Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 12 (bài cuối)

Chào các bạn, Thông xin chuyển đến các bạn bài cuối cùng của loạt bài "Bút ký Đất Phương Nam" Châu Trân (10C16) kể lại chuyến về thăm Miền Tây, Miền Đông và Sàigon tháng 5/2019.

Câu chuyện có nền là đêm thơ nhạc tại nhà Thông tiễn biệt vợ chồng Trân-Nga về Mỹ, Trân đã thả hồn về những tháng năm đầy kỷ niệm cùng bạn bè mà nếu không nói ra thì bao giờ mới nói?, bởi đó là những cảm xúc buồn vui đắt giá khó quên của một thời son trẻ.

Thân mến,
Trần Thông
--------------------------------------------------------------------

(Gửi các bạn đoạn cuối của chuyến đi)

Tháng 5, 2019.

Đêm Sài Gòn,

Tuổi 15 ra bến xe làm bốc vác kiếm tiền tiêu, ngày ngày va chạm với đám bảo kê biến tâm tính mình thành khô cằn khó dạy. Mẹ lo bắt về đi học, ngày vào Nam mẹ dặn biết bao điều nhưng kịp thả nó trôi nhanh theo tiếng còi tàu. Bốn năm Sài Gòn vẫn hoang đàng nhưng đời đã cưu mang, tâm hồn ướt dần qua những chiều nội trú, ân sũng ấy kết chặt trong lòng để ước nguyện thăm lại con đường cũ, Thông cùng các bạn đã cho tui thỏa nguyện với hai chuyến Đông và Tây du vô cùng quí giá, còn lại đêm nay - đêm Sài Gòn giã biệt.

Khoa đi chợ từ sớm mai và Thông đã sắp xếp thư phòng, bạn định dành cho tui một bữa tiệc hoành tráng nhưng tui xin một góc nhỏ nơi căn nhà ấm cúng này, một chút thinh lặng để nghe thơ và để bên bạn kể nhau nghe kỷ niệm một thời.

Nguyễn Hùng Sơn đón chuyến tàu đêm từ Nha Trang, hắn vẫn lùn như thủa ban đầu. Sơn Lùn của tui giờ tóc đã trắng nhiều, vẫn muôn đời đôi dép nhựa với áo trắng học trò bỏ ngoài thùng. Gặp nhau lần đầu vào một buổi sáng ngày 25/12/1978 tại trạm xe buýt đầu cầu Trương Minh Giảng, chuyến xe đi cọp về trường sau đêm Noel không ngủ đã kết nối tình thân, và từ đó bạn với tui là một phần đời. Tui mê Sơn từ một đêm trăng dưới cây sầu đông của ký túc xá 191 Lý Chính Thắng, Mưa bên chồng có làm em khóc”, bằng ngón guitar thiên phú bạn đã dìu tui vào âm nhạc của Vũ Thành An và Từ Công Phụng. Tui càng mê Sơn khi bạn đọc tui nghe trọn tiểu thuyết Bố Già bằng trí nhớ siêu phàm, Sơn tưới lên tâm hồn khô hạn của tui bằng suối nguồn cảm xúc, bạn đã lay động trong tui nhiều nét đẹp của đời mà chưa từng biết đến bao giờ.

Thành Đội cũng lên từ Mỹ Tho, người bạn rất đầu tiên tui gặp nơi sân trường đại học. Ngày ấy bạn lên Sài Gòn không hành trang ngoài bộ áo quần mặc ở trong người, nhà rất nghèo nhưng Thành ảnh hưởng tui cách sống lạc quan cho dù bạn vừa mất mối tình đầu. Mối tình học trò ấy có con đường từ trung học Nguyễn Đình Chiểu qua đón em ở Lê Ngọc Hân, đôi nhân tình đi ngang qua nhà thờ Chính Tòa cả mươi lần rồi đêm cuối cùng chia tay ở đó. Tui đã yêu Mỹ Tho qua mối tình bạn kể, và chuyến đi này tui đã được thả bước chân trên con đường bạn đã từng đi. Qua Thành Đội, tui còn được yêu biết thêm về văn hoá vùng sông nước và cũng bắt đầu mê cải lương, nhất là khi Thành ca đoạn Áo Vũ Cơ Hàn đưa Cát Mộng Thùy Dương ra hoang đảo, tui yêu Thành nên yêu hết những gì thuộc về Nam bộ.

