Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 11

Rời Đà Nẵng vào Nam là cả một giấc mơ, chỉ có thể thành sự thật nhờ đậu vào Đại học TCKT, nhưng đâu có đơn giản như vậy. Mời các bạn xem câu chuyện Châu Trân kể dưới đây, bài áp chót trong loạt bài "Ký sự Đất Phương Nam" hấp dẫn của tác giả.

Thân mến,
Trần Thông
------------------------------------------------------

Giấc mơ Sài Gòn,

Sinh ra ở một làng quê nghèo Quảng Ngãi, bên con sông Châu Ổ hiền lành chảy ra cửa Bình Giang. Lên năm tuổi về quê nội Quảng Nam, thôn An Trạch, nơi con sông Yên nối Thu Bồn đưa nước về bến Hàn Giang, sau đó về bên ngoại Hà Thanh mà thương con sông Quá Giáng, khói trận lan tràn đưa người ra phố, Đà Nẵng thành quê hương. Ngày nghỉ học xuống sông Hàn nhìn con tàu ra biển mà về hỏi chị những chuyến tàu này sẽ về đâu, chị bâng quơ “xa lắm mô tận Sài Gòn, và tên gọi ấy ươm mầm cho giấc mộng giang hồ.

Lúc chân đã cứng khi giấc mơ cũng vừa đủ lớn, tui ra bến xe Liên Tỉnh xin làm lơ tuyến Đà Nẵng – Sài Gòn, nhưng ai cũng lắc đầu vì chỗ làm này họ dành cho con cháu. Thôi đành học tiếp, ngày tốt nghiệp học trò xôn xao thi cử, tui chỉ ước được vào Trung Cấp Ăn Uống Công Cộng Hóc Môn, hổng phải ham ăn mà chỉ muốn được kế cận Sài Gòn.

Đang làm đơn vào Trung Cấp Hóc Môn thì thằng Hải chạy tới nhà, hắn nói hồi sáng đi ngang thấy Sở Tài Chính tuyển sinh vào đại học cùng ngành, bạn rủ và lòng tui đã xôn xao. Hai đứa chạy mua bộ đơn mới rồi vội vàng lên Sở, cũng là duyên vì hôm ấy là hạn cuối cùng. Một tháng sau giấy báo ngày thi, mẹ đưa chín đồng lên bến xe sắp hàng mua vé, có nghe chút thở dài, tuổi ngây thơ đâu biết một chuyến đi là cả gia tài của mẹ. Nhà tui nghèo nhưng gia cảnh thằng Hải còn thảm hơn nhiều, cha hắn đi xe đạp thồ còn mẹ đi bán trà đá ở chợ Cồn, nó lớn lên ở Sài Gòn vì có ông chú nhận nuôi, sau 1975 ông chú mất việc nên trả nó về nguyên quán, lần này nó xách cái mạng không trở lại Sài Gòn.

Xe chạy cả ngày đêm nhưng Hải không mệt cứ ngày khò khò, để mình tui thức ngắm sông núi mênh mông hai bên quốc lộ. Mờ sáng xe dừng ở một đầu cầu để xuống hàng cho ai đó, thấy một con sông tui hỏi sông gì, người lơ xe trả lời sông Sài Gòn rồi hối lên xe vào thành phố, xe qua cầu mà tim tui đập như đang thỏ thẻ mối duyên đầu. Xuống bến Lê Hồng Phong, người lơ xe đưa xe đạp xuống tui chụp không kịp ốc vít lăn dài, vào chỗ sửa xe nhờ gắn lại, móc túi trả tiền nhưng ổng nói “khỏi”, giọng người Nam nghe cộc lốc mà thương. Hải đèo tui qua ngã Bảy rồi ngã Sáu, phố phường sầm uất quá làm tui phải bẹo má mình xem có phải là mơ. Hải đi một lèo tới trước nhà số 15 hẻm 351 Trương Minh Giảng, nhà người cùng quê hai đứa sẽ ở nhờ, Hải thông thuộc mọi con đường vì hắn về chốn cũ, còn tui thì cứ lâng lâng như đang lạc chốn phồn hoa.

