn năm, ra trường đi làm ngành tài chính 5-6 năm trời rồi mới ra đi. Năm 1992 gặp lại Tiễn Lẫu (Nguyễn Xuân Tiễn lớp 07/c16) ở Sacramento, nó nói  " Thật bất công - cũng đều trốn học như  nhau mà thằng Đãng đươc ba năm, mày bốn năm, còn tau thì chỉ học được có một năm". Đâu có bất công đâu Tiễn, Đãng còn có đi thi dù mang lộn bùa còn mày có bao giờ đi thi đâu mà đòi lên lớp. Nhưng dù chỉ một năm như Tiễn hay bốn năm như mình thì cũng đong đầy bao nhiêu là ân tình trong đó, để bây giờ có làm chi hay ở đâu khi nghe đến 279 Nguyễn Tri Phương thì những đứa học trò ngày xưa có giấu được đâu giây phút chạnh lòng. 

Tháng tám năm ấy nhận giấy báo nhập học, mình vội vàng cắt hộ khẩu và lương thưc vào trường. Vé xe đò là 9 đồng, mẹ vét túi đưa hết 20 đồng còn lại cho thằng con làm hành trang lên đường. Vào đến trường mới biết là quá sớm, ba ngày nữa mới có chổ ăn ở cho  sinh viên mới. Đang lo âu buổi chiều Sài Gòn xa lạ chưa biết đi đâu về đâu thì bất chợt thấy người cùng quê Bình Lép (Nguyễn Văn Bình  lớp 06/c16) đang đứng trước trường gặm ổ bánh mì to và dài cả tấc tây. Nghe theo lời hắn mình vào xin phòng đời sống, bác Phan Do Bân ký cho ăn ở tạm ba ngày. Ổ bánh mì đầu tiên mình nhận được từ ĐHTC to hơn ổ bánh mì của thằng Bình Lép và ngon hơn  bất cứ ổ bánh mì nào có được trên thế gian này.

Đúng vậy, cho đến bây giờ  30 năm sau vẫn là nổi nhớ miên man về ổ bánh mì đó, và nữa những bữa ăn bo-bo khô rốc giống nhau qua năm này tháng nọ, có chân cầu thang lên xuống giảng đường hay dán kết quả môn thi sinh viên đậu rớt, có giọng nói sang sãng  của thầy Kỳ đang giải thích giá trị hàng hóa phải là c+v+m, có hàng ghế đá sân trường ngắm nhìn các em qua lại mỗi ngày, có bài ca " Người đi  xây hồ Kẻ Gổ " phát ra một ngày hai ba lần buồn muốn khóc, có những bịch xà phòng giặt đồ nhưng không giặt để dành đi bán chợ Bà Bầu,  có những cái "đen" ba thằng uống một vì tụi hắn rách, tiền đâu mà trả, có những dĩa sò lông sò huyết bên hông trường thôi thúc lúc đêm về, và có tình yêu vội vã với người em bán nước mát bên kia đường chưa kịp nhớ tên nhau.

Nổi nhớ đã thành tình yêu để khắc lên nét đẹp lứa tuổi vào đời, bốn năm sinh viên đói rách tả tơi nhưng giàu lắm tình người và tình  bạn, ngôi trường cũ và những hạt bo bo màu đà sẫm đã in sâu trong khoảnh phim đẹp nhất của một thời đã đi qua. Cám ơn Thông một lần nữa đã cho mình tìm lại một vùng ký ức, không biết chiếc xe lam chở bánh mì có còn đậu nơi sân trường cũ - chiều nay.

 

Thân ái,

Los Angeles, ngày 19 tháng 02 năm 2009.
Nguyễn Châu Trân.10c16.

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Sáng tác Văn Thư Los Angeles - Châu Trân 10C16