Mười Long An và Chung Nghĩa Nhỏ cũng là hai bạn khá thân của tui nhưng Thông nói “ vai vế của hai thằng ni đêm nay là đại diện c16 đến tiển vợ chồng mi về lại Hoa Kỳ, thật là hân hạnh. Tiệc bắt đầu bằng bài thơ “Đổ quán”, chàng nghệ sỹ Thông mời đến ngâm thơ giúp vui đã thả hết lòng mình cho mối tình si của thi nhân Bùi Giáng: “Thưa em từ bữa lạc đàng/Đầu hai thứ tóc gió ngàn thổi tung/..”, lời thơ là lời gợi ý cho đêm say này khi đầu hai thứ tóc lạc về dĩ vãng.

Trong cơn men, Mười gọi facetime cho Đặng Thu Anh Minh ở Vương Quốc Bỉ để bạn bè xem lại dung nhan, chớp nhoáng trong video nghe hắn chửi thề vì không được nâng ly. Giọng nói của Minh Lát vẫn giòn như thời đi học, chỉ có đầu đã hói hết phân nửa, hắn đổ thừa cho bụi thời gian. Xong 1.75 lít của chai rượu mạnh Taquila, Thông khui chai mới whiskey, Sơn Lùn nhấp một sót lấy giọng cho bài “Main Dans La Main” của Chirstophe, bài nhạc Pháp hắn thường rên rỉ giữa sân trường lúc đêm về. Sơn chơi tiếp “Ngày xưa Hoàng Thị” và tất cả cùng hát theo đoạn cuối cùng, “Ai mang bụi đỏ đi rồi ”.

Thông nhắc đến ngày hoàng thị của mình, có cô sinh viên c17 đi qua cổng mỗi ngày nhưng hổng chịu chàng bảo vệ, vậy mà phút ngu ngơ từ một lá thư tình mà dính câu, nên duyên chồng vợ, thư của Thông ắt hẳn phải là những áng tuyệt vời của lời ong bướm. Lá thư của Thông cũng làm nhớ lại một cánh thư tình khác gửi từ Đà Nẳng tới Minh Lát. Em đã đến lúc nghĩ đến tương lai, còn anh thì thuốc lá vàng vẫn đang bám đầy phổi., lời chia tay ray rứt một cuối chiều nơi quán chị Ba. Minh buồn kêu bạn bè ra quán mà chia nổi sầu, tưởng hắn đãi ai ngờ lại bắt bạn bè trả tiền cà phê vì cho đọc bức thư tình. Thương bạn đang ôm sầu nhưng Thành Đội không đồng ý trả tiền, Thành phán tình yêu phải tốn tiền dù hạnh phúc hay khổ đau. Vết thương chớm phai nhanh, Minh đang theo đuổi một bóng hình mới, một cô gái Sài Gòn rất đẹp lớp 12c16 tên Trần Tiễn Như Ân. Tui biết vậy vì có một đêm tui theo Minh đến nhà nàng, ngôi nhà sang trọng với cổng kín tường cao có làm tui khớp, cũng may mà nàng lịch sự tiếp chuyện vui vẻ với hai tên mê gái. Lúc ra về Minh run run lí nhí trong miệng nói với nàng câu gì nghe chẳng rõ, lúc ra quán ngồi mới hay hắn mượn tiền nàng để uống cà phê, cả đời tui chưa thấy ai tán gái lạ kỳ như Minh Lát, dĩ nhiên là sự chinh phục đã không thành.

