Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 8

Bài thứ hai kể về Miền Đông đất đỏ, Châu Trân ghi lại những cảm xúc về quê hương thứ hai của Thông (Xã Long Tân-Dầu Tiếng-Bình Dương), quê hương này đã là chỗ dựa của Thông trong những tháng ngày gian khó học ở 279 NTP.

Thân mến,
Trần Thông
-------------------------------------------------------

Về Long Tân,

Chia tay vợ chồng Lành, xe rời Bến Cát đến quê Thông, một xã ở huyện Dầu Tiếng. Được đến và ở lại quê bạn là yêu cầu của tui, và Thông đã thông báo với các em để đêm nay khách tha phương được quây quần cùng gia đình bạn.

Hồi xưa đi học thì tui và Thông chỉ biết nhau ở mức người học cùng trường, tuy không bạn bè nhưng có đôi chút tình đồng hương vì Thông là dân Sài Gòn học Petrus Ký nhưng trong giọng nói có chút Quảng quê tui. Hồi đó Thông ở trong đội bảo vệ, bạn có mở cổng đôi lần vì tui thường đi chơi khuya về trễ nên trong tui vẫn nhớ ơn. Thông có khuôn mặt thông thái và dáng dấp chuẩn mực được dạy dỗ từ một gia đình khuôn phép, vì vậy mà tui đã ngại gần gũi vì mình sống buông thả có phần bạt mạng, khác xa bạn ấy. Những năm đi học tui ít vào lớp vì làm biếng học, cũng thêm ban đêm có làm việc ở một xưởng làm xoong nồi nên thường bỏ lớp, sáng sáng hay ngồi cà phê với đám thợ nồi giang hồ này nên thầy cô và nhiều bạn nghĩ oan cho tui là dân giang hồ quận 10, hai lối sống khác nhau nên 4 năm chung trường tui và Thông là hai phương trời cách biệt.

Ngày xưa là vậy nhưng bây giờ khoảng cách ấy đã không còn, chuyến này về được vợ chồng bạn đưa đi khắp nơi, ân cần mọi thứ như anh em một nhà. Trong tâm tình đó, lúc ngồi chung xe tui mạo muội hỏi thăm bạn là dân gốc Quảng Nôm Duy Xuyên sao quê hương lại là xứ Dầu Tiếng này, và bạn đã kể chuyện của mình.

Bác trai người Nam Phước lấy bác gái ở thôn bên Vĩnh Trinh có với nhau 6 người con, 4 trai 2 gái. Bác trai làm công chức, khi đổi về Sài Gòn nên đưa cả nhà vào nam, cuối năm 1975 gia đình đi kinh tế mới, chỉ trừ Thông và em kế Thái ở lại Sài Gòn, hai anh em thay nhau một chiếc xích lô, gắng gỏi đạp để có thể bước thêm giấc mơ đèn sách. Gia đình về một miền đất không tên nằm sâu giữa Bến Cát và Dầu Tiếng, vùng đất khô chỉ có rừng hoang trên nền đất cứng, quẹt mồ hôi vào bàn tay sỏi đá, rừng đã thành rẩy mà ra khoai sắn, tên mới xã Long Tân đã thành tên của đất, đã thành quê hương thứ hai cho họ Trần – Bùi gốc Vĩnh Trinh, quê hương mà mỗi khi Chạp về vợ chồng bạn về tảo mộ cho cha mẹ.

Xe đến một ngã ba, rời quốc lộ 13 rẽ trái vào một con lộ nhỏ về Long Tân, Khoa kể ở ngã ba này có lần hai vợ chồng phải ở lại qua đêm nơi một sạp tre khi đưa con về ăn tết với ông bà nội, ngày ấy đi xe đò mấy bận từ sáng đến được đây đã chiều, và chuyến xe cuối ngày về khu kinh tế mới đã rời bến.