Ngôi nhà trống, không củi bếp, nhìn bịch gạo mang từ Trung vào mà không biết làm sao để biến thành cơm, đi ra chợ mua củi nhưng lúc thấy ổ bánh mì nguội bán bên đường Hải đi không nổi, cái xác 60 ký của hắn đã một ngày chưa có gì trong bụng. Bác Ba bán chỉ bán buổi chiều và trong mâm chỉ có bốn ổ bánh cùng một nải chuối, quán của bác nghèo hơn quán nghèo tui từng thấy ở quê mình. Nghe tâm sự, bác bảo mang gạo qua nhà bác nấu hộ rồi mỗi ngày cứ qua lấy cơm về ăn. Ăn cơm riết bốn năm ngày thằng Hải thèm bánh mì giòn, hắn ra ngoài đường mua một ổ nóng giòn chan nước thịt, vừa ăn vừa hát nghêu ngao rồi tiếng ca tắt hẳn khi bắt gặp ánh mắt đượm buồn của bác Ba. Chiều qua lấy cơm và biết rằng là bữa nấu hộ cuối cùng, nhìn bốn ổ bánh mì vẫn còn nguyên cả ngày chưa ai mua tui ấp úng nói lời xin lỗi, nhưng muộn màng hai thằng tui đã phụ lòng người.

Ngày đi thi lên trường Trần Hoàng Quân ở đường Lê Đại Hành, buổi sáng thi toán tôi được ngồi bên một cô gái rất đẹp, tui giấu cây viết rồi nói quên muốn mượn nàng, Trang vui vẻ đưa cây bút mang theo và bảo giữ lấy cho buổi thi chiều. Buổi trưa ngồi dưới một cây cổ thụ thì được quen biết Nguyễn Văn Bình, hắn là bạn của Hải. Bình sáng nay làm được đề toán và say sưa kết quả của mình, Hải thì gãy cánh nên buổi chiều không muốn vào thi. Ngày hôm sau thi Hoá, không cùng bàn với Trang nhưng được ngồi ở sau lưng, duyên số để tui được thả lòng mình trong suối tóc Sài Gòn. Bắt đầu thi, không biết mẹ ở nhà đang thắp hương không mà tui được bà nhập, làm hết toàn bộ bài thi hóa rồi ném bài toán cuối cùng lên Trang trong tâm tình mãn nguyện. Người giám thị đến bàn tưởng sẽ làm biên bản phạm qui, nhưng anh ta khẻ nhắc Trang làm nhanh chỉ còn 15 phút, đó là Bùi Phụ Anh lớp 22/c14 mà sau này vào trường tui được biết.

Thi xong dắt xe ra về thì tui thấy Trang đang đứng cùng đám bạn, tui sè sẻ đến trong thẹn thùng chẳng nói cho lời, cũng may nàng cởi mở chuyện trò và giúp tui vào giữa đám đông, tui buộc miệng hỏi số nhà, Trang nói nhanh 54 Cao Thắng rồi về cùng đám bạn.

Ở lại Sài Gòn thêm ba hôm nữa và cả ba hôm tui đã ốm tương tư, ước mình biết thổi sáo mà làm Trương Chi thả tiếng tơ lòng. Đêm cuối cùng Hải chở tui đến đường Cao Thắng, hắn chờ trước sân để tui vào nhà. Tui vào nhưng đã vội quay ra, tòa lầu năm tầng đồ sộ đã đánh gục trái tim chàng thanh niên gốc rạ. Hải không ủi an mà còn chọc quê tui dám yêu người đẹp lầu sang, về không nổi tui biểu hắn quay xe và tui đã vào gõ cửa. Một đứa em mở cánh cửa sắt rồi sau dăm phút người của tui xuất hiện, nàng đẹp mê hồn trong áo đầm xanh. Tui còn nhớ nguyên lời “ Trời đất, anh tới thiệt hả, anh có biết chút nữa đây tui sẽ bị ăn đòn của mẹ vì nói chuyện với con trai ban tối không, thôi Trang chúc anh ra về bình an và đừng đến nữa, tui biết sự không thành nhưng lại muốn nghe nàng nói thêm nhiều nữa, tui mê giọng Sài Gòn nhưng cánh cửa đã vô tình khép lại.