Nói đến chuyện trai gái ngày ấy, thì ai cũng nhớ đến Nguyễn Xuân Tiễn của lớp 07/c16, người xấu trai nhất của xã Ninh Ích - huyện Ninh Hòa – tỉnh Phú Khánh. Mũi hếch và ăn nói ba trợn, vậy mà c16 mới dọn vào ktx 191 Lý Chính Thắng một tuần thì Tiễn Lẫu đã kẹp được em Thủy làm kế toán ở Trạm Thú Y, số nhà 193 ở kế bên. Thủy mê hắn ở chỗ nào không biết mà cứ mang cốc ổi qua cho hắn, nhìn thấy bạn được nên tui cũng mơ nhờ hắn bày cách tán gái, hắn hứa để hắn tính. Một chiều nội trú, hắn biểu tui leo lên cây trứng cá rồi dõi mắt qua Trạm Thú Y, tui leo lên thấy Thủy đang đứng ngoài sân cạnh một cô gái rất xinh, đôi qua vài trái trứng cá làm quen và Thuỷ giới thiệu tui với cô gái ấy. Hồng đang là thuyết minh viên của hội chợ thành phố đại diện cho Sở Nông Nghiệp, nhìn nàng cao đẹp quí phái quá nên tui nhìn thấy đã run. Thủy dàn xếp một buổi cà phê ở Hồ Con Rùa, Tiễn chở Thủy còn tui được chở Hồng. Theo lời dặn của Tiễn, tui đóng vai công tử con nhà giàu đất Quảng và đang là sinh viên học giỏi toàn trường. Tại bàn cà phê tui cố gắng ba hoa chích chòe những đã không thành vai, điều đó được hiểu ra khi chở về đưa tay nắm tay Hồng đã không cho. Theo bài Tiễn Lẫu, tới đường Bà Huyện Thanh Quan tui xuống xe nói với Hồng đi bộ một đoạn, nàng đồng ý sau một chút ngập ngừng. Tiếp tục theo lời Tiễn dạy, tui bấm gan chồm qua định hôn lên má thì Hồng bỗng đỏ mặt và đạp xe đi thẳng một hơi, thả tui đứng giữa trời tuyệt vọng. Tiễn chưa chịu thua, ngày hôm sau hắn chở tui lên hội chợ quận 1 thăm Hồng, nàng lịch sự bắt một cái ghế mời tui ngồi rồi đi đâu đó. Tui ngồi nguyên ba tiếng đồng hồ đến lúc hội chợ đóng cửa, người lao công đến dọn hành lang. Trong cơn buồn phiền thì Tiễn chạy vào hối tui lên xe, hắn đạp nhanh trên đường Hồng Thập Tự đuổi theo Hồng. Thì ra hắn chờ ở ngoài đường thấy Hồng đạp xe ra nên quyết định đuổi theo, tui hỏi để làm gì hắn bảo bắt Hồng xin lỗi. Đến Văn Thánh, lúc Hồng quẹo vô hẻm về nhà thì chúng tôi đuổi kịp, nàng dừng xe lại và tui đã hơi lớn tiếng với nàng, làm sao có thể để một chàng công tử nhà giàu học giỏi như tui bị bỏ ngồi trên ghế suốt một buổi chiều. Ngay sau đó, tui đã hối hận vì đã la lối người ta, con gái có quyền của họ, tui và quân sư Tiễn Lẫu của tui chỉ là người thua cuộc.

