Tỉnh Quảng Nam trong lịch sử mở cõi

Kể từ đầu thế kỷ XV (1403) các khu vực Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (tức Quảng Nam đến Phú Yên) đã chính thức thuộc vào quyền lực Nhà nước Đại Việt, từ lãnh vực hành chính công quyền đến phương diện công pháp quốc tế.

Sử Trung Quốc, Việt Nam, Chiêm Thành ( do người Pháp viết) đều cho rằng vào đầu thế kỷ XV, cả khu vực trên đã do người Việt cai quản.

Năm 1403, cha con Hồ Qúy Ly (1336-1407) sau khi thương thảo với triều đình Chiêm Thành, họ đã thuận giao nộp cả Chiêm Động ( Bắc Quảng Nam), Cổ Lũy Động ( Nam Quảng Nam ngày nay) cho người Việt. Từ đó nhà Hồ (1400-1407) chia đất Chiêm Động và Cổ Lũy thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lãnh bốn châu. Ở miền núi thì đặt làm trấn Tân Ninh rồi cử Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ trông coi việc bình định và khai khẩn. Nhà Hồ hạ lệnh cho dân có của ở Nghệ An, Thuận Hóa đem vợ con vào khai khẩn, dân ấy phải khắc hai chữ tên châu mình vào trên cánh tay, lại mộ người có trâu bò đem nộp thì cấp cho phẩm tước để lấy trâu phát cho dân cày.

"Từ đó, từ Thăng Hoa trở vào Nam, ai có họ là dân Việt mới đến sau". Tiếp theo, Hồ Hán Thương ( con Hồ Qúy Ly) cử Hoàng Hối Khanh làm Thái thú Thăng Hoa kiêm Tiết chế trấn Tân Ninh, Đặng Tất làm Đại tri châu...chăm lo công việc khai khẩn vùng đất này. Năm 1405, triều đình phái Nguyễn Ngạn Quang làm Tuyên phủ sứ kiếm chế trí sứ trấn Tân Ninh và lộ Thăng Hoa, thống lãnh cả vùng đất mới bình định.

Tính cách pháp lý trên đã được hai triều đại phong kiến Việt Nam và Chiêm Thành cùng thỏa thuận theo cơ sở pháp lý đương thời.

Sang giữa thế kỷ XV, vua Lê Nhân Tông ( năm 1446) đã cải tổ nền hành chính trong nước bằng cách đặt các Ty, Sở ở các Đạo để cai trị. Sau đó (1471), vua Lê Thánh Tông ( Hồng Đức năm thứ 2) đã tổ chức hành chính tại các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; đồng thời đặt làm Đạo Thừa tuyên Quảng Nam như các Đạo đã có từ Quảng Bình trở ra. Danh xưng " Quảng Nam" bắt đầu có từ đó trong lịch sử mở nước của tiền nhân ta.

Lúc ấy (1471), ĐạoThừa tuyên Quảng Nam gồm 03 phủ, 09 huyện. Phủ Thăng Hoa có 03 huyện là Lễ Dương, Hà Đông, Hi Giang, phủ Tư Nghĩa có 03 huyện là Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.

Sách Thiên nam dư hạ tập cho rằng đời Hồng Đức khi vẽ bản đổ Việt Nam thì Quảng Nam Thừa tuyên sứ ti gồm 03 phủ, 09 huyện. Phủ Thăng Hoa có 03 huyện: Lễ Dương gồm 09 tổng, 73 xã; huyện Hi Giang có 08 tổng, 58 xã; Hà Đông 08 tổng, 46 xã. Phủ Tư Nghĩa có 03 huyện: Nghĩa Giang 12 tổng, 93 xã; huyện Bình Sơn 06 tổng, 70 xã; huyện Mộ Hoa 06 tổng, 53 xã. Phủ Hòa Nhơn có 03 huyện: huyện Bồng Sơn có 07 tổng, 32 xã; huyện Phù Li có 06 tổng, 60 xã và huyện Tuy Viễn có 06 tổng...xã và Phủ Điện Bàn lúc ấy có 05 huyện: Tân Phú, Yến Nông, Hòa Vang, Diên Khánh và Phú Châu có biên giới từ đèo Hải Vân ( đồn Nhứt) đến sông Thu Bồn. Từ Nam sông Thu Bồn đến Châu Lai, Châu Ổ (Núi Thành ngày nay) và cả huyện Bình Sơn (thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay) là châu Thăng (đời lê là châu Hoa, sang chúa Nguyễn đổi là phủ Thăng Hoa). Ban đầu lị sở tại làng Chiên Đàn (nơi vào triều Nguyễn có văn miếu và nhà phủ học Tam Kỳ sau này). Tại đây có đình làng Chiên Đàn là ngôi đình cổ nhất tại Quảng Nam. Có lẽ đình dựng từ đời Lê Thánh Tông vì cả khu vực này do Triệu Quốc công Lê Tấn Trung, Thái Bảo Quận công Nguyễn Đức Trung (...-1477) vào mở cõi khắp các vùng từ Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, nhất là 2 vị này cho lập các làng trực thuộc huyện Hà Đông cũ như trong Gia phả tộc Lê, Nguyễn còn ở Tam Kỳ hiện nay.