Cũng con đường này xuôi ngược, trên cánh rẫy của mình bác gái độ dăm ngày khi đã gom đủ sắn khoai thì theo xe than mang xuống bán ở Sài gòn, cực khổ trăm bề, lâu lâu nhớ con đi bộ từ bến xe đến cổng trường. Mang cho hắn nải chuối và trái đu đủ còn chưa kịp chín, chùi mồ hôi móc túi đưa con mấy đồng bạc rồi chạy đi cho kịp chuyến xe về. Thông nhớ lại “ nhìn bả lấm lem từ đầu đến chân trong bụi than đen mà tê tái ở trong lòng, còn đám em nhỏ đang đợi ở nhà nên bả vội”.

Xe đang đi qua những rừng cao su dằng dặc, hình ảnh bác gái và đôi quang gánh trên chiếc xe than là một bức tranh không màu chỉ đượm màu thanh quí của đôi vai người mẹ. Tối hôm qua Thông có cho tôi đọc một lá thư của người cha gửi từ quê nghèo cho đứa con nơi thành phố, bác trai tâm sự với con về lẽ sống ở đời, dù đói nghèo cũng cố gắng cho thân tâm trong sạch, cuối thư bác cũng làm tặng con một bài thơ. Bạn lớn lên với ân tình của song thân như vậy, đó là ân sủng của đời.

Xe vừa đến nhà, chúng tôi ra mộ thắp hương cho bác. Khi trở lại thì các em đã có mặt đông đủ, đêm nay có vợ chồng anh Hai về nhà. Tối nay cả nhà ăn mì Quảng do Thảo em gái Thông nấu, mì Quảng tôm thịt chuối bắp với bánh tráng nướng chính hiệu Duy Xuyên, tui được hân hạnh hàn huyên vời từng anh em dâu rể trong nhà. Thành là út trai đúng thiệt một tay rượu gạo, thấy hắn uống ngọt quá nên tui cũng theo, em tới đâu anh tới đó. Thái, anh nó thì điềm tỉnh hơn, nói chuyện từ tốn và rất am hiểu nước Mỹ dù chỉ qua có một lần. Thái đi bộ đội nhiều năm ở Campuchia, vài trận đánh tưởng đã không về, phục viên đi học lại làm chuyên viên lên đến phó chủ tịch huyện Dầu Tiếng. Nghe Thái kể chuyện Campuchia, Thành cũng góp thêm vài kỷ niệm, thì ra hắn cũng là lính đánh giặc gan dạ không thua gì anh nó, chỉ khác anh mình là khi giải ngũ Thành đi làm thuê rồi cố gắng lao động để bây giờ đã làm chủ một cơ sở sản xuất ở đây. Hai anh em, Thái thì điềm đạm từ tốn còn Thành thì ăn bặm trợn ăn to nói lớn, mỗi đứa đều có duyên ngầm khi nói chuyện.

Mì Quảng quá ngon, tui húp hết miếng nước chót nghe mặn vị quê nhà. Đang nhớ quê lại gặp người của quê. Té ra Sương chồng của Thảo là dân Hà Lam, hắn cũng là bộ đội đi từ Quảng Nam lưu lạc đến xứ này rồi ở lại thành người Long Tân. Tui Điện Bàn, hắn Thăng Bình, hai đứa nhớ lại những trận mưa đặt lờ bắt cá, những ngày hè thụt trái bời lời, và những đêm trăng sáng hẹn hò nơi xứ Quảng.

Năm tháng đi qua , Long Tân đã là quê hương của bạn. Khi đang viết lại những dòng này đã là ngày 29 âm lịch, ngày mai tui cũng sẽ bay 5 tiếng về Los Angeles cho kịp đón giao thừa, đã 30 cái tết nơi quê hương thứ hai này, đêm giao thừa sẽ ở giữa quận Cam chờ tiếng pháo. Còn bạn, nghinh xuân chắc Thông sẽ ngâm “Chào Nguyên Xuân” của đại thi sĩ họ Bùi xứ Vĩnh Trinh.

“Xin Chào nhau giữa con đường,
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau…
Hỏi rằng người ở quê đâu?
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà!”.

Cung Chúc Tân Xuân. Chúc các bạn và toàn thể gia đình một năm mới vạn sự bằng an

Nguyễn Châu Trân
Đăng Facebook C16 ngày 23/02/2020

Hình đi cùng bài viết:

20190511 1BR

20190511 2B

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Sáng tác Văn Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 8