Đối với Thủy, Tiễn cũng đóng vai con nhà giàu học giỏi nhưng thực tế là rất làm biếng đến trường, bỏ học quên thi liền trong hai năm nên hắn ra trường sớm, Tiễn về quê và chúng tôi có một lần ra thăm. Dù hết làm ông sinh viên xuất sắc nhưng nghề tán gái của Tiễn còn rất bén, một ngày nọ đi uống cà phê ở quán Chiều Tím hắn làm quen với hai cô gái Nha Trang đang học ĐH Hải Sản, nhân tiện ngày mai về Ninh Hòa nên hắn rủ hai cô về quê hắn thăm vườn trái cây và hai nàng nhận lời. Từ ga Ninh Hòa đi bộ về nhà hắn phải mất ba cây số, theo con đường làng tui với Thành Đội đi trước với một cô, còn cô sinh viên kia đi sau với Tiễn. Nói chuyện râm vui một lát rồi nhìn lại không thấy hai người ở đâu nên chúng tôi quay lại tìm, kêu tên thì nghe hắn ờ lại từ một ngôi miếu hoang, đến nơi được nghe cô gái phân trần ảnh nói ghé thăm nhà ông ngoại của ảnh mà sao em thấy trong đó hình ảnh thần linh nhiều quá nên không dám vào.”, hết mệt cả năm đứa đi tiếp nhưng lần này không đi tách rời, tui đoán cô gái sợ gặp một chỗ giống như vậy hắn lại bảo ghé nhà ông nội, tui biết tính bạn mình thấy con gái thì hay tính chuyện hôn càng. Ở quê vài tháng, Tiễn vào lại Sài Gòn tham gia dịch vụ mua phiếu IMEX, mấy năm sau thì sang định cư ở Mỹ. Ngày được tin Tiễn tui mừng ghê lắm, lái xe 7 tiếng đồng hồ lên Sacramento thăm nó đúng vào tết tây 01/01/1993, Thùy Nhiên làm một nổi lẩu cá lóc cay kiểu quê chồng, tất cả đã đổi thay với cả hai người. Cậu sinh viên hoang đàng Nguyễn Xuân Tiễn bây giờ ngoan đạo, một giờ đêm đi bỏ báo đến sáng mới về đưa con đi học, cô gái mê nhảy đầm Thùy Nhiên năm xưa bây giờ chuyên cần làm nail ở tiệm gần nhà sáu ngày một tuần, bạn tui đã vào khuôn nếp và thực sự sống trong hạnh phúc gia đình. Buổi sáng cu Cường không chịu đi học, ba nó la “Thằng cha ngày xưa trốn học, giờ thằng con phải đi học thế” , Tiễn đã không còn “Lẫu” nữa, hắn đã bình yên sau thời tuổi trẻ.

Tán dóc chuyện Tiễn Lẫu rồi lan qua chuyện hái xoài xanh, chuyện bắt ểnh ương nhậu, và những chuyện của 191 Lý Chính Thắng kể hoài không dứt, tạm dừng đôi lát vì bạn của Thông khuya quá phải về, chàng thi sĩ ngâm thêm một bài thơ của Quang Dzũng thay lời tạm biệt: Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai. Bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây” này nghe lần đầu ở sân trường đại học, không phải ngâm mà là đọc, hỏi trong bàn nhậu nhớ thử người đọc ấy là ai, cả Sơn Lùn và Thành Đội đều đồng thanh “Dơi Đoãng”.

Đúng vậy, là Võ Văn Đãng, người bạn lớp 09/c16 có phong cách lãng đãng như tên hắn cha mẹ đặt cho. Đãng hình như học phổ thông ở Trần Quốc Tuấn Quảng Ngãi, tui nói “hình như” vì hắn không thích nhắc đến cội nguồn. Tết 1980, ngồi sát nhau trên chuyến xe đò đưa sinh viên về Trung, Đãng dặn tui khi nào đến Qui Nhơn thì gọi hắn dậy, nhà của hắn ở đó. Xe ghé Phú Tài là ngã ba vào Qui Nhơn, nghe lời hắn dặn tui vỗ vai đánh thức ba lần nhưng Dơi Đãng vẫn ngủ mê như người say thuốc. Đến Quảng Ngãi hắn giật mình thức dậy hỏi tới đâu rồi, rồi hắn la tui sao không kêu hắn lúc còn ở Qui Nhơn. Bị la nên tui bực mình la lại Xuống xe về nhà đi Đãng, tao đẻ ra ở đất này nên đâu có lạ chi cái giọng đường phổi của mày”, và hắn đã xuống Quảng Ngãi về ăn tết cùng gia đình. Hắn làm chi ở quê không biết mà nửa tháng sau mới trở lại trường, gặp hắn tui chọc quê “ Ăn tết Qui Nhơn có vui không?” Đãng nói “ Ông già hỏi: “học hành thế nào, nghe nói vào trong đó chỉ có đi chơi?, Đãng nói tao buồn nên chỉ trả lời: “xin lỗi, không có ông mặt trời vẫn mọc", rồi xách gói lên đường, khi đi không quên lấy bà già ít tiền lộ phí.