Như vậy, khu vực Đạo Thừa tuyên Quảng Nam vào thế kỷ XV bao gồm một vùng rộng lớn từ Nam Thuận Hóa vào sát núi Thạch Bi ở Phú Yên. Do đó, cả khu vực rừng núi xuống đồng bằng và các hải đảo dọc theo lãnh thổ trên đều thuộc Đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Sau đó (1490), đổi lại gọi là xứ Quảng Nam, năm 1520 gọi là trấn Quảng Nam, năm 1602 ( Đời Gia Dũ- Nguyễn Hoàng) gọi là dinh Quảng Nam bao gồm cả 03 phủ : Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn, phía Bắc là Phủ Điện Bàn. Từ đó, chúa Tiên sai con trai thứ sáu là Nguyễn Phước Nguyên( 1563- 1635) vào trấn thủ vì chúa và các cận thần đều xem đây là "đất yết hầu của miền đất Thuận- Quảng". Lúc ấy, chúa cho lập dinh trấn ở xã Cần Húc thuộc đất Duy Xuyên, tiếp theo dời đến làng Thanh Chiêm( huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn) làm sở lị. Năm 1604, cải đặt và đổi tên các khu vực hành chính hai xứ Thuận Hóa- Quảng Nam lập ra các huyện Lệ Giang thuộc phủ Thăng Hoa ( nay là các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ), huyện Lễ Dương, Hi Giang làm huyện Duy Xuyên...Kể từ đó, dinh Quảng Nam là đất các thế tử ( con trai được quyền kế nghiệp chúa ) thực sự cầm quyền ở một vùng đất mà chúa xem là quan trọng bậc nhất. Như Thái tử Nguyễn Phước Nguyên trấn thủ từ năm 1602-1613; sau khi kế nghiệp chúa Tiên, Phước Nguyên trao dinh Quảng Nam lại cho Thái tử Nguyễn Phước Kỳ, tiếp theo là Nguyễn Phước Lan...cho đến thế kỷ XVIII khi vương quyền chúa Nguyễn tan rã mới chấm dứt.

Xem vậy, xứ Quảng Nam đúng là "đất yết hầu của miền đất Thuận- Quảng". Và lị sở châu Thăng Hoa ban đầu ( thế kỷ XV) đặt tại làng Chiên Đàn, huyện Lễ Dương, sau dời ra làng Cần Húc ( thế kỷ XVI) huyện Duy Xuyên. Đến đời Nguyễn (1802) dời về làng Thanh Chiêm, rồi La Qua ( gần Vĩnh Điện) thuộc huyện Điện Bàn ngày nay.

Năm Tân Dậu (1801) cũng gọi là Quảng Nam dinh, đến năm 1806 vua Gia Long đổi là Trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh sư, đến năm 1832, đời vua Minh Mạng thứ 13 đổi thành tỉnh Quảng Nam cho đến tận 1945.

Mặc dầu trải qua bao lớp sóng phế hưng, hai xứ Thuận Hóa- Quảng Nam, nhân dân vẫn sung túc, thanh bình. Sách Ô Châu cận lục viết vào đời Mạc, do Dương Văn An đề tựa năm Ất Mão (1555) có tả qua sinh hoạt của xứ Quảng Nam như sau:

" Đồng bằng thì nông tang vốn sẵn nghiệp nhà, bờ biển thì cá, muối là kho vô tận...Của thổ ngơi đã sẵn thứ rượu tăm rất ngon. Hải vị sơn hào của nhiều chan chứa. Cá tôm sẵn ở sông biển, gỗ lấy ở núi rừng. Xóm làng trù mật, nên gà, chó từng đàn; cỏ nước ngon  lành nên trâu bò béo tốt. Trong công điền có cả tư điền; ngoài thuế ruộng còn nhiều thuế khác. Sông hồ lầy lội, đi thuyền tiện hơn đi chân, đất cát phì nhiêu, được lúa không cần khó nhọc".

Còn ở phủ Điện Bàn thì " Xã Mạc Châu trồng nhiều hoa hồng, xã Long Châu sản xuất nhiều lụa trắng: Hai làng Hóa Khê, Cẩm Lệ cắm cọc nhọn để giữ ngạc ngư; các xã Lỗi Sơn, Chiêm Sơn đóng cửa gỗ để phòng mãnh thú".

Với đất nước đó, chẳng bao lâu sau, Nguyễn Hoàng (1558-1613) vào trấn thủ Thuận Hóa kiêm lãnh trấn Quảng Nam như đã dẫn. Kể từ đó, tiền nhân ta đã lật sang một trang sử mới cho bức dư đồ Đại Việt và Quảng Nam trở thành một đơn vị hành chính lớn của tổ quốc.

Trích website www.quangnam.gov.vn

(20.11.2012)

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Tư liệu Tư liệu khác Tỉnh Quảng Nam trong lịch sử mở cõi