Tháng chín sửng sờ nhận báo vào đại học, không tin vào sự thật nhưng cũng lên đồn công an xin cắt hộ khẩu. Anh cảnh sát khu vực Thiết nhìn lá đơn rồi bảo hãy đợi sang năm, hỏi tại sao thì ảnh trả lời tại tui không đi họp thanh niên ở phường và thường xuyên tụ tập phá làng phá xóm, nghe mà như muốn khóc cho giấc mộng không thành. Chờ ảnh đi ra tui lẻo đẽo theo sau mở lời năn nỉ, ảnh nói về làm 50 tờ kiểm điểm rồi ảnh xét. Tui ghé mua quyển vở mới rồi viết 50 bản kiểm điểm những ngày mình phá làng phá xóm, ngày mai mang lên, anh Thiết chưa đọc đã bảo mang về, ảnh nói đi lao động thủy lợi Phú Ninh rồi năm sau cho đi học. Tui nào mơ lao động Phú Ninh, cho tui đi Trung Cấp Ăn Uống Hóc Môn cũng được, tui muốn đến và ở lại Sài Gòn.

Những ngày ấy không còn đi học nên tôi ra chợ đạp xe ba gác chở mía kiếm tiền, một hôm thả hàng xuống một xe mía thì thấy anh Thiết đang ở trong nhà bác Đông là hàng xóm của tui, chị bán mía cho tui biết ổng thích con gái bác Đông nên ngày nào cũng tới đó. Tối, Mẹ tui dẫn tui qua nhà bác cùng với 50 tờ kiểm điểm, nhờ bác Đông nộp giùm cho anh Thiết và cũng nhờ bác nói giúp một lời. Không biết bác Đông nói những gì mà tui đã cắt được hộ khẩu, ngày hôm sau mua vé đi liền sợ đêm dài lắm mộng.

Hải không có giấy báo nên lần này trở lại Sài Gòn tui đi chỉ một mình, mừng cho mình mà thương cho bạn đã không may. Vào trường quá sớm nên không biết tá túc về đâu, đang lẩn quẩn dưới hàng me tây thì gặp lại cố nhân Bình Lép, hắn đang ngồi ghế đá cắn ổ bánh mì dài thòn, Bình nhận ra tui là bạn của Hải gặp bữa đi thi, lấy tình đồng hương hắn bày tui vào trình bày với bác Phan Do Bân, bác ký giấy cho nhận bánh mì sớm và được ở tạm ở căn phòng sát bên phòng bảo vệ.

Và tui đã thành người Sài Gòn từ ngày ấy với hộ khẩu là 279 Nguyễn Tri Phương, phường 14 quận 10. Tui tập nói giọng miền nam và đi đứng đã có phần thay đổi, làm ông sinh viên to hơn trái núi chứ đâu phải chuyện giỡn chơi. Đó là lòng biết ơn sâu nặng ngôi trường đã cưu mang và cho tui bốn năm đẹp nhất của đời mình. Cũng cám ơn cuộc đời cùng tất cả bạn bè năm cũ, chuyến về thăm quê hương được Thông Khoa dẫn đi khắp đông tây, được gặp bạn cùng trường ôn cảnh cũ người xưa.

Trước ngày giã từ Sài Gòn, Thông ưu ái làm một đêm thơ nhạc ở ngay nhà bạn, tui sẽ kể bạn nghe về hạnh ngộ này.

 

Nguyễn Châu Trân,
Pot, 10c16.
(Đăng Facebook C16 ngày 23/02/2020)

Hình minh họa cho bài viết

20190512 1 

20190512 3

 

20190512 5

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Sáng tác Văn Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 11