Đãng ít khi vào lớp, chỉ riêng môn Kinh Tế Chính Trị của thầy Thạch thì hắn luôn có mặt, có phải vì nhớ quê nên đến để nghe giọng Quảng Ngãi của thầy. Nơi góc giảng đường A này hắn tự ví mình là một loài dơi thức đêm ngủ ngày, tên Dơi Đãng bắt đầu từ đó. Đãng rất giỏi Anh văn và có nhiều kiến thức về văn học, nó thuộc làu thơ Đinh Hùng và có thể diễn nghĩa từng câu chữ của thi hào Bùi Giáng. Không ít thì nhiều, nhờ Dơi Đãng tui bắt đầu ngộ ra sự quyến rủ của văn chương, tui quí tài năng của Đãng nhưng không dám chơi thân, hắn cực đoan trong thương và ghét. Bạn thì hắn gọi là phương phi “Mũi cao mấy trượng, trán rộng mấy sào, tai thính chuột kêu Gò Vấp cũng nghe, thấy người nào đi ngang mà hắn không ưa thì “ Nhìn tướng mạo lòng tui không sao tránh khỏi bực mình. Năm thứ hai Đãng bị nợ một môn, ai đó nhắn cho nó là phải vào trường thi môn tới chứ không thì sẽ lưu ban, và hắn đã tới để thi hết môn Địa Lý Kinh Tế. Đề thi nói về về việc kết hợp vận chuyển đường sông ở mỏ than Quảng Ninh, trong phòng thi hắn nháy mắt cho tui và tui ra số hiệu bằng ngón tay là trang 87, hắn liền mở sách tìm. Tưởng là trúng tủ, ai dè ra khỏi phòng thi là hắn chửi “Mầy hại tao, Trang 87 đâu có mỏ than mỏ đá nào đâu!.”, tui biểu hắn mở sách ra xem lại thì hởi ôi hắn mang vào phòng thi quyển “ Sử Địa 12 ban AB của giáo sư Vĩnh Để”, quyển sách này đâu có ăn nhập gì với môn thi Địa Lý Kinh Tế mà hắn đã thi. Rớt môn này Đãng rời trường sớm không biết về đâu, nghe Thông nói hắn định cư ở San Francisco và có lần về về ghé thăm trường nhưng không để lại số phone, tui cũng ở Cali nhưng giờ không biết tìm Dơi nơi đâu.

Thông khui thêm chai cognac và Mười nhắc lại chuyện IMEX, ngày đó là chỗ buôn bán thùng hàng nước ngoài gửi về. IMEX nằm ở đường Nguyễn Huệ, sinh viên Tài Chính lang thang ngoài đó có năm mạng, ngoài Mười còn có Tiễn Lẫu, Hiệp Máu Me (Nguyễn Tăng Hiệp lớp 22c14), Hải Sàng (Nguyễn Đức Hải lớp 10c15), và Tám Lát là sinh viên ăn theo không có lớp. Tám Lát, chắc nhiều bạn nữ sinh viên nội trú còn nhớ, nếu có quên thì câu chuyện vẫn còn đây.

Một buổi sáng tui ra quán Thúy đối diện trường uống cà phê, vừa ngồi xuống bàn thì nghe góc bên kia vang lên một giọng Quảng Nôm đặc sệt, một người đang thao thao với Thúy là đã học xong Đông Phương Văn Học ở Huế giờ vào đây tiếp tục bằng Văn Học Tây Phương, tui nhìn sang thấy ai như Tám Lát, nhìn kỷ thấy dấu sẹo dài dưới trán thì chắc ngay là hắn, mối hận ngày xưa lấy tiền bảo kê ở Bến Xe Đà Nẳng tui dễ nào quên, chỉ lạ lùng là một tay anh chị giang hồ ở quê sao lại có mặt ở quán cà phê sinh viên này. Thêm ngạc nhiên, lúc vào ăn trưa trong trường thì thấy hắn cũng ngồi có chén muỗng đàng hoàng, tui quyết định bước qua chào. Hỏi thăm ra mới biết hắn bà con với Minh Bamboo (Minh Bu lớp 09c16, có tên Bamboo vì tóc cứng như rể tre) và xin ở ké ký túc xá tạm vài tuần. Tám Lát cũng nhận ra tui ngày xưa bốc vác chở mía bến xe, hắn nói nhỏ với tui là tên Tám Lát đã chết và từ nay hãy gọi hắn là Trần Vũ. Thiệt vậy, tên Tám Lát đã chết để sinh viên không lớp Trần Vũ trở thành gương mặt thân quen của 279 Nguyễn Tri Phương. Ban ngày đi đâu không biết, mà đêm về độ 9 giờ thì Vũ ra ngồi giữa sân sau và cất tiếng hát, giọng hắn cao ngân vang lên tận các tầng lầu, có nhiều sinh viên nữ lầu 3 ra lan can nghe Vũ hát. Tui cũng là fan, nhất là khi hắn hát bài Mộng Du của Phạm Duy: “Đêm Đêm người mở lòng ra/Ôm ta trong cõi mơ hồ/Giã từ đời bằng hơi gió/Hóa hồn theo cánh mây xa” . Trời cho giọng hát để hắn trở thành sinh viên Tài Chính, nhiều người biết hắn là sinh viên ăn theo nhưng không ai lên tiếng buồn phiền.

Tám Lát tức sinh viên Trần Vũ ở trong trường một vài tháng rồi đi đâu mất biệt, tui cũng chẳng buồn hỏi thăm vì không mấy thân thiết. Một hôm tui ra ngoài IMEX chơi, không thấy Hiệp, Mười, Tiễn, hay Hải đâu hết, buồn định đi về thì gặp Tám Lát đang đứng trước rạp Rex với quần kaki trắng, áo sơ mi trắng và đôi giày ba ta cũng trắng, người trắng sạch bong đến nổi tui không thể tin vào mắt mình, du đãng Tám Lát năm nào đã chết thiệt rồi sao?. Trần Vũ bây giờ là chuyên viên bốc vác kiêm giao nhận hàng IMEX, hắn cười khề khề: Tao bây giờ chỉ làm hàng sang, xà phòng Camay, quần jean Levis, và thuốc ngoại Peniciline không hà, người phải trắng cho hợp với nghề. Vũ rút ra một điếu thơm Samit hai đứa hút chung rồi rủ tui đi bộ tới một thẩm mỹ viện ở đường Lê Lợi để giao thuốc tây, một em chân dài đẹp như tài tử gặp hắn nói chuyện như người cùng đẳng cấp, tui sửng sờ nhìn người đẹp và cũng sửng sờ khi biết Tám của tui đã mất gốc, giọng Quảng Nôm của hắn cũng đã chết, bây giờ Trần Vũ nói chuyện nghe đúng giọng Sè Ghềnh. Giao thuốc xong hắn ghé mua một gói bồ đà rồi dẫn tui lên lầu Givral nghe nhạc Lopos, quán cà phê này nổi tiếng cả Đông Nam Á và hắn đã dẫn tui vô. Vũ hát theo từng lời tiếng Anh của Lopos mà tui không biết hắn học từ đâu, thằng con bà bán nước chè ở chợ Mai Tam Kỳ năm xưa đã không theo con đường của mẹ.

Cà phê xong Vũ rủ về nhà hắn chơi, tui nghi ngờ: có thiệt nhà hông cha nội?, hắn hát một lời kinh “Ai qua là bao chốn xa, thấy vui đâu cho bằng mái nhà rồi đạp xe đi, hắn chở tui về hướng Bà Quẹo. Ngang chợ Tân Định, Vũ dừng lại mua một bịch kẹo mè và hai trái xoài, tui đoán là hắn mua quà cho một khách hàng nào đó. Đi quanh co trong xóm Bà Quẹo đến một ao rau muống thì đến một căn nhà gỗ xềnh xoàng nằm sát bên ao, thấy Vũ ba bốn đứa trẻ chạy ra mừng rở “ Anh Hai về, anh Hai về, Vũ xoa đầu nói anh Châu Trân, bạn anh mua kẹo cho mấy em đây, tui phát kẹo cho sắp nhỏ mà thấy mình vừa học một điều mới lạ. Vũ vào nhà, đặt hai trái xoài trên bàn thờ rồi nói vọng ra sau “Mẹ ơi, để con tắm heo cho, có bạn con đến chơi ăn cơm luôn nghen., tui xuống dưới bếp chào bác gái rồi theo Vũ ra sau chơi vừa tắm heo vừa nói chuyện. Hắn không kể chi tiết chỉ nói mẹ nuôi thương hắn như con ruột và gọi hắn là Hai. Một bữa cơm tối khá nghèo nhưng đầy hơi ấm gia đình, Vũ gắp cá cho mẹ và hỏi thăm mấy em chuyện học hành, có đứa nói được điểm 10 có đưa xin tập vở, Vũ gật đầu với các em trong hạnh phúc anh Hai.

Xong cơm tối Vũ chở tui về trường cũng trên đường đi thăm đứa em nuôi của hắn. Mẹ nuôi chuẩn bị một lon gi gô đồ ăn rồi hắn xách đi, hai đứa vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thằng em nuôi của Vũ vừa về từ chiến trường K, em chỉ còn có một chân. Chờ em ăn xong, hắn lấy lon gi gô rồi nói “Mai anh Hai vô, mang thêm rau muống cho mầy ăn, ăn rau muống vậy chớ nhiều chất sắt giúp vết thương mau lành”. Không biết hắn học ở mô mà biết rau muống có nhiều chất sắt, và học từ đâu để được sống một gia đình.

Biền biệt cả năm, một buổi chiều Trần Vũ bất ngờ xuất hiện sân trường Tài Chính, hắn xuống nhà bếp chào chị Năm, qua bên kia thăm bác Trọng, bắt tay từng người bạn từng quen biết, rồi đột nhiên nó đứng lại giữa hành lang giảng đường mà nói: “Nơi đây đã nuôi dưỡng Trần Vũ ba tháng đầu vào đất Sài Gòn, xin nhận một lời cám ơn, suốt đời không quên.”. Xa Vũ từ ngày ấy, mỗi khi trở lại Sài Gòn tui ra đường Nguyễn Huệ, dõi mắt tìm và âm thầm gọi tên người bạn cũ, người bạn sinh viên chưa một lần bước đến giảng đường.

Thông muốn khui thêm chai rượu nữa nhưng Khoa cản vì tất cả đã say mềm, đã mấy chục năm có lẽ chưa bao giờ uống nhiều như vậy, choàng vai khập khểnh tiễn đưa nhau, một đêm thơ và của một đêm sinh viên Đại Học Tài Chính. Kỷ niệm của bạn bè tâm sự ở trên có chút riêng tư nhưng tui mạo muội ghi xuống cho lời, chuyện của bạn như chuyện của mình, tụi sợ bỏ quên đi bởi nó quá đẹp.

Đã trọn một chuyến đi, ghi trọn một cuộc tình của bốn năm đại học, bo bo và giảng đường, sách vở và những mùa thi. Đã qua rồi một thời để nhớ, nếu bạn có quay lại 279 Nguyễn Tri Phương hãy lượm giùm tui một trái me tây, đừng ép vào vở mà hãy ấp nó vào tim, bạn sẽ thấy lòng mình ấm lại vì đó là một khoảnh đời của bạn, của tui.

Tạm biệt Thông Khoa và các bạn, đã quá ân cần với Trân và Nga trong suốt chuyến đi này, một lời tri ân rất tận đáy lòng.

 

Nguyễn Châu Trân 10c16.
(Đăng Facebook C16 25/03/2020)
 
Hình đi theo bài:
 
20190517 1 
 
20190517 2
 
 
20190517 3
 
20190517 4

 

Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận!

Bạn đang ở trang: Trang chủ Sáng tác Văn Bút ký Đất Phương Nam - Châu Trân 10C16 - Bài 12 (bài cuối)